Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Montreal, Canada

[MINH HUỆ 2-8-2015] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính. Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi năm nay 21 tuổi. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của mình sau khi đến Canada.

Tâm bất định tìm thấy sự an định trong Đại Pháp

Tôi đến Montreal vào tháng 4 năm 2013. Tôi vẫn nhớ cảm giác vui sướng khi đó như thế nào, từ tận sâu thẳm sinh mệnh, khi lần đầu tiên tôi tham gia vào Ngày Pháp Luân Đại Pháp. Vào ngày hôm đó, tôi đã nhắc nhở bản thân phải tu luyện tốt, bởi vì tôi đã xa rời Đại Pháp quá lâu. Mười năm trước, tôi là một người thường. Và việc tôi phải nhanh chóng để bắt kịp là vô cùng cần thiết. Không ngạc nhiên gì khi tôi có nhiều khảo nghiệm hơn so với những người đã kiên định bước đi trên con đường tu luyện.

Bị chìm trong thùng thuốc nhuộm của người thường và không tuân theo các Pháp lý trong nhiều năm, tôi trở nên rất nóng nảy. Khi mới đến Canada, tôi gặp rất nhiều khó khăn để được nhận vào các trường đại học, do đó cái tâm bất định của tôi thậm chí còn bất định hơn. Cuốn Chuyển Pháp Luân ở ngay trên bàn, nhưng tôi đã không nhớ lần cuối cùng mình cầm cuốn sách là khi nào. Tôi không thể loại bỏ chấp trước mong được nhận vào học của mình. Tất cả nghiệp lực đã được tiêu trừ trong những năm tu luyện của tôi bây giờ lại nổi lên. Cảm giác giống như một trái núi lớn đè xuống tôi và ngăn cản việc tôi học Pháp.

May mắn thay, không lâu sau khi tôi đến, khá nhiều thành viên trong gia đình tôi cũng là các học viên Đại Pháp đã đến Canada, và chúng tôi có thể có môi trường tu luyện ngay trong gia đình. Đầu tiên, mẹ tôi phải ép tôi học Pháp. Dần dần, khi tôi học Pháp, những vật chất màu đen trong tôi bị tiêu trừ, và tôi có thể tập trung vào Pháp. Khi tâm tôi chứa đầy Pháp, tôi loại bỏ được chấp trước học đại học của mình. Sau đó vào tháng 5 năm 2014, tôi nhận được thư mời nhập học từ trường đại học McGill.

Tôi cảm thấy ổn định sau khi được nhận vào trường. Ngay sau đó, tôi tham gia một lớp chín ngày Pháp Luân Đại Pháp dành cho những người trẻ, nơi tôi thu được lợi ích vô cùng tuyệt vời. Người điều phối đã yêu cầu chúng tôi học thuộc Pháp, và lớp học đã kéo dài cả mùa hè để học và luyện công theo nhóm. Trong suốt thời gian đó, tất cả mọi thứ diễn ra đều trôi chảy đối với tôi, bao gồm học Pháp, luyện công, luyện tập nhạc cụ và trợ giúp các hạng mục khác. Tôi được đắm chìm trong Pháp và tôi không có bất kì lo lắng nào. Mỗi ngày tôi đều hạnh phúc và cảm thấy mãn nguyện.

Khi năm học bắt đầu, tôi trở nên bận rộn hơn. Tôi rời nhà và sống tự lập. Lúc đầu, tôi học Pháp mỗi ngày và cũng cố gắng học thuộc Pháp. Mỗi ngày tôi cũng luyện bài công pháp thứ năm tốt hơn. Sau một thời gian, tôi bắt đầu tìm các lý do cho bản thân mình. Tôi có nhiều bài tập về nhà và các bài kiểm tra. Đầu tiên, tôi bỏ qua việc học thuộc Pháp, sau đó cố gắng bào chữa khi tôi không học Pháp vào buổi tối hôm trước. Cuối cùng tôi đi ngủ mà không học Pháp, và không cảm thấy có vấn đề gì với việc đó.

