Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 12-1-2017] Năm 2016, hơn một nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị kết án tù vì lên tiếng phản đối cuộc đàn áp đức tin do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện.
Các học viên bị kết án này đến từ 29 tỉnh và các thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc. Họ xuất thân từ mọi tầng lớp trong xã hội, bao gồm có giáo viên, kỹ sư, bác sỹ, giám đốc doanh nghiệp, doanh nhân, và có cả các học viên là quân nhân và cảnh sát đã nghỉ hưu.
Đáng chú ý đặc biệt là trường hợp của tiến sỹ Chu Gia Hiền, một bác sỹ 81 tuổi ở tỉnh Sơn Đông, đã bị kết án 3 năm tù cùng với 5 năm quản chế vào ngày 29 tháng 7. Ông bị truy tố vì đã đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu Bí thư ĐCSTQ về tộì phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Một quan chức cấp cao khác, ông Lưu Điện Nguyên, 79 tuổi, ở tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án 11 năm tù vì kiện Giang Trạch Dân.
Bản án dài nhất – 13 năm tù– được dành cho ông Vương Đức Sinh, một học viên đến từ tỉnh Ninh Hạ. Vợ ông, bà Đan Quý Ninh, bị kết án 3 năm tù. Tòa án tỉnh này đã tống tiền hai vợ chồng bằng khoản phạt tổng cộng 60,000 Nhân dân tệ. Khi hai vợ chồng bị bắt giữ, cảnh sát đã tịch thu từ nhà của họ 100,000 Nhân dân tệ tiền mặt, các máy vi tính, máy in và những tư liệu khác mà cặp vợ chồng sử dụng để sản xuất các tờ bướm giảng chân tướng phơi bày cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Ngoài các bản án tù, cơ quan luật pháp nước này còn sử dụng hình thức phạt, để cưỡng đoạt một lượng tiền lớn của 153 học viên, trong quá trình thực thi chính sách của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.” Tổng số tiền phạt lên tới 1,463,400 Nhân dân tệ vào năm 2016, bình quân mỗi học viên là 9,565 Nhân dân tệ.
Bị kết án vì lên tiếng
Học viên Tần Úy, một nghệ sỹ ở thủ đô Bắc Kinh, trong khi phân phát tài liệu Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc, một cuốn sách ghi chép lại lịch sử tội ác tàn bạo của chế độ Cộng sản Trung Quốc đối với người dân của chính nước mình, đã tặng cuốn sách này cho một cảnh sát mặc thường phục. Ông đã bị bắt giữ và sau đó đã bị kết án 2,5 năm tù vào ngày 15 tháng 12 năm 2016.
Anh Tần Úy
Tương tự trường hợp của học viên Tần, nhiều học viên Pháp Luân Công khác đã bị kết án vì phân phát tài liệu nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công hay lên tiếng bảo vệ đức tin của họ.
Vào ngày 30 tháng 12 năm 2016, học viên Hoàng Tiềm, một cựu nhân viên của Trung tâm Sách Quảng Châu, đã bị kết án tù 5 năm vì đã ghi nhật ký lên trang mạng cá nhân việc cô bị bắt, giam cầm và tra tấn hết lần này đến lần khác vì có đức tin vào Pháp Luân Công.
Cô Hoàng Tiềm
Một học viên khác, anh Trịnh Cảnh Hiền, đã bị xử phạt ba năm rưỡi tù giam bởi chính tòa án đã kết án cô Hoàng, cũng với lý do sử dụng trang mạng cá nhân để vạch trần cuộc bức hại.
167 học viên bị kết án vì khởi kiện Giang Trạch Dân
Kể từ tháng 5 năm 2015, hơn 200,000 học viên Pháp Luân Công đã đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân lên Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vì việc ông ta đã ra lệnh đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công vào năm 1999.
Để trả thù, cảnh sát trên khắp cả nước đã tăng cường sách nhiễu và bắt bớ các học viên. Năm 2016, có 167 học viên đã bị kết án vì kiện họ Giang, bao gồm cả một số học viên đang ở độ tuổi 80.
Chỉ riêng tại thành phố Triều Dương tỉnh Liêu Ninh, xác nhận đã có 27 trường hợp học viên bị kết án vì kiện Giang Trạch Dân. Trong đó bản án tù lâu nhất là 12 năm.
Một cựu chiến binh bị kết án 3,5 năm tù vì khởi kiện Cựu độc tài Giang Trạch Dân
Vào ngày 1 tháng 6 năm 2016, học viên Bạch Hạc, một cựu binh ở thành phố Cát Lâm, đã bị tòa án Fengman đem ra xét xử mà không hề có người đại diện hợp pháp. Cả gia đình và luật sư của anh đều không được thông báo về phiên xét xử này.
Anh Bạch Hạc
Vào ngày 5 tháng 8, anh Bạch đã bị kết án 3.5 năm tù. Mãi đến khi luật sư của anh đến thăm anh trong trại tạm giam vào ngày 12 tháng 8, thì mới biết được rằng anh đã bị xét xử và kết án bí mật.
Theo vị luật sư này, bản án tuyên bố rằng, anh Bạch đã được đưa ra xét xử công khai, nhưng trên thực tế là đã bị xét xử một cách bí mật, và rằng anh Bạch đã bị kết án vì tội “tuyên truyền quảng bá Pháp Luân Công,” một việc có liên quan tới đơn khởi tố hình sự Giang Trạch Dân của mình. Anh cũng bị buộc tội đã giúp đỡ một học viên khác tải đơn khởi kiện Giang của bà ấy lên trang web Minh Huệ.
