Bài viết của Trịnh Hải Sơn, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 06-03-2017] Cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc trở thành tiêu điểm và được đưa ra phân tích một cách rất tỉ mỉ trong một báo cáo mới đây nhất của Freedom House. 22 trang của bản báo cáo dài 142 trang này tập trung vào việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng có quy mô rất lớn này.

Báo cáo trích dẫn nhận định của André Laliberté, một học giả hàng đầu thuộc trường Đại học Ottawa nghiên cứu về vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc: “không lâu sau Đại Cách mạng Văn hóa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khởi xướng một cuộc đàn áp tôn giáo tàn bạo nhất trong lịch sử nhằm vào Pháp Luân Công,”

Ngày 28 tháng 2 năm 2017, tổ chức Freedom House đã cho ban hành báo cáo với tiêu đề “Cuộc chiến vì Tinh thần Trung Hoa,”. Trong buổi sáng cùng ngày hôm đó, ông Carolyn Bartholomew, chủ tịch Ủy ban Giám sát An ninh và Kinh tế Hoa kỳ – Trung Quốc đã chủ trì một cuộc họp báo. Được thành lập vào năm 1941, Freedom House là một tổ chức phi chính phủ đươc chính phủ Hoa Kỳ tài trợ với sứ mệnh “lên tiếng vì dân chủ và tự do trên toàn thế giới.”

Bản đầy đủ cũng như bản tóm tắt sơ lược dài 40 trang của báo cáo này có thể được tải miễn phí từ cổng thông tin điện tử của tổ chức Freedom House. Báo cáo này được xem là một trong những báo cáo toàn diện nhất do một tổ chức nhân quyền lớn ban hành hành.

2017-3-5-freedom-house_01--ss.jpg

Báo cáo “Cuộc chiến vì Tinh thần Trung Hoa” được tổ chức Freedom House công bố ngày 28 tháng 2 năm 2017, với một phần gồm 22 trang nói về Pháp Luân Công với 118 tài liệu tham khảo của bên thứ ba.

Mười bảy năm bị cấm đoán

Mở đầu với hình ảnh luyện công tập thể được đăng tải trên báo điện tử Minh Huệ, báo cáo có nhắc lại về sự phổ biến của Pháp Luân Công trong những năm 1990, cũng như mối liên hệ mật thiết giữa các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công với văn Trung Hoa truyền thống. Báo cáo có viết: “Vào khoảng những năm 1990, đông đảo người dân Trung Quốc thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó gồm có cả các đảng viên của ĐCSTQ cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công,”

Tuy nhiên, vào năm 1999, Giang Trạch Dân, lúc bấy giờ là Tổng Bí thư ĐCSTQ kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc, đã quyết định cấm Pháp Luân Công. “…một khi Giang đã chuyên quyền ban hành lệnh cấm Pháp Luân Công phi pháp, và ý chí của ông ta được áp đặt lên các Ủy viên Thường vụ khác của Bộ Chính trị, thì hầu như sẽ không có bất cứ rào cản nào về mặt thể chế và pháp lý cho những hành động diễn ra sau này.” phòng 610 cũng được thành lập để thúc đẩy việc đàn áp và sách nhiễu trên toàn quốc.

Mặc dù trải qua 17 năm bị cấm đoán, ngày nay ở Trung Quốc vẫn có hàng chục triệu người tu luyện Pháp Luân Công.

Hai diễn biến mới

Báo cáo đã đi vào phân tích hai diễn biến mới liên quan tới cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Một trong số đó là việc áp dụng những hình phạt khắc nghiệt đối với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ theo Điều 300 của Bộ luật Hình sự. Theo báo cáo, từ giữa tháng 1 năm 2013 đến tháng 6 năm 2016, có ít nhất 933 học viên đã bị tống giam. “…Tháng 4 năm 2016, học viên Cao Nhất Hỉ, 45 tuổi, đã chết trong khi bị cảnh sát giam giữ, chỉ 10 ngày sau khi anh và vợ mình bị đưa ra khỏi nhà vì bị nghi ngờ tu luyện Pháp Luân Công.” Bên cạnh đó, các học viên cũng bị giam cầm tại “Các trung tâm giáo dục luật pháp” ngoài vòng pháp luật, “các nhà tù ngầm,” và các trung tâm giam giữ trước khi bị đưa ra xét xử. Nhiều người trong số họ đã bị kết án tù.

Một diễn biến khác được đề cập trong báo cáo là việc đàn áp các luật sư nhân quyền đứng ra bảo vệ các học viên Pháp Luân Công. Ví dụ, “Tháng 7 năm 2015, cơ quan an ninh của Trung Quốc đã tấn công bạo lực một nhóm các luật sư nhân quyền của đất nước này và rộng hơn là phong trào “bảo vệ quyền lợi”, bắt giam hơn 300 luật sư và trợ lý của họ.”

Mặt khác, báo cáo cũng cung cấp các bằng chứng rạn nứt trong nội bộ của hệ thống đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Báo cáo cung cấp thông tin về những nhân vật chủ chốt của cuộc đàn áp bị thanh trừng, những nỗ lực của học viên Pháp Luân Công trong hơn một thập kỷ qua ngõ hầu vạch trần cuộc đàn áp cho thế giới biết, và một số vấn đề khác. Thực tế là, sau khi Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc nới lỏng các thủ tục tố tụng hình sự trong tháng 5 năm 2015, các học viên Pháp Luân Công trong và ngoài Trung Quốc Đại lục đã đệ trình một lượng lớn đơn thư khởi tố hình sự Giang Trạch Dân, bắt ông ta phải chịu trách nhiệm cho tội ác do mình gây ra.

