Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Canada

[MINH HUỆ 8-8-2016] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính, xin chào các bạn đồng tu.

Tôi năm nay 29 tuổi và đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 20 năm. Tôi di cư từ Trung Quốc sang Montreal vào tháng 6 năm 2014 và bắt đầu tu luyện trong một môi trường mới. Hai năm tu luyện ở hải ngoại đã dạy tôi rằng chúng ta phải tu luyện trong mọi lúc và ở tất cả những việc mà chúng ta làm.

Không có gì là ngẫu nhiên

Tại nơi làm việc, tôi từng nói với mọi người: “Đừng giải thích và đừng phàn nàn.” Khi mọi người phàn nàn về điều gì, tôi bảo họ đừng làm như vậy, vì họ càng phàn nàn nhiều thì chuyện xui xẻo cũng sẽ càng nhiều hơn. Tôi đã nghĩ rằng mình hiếm khi có tâm oán hận với người khác cho tới khi tôi nhận ra điều ngược lại.

Khi đang biểu diễn trong đoàn nhạc, tôi đứng sau một học viên lớn tuổi, học viên này bước đi rất chậm. Tôi bực bội và nghĩ: “Ông ấy chậm đến nỗi khiến mình không thể đồng đều với nhóm được. Mọi người sẽ nghĩ mình không biết mình đang làm gì.” Khi tôi có những suy nghĩ tiêu cực này, ông ấy càng mắc nhiều lỗi hơn. Khi ông mắc lỗi, tôi bị phân tâm và thậm chí cảm thấy khó chịu hơn. Ngay sau khi buổi diễu hành kết thúc, tôi phàn nàn với người điều phối ban nhạc.

Sau đó, tôi nhớ ra rằng mình từng nhiều lần ôm hận với một trong số những chị gái của tôi. Vợ chồng chị gái tôi đón tôi về nhà chị ở trong năm năm khi cha mẹ tôi bị bắt giam. Tôi không những không cảm ơn chị, mà còn không tôn trọng chị. Thái độ của tôi rất tệ tới mức tôi còn tệ hơn cả người thường. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao tôi lại hay chỉ trích chị như vậy, dù chị có hành xử như thế nào.

Khi chị phàn nàn với tôi, tôi nói rằng chị cần vứt bỏ tâm oán giận và chị đã phàn nàn quá nhiều. Đến lượt chị, chị nói rằng tôi có tâm hận thù. Tôi nhận ra rằng Sư phụ đã an bài để chị phàn nàn với tôi, từ đó tôi có thể hướng nội để tìm ra tâm oán giận của mình. Đó không phải là ngẫu nhiên.

Sư phụ đã giảng:

“Nếu như sự việc này tuyệt đối không có quan hệ gì với chư vị, không có tâm mà chư vị nên bỏ, vậy thì sự việc này cũng sẽ rất hiếm phát sinh trên thân của chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội châu Âu [1998])

Ngay sau khi tìm ra được tâm chấp trước, tôi cố gắng loại bỏ tâm oán giận của mình. Điều đầu tiên tôi làm là giữ im lặng, bất kể nhìn thấy gì hay mọi người nói gì, dù đúng hay sai. Việc này lúc đầu rất khó thực hiện. Tôi cảm thấy mình bị nội thương khi làm việc đó. Sau một vài đợt như vậy, hẳn là Sư phụ đã thấy tôi rất nỗ lực, nên Ngài đã gỡ bỏ một số vật chất xấu. Thật bất ngờ, tôi không còn thấy bất cứ điều gì bất thường ở những người khác và không có điều gì khiến tôi phải phàn nàn nữa.

