Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 1-11-2016]

Chất lượng của vàng được thể hiện qua độ tinh khiết của nó. Tạp chất càng ít thì độ tinh khiết càng cao và chất lượng cũng càng cao.

Sự phức tạp của tư tưởng con người

Theo thể ngộ của tôi, cảnh giới của một học viên tùy thuộc vào mức độ thuần tịnh của tư tưởng. Càng ít tạp niệm, thì chính niệm càng mạnh và cảnh giới càng cao.

Luyện kim cần sử dụng lửa rất mạnh vì những tạp chất cuối cùng cần có nhiệt độ cao mới có thể tách ra. Tương tự như vậy, một học viên phải trải qua vô số khổ nạn mới có thể khiến những tạp niệm ẩn giấu sâu bên trong bị phơi bày và loại bỏ.

Bởi vậy trong tu luyện nhất định phải chú ý tới từng ý từng niệm. Khi gặp các loại mâu thuẫn, thị phi hay khổ nạn, niệm đầu đầu tiên xuất ra là rất quan trọng. Do đó chúng ta nhất định phải nghiêm túc xem xét những hoạt động tư tưởng của bản thân, loại bỏ những quan niệm không phù hợp với yêu cầu của Đại Pháp. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể liên tục tịnh hóa bản thân và đề cao tầng thứ tu luyện.

Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ các chủng quan niệm của con người vô cùng phức tạp, hơn nữa còn có sự can nhiễu của tình và lợi ích, do đó thông thường rất khó nhìn rõ bản thân mình. Thêm vào đó, những tư tưởng giảo hoạt còn có thể tự che đậy, nếu một người tu luyện không thể thẳng thắn đối đãi với những mâu thuẫn mình gặp phải, mà lại dùng các loại lý do để từ bỏ trách nhiệm của mình, thì con đường tu luyện đã khó sẽ càng thêm khó.

Mặc dù có những lúc biểu hiện của mâu thuẫn không quá mạnh, nhưng lại xuất hiện rất nhiều tư tưởng, đó chính là cơ hội tốt để tu luyện. Trong bài chia sẻ này tôi xin nói về một số tư tưởng khó phát hiện mà tôi đã cảm thụ được trong thời gian gần đây.

Không có gì phải xấu hổ khi phạm sai lầm

Vợ tôi và tôi có bất đồng ý kiến về cách con của chúng tôi làm bài tập. Sau khi xảy ra mâu thuẫn, tôi đã hướng nội và nhận ra các tâm chấp trước của mình bao gồm tâm tranh đấu, không muốn lắng nghe người khác, và ngoan cố. Tôi nghĩ: “Tôi đã nhìn thấy sai lầm của mình, tôi cần xin lỗi cô ấy.” Nhưng có thứ gì đó ở sâu bên trong đang cố gắng ngăn cản tôi nói lời xin lỗi, tôi nhận ra đó chính là tâm sợ bị mất mặt. Nói tóm lại, mặc dù tôi biết là tôi đã sai nhưng lại không muốn thừa nhận điều này.

Nếu dùng Pháp để đánh giá thì không có gì phải xấu hổ khi chúng ta nhận lỗi, và một điều mà một học viên cần làm được đó là dũng cảm thừa nhận sai lầm. Ai cũng có lúc sai lầm, nhưng điều quan trọng là thừa nhận sai lầm và rút kinh nghiệm cho tương lai. Nhưng những tư tưởng con người thường làm theo cách ngược lại và cản trở chúng ta đồng hóa với Pháp.

Lời xin lỗi có điều kiện

Tôi muốn phân tích một số hoạt động tư tưởng ẩn giấu sâu hơn mà tôi đã phát hiện ra thông qua sự việc trên. Khi tôi định xin lỗi, tôi lo lắng rằng vợ tôi sẽ chỉ trích tôi. Tôi cảm thấy tôi nên vòng vo để kiểm tra thái độ của cô ấy trước. Nếu cô ấy lạnh nhạt với tôi, tôi sẽ chờ một dịp khác, nếu cô ấy biểu lộ sự đồng ý, tôi sẽ xin lỗi cô ấy.

Có lẽ bạn đang cười tôi. Quả thực, những tư tưởng của tôi rất phức tạp. Sự xin lỗi của tôi là có điều kiện, tôi sẽ xin lỗi nếu bạn đối xử tốt với tôi, tôi sẽ không làm vậy nếu bạn không tử tế với tôi.

Khi tôi về nhà ăn trưa vào ngày hôm sau, vợ tôi đã để sẵn thức ăn trên bàn. Tôi nhận ra thái độ của cô ấy đã thay đổi, vì vậy tôi quyết định xin lỗi cô ấy. Tôi giải thích thêm với cô những suy nghĩ của tôi. Cô đã rất hiểu những điều tôi nói.

Nói một cách nghiêm khắc, lời xin lỗi của tôi chưa hoàn toàn thật lòng. Sau khi nhận ra rằng tôi đã sai, lẽ ra tôi nên lập tức xin lỗi, nhưng tôi lại thêm vào đó một điều kiện. Đó là một lời xin lỗi có điều kiện, và nó không phù hợp với Pháp – cũng bằng như tôi đặt thêm điều kiện cho sự đề cao trong tu luyện của mình.

