Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 23-10-2016] Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc vẫn không suy giảm trong dịp Tết Trung Thu năm 2016 (ngày 15 tháng 9).

Là một tháng cho gia đình đoàn tụ vui vẻ đối với hầu hết mọi người, nhưng tháng 9 lại ghi nhận thêm 839 trường hợp công dân vô tội trở thành mục tiêu bị bức hại vì đức tin vào Pháp Luân Công, trong đó có 690 trường hợp bị bắt giữ và 149 trường hợp bị sách nhiễu. Phần lớn các trường hợp này diễn ra trong tháng 9, trong khi các trường hợp còn lại xảy ra hồi đầu năm 2016.

Do kiểm duyệt thông tin của chính quyền cộng sản, việc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc luôn không thể được báo cáo kịp thời.

Hai thân nhân của các học viên trong số 690 học viên bị bắt giữ cũng bị bắt giam, bao gồm một bé trai sáu tuổi và một người đàn ông không tu luyện Pháp Luân Công. Chồng của một học viên bị bắt vào tháng 8 năm 2016 đã bị chấn thương tâm lý nặng và qua đời vào tháng 9.

Khoảng hai phần ba số người bị bắt giữ hiện vẫn bị giam tại thời điểm viết bài, trong đó có 42 học viên chính thức bị bắt giữ và phải đối mặt với việc bị truy tố vì đức tin của mình.

Một học viên trong số 149 học viên bị sách nhiễu đã qua đời vài ngày sau khi bà nhận được một cuộc điện thoại đe dọa từ cảnh sát.

Nhà của nhiều học viên bị bắt giữ hay sách nhiễu đã bị lục soát, các đồ vật có giá trị bị lấy đi. Cảnh sát đã tịch thu tổng cộng 316.330 nhân dân tệ tiền mặt từ 21 học viên.

Các học viên trở thành mục tiêu bị bức hại trên khắp Trung Quốc

Các học viên bị bắt giữ đến từ 27 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương trên khắp Trung Quốc. Tỉnh Cát Lâm đứng đầu danh sách với 98 học viên bị bắt giữ, theo sau là tỉnh Sơn Đông (95), Tứ Xuyên (57) và Liêu Ninh (54). Mười ba tỉnh khác ghi nhận hàng chục vụ bắt giữ và 10 tỉnh còn lại ít hơn 10 vụ.

Bảy trường hợp qua đời

Ngoài hai ca tử vong nói trên phát sinh từ những trường hợp mới được báo cáo, có thêm năm trường hợp qua đời liên quan đến các học viên bị bắt giữ trong năm 2015 hoặc trước đó cũng được báo cáo trong tháng 9.

Một phụ nữ ở Cam Túc qua đời sau khi bị sách nhiễu

Bà Tiêu Quế Anh, 68 tuổi, là một cư dân ở quận Vĩnh Xương, tỉnh Cam Túc. Bà đã liên tục bị sách nhiễu kể từ năm ngoái khi bà đệ đơn kiện hình sự cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân vì phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999.

Gần đây nhất, cảnh sát lại gọi điện đe dọa bà vào tháng 9 năm 2016. Sau vài ngày, bà đã qua đời vào ngày 10 tháng 9.

Chồng của một học viên qua đời một tháng sau vụ bắt giữ của vợ

Ngày 17 tháng 8 năm 2016, bà Đàm Kim Mai bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Chồng bà, từng bị đột quỵ, thấy sức khỏe của mình xấu đi sau khi cảnh sát lục soát nhà của hai vợ chồng. Một tháng sau, ông đã qua đời và bà Đàm bị cấm tham dự đám táng của chồng. Bà đang đối mặt với việc bị truy tố vì đức tin của mình.

Một người đàn ông ở Hắc Long Giang qua đời bốn tháng sau khi bị bắt vì đức tin của mình

Ông Lữ Chí Phạm, 50 tuổi, bị bắt vào ngày 6 tháng 5 năm 2016 và qua đời vào ngày 3 tháng 9. Trại tạm giam bảo gia đình ông rằng “một số tử tù đã đánh đập ông đến chết.”