Tháng 12, tôi nói chuyện với chị họ, cũng là một học viên, về tình huống của bản thân mình. Tôi đột nhiên ngộ ra rằng mình phải thay đổi trạng thái tinh thần của bản thân. Tôi không được buông lơi trong tu luyện. Ngày hôm sau là Chủ nhật. Tất cả mọi người cùng tham gia phát tờ rơi quảng bá Thần Vận đến từng nhà. Tôi không có kế hoạch tham gia vì thứ Hai tới có một bài kiểm tra của môn học mà tôi đã học không tốt lắm, mặc dù tôi đã vô cùng cố gắng. Tuy nhiên, sau khi chia sẻ với chị họ, phần Thần trong tôi đã khởi lên và gạt sang bên những lý do và chấp trước của tôi. Tôi đã dành cả ngày để phát tờ rơi. Sư phụ đã ở bên và bảo hộ cho tôi, bởi vì tôi không cảm thấy lạnh hay mệt. Thay vào đó tôi cảm thấy ấm áp và thoải mái. Thứ Hai, tôi đi thẳng tới trường làm bài kiểm tra và đã đạt điểm A cho môn học.

Tôi đã học được từ trải nghiệm này rằng chúng ta có thể cân bằng việc học tập, tu luyện cá nhân và những việc một đệ tử Đại Pháp cần làm. Chúng ta nên là một sinh viên giỏi, và mặc dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều, thì cũng không nên chấp trước vào kết quả. Khi chúng ta được yêu cầu thực hiện những việc đệ tử Đại Pháp cần làm, chúng ta nên coi đó là ưu tiên hàng đầu. Tôi hiểu rằng Đại Pháp ban cho chúng ta trí huệ, và chúng ta cần tín Sư tín Pháp, và tôi thậm chí có thể nói rằng “tất cả những năng lực của chúng ta đều do Đại Pháp ban cho”, tuy nhiên trong tâm thì tôi lại cảm thấy hài lòng với “sự thông minh” của mình. Khi bận rộn với việc học, tôi tìm lý do để không học Pháp hoặc luyện công. Tôi đã nghĩ điều đó có thể chấp nhận được.

Tháng 4 năm 2015, tôi trở về nhà vì rất nhiều nguyên nhân. Nhìn lại, tôi vô cùng biết ơn sự từ bi của Sư phụ khi an bài cho tôi trở về môi trường tu luyện cùng với gia đình. Nhiều thành viên trong gia đình tôi là người tu luyện. Tôi thật quá may mắn vì được sinh ra trong một gia đình như vậy. Tôi xấu hổ về bản thân khi để những chấp trước và vật chất bất hảo ngăn cản mình học Pháp với tâm bình ổn, và không sống theo sự bảo hộ và an bài của Sư phụ. Khi tôi còn nhỏ, ông tôi đã dạy tôi những bài thơ trong Hồng Ngâm và các kinh văn trong Tinh Tấn Yếu Chỉ, và tôi có thể ghi nhớ chúng. Bây giờ, khi tôi đọc lại những đoạn [kinh văn] mà mình còn nhớ, mắt tôi chan chứa lệ. Tôi cảm thấy xấu hổ khi mình thậm chí còn không được tốt bằng hồi bé.

Nhưng cảm giác xấu hổ ấy là không đủ trong tu luyện. Tôi cần đề cao, thay vì từ bỏ bản thân. Điều đó mới thật sự là không tốt và đáng xấu hổ. Tôi không thể đối diện với Sư phụ và các sinh mệnh trong thế giới của mình. Với môi trường tu luyện tốt tại nhà, trường năng lượng khác hẳn. Ngay sau khi tôi ngồi xuống học Pháp, tôi trở nên tĩnh và tôi có thể lĩnh hội Pháp. Sống xa nhà, tôi nhận ra rằng rất dễ dàng buông lơi nếu không có sự thúc giục của gia đình. Do đó, tôi trân quý môi trường tu luyện này hơn.

Ngay sau khi tôi trở về nhà, các khổ nạn đã đến. Đơn cử, chúng tôi lúc đó đang phải chịu đựng những khó khăn về tài chính, và chúng tôi chỉ vừa đủ sống. Điều đó khá khó khăn. Khi còn ở Bắc Kinh, tôi sống rất thoải mái về mặt vật chất. Tôi có thể chi trả cho bất cứ thứ gì mình muốn. Tuy nhiên, phúc phận người thường đó hoàn toàn không phải là điều tốt cho chân ngã của tôi.

Khi mẹ tôi nói với tôi bà bị mất việc, tôi bình tĩnh và nói với mẹ: “Đó là một điều tốt.” Nhưng đó chính là một khảo nghiệm khác cho gia đình tôi.

