Bài viết của Lý Tử Bình

[MINH HUỆ 16-11-2015] Tránh mặt hoặc phớt lờ các học viên Pháp Luân Công từng là thông lệ đối với bà Lưu Hàn Ngọc sống ở Ottawa, Canada: “Bất cứ khi nào nhìn thấy họ ở Parliament Hill (Khu vực Nghị viện) hoặc các điểm du lịch, tôi sẽ bỏ đi mà không thèm nhìn họ.”

Bà không phải là người duy nhất. Nhiều người Trung Quốc đã đối xử với các học viên theo cách mà bà đã làm. Sau khi bị các tuyên truyền thù hận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tác động, họ đơn giản là không chút đắn đo, mà chọn cách giữ khoảng cách với Pháp Luân Công.

Thời gian trôi qua nhanh, và những ngày này bà Lưu lại gặp những tình huống tương tự, thật ra còn thường xuyên hơn trước đây. Sự khác biệt duy nhất là giờ đây bà ở vị trí ngược lại.

Nói về những sự thay đổi to lớn này, bà Lưu nói rằng bà biết người Trung Quốc nghĩ gì trong đầu – và hơn nữa, thái độ lạnh nhạt này có ý nghĩa gì đối với các học viên. “Gần đây tôi đã gặp vài du khách Trung Quốc đến từ thành phố quê hương tôi. Một phụ nữ hỏi tôi được trả bao nhiêu tiền để phân phát tờ rơi. Khi tôi nói với cô rằng tôi là một tình nguyện viên, cô ấy không tin và hét vào mặt tôi: ‘Thôi nào, trên đời này làm gì có ai làm việc đó miễn phí?’”

Sau khi đi dạo quanh Parliament Hill, người phụ nữ ấy quay lại chỗ bà Lưu, không tin việc bà làm và trút giận lên đầu bà: “Bà đã nói là bà không nhận được tiền cho việc này à? Tôi biết bà nói dối – Thật xấu hổ!”

Tâm bà Lưu trùng xuống, nhưng bà không khó chịu hay bối rối lo ngại. “Chị à, xin hãy bình tĩnh. Nếu chị có vài phút, chúng ta có thể nói về chuyện này. Tôi đã từng nghĩ như chị, và giờ tôi biết mình sai.”

7e8b77ce7813cf178bae6f0d112c42af.jpg

Các học viên Canada biểu diễn các bài công pháp Pháp Luân Công tại Parliament Hill vào tháng 5 năm 2015

Lòng hận thù kéo dài cả thập kỷ

Bà Lưu không đọc bất kỳ cuốn sách Pháp Luân Công nào hay đối thoại với các học viên cho đến năm 2012. Nhưng cũng giống như đa số người Trung Quốc, bà nghĩ rằng bà biết Pháp Luân Công là gì. Tất cả những bình luận về Pháp Luân Công trên truyền hình, phát thanh, báo chí và thậm chí cả sách giáo khoa trẻ em, đều là tiêu cực. Hơn nữa, ấn tượng này đã biến thành lòng căm ghét sau vụ tự thiêu dàn dựng trên Quảng trường Thiên An Môn diễn ra vào đầu năm 2001.

“Khi tôi xem vụ dàn dựng này trên CCTV (Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc) thấy một bé gái đang khóc lóc vì có mẹ bị chết cháy, tiếng khóc thảm thiết làm tim tôi tan vỡ. Kể từ giây phút đó, tôt bắt đầu ghét Pháp Luân Công,” bà nhớ lại.

Nó đã kéo dài chừng 10 năm. Một ngày năm 2012 khi đang tìm kiếm thông tin từ Trung Quốc, bà Lưu đã xem một video của NTD (Đài truyền hình Tân Đường Nhân) miêu tả về các vấn đề vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Bà đã bất ngờ khi thấy một hãng truyền thông hải ngoại bằng tiếng Trung có thể phơi bày thật trực tiếp những vấn đề này, nhưng đồng thời, bà cũng rất vui vì biết rằng những gì bà đang xem là sự thật.

