[MINH HUỆ 19-07-2014] Hàng năm, cứ vào khoảng ngày 20 tháng 07, các học viên Pháp Luân Công từ khắp nơi trên thế giới lại tổ chức các buổi mít tinh và nhiều hoạt động khác nhau để phản đối cuộc bức hại kéo dài 15 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngày 17 tháng 07 năm 2014, các học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã tập hợp tại thủ đô Hoa Kỳ để tổ chức mít tinh, diễu hành và thắp nến tưởng niệm nhằm phản đối cuộc bức hại tàn khốc đang diễn ra.

Cuộc mít tinh được tổ chức ở Capitol Hill vào buổi trưa. Theo Đài Châu Á Tự do (RFA), các dân biểu có tầm ảnh hưởng và đại diện của một số tổ chức nhân quyền và tôn giáo đã có bài phát biểu tại buổi mít tinh để ủng hộ Pháp Luân Công.

Dân biểu Dana Rohrabacher, đại diện cho hạt bầu cử thứ 48 của California đã nói trong bài phát biểu của mình: “Người dân toàn thế giới cần sát cánh bên nhau với cùng một quan điểm. Rằng chúng ta tôn trọng quyền của mỗi cá nhân, dù họ có thờ phụng Thiên Chúa hay không thì đó là lựa chọn riêng của họ. Con người trên toàn thế giới này cần phải đoàn kết vững mạnh. Và đó là điều mà chúng ta đang nói đến trong ngày hôm nay. Cảm ơn các bạn đã gửi đến thông điệp đó! Pháp Luân Công đã đi đầu trong cuộc chiến này. Chúa ban phước lành cho các bạn! Những điều các bạn đã làm không chỉ khiếu nại cho Pháp Luân Công, mà các bạn còn đang yêu cầu nhân quyền cho tất cả người dân Trung Quốc và cho toàn thế giới. Tôi luôn đồng hành cùng các bạn. Chúng ta sẽ được thấy ngày mà những kẻ độc tài, những tên găng tơ, và những kẻ tham nhũng điều hành chính quyền Trung Quốc không còn đàn áp các bạn, không còn duy trì đàn áp với những người tin vào Chúa trời nữa.”

Pháp Luân Công đã được truyền rộng ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới kể từ khi nó được giới thiệu ra ở Trung Quốc vào năm 1992. Hơn 100 triệu người thuộc các dân tộc khác nhau đã tu luyện Pháp Luân Công. ĐCSTQ đã bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào cuối tháng 07 năm 1999.

Ông Điền, một học viên Pháp Luân Công trả lời phóng viên RFA rằng những hoạt động này nhằm mục đích hỗ trợ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh vì nhân quyền của Pháp Luân Công và khuyến khích người dân Trung Quốc thoái ĐCSTQ.

Ông Điền nói: “Vì cuộc bức hại này vẫn chưa chấm dứt, nên chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục kháng nghị, không chỉ kháng nghị ở Washington, nhiều học viên khác cũng đang tiếp tục kháng nghị trước các Đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở các quốc gia khác nhau. Năm nay là năm thứ 15 Pháp Luân Công phản bức hại, chúng tôi đang tổ chức kháng nghị tại thủ đô Hoa Kỳ để kêu gọi thế giới giúp đỡ chấm dứt cuộc bức hại và những vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công.”

Phóng viên RFA đã đọc các báo cáo gần đây trên mạng Internet về các cuộc kháng nghị với quy mô khác nhau của các học viên Pháp Luân Công ở Úc, Canada, Singapore, Pháp và nhiều quốc gia khác nhằm yêu cầu ĐCSTQ ngay lập tức chấm dứt bức hại.

Suzanne Scholte, Chủ tịch Tổ chức Diễn đàn Quốc phòng, đã nói trong bài phát biểu của mình ở Capitol Hill rằng bà nhớ đến “một bài thơ của mục sư người Đức Marin Niemöller, bài thơ miêu tả về cái ác phát triển ở một quốc gia không chỉ mang lại sự khổ đau cho quốc gia đó, mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới như thế nào.”

Bà diễn giải bài thơ của Niemöller như sau: “ĐCSTQ truy sát sinh viên, nhưng tôi không phải là sinh viên, nên tôi đã không lên tiếng. ĐCSTQ truy sát Pháp Luân Công, nhưng tôi không phải là học viên Pháp Luân Công, nên tôi cũng không lên tiếng. ĐCSTQ truy sát các nhà hoạt động lao động và các luật sư nhân quyền, nhưng tôi không phải là nhà hoạt động lao động hay luật sư, nên tôi tiếp tục không lên tiếng. ĐCSTQ truy sát những người Tây Tạng, nhưng tôi không phải là người Tây Tạng hay tín đồ của Đạt Lai Lạt ma, nên tôi vẫn không lên tiếng. ĐCSTQ truy sát những người thỉnh nguyện, nhưng tôi không phải là người thỉnh nguyện, nên tôi đã không lên tiếng. ĐCSTQ truy sát người Duy Ngô Nhĩ của vùng Đông Thổ, nhưng tôi không phải là người Duy Ngô Nhĩ hay người Hồi Giáo, nên tôi vẫn không lên tiếng. Sau đó họ truy sát tôi, và không còn ai ở đó để lên tiếng cho tôi cả.”

Sau buổi mít tinh, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một cuộc diễu hành dọc Đại lộ Pennsylvaina đến Đài tưởng niệm Washington. Dẫn đầu đoàn diễu hành là ban nhạc và cảnh sát. Đoàn diễu hành lớn đã thu hút rất nhiều khán giả.

Ông Tiết Bân, một trong những người tổ chức cuộc diễu hành, nhận xét: “Đây là cuộc diễu hành đánh dấu 15 năm nỗ lực phản đối bức hại. Đoàn diễu hành đầu tiên mang chủ đề về sự hồng truyền của Pháp Luân Đại Pháp trên toàn thế giới. Đoàn thứ hai mang chủ đề về cuộc bức hại đã giết hại hơn 3.700 người. Đoàn thứ ba mang chủ đề về phong trào thoái ĐCSTQ. Chúng tôi hi vọng nhiều người hơn nữa sẽ thoái đảng và giải thể ĐCSTQ. Chúng ta sẽ cùng nhau hành động để chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.”

Thắp nến tưởng niệm ở National Mall vào buổi tối đã kết thúc một chuỗi các hoạt động kháng nghị ở Washington D.C. Tuy nhiên, cuộc kháng nghị ôn hòa kéo dài 15 năm của các học viên Pháp Luân Công nhằm chống lại cuộc đàn áp của ĐCSTQ vẫn còn tiếp diễn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/7/19/RFA-法轮功美国首都集会抗议中共迫害-294873.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/7/21/2139.html

Đăng ngày 02-08-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share