Sư phụ đã giảng:

“Có một số người tu luyện cảm thấy nạn rất lớn, thật ra không hề lớn. Khi chư vị cảm thấy nó lớn, nó càng biến thành lớn, chư vị càng nhỏ. Nếu chư vị không để ý, không để nó trong tâm, núi xanh còn kia thì không lo củi đốt, có Sư phụ ở đây, có Pháp ở đây, sợ cái gì? Kệ nó! Khi vừa vứt bỏ, chư vị sẽ phát hiện thấy nạn trở nên nhỏ, chư vị trở nên lớn, chư vị chỉ một bước liền vượt qua, nạn kia biến thành chẳng là gì cả, đảm bảo là như vậy. Không qua được, thực chất là họ không vứt bỏ được tâm chấp trước, hoặc là không tin vào Pháp.” (Giảng Pháp tại Sydney)

Khi học Pháp thường xuyên hơn, tôi cảm thấy mình có thể từ bỏ và phó mặc mọi thứ cho Sư phụ và Pháp. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc trốn chạy khỏi cuộc sống khó khăn này và quay về với cuộc sống “tốt đẹp” ở Trung Quốc. Mặc dù khổ nạn của chúng tôi dường như không thể vượt qua được, nhưng tôi to lớn hơn chúng. Tôi đã tăng cường chính niệm của mình và trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi không nghĩ quá nhiều về nó. Và khi nó không còn ảnh hưởng đến tôi nhiều như giả định, tôi đã vượt qua khảo nghiệm. Tôi tin khổ nạn trải qua chính là may mắn của mình.

Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ đã chăm lo cho tôi. Vì chúng ta đã đắc Pháp, thì giống như câu nói: “Triêu văn Đạo, tịch khả tử.” (Hòa tan trong Pháp, Tinh tấn yếu chỉ). Việc chúng ta phải chịu khổ nạn không phải là vấn đề. Chúng ta nên “lấy khổ làm vui.” (Cảnh giới, Tinh tấn yếu chỉ) Đó không phải là hảo sự sao?

Ngay sau khi “Luận Ngữ” mới được xuất bản, tôi đã truy cập vào website Minh Huệ. Tôi đã chấn động khi đọc câu “Đại Pháp là trí huệ của Sáng Thế Chủ.” Tôi cảm thấy năng lực bản thân được đả khai. Tôi có thể cảm nhận được sự hân hoan từ sâu thẳm của sinh mệnh. Tôi nhận ra mình phải tu chính bản thân ngay lập tức và gánh vác các trách nhiệm của một đệ tử Đại Pháp, và bước đi trên con đường thần thánh một cách kiên định.

Tôi học và ghi nhớ “Luận Ngữ” mỗi khi có thể. Trước khi đọc, tôi tắm gội và thay đồ. Thể ngộ của tôi là chúng ta nên ăn mặc chỉnh tề trước khi chúng ta học Pháp. Sư phụ đã giảng, chúng ta nên “ôm chí lớn mà không quên tiểu tiết.” (Thánh giả, Tinh tấn yếu chỉ)

Người Trung Quốc cổ đại thường ăn chay, tắm gội và thay quần áo (trước khi họ làm việc gì quan trọng). Trước Pháp vĩ đại của vũ trụ, chúng ta nên thể hiện sự tôn kính. Tôi dành một khoảng thời gian để học thuộc “Luận Ngữ”. Khi gần đến cuối, tôi vô cùng xúc động đến nỗi cảm thấy khó thở. Tôi nói với các sinh mệnh trong thế giới của mình hãy bình tĩnh trước khi tôi học thuộc câu cuối cùng: “làm người tu luyện, mà đồng hóa với Ông thì chư vị chính là bậc đắc Đạo: Thần.” (Luận Ngữ)

Sau đó khi tôi đứng lên, tôi nhận thấy mình rất nhẹ nhàng. Sư phụ đã giảng:

“Nhận ra chính-tà, đắc chân kinh, thân nhẹ hơn, huệ tăng lên, tâm tròn đầy, lên thuyền Pháp phiêu phiêu. Lành thay! Hãy nỗ lực tinh tấn, một mạch đến viên mãn.” (NgộTinh tấn yếu chỉ)

Tôi đã được sinh ra trong Pháp. Tôi đã có một tâm thái thuần tịnh khi được hồng Pháp. Tôi nghĩ rằng sự háo hức học thuộc “Luận Ngữ” của mình chính là cảm giác “tu luyện như thuở đầu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York [2009])

Tôi bắt đầu học thuộc khi đang trên đường đến trường và đến buổi luyện tập của Đoàn nhạc Tian Guo. Càng học thuộc, chính niệm của tôi càng trở nên mạnh mẽ và tôi càng trở nên kiên định hơn.