Đàn áp diễn ra khắp nơi

Ngoài việc giam giữ, bỏ tù và tra tấn, những quan chức chính quyền của ĐCSTQ đã sử dụng nhiều phương thức và kỹ thuật khác nhau để ngược đãi và hành hạ các học viên Pháp Luân Công. Ví dụ như giám sát qua thiết bị điện tử. “Các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ vì để lại dấu vết các bản ghi như thư thoại, tin nhắn trên chương trình WeChat hoặc QQ, hay đột phá kiểm duyệt để truy cập vào các trang web bị cấm.”

Ép các học viên Pháp Luân Công phải từ bỏ đức tin của mình cũng là một trong những chiến lược mà giới chức trách áp dụng nhằm “tiêu diệt” Pháp Luân Công. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) năm 2008, việc này được thực hiện thông qua hình thức “chuyển hóa,” “một quá trình cải tạo tư tưởng, theo đó các học viên phải chịu đựng nhiều phương thức bức hại cả thể chất và tâm lý cho tới khi họ từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công.”

Để kiểm soát luồng thông tin, giới chức trách Trung Quốc đã tuyệt đối cấm sử dụng các thuật ngữ liên quan tới Pháp Luân Công trên mạng Internet, trừng phạt những hành vi truyền tải thông tin về Pháp Luân Công qua mạng cũng như ngoài xã hội, đồng thời tịch thu tất cả các tài liệu đã được in ấn. Hơn nữa, giới chức trách nước này còn áp dụng nhiều chiến thuật khác để đe dọa những người ủng hộ và giúp đỡ các học viên Pháp Luân Công.

Bài báo có viết: “Các phương thức bức hại này, cùng với nhau, đã xâm nhập vào mọi ngóc ngách trong đời sống và xã hội – như trường học, công sở, siêu thị, trạm giao thông công cộng, cơ quan đăng ký hộ chiếu và hộ khẩu, máy tính cá nhân và điện thoại thông minh,”

Rất nhiều nguồn lực được sử dụng để duy trì cuộc đàn áp Pháp Luân Công. “…ngân sách ước tính hàng năm cho tất cả các chi nhánh của Phòng 610 trên toàn quốc là 879 triệu Nhân dân tệ (tương đương với 135 triệu Đô la Mỹ). Và đây chỉ là một phần trong bộ máy “Đảng và Nhà nước” tham gia đàn áp Pháp Luân Công.

Thu hoạch tạng cưỡng bức

Dưới tác động của bối cảnh tuyên truyền giả dối phi nhân tính, những bắt bớ giam cầm ngoài vòng pháp luật, cũng như các động cơ về lợi ích kinh tế, cuộc bức hại đã leo thang thành một hình thức mới – đó là giết hại các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ để lấy nội tạng của họ bán nhằm mục đích kiếm lời. Sau khi tham khảo những bằng chứng từ các nhà điều tra độc lập, các bác sỹ,vcác nhân viên bệnh viện, cũng như các học viên đã được trả tự do, tổ chức Freedom House “đã phát hiện ra những chứng cứ đáng tin cậy khẳng định rằng, vào đầu những năm 2000, các học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng trên một quy mô lớn.”

Hành động tàn ác này vẫn còn tiếp diễn. Dựa theo báo cáo kết quả điều tra năm 2016 của ông David Kilgour, ông Ethan Gutmann, và ông David Matas, “… những dữ liệu công khai về số ca cấy ghép tạng được thực hiện tại các bệnh viện ở Trung Quốc cho thấy rằng, quy mô các ca cấy ghép này cao hơn rất nhiều lần so với số lượng 10.000 ca cấy ghép mỗi năm mà giới chức trách Trung Quốc công bố.” Điều này nhấn mạnh mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng đối với các học viên Pháp Luân Công và những tù nhân lương tâm khác.

Con đường phía trước

Báo cáo cũng chỉ ra rằng: “Thực tế đơn giản, thật ấn tượng khi Pháp Luân Công vẫn tồn tại sau cuộc bức hại tàn khốc của ĐCSTQ, và đây cũng chính là thất bại của bộ máy đàn áp của ĐCSTQ,”

Thông qua những nỗ lực kiên định và an hòa trong việc nâng cao nhận thức và phản bức hại của các học viên Pháp Luân Công, rất nhiều người đã lựa chọn ủng hộ các học viên. Trích lời nhận xét của một luật sư nhân quyền người Trung Quốc năm 2013: “Các lệnh bắt giữ vẫn tiếp tục được áp từ cấp trên xuống, nhưng đôi khi, phòng An ninh ở các địa phương từ chối thực hiện chúng với lý do rằng, các học viên chỉ đơn giản là luyện tập cho khỏe mạnh mà thôi.”

Sau khi khi Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc được lần lượt công bố năm 2004, nhiều người cố gắng rút tên khỏi ĐCSTQ. Bản báo cáo cũng đề cập rằng: “Tính đến tháng 11 năm 2016, trang thông tin điện tử ở nước ngoài theo dõi phong trào thoái đảng (tuidang) tuyên bố rằng, hiện đã có hơn 255 triệu người ở trong và ngoài nước Trung Quốc Đại lục đã làm đơn thoái đảng,”

Báo cáo có đưa ra kết luận rằng: “Tuy nhiên, chừng nào chính sách bức hại vẫn còn hiệu lực, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại lục vẫn còn bị giam cầm, bỏ tù, tra tấn và thỉnh thoảng vẫn bị giết chết trong cái gọi là chiến dịch bức hại tôn giáo khổng lồ này.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/3/6/343924.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/3/8/162431.html
Đăng ngày 14-3-2017; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lại để sát hơn với nguyên bản.

Share