Sư phụ đã giảng:

“Gặp phải vấn đề, nhất định phải hướng nội mà tìm. Khi nãy tôi vừa giảng, không phải vì người khác đối xử với chư vị như thế nào, mà là vì chỗ này của chư vị chưa đúng. Nếu chư vị nói, toàn bộ thiên thể đều rất thuận, chỗ này của chư vị có gì đó không đúng, chính là ở chỗ này của chư vị có vấn đề bướng bỉnh, là chư vị với người khác có gì đó không đúng. Khi chư vị tìm nguyên nhân ở bản thân chư vị, xoay chuyển vấn đề lại, thì nó liền đúng rồi, nó đã bình phục rồi, mọi người lại hòa ái với chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Tháng Ba, tôi tham gia vào một buổi diễu hành ở Otttawa. Tôi lại đi sau học viên lớn tuổi ấy, và lúc đầu tôi đã bị phân tâm. Sau đó, tôi nhận ra rằng vừa đi xa vừa biểu diễn trong ban nhạc với ông là không dễ dàng gì trong một ngày lạnh giá như thế này. Thậm chí những người trẻ tuổi còn cảm thấy khó khăn. Ông ấy hẳn phải có chính niệm rất mạnh mẽ mới có thể làm được việc này. Điều gì đã xảy ra với tâm từ bi của tôi sau 20 năm tu luyện?

Ngay sau khi có niệm này, những suy nghĩ tiêu cực của tôi biến mất. Mặc dù tôi không phàn nàn, tôi vẫn cần phải giải quyết vấn đề ấy. Ban đầu, ông ấy đi rất chậm. Tôi liên tục thì thầm nhắc ông hãy đi nhanh hơn một chút. Được một lúc, ông lại sai nhịp. Tôi cố gắng kiểm soát bước đi của mình để không làm ảnh hưởng tới những người phía sau. Tôi không bực bội với ông. Dần dần ông bắt đầu làm tốt hơn nhiều. Ông bắt kịp mọi người, bước đi nhanh hơn và cuối cùng đi thành hàng cùng nhóm một cách hoàn hảo. Khi tâm tính của tôi đề cao, tôi chơi nhạc cụ tốt hơn và sau đó không hề cảm thấy mệt.

Đặt tâm vào mọi việc

Người điều phối nhóm gọi điện thoại ở địa phương vào cuối năm 2015 đã hỏi xem liệu tôi có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho nhóm và quảng bá hạng mục tới các học viên ở địa phương không. Không chút do dự, tôi đã đồng ý.

Sư phụ đã giảng trong nhiều bài giảng của Ngài rằng cần làm tốt trong mọi việc mà chúng ta làm. Do đó, tôi nên làm tốt các việc mà tôi làm. Tôi đã nhận tám hạng mục và tìm hiểu từng hạng mục. Tôi làm quen với cách làm việc của từng hạng mục trong vòng một tháng và tự tin là mình có thể bắt đầu quảng bá. Do đó, tôi đã nói với người điều phối rằng tôi đã sẵn sàng.

Trong phần trình bày của mình, tôi đã nói về việc chúng ta không có nhiều thời gian như thế nào và sẽ nguy hiểm nếu chúng ta không làm những việc mà các học viên phải làm. Bên cạnh đó, tôi cảm thấy những hạng mục này đều rất dễ làm. Thông điệp tôi muốn truyền đạt là để các bạn đồng tu không bị rớt lại phía sau. Sau phần trình bày, sáu học viên bày tỏ sự quan tâm. Tôi nghĩ mình đã làm tốt công việc.

Chú ý tới phương pháp trình bày

Ngày hôm sau, tôi hỏi người điều phối xem tôi đã làm tốt phần trình bày của mình chưa.

Cố ấy nói: “Tôi cảm thấy khó chịu khi nghe bạn nói ở trên đó. Bạn quá tự cao. Bạn phàn nàn rằng những người khác không làm tốt phần việc của mình khi giảng thanh chân tướng. Bạn đang cần động viên mọi người tham gia vào những hạng mục này, chứ không phải đẩy họ ra.”

Tôi vặn lại: “Tôi đã nghe phần trình bày của chị, nhưng chỉ có một hai người thể hiện sự quan tâm sau khi chị kết thúc. Nhưng có sáu người thể hiện sự quan tâm trong phần trình bày của tôi. Kết quả thu được mới là quan trọng.” Người điều phối không nói thêm điều gì nữa, mà chỉ tiếp tục kế hoạch tuần tới.

