Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông

[MINH HUỆ 27-08-2014] Tại Trung Quốc, các bác sĩ thường được ví như “thiên thần áo trắng.” Ông của tôi là một trong những bác sĩ Trung y đương thời. Nhiều người trong vùng đánh giá cao và rất kính trọng ông.

Không gì ngạc nhiên khi mẹ tôi mong rằng tôi sẽ học trường y và cũng trở thành một bác sĩ, kế thừa truyền thống gia đình. Tôi đã cố gắng nhưng không thực hiện được điều đó.

Giới y khoa Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong những năm qua, nhiều bác sĩ không còn xem việc chữa trị cho bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu của họ. Đòi tiền và hối lộ để được chăm sóc y tế ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Nhưng công việc của bác sĩ trong những trại lao động thậm chí còn kinh hoàng hơn: cuộc bức hại toàn quốc đối với Pháp Luân Công đã biến nhiều bác sĩ từ “thiên thần áo trắng” thành “sát nhân áo trắng.”

Dưới đây là hai trường hợp đã diễn ra tại Trại lao động Vương Thôn, tỉnh Sơn Đông.

Bà Cốc Tĩnh

Bà Cốc Tĩnh, 72 tuổi, sống ở khu nhà nhân viên của Công ty Hóa dầu Thái Thành ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông. Tháng 03 năm 2000, bà đã bị kết án hai năm trại lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi bị tra tấn đến gần chết, trại lao động đã quyết định thả bà ra để điều trị y tế.

Vào ngày trước khi được thả, bà Cốc bị đưa đến một bệnh xá nơi mà bác sĩ tiêm cho bà một liều thuốc lạ. Ngay sau đó, bà bắt đầu khó thở, đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng.

Ban quản lý trại hoàn toàn chắc chắn về số phận cuối cùng của bà, đến mức họ đã thông báo “cái chết” sớm của bà với sở công an địa phương ngay sau đó.

Ngày hôm sau, con gái bà Cốc hết sức bối rối khi một người bạn đến thăm để an ủi cô về sự “ra đi” của người mẹ. Người bạn này đã nghe được nguồn tin nội bộ từ một người thân làm tại sở công an, và hoàn toàn lầm tưởng rằng bà Cốc đã bị chết vì tiêm thuốc.

Bà Vương Thúy Lan

Tháng 01 năm 2001, bà Vương Thúy Lan đã bị kết án ba năm tại Trại lao động Vương Thôn, tại đây bà bị tiêm nhiều loại thuốc lạ, đồng thời bị tra tấn bằng phương thức đánh đập và bức thực. Kết quả là bà đã bị bệnh tâm thần.

Sau khi trại lao động thả bà Vương vào năm 2003, bà thường xuyên đi lang thang xa nhà. Do đó, bà đã bị gia đình khóa ở bên trong. Sau khi tốn hàng chục nghìn nhân dân tệ và đến nhiều cơ sở tâm thần, tình trạng của bà vẫn không có cải thiện. Tháng 03 năm 2012, khoảng sau 10 năm vật lộn với chứng tâm thần, bà Vương Thúy Lan đã qua đời ở tuổi 45.

Ngược đãi tinh thần chỉ là một trong nhiều phương thức tra tấn mà các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng trong cuộc bức hại ở Trung Quốc diễn ra từ tháng 07 năm 1999 đến nay. Một số bác sĩ thậm chí còn tham gia mổ cướp tạng từ các học viên còn sống. Lời buộc tội đầu tiên đã được đưa ra ánh sáng và dù hiện giờ nó đã được thừa nhận rộng rãi như một thực tế, quy mô của nạn mổ cướp tạng vẫn chưa được phơi bày đầy đủ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/8/27/296549.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/9/15/3270.html

Đăng ngày 19-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share