[MINH HUỆ 6-12-2015] 74 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, gần đây đã đệ đơn lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc kiện hình sự cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân vì vai trò của ông ta trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Cuộc bức hại này đã bước sang năm thứ 16, cuộc bức hại tàn bạo đối với môn tu luyện ôn hòa này đã gây ra bao đau thương cho hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc qua việc bị sách nhiễu, bắt giữ và giam giữ tùy tiện. Được biết hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị thiệt mạng trong cuộc bức hại này, mặc dù hiện nay không thể xác định được con số thực tế bởi sự phong tỏa thông tin gắt gao ở Trung Quốc.

Dưới đây chúng tôi trích dẫn một vài đơn kiện hình sự trong số các đơn kiện được gửi đi từ thành phố Tây Ninh

Bức hại làm tan nát một gia đình

Bà Triệu Ngọc Lan, một cư dân Tây Ninh 84 tuổi, kiện Giang và những kẻ thừa lệnh ông ta vì đã gây ra cái chết của con trai và con dâu của bà.

Con trai bà Triệu, ông Hà Vạn Cát, một cảnh sát đường sắt của thành phố Tây Ninh. Ông bị sa thải sau khi bị giam giữ trong Trại Lao động Thanh Hải chỉ vì niềm tin vào Pháp Luân Công. Ông Hà Vạn Cát bị bắt giữ vào tháng 7 năm 2002 vì đã phát sóng chương trình thông tin về Pháp Luân Công qua hệ thống truyền hình cáp công cộng, để vạch trần những dối trá được dàn dựng và đăng tải trên kênh truyền thông nhà nước. Vào tháng 12 năm 2002, ông Hà bị kết án 17 năm tù và bị giam cầm tại Nhà tù Hạo Môn ở Bắc Hải Châu. Chỉ năm tháng sau, ngày 28 tháng 5 năm 2003, gia đình ông nhận được thông báo rằng ông Hà Vạn Cát đã qua đời do bị đột quỵ.

Vợ của ông Hà Vạn Cát, bà Triệu Hương Trung, bị bắt giữ bốn lần. Bà qua đời vào tháng 2 năm 2003 trong Trại Lao động Nữ Thanh Hải vì bị tra tấn.

2003-6-24-hewanji_zhaoxiangzhong--ss.jpg

Ông Hà Vạn Cát cùng vợ, bà Triệu Hương Trung

Bà Triệu Ngọc Lan viết trong đơn kiện của mình: “Năm 2002, con dâu tôi, Triệu Hương Trung, bị giam cầm trong một xà lim nhỏ trong trại lao động, ở đó cháu bị đánh đập tàn bạo và bị bắt phải ngủ trên sàn nhà lạnh lẽo. 20 ngày sau cháu được trả tự do, khi đó cháu đã không thể đi lại được nữa rồi. Đôi chân của cháu đã bị tê liệt hoàn toàn. Lồng ngực của cháu bị đau dữ dội, và không thể nuốt được.”

Bà Triệu cũng không tránh khỏi bị chính quyền sách nhiễu và giam giữ. “Vào 3 giờ sáng ngày 13 tháng 5 năm 2004, sáu công an của Phòng Công an huyện Hoàng Trung đã đột nhập vào nhà tôi,” bà viết. “Họ còng tay tôi, khiến tay tôi chảy máu, và giam giữ tôi trong 15 ngày. Chồng tôi, ông Hà Thọ An, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị chấn thương tinh thần khi chứng kiến cảnh tượng này. Do bị chịu nhiều áp lực, trong đó có cả cái chết của con trai và con dâu tôi, ông ấy đã qua đời vào tháng 1 năm 2004.”

Bị cùm trên nền đất trong 34 ngày

Bà Cát Diên Hoa, viết trong đơn kiện hình sự của mình rằng tu luyện Pháp Luân Công giúp cho bà khỏi được bệnh thận và bệnh tim. Nhưng cảnh sát đã bắt giữ vbà ào tháng 9 năm 2009 và lục soát nhà của bà. Bà đã bị kết án năm năm tù giam.

“Ở trong tù, lính canh cố gắng ép tôi phải từ bỏ đức tin của mình. Bốn người trong số họ đá tôi, giẫm đạp lên tôi, và chửi rủa tôi. Thậm chí họ còn dùng dùi cui điện sốc điện vào cổ tôi, gây ra nhiều thương tích cho tôi. Họ đốt da tôi và khắp phòng đều có thể ngửi thấy mùi khét của da cháy.

“Sau đó, tôi bị giam vào một xà lim riêng biệt. Không ai được vào thăm tôi. Lính canh tù ra lệnh cho tù nhân đánh đập tôi. Họ cùm tay tôi xuống đất, và áp đầu tôi vào tường. Ở tư thế như vậy, tôi không thể đứng thẳng, cũng không thể ngồi hay nằm. Tôi chỉ có thể ngồi xổm, khiến bàn tay, cánh tay, bàn chân và cẳng chân của tôi bị sưng phồng lên. Hình thức tra tấn này kéo dài suốt 34 ngày.

“Sau khi tôi được trả tự do vào tháng 1 năm 2014, công an địa phương thường xuyên đến nhà sách nhiễu tôi. Tôi phải rời khỏi nhà và trở thành người vô gia cư.”

Bị tra tấn bằng dùi cui điện

Một công nhân đường sắt khác, bà Miêu Mậu Linh, 60 tuổi, hai lần bị giam giữ trong trại lao động, và bị kết án ba năm tù.

Trong đơn kiện hình sự của mình, bà Miêu thuật lại những hình thức tra tấn mà bà phải chịu đựng khi ở trong tù.

“Vào ngày 18 tháng 12 năm 2002, hai nữ công an, Trương Văn Tĩnh và Lưu Hà, đưa tôi đến một phòng làm việc. Trương đạp tôi ngã xuống đất. Trương và Lưu dùng hai dùi cui điện sốc điện vào cột sống của tôi trong 10 phút. Do bị sốc điện, đầu của tôi nhiều lần bị đập xuống sàn, sưng u lên. Còn da tôi bị cháy, và sùi bọt ở miệng.

“Trương liên tục hỏi tôi ‘bà sẽ từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công chứ? Chúng tôi sẽ tiếp tục nếu bà không từ bỏ’. Dùi cui điện hết điện. Sau khi nạp điện cho chúng, Trương và Lưu tiếp tục sốc điện vào hai tai tôi.”

Bà Miêu Mậu Linh thuật lại trong đơn kiện rằng bà đã chứng kiến nhiều học viên Pháp Luân Công bị tra tấn như vậy khi ở trong tù. Một trong số những học viên đó, Đàm Nghênh Xuân, bị tra tấn đến chết vào sáng ngày 29 tháng 12 năm 2002.

200.000 học viên tìm kiếm công lý

Tính từ tháng 5 năm 2015, hơn 200.000 học viên Pháp Luân Công đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân bởi ông ta đã phát động và trực tiếp chỉ đạo cuộc bức hại. Hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới đã ký tên thỉnh nguyện ủng hộ làn sóng khởi kiện này và kêu gọi đưa Giang ra công lý.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và thi hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, Phòng 610, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền này để đệ đơn kiện hình sự truy tố cựu độc tài Giang.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/12/6/320100.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/12/7/153991.html

Đăng ngày 15-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share