Tu luyện không chỉ biểu hiện ở lời nói

Tối hôm đó, tôi quyết định sẽ theo cách giáo dục con của vợ tôi và loại bỏ cái tôi của mình để tránh xung đột xảy ra. Tôi nhìn con tôi làm bài tập về nhà. Sau khi cháu hoàn thành, vợ tôi kiểm tra kết quả và bảo cháu viết lại một số chữ viết còn xấu. Con trai tôi đã viện rất nhiều lý do để giải thích rằng không cần phải làm như vậy. Vợ tôi đã rất tức giận và yêu cầu cháu viết lại toàn bộ.

Con trai tôi đã cầu cứu sự giúp đỡ của tôi. Mặc dù không đồng ý với vợ tôi, tôi cũng không muốn tạo ra xung đột thêm nữa. Vậy nên tôi bảo với con trai rằng “Hãy nghe lời mẹ con. Hãy viết lại mọi thứ.”

Không còn lựa chọn nào khác, cháu vừa khóc vừa làm lại bài tập về nhà, và vợ tôi vẫn la mắng cháu. Tôi nghĩ: “Mâu thuẫn này sẽ giúp tôi loại bỏ chấp trước gì? Tôi không nên phản ứng gì cả. Nếu con tôi từ chối viết lại và vợ tôi không thể giải quyết được tình huống đó, cô ấy sẽ nhờ sự giúp đỡ của tôi. Như thế minh chứng rằng cô ấy đã sai. Vậy nên lúc này tôi không nên biểu hiện gì.”

Tôi muốn phân tích suy nghĩ xấu này. Trên bề mặt, tôi không làm gì để xem vợ tôi sẽ xoay sở thế nào, và tôi bảo với con trai tôi hãy nghe lời mẹ, nhưng trong tâm tôi lại không đồng ý với cô ấy, có những ý nghĩ xấu xuất hiện trong tôi.

Thay vì chân thành chia sẻ quan điểm của tôi với cô ấy, suy nghĩ ẩn sâu trong tôi là “Tôi không thể tranh luận với cô, vậy nên tôi sẽ lặng lẽ xem cô làm hỏng mọi việc. Tôi sẽ đợi và xem cô xoay xở ra sao khi cô không thể kiểm soát được tình huống.” Chuyện này đã từng xảy ra trước đây, con trai tôi đã từ chối nghe lời và vợ tôi không biết làm gì khác ngoài việc đứng đó tức giận, còn tôi phải giải quyết sự rối loạn lúc đó.

Tôi quan sát diễn biến những suy nghĩ ẩn sâu của tôi mà không bỏ lỡ điều gì, như thể tôi đang ở ngoài cơ thể của mình mà quan sát cái tôi giả trình diễn. Trước đây tôi chưa từng nhìn sự việc theo cách này vì phần lớn thời gian tôi tập trung vào những hoạt động bề mặt, với mục đích là giải quyết những vấn đề tôi gặp phải. Lần này tôi đã thực sự cảm thấy tôi đang tu luyện bản thân mình thông qua sự việc này và không bỏ lỡ cơ hội.

Tôi thật sự đã nhìn thấy chấp trước của mình. Mặc dù tôi đã không hành động hay nói lời nào, tôi vẫn chấp trước và trong tâm không phục. Đồng ý ở trên miệng nhưng lại không đồng ý ở trong tâm và chờ người khác mắc lỗi thực sự là một ý nghĩ xấu.

Gần đây tôi đã trải qua nhiều việc tương tự và thật sự nhận ra rằng tu luyện không chỉ biểu hiện ở lời nói, không phải làm được bao nhiêu việc hay giải quyết được bao nhiêu vấn đề, mà quan trọng là tư tưởng của chúng ta rốt cuộc đã thăng hoa lên chưa, đây mới là bản chất của tu luyện. Những trải nghiệm gần đây cũng khiến tôi càng hiểu sâu sắc hơn về đoạn Pháp mà Sư phụ giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014”:

“Nhưng chư vị máy động bất kể một niệm gì thì chẳng phải Thần đều thấy sao? Chư vị nói chư vị tu luyện, vậy hỏi tu luyện là gì? Những gì để con người thấy có phải tu luyện chăng? Đó là giả! Tư tưởng kia của chư vị máy động thế nào, ấy mới là chân thực. Vậy ai có thể nhìn thấy tư tưởng của chư vị? Giữa các đồng tu chư vị với nhau là có thể nhìn thấy hoạt động tư tưởng của nhau chăng? Họ chỉ có thể thấy biểu hiện ra bên ngoài do tư tưởng của chư vị gây ra thôi, nhưng mục đích căn bản của chư vị là gì thì họ vẫn là không nhìn thấy. Hỏi ai có thể nhìn thấy? Thần có thể nhìn thấy! Pháp thân của Sư phụ có thể nhìn thấy! Vô lượng vô kể các sinh mệnh trong vũ trụ có thể nhìn thấy!” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/11/1/336869.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/12/5/160215.html
Đăng ngày 9-1-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share