Khi lướt qua trang web tương tự, bà Lưu để ý thấy một đường link video có tên Lửa Giả. Vô cùng tò mò, bà ấn vào đó và màn hình máy tính lập tức đưa bà quay trở lại với những gì đã diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn 10 năm trước. Khi người tường thuật phân tích các hình ảnh, cùng với những bằng chứng do bên thứ ba cung cấp, vụ tự thiêu được chứng minh là một màn lừa bịp.

Bà Lưu rất bối rối. Một mặt, bà thấy đoạn phim video rất thuyết phục; mặt khác bà không thể tin được làm thế nào mà một vụ lừa dối kinh khủng như vậy – làm cho hàng trăm triệu người Trung Quốc quay lưng lại với Pháp Luân Công – lại có thể kéo dài hơn 10 năm.

Khi băng qua Parliament Hill vài ngày sau, như thường lệ bà đã từ chối các tài liệu từ các học viên Pháp Luân Công. Bà nghĩ: “Tất cả chúng ta biết ĐCSTQ rất giỏi lừa dối mọi người. Làm sao mình biết được Pháp Luân Công cũng không dựng lên những việc này?

Tuy nhiên, sau khi nghĩ đến đoạn video vừa mới xem gần đây, bà Lưu quyết định tự mình nghiên cứu và tìm ra sự thật.

Những câu hỏi đã được giải đáp

Tìm những trang web liên quan đến Pháp Luân Công không khó. Bắt đầu bằng Falundafa.org và Minghui.org, bà Lưu nhanh chóng có được một danh sách khoảng hơn 10 đường link được ghé thăm nhiều nhất. Tuy nhiên, khi đọc thêm, bà tìm thấy hai loại thông tin.

Một loại là từ các trang web ở Trung Quốc cũng như các đường link ủng hộ cộng sản ở hải ngoại, những trang mà tấn công và nói xấu Pháp Luân Công theo cách mà khiến bà nhớ đến cuộc Cách mạng Văn hóa. Ngược lại, những trang web của các học viên hoặc các cơ quan thông tấn lại đưa tin về việc thiền định, chia sẻ kinh nghiệm về đề cao tâm tính và những cuộc kháng nghị và biểu tình ôn hòa kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp.

Bà Lưu tự hỏi: “Thế thì mình nên đứng về bên nào nhỉ?”

Quay lại video Lửa giả, bà nhớ rằng nó đã chỉ ra vụ tự thiêu được dàn dựng để lăng mạ Pháp Luân Công. Một bằng chứng là tư thế chân không phù hợp của Vương Tiến Đông, người được cho là đã tu luyện 10 năm trước khi vụ việc xảy ra. Phần lớn các học viên, đặc biệt là những học viên lâu năm, ngồi song bàn với hai chân bắt chéo, nhưng trong video, Vương ngồi như một người lính.

Nhìn vào hàng trăm bức ảnh chụp thiền định với tư thế song bàn, bà Lưu quyết định tự mình thử nghiệm: “Nó có vẻ đơn giản, có thể tôi cũng có thể thử.” Gập một chân khá dễ. Nhưng khi bà cố gắng vắt chân kia lên trên chân đầu tiên, bà thấy mình không thể làm, dù cố gắng nhiều lần.

Ngay lúc đó, bà nhận ra rằng CCTV, cùng với các hãng truyền thông Trung Quốc khác, đã và đang lừa dối mọi người trong suốt những năm này. Mặt khác, thời gian thiền định ngắn ngủi với tư thế đơn bàn đã khiến bà thích thú muốn tìm hiểu thêm.

Từ trang web Falundafa.org bà tìm được một điểm luyện công gần nhà, vì vậy bà đã quay số điện thoại. Một nữ học viên trả lời điện thoại và đã trả lời nhiều câu hỏi của bà Lưu.

Học viên đó nói chuyện với bà và bảo rằng có một triển lãm nghệ thuật quốc tế Chân Thiện Nhẫn đang được tổ chức ở Ottawa. Vì quan tâm đến cả nghệ thuật và các từ “Chân – Thiện – Nhẫn,” bà Lưu hỏi về địa điểm và đi đến đó.

Bà đã biết được nhiều thứ từ cuộc triển lãm, từ sự xuất hiện của Pháp Luân Công, đến sự phổ biến của môn tu luyện này ở Trung Quốc và từ cuộc đàn áp tàn bạo đến sự kiên định của các học viên vào chính tín của họ. Bà biết bà sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu và, lần này với một hướng đi rõ ràng hơn.