Bị kết án nhiều lần
Trong số các học viên bị kết án năm 2016, nhiều học viên trước đây đã từng bị kết án nhiều lần vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Học viên Chu Hướng Dương ở tỉnh Thiên Tân đã từng bị kết án 9 năm tù vào năm 2003. Trong thời gian ở tù, vợ sắp cưới của anh, cô Lý San San, đã làm mọi việc có thể để giải cứu cho anh, nhưng chính cô cũng bị bắt giam và kết án. Ngay sau khi được đoàn tụ sau một thập kỷ xa cách, cặp đôi này lại bị bắt trở lại vào năm 2015.
Sau hai phiên xét xử tại tòa án Đông Lệ, cặp đôi học viên này đã bị kết án vào tháng 10 năm 2016 với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một tội danh thường được chính quyền Cộng sản Trung Quốc sử dụng để bỏ tù các học viên Pháp Luân Công. Học viên Chu bị kết án 7 năm, còn học viên Lý bị kết án 6 năm.
Anh Chu Hướng Dương và cô Lý San San
Vi phạm thủ tục pháp lý
Khi ngày càng nhiều luật sư nhân quyền đứng lên bảo vệ các học viên Pháp Luân Công, hệ thống tư pháp của nhà nước càng tăng cường nỗ lực ngăn chặn các luật sư này bảo vệ cho thân chủ của họ.
Luật sư bị hành hung, gây áp lực vì bảo về các học viên Pháp Luân Công
Trong phiên tòa xử án 6 học viên Pháp Luân Công tại tòa án huyện Phì Hương vào ngày 11 tháng 10 năm 2016, một trong những luật sư bào chữa, ông Đổng Tiền Dũng, đã bị nhân viên tòa án đánh và bị cấm không cho vào phòng xử án. Khi luật sư Đổng chất vấn nhân viên đã đánh vào mặt ông, thì người này nói: “Đánh đập là một trong những biện pháp để thực thi pháp luật.”
Khi vị luật sư này chuẩn bị đệ đơn khiếu nại về việc thủ tục pháp lý đã bị vi phạm, nhân viên tòa án này đã tịch thu điện thoại của ông và cấm không cho ông vào phòng xử án.
Mặc dù một vị luật sư khác, ông Trương Tán Ninh, được cho phép ở lại phòng xử án và bào chữa cho các học viên, nhưng ông đã liên tục bị thẩm phán tòa án ngắt lời trong khi đang bào chữa. Sáu bị cáo cũng bị tước đoạt quyền tự bào chữa trong suốt phiên xét xử.
Thẩm phán nói với luật sư: Tôi sẽ tăng bản án của cô ta nếu ông đưa ra lời tuyên thệ vô tội
Một vài ngày trước khi phiên xử án của học viên Tống Quế Hương diễn ra vào ngày 7 tháng 7 năm 2016, thẩm phán Mã Thuật Hòa thuộc tòa án nhân dân quận Nguyên Bảo đã gọi điện cho luật sư của cô để ngăn cản ông bào chữa cho thân chủ vô tội hoặc biện hộ rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công là không có cơ sở pháp lý.
Viên thẩm phán đã đe dọa vị luật sư này rằng, ông ta sẽ tăng bản án của cô Tống và phủ quyết quyền bào chữa của luật sư nếu vị luật sư này không theo làm theo các yêu cầu của ông ta.
Thẩm phán Mã cũng gọi cho chồng của cô Tống và nói với anh ấy rằng, anh ấy là người duy nhất được phép tham dự phiên tòa.
Bất chấp các hành vi cản trở của thẩm phán, trong suốt phiên xử án, luật sư vẫn bảo vệ cho sự vô tội của cô Tống. Ngày 7 tháng 7, người cha 87 tuổi của cô Tống cũng tham dự phiên tòa cùng với con rể của mình.
Cô Tống đã bị kết án 3 năm tù vào ngày 3 tháng 8 năm 2016.
Thẩm phán: “Chúng tôi không muốn anh biết về phiên xét xử này!”
Bốn học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông đã bị đưa ra xét xử mà gia đình không hề hay biết. Gia đình của các học viên Shan Jihua và Zhang Xiuhua đã thuê luật sư ngay sau khi biết tin về phiên xét xử bí mật này. Tuy nhiên, tòa án đã từ chối các luật sư đứng ra đại diện cho các học viên này và tuyên bố rằng, phiên tòa đã có kết luận.
Khi gia đình của các học viên hỏi lý do vì sao phiên tòa diễn ra mà không được thông báo trước, chánh tòa Zong Minghai đã trả lời rằng: “Chúng tôi không muốn các ông biết về nó!”
Học viên Shan đã bị kết án 3 năm tù, học viên Trương và học viên Từ Hiếu Lan mỗi người phải nhận án 1,5 năm, còn học viên Lý Thục Mai bị kết án 2 năm.
Vào ngày 10 tháng 8 năm 2016, học viên Dư Vũ Bình ở thành phố Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây đã bị kết án 3 năm mà gia đình không hề biết thông tin. Tòa án thành phố này đã thông báo rằng, anh ta là một người đã trưởng thành và không cần phải thông báo việc này cho gia đình anh ấy.
Các bài viết liên quan:
Minghui Report: 473 Newly Reported Cases of Falun Gong Practitioners Sentenced for Their Faith
Minghui Report: 230 Falun Gong Practitioners Illegally Sentenced between July and August of 2016
Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:
https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/14/-340732.html
https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/15/-340733.html
https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/16/-340735.html
https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/13/-340730.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/12/340729.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/2/12/162136.html
Đăng ngày 20-2-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.