Bài viết của Tích Liên từ Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 10 – 08 – 2014] Tháng 06 năm 2013, tôi bị Phòng 610 bắt và bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Tại đó, họ bắt tôi ăn tối, tắm rửa và tham dự cái gọi là “lớp học” vào những giờ cố định. Trong thời gian rảnh, tôi học thuộc Pháp, phát chính niệm, và hướng nội.
“Lớp học” đầu tiên của tôi được hướng dẫn bởi một người đàn ông lớn tuổi. Ông ấy nói rằng ông ấy từng tu luyện Pháp Luân Công. Tôi hy vọng rằng lòng từ bi của tôi có thể thức tỉnh ông ấy. Cuộc nói chuyện của chúng tôi diễn ra rất “thân thiện”. Trong “lớp học” tẩy não, ông ấy thỉnh thoảng lại dùng một số từ không phải từ trong sách Chuyển Pháp Luân, nhưng ông ấy lại khăng khăng rằng chúng có ở trong đó. Tôi đã phản đối điều ông ấy nói và cố kiểm soát cảm xúc để không gây hấn cũng như không nhượng bộ với ông ấy. Sau đó, ông ấy bảo tôi: “Cô vẫn giữ được nụ cười. Tôi nên học điều đó từ cô. Tôi không làm được như vậy.”
Sau khi ông ấy thất bại trong việc thuyết phục tôi bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một người thứ hai xuất hiện. Ông này cũng cố đánh lừa tôi. Ông ấy hỏi: “Sư phụ của cô nói rằng Pháp này rất vĩ đại, nó vĩ đại thế nào? Xin hãy nói cho tôi biết.” Tôi nói: “Pháp Luân Đại Pháp rất vĩ đại! Nhưng đó không phải là điều tôi có thể tùy tiện nói! Nếu tôi cố diễn tả nó thì tôi có thể sẽ mạo phạm!” Ông ấy nói: “Cô là một học viên chân chính!” Rồi ông ấy bỏ đi.
Tôi hiểu ra rằng chúng ta sẽ bị khảo nghiệm để xem liệu chúng ta có thật sự tu luyện bản thân hay không. Tôi nhận ra rằng những người đến để “giáo dục” tôi trước đây cũng là học viên. Một số người thậm chí đã học thuộc các đoạn Pháp trong những bài giảng mới nhất của Sư phụ. Đó là cách để họ có thể lung lạc một số học viên . Nhưng chỉ cần chúng ta giữ Pháp của Sư phụ trong tâm, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấu được những lời nói dối của họ.
Khi tôi và người thứ nhất đang trò chuyện thì người thứ hai bước vào. Sau khi nói vài câu, ông ấy bắt đầu nhìn vào mắt tôi mà không chớp mắt. Tôi không sợ hãi và nhìn thẳng vào mắt ông ấy. Sau một lúc, ông ấy nói: “Cô rất từ bi!” Tôi mỉm cười và không nói gì cả. Từ đầu đến cuối, tôi tự nhủ rằng mình phải giữ một tâm thái từ bi và cố hết sức để thức tỉnh phần biết của ông ấy.
Một ngày nọ, một sĩ quan phụ trách việc theo dõi tôi bảo với tôi rằng mẹ của tôi đã chuẩn bị hồ sơ “tiền sử bệnh tâm thần” cho tôi, và nếu tôi nhượng bộ một chút, họ sẽ để bà ấy đưa tôi về nhà. Tâm tôi không lay động và tôi vẫn giữ một niệm duy nhất: “Tôi không bị bệnh tâm thần! Tại sao tôi phải nói là tôi bị? Tôi không muốn làm thế để ra khỏi đây.” Người sĩ quan đó hét vào mặt tôi. Ông ấy đã lấy mẹ tôi làm cớ để trách mắng tôi và ném hồ sơ bệnh án lên sàn nhà. Tôi nghĩ về những gì mẹ tôi đã làm và sai lầm của bà, và tôi khóc. Tôi biết rằng tôi vẫn chưa hoàn toàn vứt bỏ tình. Đáng ra tôi nên từ bi với bà như những chúng sinh khác. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên định giữ chính niệm!
Mẹ tôi đến thăm tôi trong trung tâm tẩy não, và tôi có thể thấy được sự lo lắng hiện trên gương mặt bà. Bà không cố ép buộc tôi từ bỏ đức tin, nhưng bà muốn tôi động lòng với bà. Tôi biết rằng tôi không thể để người nhà khiến mình dao động. Tôi hiểu được mẹ đã lo lắng cho tôi như thế nào trong những năm qua. Tôi không muốn tỏ vẻ vô cảm và làm bà tức giận. Bà cũng là một sinh mệnh cần được cứu. Vì vậy, tôi ân cần an ủi bà nhưng tôi vẫn không nhượng bộ. Cuối cùng, bà cũng rời đi.