3d7742e2f8f25f1717a58d705aa39353.jpg

Luyện công tập thể tại Parliament Hill vào tháng 5 năm 2001, khoảng hai năm sau khi cuộc đàn áp diễn ra ở Trung Quốc.

Hành trình có đích đến

Bà Lưu là một phụ nữ thành đạt. Là chủ doanh nghiệp ở Thâm Quyến, một thành phố ở phía Nam Trung Quốc giáp với Hồng Kông. Bà rất giàu có và có nhiều mối quan hệ với các hiệp hội doanh nghiệp. Sự thành công trong sự nghiệp cũng khiến bà có quyền thế và khắc nghiệt. “Nếu ai đó dám lợi dụng tôi, anh ta hay cô ta sẽ phải hối tiếc,” bà Lưu nhớ lại. Thực tế, bà đã tám chín lần đệ đơn kiện các đối thủ để tạo nên sự ổn định cho doanh nghiệp của mình.

Tuy nhiên, sự thành đạt lại không mang đến hạnh phúc cho bà. Bà không biết được mục đích của sinh mệnh. Đó là tiền bạc, địa vị xã hội hay tình cảm? Bà không chắc chắn. Sau khi đính hôn và li dị vài lần, bà thậm chí còn mất phương hướng hơn.

“Đời tôi sẽ kết thúc trong ba khả năng: điên loạn, tự tử hoặc sẽ đi đến một ngôi chùa,” có lần bà nói với gia đình mình.

Môn thiền định vừa tìm được, và năng lượng tích cực của cuộc triển lãm đã mở ra cho bà một con đường mới. Bà bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công. Trong bài giảng thứ nhất, bà thấy có đoạn: “Kỳ thực tôi nói với mọi người rằng, vật chất và tinh thần chúng là nhất tính.”

“Khi đó tôi đang ngồi trên giường và đọc,” bà Lưu nhớ lại, “nhưng câu nói đó làm tôi xúc động đến nỗi nhảy xuống sàn.” Sau khi chịu đựng thật nhiều năm thăng trầm trong cuộc đời, với những câu hỏi về thể chất và tinh thần, bà biết mình đã tìm được một thế giới mới – một đích đến sẽ mang đến cho bà ánh sáng và hy vọng.

Bà Lưu tiếp tục đọc sách những ngày sau đó, và thấy mình bị lôi cuốn bởi những nguyên lý tinh thâm được mô tả trong sách. “Tôi đã rất nhỏ bé so với những gì trước mặt mình. Trong quá khứ tôi nghĩ mình là một người tốt, nhưng tôi nhận ra bản ngã của mình chứa đựng sự kiêu ngạo, tự trọng thấp, tật đố và nhiều thứ khác.”

Một khởi đầu mới

Tu luyện Pháp Luân Công mang đến cho bà Lưu nhiều hơn những gì bà mong đợi. Thay vì lo lắng về bản thân và tương lai, bà thấy cuộc đời mình tràn ngập niềm vui. Hơn nữa, bà trở nên quan tâm hơn đến người khác.

“GIờ thì tôi biết Pháp Luân Công, và được thụ ích rất lớn. Nhưng còn về những người vẫn từ chối các tài liệu Pháp Luân Công và những người vẫn ghét bỏ môn này vì những lừa dối của CCTV thì sao?” Bà quyết định bước ra và nói với nhiều người hơn nữa về trải nghiệm của mình.

“Các học viên Pháp Luân Công là những người như tôi và bạn.” Bà Lưu thường nói với du khách Trung Quốc khi bà phân phát các tài liệu: “Họ đã tìm được một thứ giúp họ trở thành những người tốt hơn, khỏe mạnh hơn. Nhưng ĐCSTQ đã vô cớ bức hại họ.

“Nếu bạn có chút thời gian, xin hãy dừng lại và đọc những tài liệu này.” Bà tiếp tục: “Những người vô tội đang bị hãm hại và thậm chí còn bị giết vì đức tin của mình. Chúng ta phải chấm dứt việc này – vì bạn, vì tôi, và vì xã hội chúng ta.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2015/11/16/319206.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2015/11/17/153709.html

Đăng ngày 24-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share