Là một lạp tử của Pháp trong các hạng mục Đại Pháp

Tôi là thành viên của Đoàn nhạc Tian Guo. Tôi tham gia sau khi đến Canada được ba tháng. Tham gia vào các hạng mục cũng là một quá trình tu luyện đối với tôi. Lần diễu hành đầu tiên của tôi là vào ngày 24 tháng 6 năm 2013. Dù đã gần ba năm, nhưng tôi vẫn nhớ một cách hết sức sinh động.

Tôi mới chỉ tham gia ban nhạc được một tháng khi có diễu hành. Tôi chơi trống tiểu và hôm đó là một trải nghiệm khó khăn. Mưa như trút nước và tôi đã phải phát chính niệm trên cả chặng đường để có thể hoàn thành buổi diễu hành. Từ thời điểm đó trở đi việc trở nên càng ngày càng dễ dàng hơn. Tôi nghĩ mình chơi trống rất tốt, khi mặc đồng phục và diễu hành trong nhóm đầu của ban nhạc, tôi cảm thấy bản thân thật xuất sắc. Khi nhận ra đây là tâm hiển thị, tôi cố gắng tập trung vào chơi trống trong lúc tập luyện hoặc trình diễn, chứ không hiển thị kỹ năng hay bản thân. Khi luyện tập, tiếng trống vang lên khá tẻ nhạt, nhưng tâm trí tôi lại trở nên điềm tĩnh hơn. Khi tôi tham gia diễu hành, mỗi khi tôi đánh trống, nó giống như một bông sen đang khai nở vậy.

Ngay sau khi tiêu trừ chấp trước hiển thị, tôi được đề nghị chơi chũm chọe (cymbals) thay ai đó trong ba lần diễu hành năm 2014. Lần đầu chơi nhạc cụ này, tôi thấy chúng có vẻ khá nặng. Tuy nhiên, với sự kiên trì, tôi đã cảm nhận được khí thế của nhạc cụ mới; rằng ở các không gian khác, nó vô cùng mạnh mẽ. Tôi tràn đầy chính niệm đối với [hạng mục] Đoàn nhạc Tian Guo.

Sau đó tôi được giao chơi kèn trombone. Mặc dù trước đó tôi đã học nhạc một thời gian, nhưng đã quên gần hết. Thêm vào đó, đây là nhạc cụ tông trầm mà tôi chưa bao giờ học cách chơi. Tôi đã rất mâu thuẫn. Nhưng ngay khi tôi chơi thử, âm thanh phát ra khá tốt. Tôi có thể tạo ra các thang âm. Bằng cách luyện tập, tôi chơi tốt hơn. Kiến thức âm nhạc và khả năng cảm thụ [âm nhạc] xuất hiện trở lại, và tôi có kỹ năng nghe rất tốt. Tôi tin đây là điều Đại Pháp ban cho để tôi có thể đóng góp nhiều hơn cho hạng mục. Một tháng sau đó, tôi chơi kèn trombone trong đoàn diễu hành ở Toronto. Tôi không nghĩ rằng mình có bất kì tài năng gì, và tiếp tục luyện tập, ít nhất hai tiếng mỗi ngày. Tôi học bốn bài trong vòng một tháng, và trở nên quen thuộc với các giai điệu khác.