Ngày hôm sau, một người phụ trách nói rằng các quan chức thành phố muốn gặp tôi. Tôi nghĩ, là một đệ tử Đại Pháp, tôi có thể dùng phần thiện của mình để đối diện với họ. Họ đã nói chuyện với tôi một lúc rồi rời đi.
Đã đến giờ ăn trưa nhưng họ không mang thức ăn đến cho tôi. Tôi không biết họ sẽ dùng thủ đoạn gì. Tôi nghĩ: “Cắt khẩu phần ăn của mình? Khiến cho mình thỏa hiệp bằng cách bỏ đói? Trước đây, mình từng tuyệt thực trong một tháng. Vì vậy, mình đã có kinh nghiệm, và mình cũng đã trải qua những lần bị đói khát trong đời. Thủ đoạn hèn hạ đó chẳng là gì với một người tu luyện Đại Pháp.”
Một người quản lý xuất hiện và nói chuyện với tôi. Rồi mẹ tôi đi vào và tôi được bảo rằng tất cả các học viên đã bị “chuyển hóa”, trừ tôi. Cuối cùng, người quản lý nói: “Tự do tín ngưỡng!” Rồi mẹ tôi đưa tôi về nhà.
Tôi muốn nói rằng khi tôi cảm thấy bất lực nhất, tôi tự nhủ: “Hãy phó mặc cho Sư phụ; Sư phụ sẽ quyết định con đường tu luyện của mình!” Khi niệm này xuất ra, tôi lập tức cảm thấy bình tĩnh và thư thái. Tôi biết rằng những suy nghĩ của mình là chân chính. Tôi nghĩ rằng sau khi ra khỏi trung tâm tẩy não, tôi sẽ nói với các học viên khác: Tu luyện rất đơn giản. Chúng ta chỉ cần giữ chính niệm tin vào Sư phụ là đủ!
Tôi tự hỏi liệu có phải là do nghiệp lực của mình hay không; điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bị bức hại? Tôi bắt đầu nghĩ về điều này. Đột nhiên, tôi nhớ lại Pháp của Sư phụ:
“Là đệ tử Đại Pháp thì hoàn toàn phủ định hết thảy những gì cựu thế lực tà ác đã an bài.” (Đại Pháp kiên cố không thể phá, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Tôi nhận ra rằng tất cả các vụ bắt giữ và tra tấn là do cựu thế lực an bài; chúng ta nên hoàn toàn phủ định chúng. Vì vậy, cho dù bất kỳ ai nói chuyện với tôi, tôi vẫn giữ một niệm rằng tôi sẽ về nhà.
Một thể ngộ khác mà tôi đạt được là dù ở trong bất kỳ môi trường nào và dù phải đối diện với bất kỳ ai, kể cả người có ý định tà ác, chúng ta phải luôn giữ tâm từ bi. Khi tôi đối diện với hai người cố “cải tạo” tôi, tôi vẫn lý trí và từ bi.
Tôi hiểu rằng mọi người đến vì Pháp. Dù vì bất kỳ lý do gì mà họ phản đối Đại Pháp, thì đó là sự tổn thất với họ. Chỉ cần còn hy vọng để giúp họ hiểu ra thì tôi sẽ không bỏ cuộc. Sư phụ giảng:
“Từ bi là trạng thái vĩnh viễn của Thần.” (Vì sao cự tuyệt, Hồng ngâm III)
Khi người quản lý đến nói với tôi rằng ông ấy đã đưa nhiều học viên vào tù, tâm tôi không lay động. Tôi bảo ông ấy rằng: “Ông đang ở tình thế rất nguy hiểm!” Tôi hiểu rằng ông ấy đã đọc các sách Đại Pháp, vì vậy sẽ có cách nào đó để chạm đến trái tim của ông ấy.
Một buổi tối nọ vào khoảng 10 giờ tối, sau khi những người khác đã đi ngủ, tôi nghĩ về việc luyện bài công pháp thứ năm. Trong khi đang do dự, thì tôi nghe một tiếng “póc” và dây đồng hồ của tôi bật ra. Bình thường, tôi phải tự mở dây, và tôi thường bỏ đồng hồ ra để luyện công. Nhưng lúc đó thì nó lại tự mở. Đó là một điểm hóa: “Sư phụ muốn mình luyện công!”
Khi viết điều này, tôi cảm thấy đầy hối tiếc. Thậm chí điều cơ bản này mà tôi cũng cần để Sư phụ phải lo lắng. Tôi chỉ tập trung vào tu, tôi đã không chú ý đến luyện; đó có phải là tu luyện không? Tu mà không luyện thì không phải là một người tu luyện.
Tôi viết ra những trải nghiệm trên để khuyến khích bản thân mình chiểu theo những tiêu chuẩn và yêu cầu cao của tu luyện Đại Pháp, và để trở thành một đệ tử Đại Pháp xứng đáng trong thời kỳ Chính Pháp.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/8/10/把自己交给师父吧–295816.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/9/5/2863.html
Đăng ngày 15-10-2014. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.