Sau khi gác máy, tôi vẫn còn giữ cách nghĩ ấy, rằng kết quả mới là điều quan trọng nhất. Những con số sẽ tự nói lên tất cả. Sẽ chẳng là gì nếu chúng ta không kêu gọi được mọi người tham gia. Nhưng từ lúc người điều phối nói rằng tôi đã tự cao, tôi cho rằng tôi nên chú ý nhiều hơn nữa tới cách trình bày của mình.

Tuần tiếp theo, tôi lại đứng lên trình bày. Tôi không tự cao nữa, nhưng tôi vẫn đổ lỗi cho mọi người đã không làm tròn phần việc của mình. Tôi tự nhủ, một số người không tham gia vào hạng mục nào. Tại sao mọi người lại không muốn tham gia?

Sau nỗ lực vận động áp lực cao của tôi, 12 học viên đã biểu hiện sự quan tâm. Nhưng đến cuối cùng, chỉ có một vài học viên tiếp tục cùng tôi. Sau đó, mọi người đều từ bỏ sau khi tham gia được một thời gian ngắn.

Nói chuyện bằng sự từ bi đánh thức Phật tính

Một bạn đồng tu và tôi thảo luận về cách chạy chương trình phát thanh điều khiển bằng tay.

Anh ấy nói: “Không có hạng mục nào dễ dàng cả. Hãy xem hạng mục này. Bạn không phải nói gì cả. Bạn chỉ cần ngồi ở đây, phát chính niệm và bật loa phát thanh. Một vài người cảm thấy việc này nhàm chán hoặc không hiệu quả, nên họ đã bỏ cuộc sau khi làm một vài lần.”

Do đó, tôi đã gọi điện cho người điều phối của nhóm gọi điện thoại và hỏi cô ấy lý do tại sao có quá ít người tham gia vào các hạng mục và số người kiên trì thì còn ít hơn.

Cô ấy nói: “Bạn không thể dùng cách gây sức ép hay dọa dẫm để bắt mọi người tham gia. Nếu nó không xuất phát từ tâm, thì dù học viên đó có cố gắng hết sức, anh ấy cũng không thể duy trì được. Khi bạn thấy những học viên khác bị cựu thế lực gây cản trở, bạn nên từ bi trợ giúp họ, hãy từ bi trao đổi để đánh thức Phật tính của họ. Chỉ có như vậy mới hiệu quả. Chỉ có như vậy thì họ mới có thể kiên trì.”

Tôi đã đọc một bài báo viết về một vùng biển có bão nhìn rất đáng sợ, nhưng lực phá hoại của nó không như một trận động đất. Nó cũng giống như phần trình bày của tôi. Nó rất hùng hồn, được chuẩn bị kĩ càng và khiến mọi người hứng thú, nhưng hiệu quả thu được chỉ trong thời gian ngắn. Không có từ bi, thông điệp sẽ không chạm tới tâm của mọi người. Tôi ngộ ra rằng điều thật sự có thể làm xúc động mọi người là Pháp, và nó được biểu hiện trong tâm tính của chúng ta. Chúng ta nên từ bi trong những việc chúng ta làm. Chúng ta phải loại trừ những quan niệm người thường thì chúng ta mới có thể có từ bi và làm tốt các hạng mục.

Ngộ ra điều trên, tôi đã cố gắng tu bỏ tâm oán giận của mình. Tôi không còn dọa dẫm mọi người hay đòi hỏi điều gì. Với những người muốn tham gia, tôi giúp đỡ họ về mặt kỹ thuật. Bởi vì có can nhiễu từ cựu thế lực, việc hỗ trợ kỹ thuật không đơn giản như tôi hình dung. Tôi giúp một học viên phương Tây cài đặt phần mềm quay số tự động. Cuối cùng, sau hai tuần gặp nhiều trục trặc, cô ấy cũng học được cách làm. Tất cả những gì cô ấy cần làm là nhấn chuột. Sau đó máy tính của cô bị hỏng.