Vì các tử tù thường bị còng hoặc cùm, gia đình của ông Lữ nghi ngờ rằng lính canh đã cố tình nới lỏng cho các phạm nhân và xúi giục họ đánh đập ông đến chết.

Một phụ nữ ở tỉnh Liêu Ninh bị ép sử dụng loại thuốc không rõ tên một tháng trước khi được thả, bốn năm sau bà đã qua đời

Ngày 22 tháng 8 năm 2009, bà Cao Liên Trân bị bắt giữ và sau đó bị kết án ba năm tù. Tháng 8 năm 2012, một tháng trước khi được thả theo dự định, cư dân thành phố Phụ Tân tỉnh Liêu Ninh này đã bị ép dùng những loại thuốc không rõ tên.

Không lâu sau, bà Cao bị mất kiểm soát, sưng bụng và mưng mủ trên cơ thể. Bà đã qua đời vào ngày 12 tháng 9 năm 2016 sau hơn bốn năm đau khổ.

Một người đàn ông ở Mẫu Đơn Giang qua đời sau 15 năm chạy trốn [để tránh bức hại]

Anh Triệu Lâm là một học viên từ thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang. Anh bị truy nã sau khi trốn khỏi đồn cảnh sát cách đây 15 năm. Anh đã qua đời vào ngày 13 tháng 9 năm 2016 ở tuổi 44.

Anh Triệu để lại người vợ và một cậu con trai 14 tuổi của họ.

Một người đàn ông ở Sơn Đông qua đời sau khi bị tra tấn trong thời gian dài

Ông Liễu Diệu Hoa liên tục bị bắt giữ vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Ông từng bị treo lên trong hơn một giờ đồng hồ tại trung tâm tẩy não địa phương. Bị tra tấn trong thời gian dài đã khiến sức khỏe của ông bị suy giảm và các bác sĩ đã phát hiện ra những lỗ hổng trong ruột của ông. Gia đình ông nghi ngờ rằng ông đã bị đánh thuốc trong khi giam giữ. Ông qua đời vào ngày 20 tháng 9 năm 2016, thọ 53 tuổi.

Một người đàn ông ở tỉnh Sơn Đông qua đời trong lúc bị giam giữ, gia đình nghi ngờ ông bị trả thù

Ngày 6 tháng 9 năm 2015, ông Vương bị bắt giữ sau khi đệ đơn kiện hình sự cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vì phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công khiến ông hai lần phải lao động cưỡng bức và tịch thu các vật dụng cá nhân. Người đàn ông 65 tuổi từ thành phố Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông vẫn rất khỏe mạnh và trong trạng thái tinh thần tốt khi luật sư của ông thăm ông tại trại tạm giam vào ngày 13 tháng 8 năm 2016. Ngày 25 tháng 9, ông đột nhiên qua đời. Gia đình nghi ngờ ông đã bị trả thù.

Cảnh sát trả thù người đệ đơn kiện hình sự cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản

Người trường hợp của bà Tiêu Quế Anh kể trên, có thêm 11 học viên bị bắt giữ và bảy học viên bị sách nhiễu – cũng vì đòi Giang Trạch Dân trả lại công bằng cho họ.

Ông Liêu Trạch Quang từ thành phố Ba Trung tỉnh Tứ Xuyên đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vào ngày 18 tháng 6 năm 2015. Chưa đến hai tháng sau, cảnh sát đã đột nhập vào nhà và chụp ảnh ông mà không được ông cho phép.

Ông Liêu từ chối ký vào văn bản do cảnh sát chuẩn bị sẵn tuyên bố vô hiệu lực đối với đơn kiện Giang Trạch Dân của ông. Thay vào đó, ông viết: “Hãy trừng phạt Giang Trạch Dân theo luật pháp.”

