Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp miền Trung Tây Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 8-8-2015 ] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi là một học viên trẻ tới Mỹ vào cuối tháng Giêng cùng với cha. Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ khi còn nhỏ, cùng với cha mẹ và ông bà. Các học viên đã trưởng thành hướng dẫn tôi từ khi còn nhỏ, vì vậy tôi rất tinh tấn. Khi ông bà tôi học Pháp và kinh văn, tôi sẽ học cùng. Tôi cũng đến các tòa nhà dân cư và phát đĩa CD Thần vận và Cửu bình với cha mẹ hoặc bà.

Khi còn học tiểu học, cha tôi thường nói rằng tôi phải phát chính niệm nếu trường kéo cờ Đảng Cộng sản (ĐCSTQ) vào buổi sáng. Nhưng sau khi lên cấp trung học cơ sở, tôi có nhiều bài tập về nhà hơn. Các chấp trước và tâm sợ hãi của tôi cũng trở nên mạnh hơn. Tôi đã buông lơi, và không còn tinh tấn chút nào.

Sau khi tới Mỹ, tôi vô cùng hối tiếc vì đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội cứu người. Tôi đã quyết định bắt kịp và tu luyện vững vàng. Hôm nay tôi muốn chia sẻ một số trải nghiệm tu luyện của mình sau khi tới Mỹ

Bắt đầu từ việc học Pháp và luyện công

Ở Trung Quốc khi học Pháp, phần lớn thời gian, tôi chỉ đọc cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi biết rằng Sư phụ đã giảng nhiều bài kinh văn khác, nhưng tôi chưa bao giờ đọc. Tôi chỉ đọc kinh văn mới của Sư phụ do cha tôi in ra và bảo tôi đọc.

Một ngày sau khi đến Mỹ, hai hộp đầy các sách Đại Pháp đã được đặt trong phòng khách của chúng tôi, mà rất nhiều cuốn trong đó tôi chưa hề đọc. Nhìn vào những cuốn sách màu vàng, tôi cảm thấy rất cao hứng và muốn bắt đầu đọc ngay. Tôi nghĩ đó là do chúng sinh trong thế giới của mình đã rất vui khi thấy có rất nhiều sách Đại Pháp, họ nóng lòng muốn tôi đọc ngay.

Tôi bắt đầu đọc từng cuốn một. Bởi vì tôi không tinh tấn, đây là lần đầu tiên tôi đọc nhiều kinh văn của Sư phụ. Tất cả chúng đều rất mới đối với tôi.

Vì tôi đã đọc Chuyển Pháp Luân rất nhiều lần, đôi khi tôi không tập trung vào những gì đang đọc. Tôi có thể đọc một số trang và vẫn không biết mình đang đọc gì. Tôi nghĩ rằng, việc này là không chính. Đây không phải là học Pháp. Chuyển Pháp Luân chính là Pháp chỉ đạo cho tu luyện. Chúng ta cần phải tập trung vào việc học Chuyển Pháp Luân.

Có một khoảng thời gian hai cha con tôi nghe radio trên Minh Huệ trong lúc ăn sáng. Một học viên trẻ nói về việc học thuộc Pháp. Anh ấy chỉ mất một mùa hè để học thuộc Chuyển Pháp Luân. Cha tôi cho rằng chúng tôi cũng nên bắt đầu học thuộc Pháp. Chúng tôi có thể bắt đầu với hai trang một ngày.

Học thuộc Pháp là một cách học Pháp rất tốt. Nếu bạn muốn học thuộc một đoạn, bạn sẽ phải hiểu được ý nghĩa của đoạn đó và bạn phải tập trung.

Thực tế khi còn nhỏ tôi đã cố gắng học thuộc Pháp, nhưng sau một vài ngày tôi đã không nhẫn được. Tôi bắt đầu viện đủ các lý do để không học thuộc Pháp. Lần này tôi bắt đầu học lại. Tôi học thuộc lòng bài giảng thứ nhất, sau đó tôi lại buông lơi. Tôi có thể nhớ được rất nhiều khi có trạng thái tu luyện tốt, nhưng khi tu luyện không tinh tấn, tôi thường cáu giận, và không thể nhớ nổi ngay cả chỉ một đoạn.

Tôi đã ngừng lại một thời gian. Gần đây tôi đã bắt đầu học lại một lần nữa, tiếp tục từ chỗ tôi dừng lại lần trước. Cách tôi học thuộc Pháp như sau: Nhớ câu đầu tiên, sau đó đến câu thứ hai. Học thuộc lòng hai câu lại với nhau. Sau khi nhớ câu thứ ba, học thuộc một lần nữa từ câu đầu tiên.