Tính đến nay tôi đã chơi kèn trombone được gần một năm. Các học viên trong ban nhạc đều biết vai trò quan trọng của kèn trombone, và tôi cũng nhìn thấy ảnh hưởng của nó tới phần trình diễn tổng thể của cả ban nhạc. Do đó tôi yêu cầu bản thân luyện tập nhiều hơn, đảm bảo sáu tiếng tự luyện tập trước khi gặp các thành viên còn lại trong đoàn. Tôi đã chơi một vài nhạc cụ trong ban nhạc và bây giờ cây kèn trombone đã chọn tôi. Mỗi lần tôi phải đổi nhạc cụ, đó là vì nhu cầu của ban nhạc. Tôi phải vứt bỏ tự ngã để thực sự là một lạp tử của Pháp. Nhạc cụ chính là các Pháp khí của chúng tôi. Tôi đối đãi với chúng như thể chúng là những sinh mệnh sống. Sau khi luyện tập, tôi làm sạch miệng kèn cẩn thận, lau thanh trượt và lau dầu cho tới khi nó sáng bóng. Tôi chắc chắn rằng nó hạnh phúc khi được đối xử như thế.

Cây kèn trombone hẳn là đã tự hào vì sự tiến bộ của tôi trong quá trình luyện tập và trong suốt các buổi diễu hành. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì sự tồn tại của nó. Kỳ thật, tôi đã từng thử chơi kèn Cor (French horn) một lần, khi không có ai để ý, vì tôi nhớ lúc đó mình còn nhỏ, một giáo viên dạy nhạc đã nói tôi có năng khiếu về nó. Tôi đã chơi tốt, và nghĩ thầm: “Giáo viên của mình đã đúng. Mình có năng khiếu chơi nhạc cụ này.” Sau đó tôi muốn chuyển sang chơi kèn Cor. Rồi tôi có vài giấc mơ, mỗi giấc mơ đều có liên quan đến kèn trombone. Tôi nhận ra rằng Sư phụ đã điểm hóa cho mình, để tôi vứt bỏ tự ngã và phối hợp hài hòa với hạng mục.

Một hạng mục khác tôi tham gia đó là phát sóng chương trình Âm thanh Hi vọng (Sound of Hope). Trong lần đầu tiên, tôi đã phải mất vài tiếng đồng hồ cho một chương trình [phát sóng] 15 phút, và tôi đã bị khủng hoảng sau buổi tối hôm đó. Cùng với sự hỗ trợ của một số học viên khác mà tôi đã có thể tải chương trình lên vào lúc nửa đêm. Sau đó, tôi yêu cầu bản thân mình học Pháp ít nhất một giờ trước khi tôi bắt đầu làm hạng mục. Bây giờ tôi có thể hoàn thành công việc trong vòng hai giờ đồng hồ. Hoàn thành được công việc là một quá trình tu luyện. Chúng tôi phải rất chính xác về vấn đề thời gian đối với công việc này. Chương trình của chúng tôi kéo dài chính xác 15 phút, không hơn, không kém, vì nó còn ảnh hưởng đến thời lượng các chương trình khác, gây ra sự bất tiện cho các học viên khác. Tôi thường xuyên phải dành thời gian biên tập các văn bản để đảm bảo chính xác 15 phút. Việc này đôi khi cũng khiến tôi cảm thấy bực dọc. Có một lần, khi tôi thực hiện công việc theo một cách thông thường, và nó mất chính xác 15 phút, không cần bất kì sự điều chỉnh nào. Nước mắt tôi đã trào ra.

Pháp là vô biên, “…không gì không bao hàm, không gì bị bỏ sót.” (Luận Ngữ) Tôi đã ngộ ra ý nghĩa sâu xa của câu này.

Tu luyện trong các hạng mục Đại Pháp, tôi dần dần hiểu ra trách nhiệm và vinh diệu khi được làm một lạp tử của Pháp. Tôi cũng ngộ ra rằng mình phải không ngừng tu luyện cá nhân, để có thể phối hợp với các học viên khác trong các hạng mục Đại Pháp. Tham gia vào các hạng mục Đại Pháp đã giúp tôi tu luyện bản thân mình. Tôi trở nên càng ngày càng kiên định hơn, và ngược lại, tôi có thể phối hợp các hạng mục Đại Pháp một cách hài hòa. Tôi kiên định trở thành một đệ tử Đại Pháp trẻ đường đường chính chính, làm tốt công việc của mình và đề cao bản thân, để tôi có thể bước đi trên con đường thần thánh nhanh hơn và tốt hơn.

Trên đây là những kinh nghiệm tu luyện của bản thân tôi trong năm qua. Xin vui lòng chỉ ra những điều còn chưa hợp lý.

Con xin cảm ơn Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Trình bày tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp Canada 2015)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/8/2/-313473.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/3/151876.html

Đăng ngày 21-10-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share