Bài viết của Lý Tĩnh Phỉ, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 26-4-2016] Tối ngày 24 tháng 4 năm 2016, học viên Pháp Luân Công ở Greater, Washington, DC tổ chức lễ thắp nến ban đêm trước đại sứ quán Trung Quốc để kỷ niệm 17 năm sự kiện thỉnh nguyện Ôn hòa ngày 25 tháng 4. Họ cũng muốn kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đưa Giang Trạch Dân, thủ phạm chính của cuộc bức hại ra công lý.

2016-4-25-minghui-falun-gong-dc425-01--ss.jpg

2016-4-25-minghui-falun-gong-dc425-02--ss.jpg

2016-4-25-minghui-falun-gong-dc425-03--ss.jpg

Học viên Pháp Luân Công ở DC tổ chức thắp nến trước Đại sứ quán Trung Quốc vào tối ngày 24 tháng 4 để tưởng niệm 17 năm sự kiện thỉnh nguyện Ôn hòa ngày 25 tháng 4.

Trải nghiệm trên quảng trường Thiên An Môn khiến cuộc sống của một nhà khoa học NASA thay đổi

Tiến sỹ Hoàng Tổ Uy, một kỹ sư cao cấp của Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia Hoa Kỳ (NASA), đã chứng kiến cảnh sát ĐCSTQ đánh đập các học viên Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 7 năm 2000.

“Mùa hè năm đó, tôi cùng cha đến thăm Bắc Kinh”, Tiến sỹ Hoàng nói. “Khi đang định đi thăm Tử Cấm Thành thì tầm khoảng 8 giờ, chúng tôi bỗng thấy cảnh tượng hỗn loạn trên quảng trường Thiên An Môn. Chúng tôi tiến lại gần thì thấy cảnh sát đang đấm, đá những người đang ngồi thiền trên sân. Cảnh sát ném họ vào trong xe. Tôi nhìn thấy một người mẹ trẻ bế con gái trên tay. Một cảnh sát đã đá cô từ phía sau làm cô ngã xuống. Những người bị bắt giữ hô lớn ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo!’ thì bị cảnh sát đánh bằng xẻng.

“Tôi bị sốc và lấy máy quay ra ghi lại tất cả. Một cảnh sát đội mũ bảo hiểm bằng kim loại chạy lại, túm lấy tôi, kéo tôi ra chỗ cái xe. Cha tôi bảo tôi cho ông xem những gì tôi đã quay. Viên cảnh sát này bèn giật lấy máy quay của tôi, đập hỏng cuộn băng, rồi quẳng nó xuống đất.”

Tiến sỹ Hoàng cảm thấy cực kỳ khó chịu và muốn bỏ đi, nhưng cha ông thuyết phục ông tiếp tục chuyến tham quan của họ. Họ đến Tháp Thiên An Môn, ở đây có cảnh sát canh ở lối vào, họ yêu cầu du khách nước ngoài xếp thành một hàng, du khách trong nước xếp thành một hàng khác. Họ khám xét tất cả mọi người. Một cảnh sát hỏi hai phụ nữ trung tuổi đứng trong hàng du khách trong nước: “Các cô có phải là học viên Pháp Luân Công không?” “Chúng tôi là khách tham quan,” một phụ nữ đáp lại. Cảnh sát nói: “Hai cô trông giống như học viên.” Sau đó anh ta đưa hai người họ đi.

Tiến sỹ Hoàng không thể hiểu được tại sao các học viên lại bị đối xử bất công như vậy. Sau khi về Mỹ, ông đã hỏi một người bạn tu luyện Pháp Luân Công. Người bạn đó nói với ông về Pháp Luân Công và cho ông mượn một đĩa video các bài công pháp. Ông Hoàng học các bài công pháp ngay tối hôm đó. Ông nhớ lại: “Năng lượng mạnh mẽ bao quanh tôi. Tôi cảm thấy như tôi được nâng lên. Thật kỳ diệu.”

Ông đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công chỉ trong một đêm và đã bước vào tu luyện kể từ đó.

Từ năm 2000, ông tham gia các sự kiện khác ở Washington để phản đối cuộc bức hại. Ông nói: “Những gì chúng tôi đang nói cũng chính là những gì mà chúng tôi đã nói suốt 17 năm qua: Chúng tôi yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đưa Giang ra công lý, và khôi phục danh dự cho Pháp Luân Công.”

Người sống sót tại Trại lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia: Giang phải chịu trách nhiệm cho những tội ác của ông ta

Bà Duẫn Lệ Bình, học viên Pháp Luân Công, một người được giải cứu khỏi Trung Quốc đến Mỹ, cũng tham gia buổi thắp nến tưởng niệm. Bà đã bị bắt giữ bảy lần vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị tra tấn đến gần chết và bị trả về nhà sáu trong bảy lần đó. Bà cũng ba lần bị giam trong trại lao động cưỡng bức.

Bà nói: “Tại Mã Tam Gia, tôi bị trói trên một chiếc giường và bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc tới hơn hai tháng. Sau đó, tôi bị mất thị lực một thời gian. Tôi bị bức thực nhiều lần và suýt chết.”

Ngày 14 tháng 4 năm 2016, bà đã đưa ra bằng chứng với tư cách là nhân chứng cho phiên điều trần về việc “Lạm dụng tra tấn của Trung Quốc” do Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về vấn đề Trung Quốc (CECC) triệu tập tại Capitol Hill. Bà đã thuật lại những hình thức tra tấn dã man và bạo lực tình dục tập thể mà bà phải chịu đựng trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh.

Bà đã trình một danh sách những thủ phạm chính đã bức hại bà lên CECC, danh sách này sau đó sẽ được trình lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Danh sách gồm 41 người bao gồm Giang Trạch Dân, Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân, Văn Thế Chấn và những lính canh, viên chức ở Mã Tam Gia và trại giam khác.

Bà nói tại buổi thắp nến tưởng niệm: “Tôi đã chứng kiến sự tàn ác của ĐCSTQ, đó là điều không bút nào tả nổi. Cảnh sát ép một cô gái trẻ nhìn họ tra tấn mẹ mình. Khung cảnh dã man đó còn in đậm trong tâm trí tôi. Bị giam cầm trong trại lao động cưỡng bức là nỗi đau khôn cùng. Giang phải chịu trách nhiệm vì những tội ác của ông ta trong cuộc bức hại.”

Bối cảnh

Ngày 25 tháng 4 năm 1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đến Văn phòng Kháng cáo Bắc Kinh yêu cầu trả tự do cho 45 học viên bị bắt giữ tại Thiên Tân, một thành phố cách Bắc Kinh khoảng 60 dặm về phía Đông. Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa kết thúc ngay trong ngày hôm đó khi Thủ tướng đồng ý với các yêu cầu của học viên. 45 học viên được trả tự do. Các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới hàng năm đều tổ chức các hoạt động để tưởng niệm sự kiện ngày 25 tháng 4.

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/26/327154.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/28/156456.html

Đăng ngày 11-5-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share