Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Newyork

[MINH HUỆ 13-12-2014] Các học viên Pháp Luân Công tại New York đã tiến hành mít tinh trước tòa nhà Liên Hợp Quốc vào ngày 10 tháng 12 năm 2014 – Ngày Nhân quyền Quốc tế, nhằm phản đối cuộc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công kéo dài suốt 15 năm qua tại Trung Quốc. Nhiều học viên đã kể lại những trải nghiệm cá nhân khi bị tra tấn và chia sẻ việc những học viên khác đang phải chịu số phận tương tự hoặc tệ hơn.

70f7ab0527da44d12873cdf441d96411.jpg

Các học viên Pháp Luân Công mít tinh trước tòa nhà Liên Hợp Quốc ở New York để phản đối cuộc bức hại vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc

Cuộc bức hại Pháp Luân Công là “Thảm họa nhân quyền nghiêm trọng”

Bà Dịch Dung, Chủ tịch Trung tâm Phục vụ thoái Đảng Cộng sản Trung quốc toàn cầu (ĐCSTQ) nói rằng, ĐCSTQ đã giam giữ hàng triệu học viên Pháp Luân Công trong tù, các trại lao động cưỡng bức và các trung tâm tẩy não trong suốt 15 năm qua.

Bà Dịch yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt ngay cuộc bức hại, trả tự do cho tất cả các học viên bị giam giữ bất hợp pháp. Bà cũng yêu cầu loại bỏ Phòng 610, một tổ chức vượt trên cả luật pháp và chịu trách nhiệm chỉ đạo đàn áp Pháp Luân Công một cách hệ thống.

Bà Dịch tin rằng bức hại niềm tin của con người là sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất. Bà kêu gọi Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hướng sự chú ý tới vấn đề vi phạm nhân quyền này và cùng chung sức chấm dứt tội ác phản nhân loại của ĐCSTQ.

Niềm tin kiên định chiến thắng bức hại

Bà Chu Viên Châu từ Thượng Hải kể lại rằng, bà bị bắt tại tỉnh Chiết Giang vào tháng 01 năm 2002. Tại Trại tạm giam Tấn Vân, bà bị ép không được ngủ trong năm ngày. Trưởng Phòng 610 đã tát bà tới khi mặt bà sưng lên. Bà bị bắt giữ tư thế quỳ xuống nền đất lạnh trong sáu tiếng. Tay và chân của bà bị còng vào nhau để buộc bà luôn phải giữ tư thế uốn cong.

Bà Chu còn bị ép xem những đoạn phim phỉ báng Pháp Luân Công suốt ngày. Nếu bà nhắm mắt lại, các lính canh sẽ đổ dầu bạc hà vào mắt bà, đánh bà, và chửi mắng bà. Chỉ trong 35 ngày, bà đã trở nên hốc hác và đã suy sụp tinh thần.

Ông Khương Chấn Hoa từng là kiến trúc sư trước khi bị sa thải bởi tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị giam giữ trong suốt 11 năm. Trong trại tạm giam, các lính canh trói ông vào ghế và tra tấn ông tàn bạo. Những cú đấm vào ngực gần như khiến ông nghẹt thở và sự đau đớn tột cùng khiến ông choáng váng. Ông bị thẩm vấn liên tục mà không được ăn uống, ngủ hay sử dụng nhà vệ sinh cho tới khi tình trạng tinh thần của ông xuống dốc. Sáu người đàn ông thay nhau trông chừng ông nghiêm ngặt trong 11 năm.

Bà Lý Hồng Trân từ Thượng Hại bị bắt vào trại cưỡng bức lao động hai lần và một lần bị giam giữ trong năm năm. Khi ở trong Nhà tù nữ Thượng Hải, bà bị giam vào một buồng giam chật chội riêng biệt, tay và chân bị còng chặt trên giường. Bà không được rời khỏi chiếc giường, mọi thao tác vệ sinh thực hiện ngay tại chỗ. Trong trại lao động cưỡng bức, bà bị bắt phải ngồi bất động trên một chiếc ghế nhỏ, không được phép đứng lên, điều này khiến mông của bà bị mưng mủ.

Cuộc bức hại kéo dài tới ngày nay

Cuộc bức hại vẫn chưa chấm dứt. Trên thực tế, ĐCSTQ ra sức làm mọi cách để che giấu tội ác tra tấn và thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.

Theo bà Vương Mỹ Kính từ thành phố Đại Liên, trong vòng từ tháng 01 đến tháng 10 năm 2014, có 97 học viên tại Đại Liên bị bắt giữ và 37 người trong số họ bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong đó có ba học viên đã chết vì bị tra tấn trong tù.

Theo bà Lý Hồng Trân, một học viên 79 tuổi từ Thượng Hải đã bị giam giữ trong tù bốn năm vì phát đĩa Biểu diễn Nghệ thuật Thần Vận vào tháng 09 năm 2014. Một học viên khác đi cùng bà cũng bị bắt và bị kết án 39 tháng tù giam. Bà Lý biết hai học viên khác liên tục bị kết án và giam giữ trong tù trong suốt 15 năm qua. Họ không có tự do, không có thời gian chăm sóc các thành viên trong gia đình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/12/13/301461.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/14/147304.html

Đăng ngày 22-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share