Kiên trì dù cho có can nhiễu

Chúng tôi nhận ra rằng đây chính là can nhiễu của cựu thế lực, chúng không muốn chúng tôi giảng chân tướng Đại Pháp. Do đó tôi đã hỏi xem cô có muốn tham gia không. Cô quyết tâm sẽ tiếp tục, dù cho có chuyện gì xảy ra. Sau khi cô quyết định như vậy, can nhiễu giảm đi rất nhiều. Cô quay trở lại Pháp, nhưng vẫn giảng chân tướng cho người Trung Quốc, sử dụng cùng phần mềm ấy. Điều tương tự cũng đã xảy ra với một học viên phương Tây khác. Tôi cũng đã mất tới hai tuần để cài đặt phần mềm cho máy tính của anh ấy. Tôi dường như không thể làm nó hoạt động được, thậm chí nhờ sự trợ giúp của một vài người có những kĩ năng cao hơn.

Khi tôi hỏi học viên phương Tây ấy rằng liệu anh ấy có muốn kiên trì làm việc này không, dù cho gặp những can nhiễu này của cựu thế lực, anh ấy đã rất kiên định. “Bất kể việc gì bạn muốn tôi làm, tôi sẽ làm.” Do đó, tôi đã thử lại lần nữa và nó đã hoạt động. Thông thường phải mất 10 phút để cài đặt phần mềm đó, nhưng đối với một chiếc máy tính của Apple, thì có thể phải mất tới vài giờ. Trong suốt quá trình ấy, tâm chấp trước vào kết quả, sự thiếu kiên nhẫn và chấp trước vào danh liên tục gây trở ngại cho tôi.

Có những giọng nói liên tục bảo tôi hãy bỏ cuộc. Sau đó tôi nhận ra rằng nếu tôi không giúp anh ấy, anh ấy sẽ không thể làm được. Tôi cần thử lại lần nữa. Do đó, tôi đã phát chính niệm để loại bỏ can nhiễu và khích lệ anh ấy kiên trì. Khi tôi kiên định, tôi nảy ra một ý tưởng và phần mềm đã hoạt động. Sư phụ đã quan sát tâm của tôi và cấp cho tôi trí huệ để giải quyết vấn đề này.

Tu luyện tâm tính

Làm người hỗ trợ kỹ thuật đã giúp tôi loại bỏ nhiều tâm chấp trước của mình. Đôi khi, tôi dành nhiều thời gian và nỗ lực để cố gắng giải quyết một vấn đề, nhưng khi học viên về nhà làm thử, nó vẫn không hoạt động. Một số người cảm thấy tôi không hiểu rõ những gì mình đang làm. Một lần, tôi giúp một học viên bảo trì một chương trình vô cùng đơn giản, chỉ cho cô ấy rằng cô cần chú ý và đăng ký các tài khoản đã bị khóa.

Học viên ấy vặn lại: “Tôi không có thời gian.” Chứng kiến thái độ của cô, tôi biết rằng nếu tôi nói bất kể điều gì tiêu cực, cô ấy sẽ từ bỏ hạng mục này. Nếu do tôi mà cô bỏ hạng mục này và không hoàn thành thệ nguyện của mình, thì thật khủng khiếp. Do đó tôi đã xin lỗi và giải thích rằng tôi đã không cho cô biết tất cả chi tiết, dẫn đến những tài khoản này bị khóa. Cô ấy xúc động và muốn học lại.

Sau 20 năm tu luyện, cuối cùng tôi đã minh bạch rằng dù chúng ta có làm gì, chúng ta cũng đang tu luyện tâm tính của mình. Sư phụ đã giảng:

“Tâm tính cao bao nhiêu công cao bấy nhiêu, đó là chân lý tuyệt đối.” (Chuyển Pháp Luân)

Do đó, tôi nhận ra rằng nếu không đề cao tâm tính, thì làm một hạng mục Đại Pháp lớn có ý nghĩa gì chứ?