Tuy nhiên, đối với tôi phương pháp này có thể mất khá nhiều thời gian. Nhiều lần gặp đoạn dài một chút tôi trở nên thiếu kiên nhẫn. Tôi luôn cố gắng tìm con đường tắt, để tìm ra cách học nhanh hơn. Tôi sẽ ghi nhớ một vài câu rồi sau đó không đọc lại, mà lại tiếp tục học thuộc. Nhưng thực sự đó là phương pháp chậm hơn, bởi vì tôi sẽ luôn luôn quên một số từ ở chỗ này hoặc chỗ kia. Tôi thường không thể nhớ những gì ở đoạn tiếp theo, và cha tôi cần nhắc tôi rất nhiều khi kiểm tra việc học của tôi. Cuối cùng thì kết quả rất tệ.

Tôi ngộ ra rằng toàn bộ quá trình tu luyện của chúng ta cũng giống như học thuộc Pháp: không có đường tắt. Cách duy nhất là tu luyện vững vàng kiên định, từng bước từng bước một. Cố tìm một cách dễ dàng hơn chỉ dẫn đến kết quả hoàn toàn trái lại.

Trước đây tôi không thích luyện công. Hai cánh tay tôi rất mỏi khi luyện bài công pháp đứng và chân của tôi bị đau trong quá trình đả tọa. Các động tác của tôi thường không chuẩn xác bởi vì tôi bắt đầu cảm thấy mệt. Tôi cũng không coi trọng việc luyện công; nhiều khi bận rộn, tôi sẽ bỏ luyện công. Tôi nghĩ rằng mình chỉ cần đảm bảo học Pháp.

Hè này, cha nói với tôi rằng chúng tôi cần phải luyện công hàng ngày, vì vậy chúng tôi bắt đầu thức dậy vào lúc 7 giờ sáng và luyện công. Lúc đầu tôi rất miễn cưỡng. Tôi nghĩ rằng mãi mới đến kỳ nghỉ và mình có thể ngủ nhiều hơn, mà bây giờ lại phải thức dậy như khi đi học ở trường. Nhưng sau đó tôi nhận ra mình đã an dật và không tinh tấn. Luyện công là cách nghỉ ngơi tốt nhất; ngủ ít một chút không là gì so với những lợi ích của việc luyện công.

Vài ngày đầu, rất khó để dậy sớm, và tôi luôn luôn phải nằm trên giường vài phút rồi mới thực sự thức dậy. Sau khi luyện công được vài ngày, tôi bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc luyện công. Tôi cảm thấy mình giống như một học viên Đại Pháp thực thụ hơn. Điều đó thúc đẩy toàn bộ việc tu luyện của tôi. Tôi quyết định rằng mình phải tiếp tục luyện công hàng ngày, cho dù có bận đến đâu.

Tham gia học Pháp nhóm và gọi điện thoại về Trung Quốc

Sau khi tới Mỹ, các đồng tu đề nghị tôi tham gia nhóm giảng chân tướng dành cho các học viên trẻ. Là một học viên trẻ, tôi sẽ có một môi trường tu luyện tốt hơn, nơi tôi có thể ở cùng với các học viên cùng độ tuổi với mình. Tôi nghĩ, mình đã bắt kịp việc học Pháp và luyện công, vì vậy mình cũng phải cứu người.

Hai cha con tôi luôn luôn nghĩ rằng chúng tôi rất bận và không có thời gian. Vì vậy, việc tham gia vào nhóm của tôi đã bị trì hoãn một thời gian khá dài. Các đồng tu tiếp tục đề cập đến việc này, vì vậy chúng tôi đã nhận ra rằng chúng tôi nên khẩn trương. Cha đã giúp tôi tham gia hạng mục này.

Lần đầu tiên tham gia, tôi không biết làm thế nào để gọi điện thoại giảng chân tướng. Tôi nghe những người khác gọi một vài ngày, sau đó tôi quyết định bắt đầu gọi điện thoại. Tôi rất lo khi thực hiện cuộc gọi điện thoại đầu tiên về Trung Quốc.

Khi nhấc điện thoại lên, tôi không biết phải nói gì. Tôi chỉ thấy thoải mái khi nói với người nghe thực sự gần gũi với mình, nhưng tất cả các số điện thoại là ngẫu nhiên, nó có thể là bất cứ ai. Tôi cần phải nói gì với họ đây? Tôi biết chúng tôi có sẵn lời thoại, và tôi có thể chỉ đọc lên. Tuy nhiên, người ở đầu bên kia cũng là một người thật, tôi không trông đợi rằng người đó sẽ theo dõi bài đọc của tôi!

Tôi nên làm gì đây? Tôi bấm số điện thoại, nhưng không dám kết nối. Tôi lo lắng về những gì sẽ xảy ra nếu tôi gọi. Tuần đó chủ đề thảo luận hàng tuần của chúng tôi là tín Sư tín Pháp. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, mình không nên cảm thấy căng thẳng khi gọi điện thoại. Tôi nên đi theo con đường Sư phụ đã an bài. Nếu Sư phụ đã ban cho tôi khả năng để làm việc đó thì tôi có thể làm, và không có gì phải lo lắng cả.

