[MINH HUỆ 09-06-2015] Ông Khổng Khánh Xuân, 52 tuổi, một cựu bác sĩ phẫu thuật ở thành phố Đại Liên, đã đệ đơn khởi kiện hình sự cựu Tổng Bí thư Trung Quốc là Giang Trạch Dân tội lạm dụng quyền lực để phát động cuộc đàn áp mang tính hệ thống trên toàn quốc đối với các học viên Pháp Luân Công.

“Vì cuộc đàn áp, mà hai vợ chồng tôi phải ly dị; căn hộ của tôi bị chiếm đoạt; và tài sản cá nhân bị tịch thu. Thân thể bị thương tích nghiêm trọng. Cha mẹ và họ hàng sống trong sợ hãi. Một vài lời không thể mô tả hết được nỗi đau đớn mà tôi và gia đình đã phải chịu đựng.

Bác sĩ Khổng viết trong đơn kiện: “Tôi phải trải qua một khoảng thời gian khó nhọc mưu sinh, chỉ bởi tôi tu luyện Pháp Luân Công. Tôi đã bị đuổi việc nhiều lần vì nói với mọi người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.”

Bác sĩ Khổng đã đệ đơn kiện đến Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao thông qua chuyển phát nhanh vào ngày 02 tháng 06.

8be0e469b004b933010415ddb8a5b37a.jpg

Biên lai chuyển phát cho đơn kiện của bác sĩ Khổng Khánh Xuân gửi đến Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao

Bác sĩ Khổng từng làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Số 5 thành phố Đại Liên. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Sau khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 02 năm 2000, ông không được phép hành nghề y tại bệnh viện và phải làm các công việc lau dọn. Cuối cùng ông bị buộc phải rời khỏi bệnh viện.

Tháng 04 năm 2000, Bác sĩ Khổng lại bị bắt giữ vì nói với mọi người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công và bị đưa đến trại lao động cưỡng bức trong một năm.

Sau khi tuyệt thực để phản đối ở Trại lao động cưỡng bức Quan Sơn Tử, ông đã bị biệt giam, bị tra tấn và suýt trở thành nạn nhân của tội ác mổ cướp nội tạng. Ông viết: “Tôi bị đưa đến bệnh viện để siêu âm gan, nhưng không được chữa trị gì cả. Dựa trên kinh nghiệm về phẫu thuật gan, tôi biết mình suýt chút nữa đã trở thành một người hiến tạng không tình nguyện.”

Năm 2008, bác sĩ Khổng bị bắt khi đến một đồn công an để hỏi thông tin về một học viên địa phương đã bị bắt giữ. Ông bị đưa đến Trại tạm giam Diêu Gia và bị các tù nhân khác đánh đập. Ông đã tuyệt thực và bị bức thực hai lần trước khi được thả.

Tháng 04 năm 2009, Bác sĩ Khổng lại lần nữa bị bắt giữ vì phân phát các đĩa DVD Thần Vận: “Tôi từ chối hợp tác với công an nên đã bị sốc bằng dùi cui điện, khiến trên cổ lưu lại những đốm đen.”

Ông Khổng đã bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Đại Liên, dù không có thủ tục pháp lý nào được tuân thủ. Ông đã tuyệt thực để phản đối và được thả sau năm ngày khi tình trạng trở nên nguy kịch.

Bác sĩ Khổng đã bị bắt giữ phi pháp và bị giam năm lần hơn 16 năm qua vì tu luyện Pháp Luân Công và nói với người khác về cuộc đàn áp. Ông đang muốn Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và thi hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610,” vào ngày 10 tháng 06 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài Giang.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/6/9/310656.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/6/24/151237.html

Đăng ngày 03-07-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share