Trước một buổi học Pháp nhóm, mọi người đã yêu cầu tôi giới thiệu ngắn gọn về các hạng mục gọi điện thoại cho cả nhóm. Trong lúc phát chính niệm lúc 9 giờ tối, tôi đã biết cần phải làm việc đó như thế nào cho phù hợp. Tôi giải thích rằng các học viên vẫn đang bị vây bắt, bị bức hại và bị thu hoạch nội tạng như thế nào. Chúng ta có rất nhiều số điện thoại cần phải gọi, nhưng không có đủ người thực hiện. Tôi hi vọng rằng nhưng ai có thời gian rảnh rỗi có thể tham gia vào hạng mục này. Sau phần giới thiệu của tôi, một dịch giả trẻ tuổi nói: “Tôi phải tham gia vào hạng mục này.”

Khi tôi thay đổi, không còn chấp trước vào kết quả nữa, và chỉ làm những việc mà tôi nên làm, ngày càng có nhiều học viên tham gia vào các hạng mục gọi điện thoại, đặc biệt là các học viên trẻ tuổi và các học viên phương Tây.

Tăng công nhanh chóng

Trong 10 ngày giữa khoảng thời gian Ngày thánh Gioan La San và Quốc khánh Canada, tôi đã có hai kỳ thi, bốn cuộc diễu hành, bốn lần di chuyển và bốn lần dọn nhà. Mỗi ngày tôi đi ngủ muộn và phải thức dậy rất sớm. Tôi không có đủ thời gian để học Pháp, và luôn gặp những khảo nghiệm tâm tính. Trong một lần tập luyện, tôi mệt đến nỗi không thể nhấc nổi cây kèn clarinet lên. Tôi thường xuyên cần nghỉ ngơi trước khi chơi một đoạn nhạc khác.

Trong buổi diễu hành nhân ngày Quốc khánh Canada, tôi đã thiếu năng lượng. Khi nhìn vào gương, tôi hầu như không thể nhận ra chính mình. Một học viên đã hỏi có chuyện gì đã xảy ra với tôi, bởi vì nhìn tôi hoàn toàn khác.

Tôi tin rằng Sư phụ vô cùng từ bi. Ngài đã an bài để tôi đề cao tâm tính và loại bỏ nghiệp lực bằng cách chịu cái khổ trên thân thể, cứu các sinh mệnh trong suốt các cuộc diễu hành và tăng công nhanh chóng. Đó thực sự là một cơ hội tuyệt vời rất khó có được. Mặc dù mệt mỏi, nhưng vì tôi đã loại bỏ tâm oán giận của mình, nên tôi không cảm thấy áp lực.

Người thường không thể giải quyết hiệu quả khối lượng công việc đó. Mặc dù tôi không chuẩn bị tốt, nhưng tôi đã vượt qua hai kỳ thi, tham gia bốn buổi diễu hành, và không cảm thấy mệt mỏi chút nào.

Sư phụ đã giảng:

“Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ.” (Chuyển Pháp Luân)

Khi tâm tính của tôi đề cao, tự nhiên sẽ có kết quả tốt nhất.

Lựa chọn tương lai của chính mình

Giáo viên dạy môn tiếng Anh của tôi đã yêu cầu chúng tôi viết về điều chúng tôi sẽ lựa chọn nếu chúng tôi được cấp cho cơ hội làm điều này trước khi chúng tôi sinh ra. Tôi nói với giáo viên của tôi rằng tôi sẽ lựa chọn đức tin của mình.

Là một học viên, tôi hiểu rằng tất cả chúng ta đều có lựa chọn giống nhau trước khi chúng ta xuống thế giới này. Chúng ta đã buông bỏ mọi thứ, để chúng ta có thể trở thành những sinh mệnh vĩ đại nhất trong vũ trụ – những đệ tử Đại Pháp.

Nhìn lại 20 năm tu luyện, tôi đã được Sư phụ bảo hộ. Khi tôi không đạt tiêu chuẩn, Sư phụ nhẹ nhàng chỉ dẫn cho tôi, và khi tôi làm tốt, Sư phụ đã khích lệ tôi.

Tôi cần vô oán vô hận bước đi trên con đường mà Sư phụ đã an bài, làm tốt ba việc và đồng hóa với Đại Pháp.

Con xin cảm tạ Sư phụ tôn kính và cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Canada năm 2016)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/8/8/332601.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/8/12/158230.html

Đăng ngày 25-8-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share