Cứu người là sứ mệnh của tôi. Sư phụ đã an bài tất cả. Mặc dù tôi vẫn cảm thấy một chút lo lắng, nhưng không trì hoãn thêm nữa. Tôi đã thực hiện hai cuộc gọi điện thoại. Những người ở đầu bên kia của đường dây không phản ứng gì, cảm giác của tôi đã khác khi thực hiện bước này. Tôi đã bớt căng thẳng, và cảm thấy tự tin hơn.

Sau khi thực hiện các cuộc gọi được vài ngày, tôi trở nên quen với lời thoại, nhưng tôi luôn cảm thấy rằng lời nói của tôi không thể chạm tới tâm của người nghe. Tôi cảm thấy rằng tôi chỉ đang đọc bài của mình. Nếu có câu hỏi, tôi sẽ trả lời họ. Nếu người đó vẫn im lặng tôi không biết phải nói gì. Một lần tôi nghe các học viên khác nói về việc tinh tấn khi giảng chân tướng. Tôi nghĩ rằng có lẽ mình vẫn chưa đủ tinh tấn, và tôi chỉ coi giảng chân tướng như một nhiệm vụ.

Tôi nghĩ về điều đó, và thấy rằng mình chỉ nghĩ đến việc nên tự mình biểu đạt như thế nào, mà không nghĩ về việc người ở đầu bên kia sẽ đón nhận lời nói của tôi ra sao. Chúng ta nên từ bi khi cứu người và thật sự nghĩ về người khác.

Lần tiếp theo khi tôi thực hiện một cuộc gọi, người đó im lặng. Tôi nói, “Nếu anh chị không hiểu những gì tôi vừa nói cũng không sao. Hãy để tôi giúp anh chị hiểu thêm về Pháp Luân Công.” Mặc dù người đầu bên kia vẫn không đồng ý thoái ĐCSTQ, tôi cảm thấy mình đã trở nên thân thiện hơn. Những người có ác cảm lúc đầu đã trở nên ít hận thù hơn.

Tôi thường xuyên ở trong phòng của mình khi phát chính niệm. Đôi khi cha tôi bảo tôi vào phòng khách và ngồi với ông trong khi phát chính niệm. Tôi nghĩ nơi ngồi khi phát chính niệm không quan trọng, vì vậy không cần phải đi từ phòng này sang phòng khác. Sau đó, cha tôi nói rằng chúng tôi cần phải hình thành một chỉnh thể thậm chí chỉ với hai người; chúng tôi cần phải phát chính niệm cùng nhau. Vậy nên, từ đó về sau mỗi lần phát chính niệm tôi đều ra khỏi phòng của mình.

Gần đây tôi ngộ ra rằng môi trường tu luyện nhóm tốt hơn so với tu luyện một mình. Cả việc tham gia vào học Pháp nhóm và làm việc trên cùng nhóm giảng chân tướng đã giúp tôi đề cao một cách nhanh chóng. Khi ở trong nhóm, thật dễ dàng nhớ rằng mình là một học viên, và nhắc nhở bản thân về sứ mệnh của mình là cứu độ chúng sinh. Đôi khi buông lơi, tôi bị rớt xuống trong khi làm ba việc. Khi ở trong nhóm, tôi thấy khoảng cách giữa tôi và những người khác, và tôi phải nỗ lực để bắt kịp.

Khi chỉ có một mình, mặc dù tôi đang cố gắng thay đổi, nhưng bao quanh tôi là những người thường. Khi chúng ta trong trạng thái tu luyện kém, chúng ta càng buông lơi và trệch khỏi Pháp. Chúng ta càng xa rời Pháp, chúng ta càng kém chủ động, và chúng ta sẽ bị bế tắc. Vì vậy môi trường của chúng ta rất quan trọng.

Tham gia vào các hoạt động nhóm có thể đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta không bị rớt lại trong tu luyện. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta nên cố gắng hết sức tham gia hoạt động nhóm.

Gần đây tôi nhận ra rằng chúng ta cần phải làm tốt tất cả ba việc và không buông lơi bất cứ việc nào. Môi trường nhóm cũng rất quan trọng. Tất cả chúng ta phải theo kịp tiến trình Chính Pháp. Bây giờ chúng ta không thể dừng lại.

Trên đây là một số trải nghiệm của tôi trong quá trình tu luyện. Con xin cảm tạ Sư phụ!

Cảm ơn các bạn đồng tu! Hợp thập.

(Trình bày tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp Miền Trung nước Mỹ 2015)


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/10/152008.html

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/8/8/313813.html

Đăng ngày 10-10-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share