Vài tháng tiếp theo, cảnh sát liên tục đe dọa sẽ hủy trợ cấp thu nhập thấp của ông Liêu và đuổi học các con của ông trước khi bắt giữ ông vào ngày 20 tháng 9 năm 2016. Hiện ông vẫn đang bị giam giữ tại trại tạm giam Ba Trung.

Cảnh sát vô luật pháp

Nhiều cảnh sát đã phạm pháp trong khi bắt giữ các học viên. Một số đã dùng vũ lực quá mức, trong khi những người khác ngang nhiên khoe khoang rằng họ là côn đồ.

Một phụ nữ ở Sơn Đông bị cảnh sát hành hung sau khi bị bắt giữ vì đức tin của mình

Bà Trương Quế Tú, một cư dân ở thành phố An Khâu đã bị cảnh sát hành hung sau khi bị bắt giữ vào ngày 3 tháng 9 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Bà Trương đã xin viên cảnh sát dừng lại, nhưng anh ta quát lại rằng: “Tôi chỉ thích đánh học viên Pháp Luân Công các người!”

Bà Trương vẫn mang những vết bầm tím hiện rõ trên mặt và chân sau khi được thả vào hôm sau.

Cảnh sát: “Tên của chúng tôi là lưu manh!”

Ngày 20 tháng 9, khi ông Hạ từ thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đang tiếp khách thì ba cảnh sát mặc thường phục xông vào và cố gắng bắt giữ họ. Khi ông muốn biết danh tính của họ thì một cảnh sát nói rằng: “Tên của chúng tôi là côn đồ!”

Cảnh sát tiết lộ rằng họ hành động theo tin tức được cung cấp từ Cao Chí Tường, trưởng thôn Oa Bằng, người đã tố cáo ông Hạ và khách của ông đọc các sách của Pháp Luân Công.

Trong khi ông Hạ không bị bắt, thì tất cả khách của ông – ông Thái, ông Tô và ông Từ Chấn Bân – đều bị bắt giam. Ông Thái và ông Tô được thả sau tối hôm đó sau khi họ bị cảnh sát gây áp lực và đã ký cam kết từ bỏ Pháp Luân Công.

Ông Từ bị đưa tới trại tạm giam Song Thành, hiện ông vẫn đang bị giam ở đó tại thời điểm viết bài viết này.

Các chuyên gia tài năng trong số những người bị bắt giữ

Các học viên bị bắt giữ hay sách nhiễu đến từ tất cả các tầng lớp xã hội, từ các bà nội trợ đến những người nghỉ hưu cho đến các chuyên gia.

Ba chuyên gia ở Thâm Quyến bị bắt giữ vì đức tin của mình

Tiến sĩ Phùng Thiệu Dũng, người đã lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, đang thăm một người bạn vào ngày 24 tháng 9 thì bị bắt giữ và xe của ông bị tịch thu.

Ông Trần Trạch Kỳ và ông Giang Vinh Hân, cả hai đều 53 tuổi, bị bắt giữ vào cùng ngày. Ông Trần là kỹ sư phần mềm, còn ông Giang Vinh Hân làm việc tại Bưu cục Thâm Quyến.

Cả ba người đều là cư dân ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Trước đây, họ đã liên tục bị bắt giam vì đức tin của mình. Ông Phùng và ông Trần hiện đang bị giam giữ tại trại tạm giam Long Cương. Hiện không rõ ông Giang đang bị giam giữ ở đâu.

Tỉnh Quảng Đông: 23 học viên bị bắt giữ trong một ngày

Ba học viên ở Thâm Quyến được nhắc đến bên trên không phải là những học viên duy nhất bị cảnh sát Quảng Đông bắt giữ vào hôm đó. Một chuyên gia khác ở thành phố Đông Quan cạnh đó bị bắt giữ vào sáng sớm. Ông Trâu Thư Văn, bác sĩ từ Bệnh viện Nhân dân Thanh Khê, vẫn bị giam giữ tại Đồn Cảnh sát Tam Trung.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/10/23/336622.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/10/27/159701.html

Đăng ngày 8-11-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share