Bài viết của Brianna Pendleton, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 18-07-2014] Lên án mạnh mẽ hành động mổ cướp nội tạng và ủng hộ những người đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ là chủ đề của cuộc biểu tình ngày 20 tháng 07 tại Tòa nhà Quốc hội năm nay.

“Chúng tôi đã nhìn thấy sự thay đổi đáng kể trong phản ứng của công chúng trước cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Các thành viên của cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại về nạn mổ cướp nội tạng,” ông Trương Nhi Bình, một phát ngôn viên của Pháp Luân Công, cho biết.

Theo ông, vạch trần tội ác mổ cướp nội tạng làm tăng sự ủng hộ dành cho Pháp Luân Công từ phía các dân biểu và các tổ chức nhân quyền, đồng thời thu hút sự quan tâm của quần chúng cũng như giới tư pháp và cộng đồng y tế nói chung.

Vào ngày 17 tháng 07 năm 2014, hơn 1.000 học viên Pháp Luân Công và những người ủng hộ đã tổ chức một cuộc biểu tình để tưởng niệm 15 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên bãi cỏ phía Tây của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.

Quan ngại sâu sắc về mổ cướp nội tạng

Nữ nghị sỹ Florida bà Ileana Ros-Lehtinen đã mở đầu cuộc biểu tình bằng cách tái khẳng định sự ủng hộ của bà với Pháp Luân Công và đồng thời cảm ơn sự ủng hộ của các học viên cho nghị quyết 281, nghị quyết cấp quốc hội do bà đề xuất nhằm lên án nạn mổ cướp nội tạng có hệ thống do nhà nước Trung Quốc phê chuẩn.

Nữ nghị sỹ Floria bà Ileana Ros-Lehtinen phát biểu tại cuộc biểu tình.

Nghị sỹ New Jersey ông Donald Payne đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc: “Nội tạng của các thành viên Pháp Luân Công đã bị mổ và lấy ra khỏi cơ thể của họ để đáp ứng nhu cầu của hệ thống cấy ghép tạng khổng lồ. Những học viên Pháp Luân Công này bị hy sinh như những người hiến tạng sống. Nội tạng của họ bị lấy đi vì nó thích hợp với người được ghép. Chúng ta nên thể hiện sự phẫn nộ quốc tế đối với hoạt động buôn bán nội tạng ở Trung Quốc và lên tiếng phản đối những vi phạm nhân quyền chống loại niềm tin tôn giáo và sự nguyên vẹn của thân thể.”

Nữ nghị sỹ Kansas bà Lynn Jenkins đã chia sẻ mối quan tâm của ông Payne trong một bức thư gửi đến cuộc biểu tình: “Những hành động tàn bạo nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đáng bị lên án. Hành động mổ cướp nội tạng, đối với nhiều người trong chúng ta, chỉ xuất hiện trong các cơn ác mộng hoặc các bộ phim kinh dị. Nhưng hàng trăm hàng ngàn gia đình người Trung Quốc có cha mẹ, anh chị em, ông bà hoặc bạn bè bị giam giữ trong những trại tù vì tu luyện Pháp Luân Công, thì cơn ác mộng này là rất thật.”

“Sự ủng hộ của các bạn dành cho các nạn nhân có thể tạo ra sự thay đổi trong xã hội. Tiếng nói của các bạn đã lan đến các bờ biển của Trung Quốc. Tôi muốn các bạn biết rằng Quốc hội Mỹ đứng đằng sau các bạn và những nỗ lực của các bạn trong việc chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc và các vi phạm của họ, cũng như thay đổi những lời đàm tiếu nguy hiểm xung quanh việc tu luyện Pháp Luân Công.”

Ông Trương Nhi Bình, phát ngôn viên của Pháp Luân Công nói: “Chúng tôi đã nhìn thấy sự thay đổi đáng kể trong phản ứng của công chúng trước cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Các thành viên của cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại về nạn mổ cướp nội tạng vì đây là tội ác tàn ác nhất trong thời hiện đại. Đây là lý do tại sao Quốc hội Liên minh Châu Âu thông qua một nghị quyết khẩn cấp vào cuối năm ngoái, và Ủy ban Mỹ Châu Á cũng đưa ra một nghị quyết tương tự trong cùng tháng đó.”

Thoái xuất ĐCSTQ: “Thật tuyệt!”

Ông Faith McDonnell, Giám đốc Chương trình Tự do Tôn giáo tại Viện Tôn giáo và Dân chủ nói: “Bất chấp cuộc đàn áp, người dân Trung Quốc vẫn tin vào sự thật và tiếp tục theo đuổi nó. Và con số này đang tăng lên mỗi ngày. Chúng tôi nhìn thấy chứng cứ này dựa vào số lượng người tiếp tục tuyên bố thoái Đảng.”

Bà McDonnell tiếp lời: “Tôi đã đọc Cửu Bình [về Đảng Cộng sản]. Tôi nói: ‘Vâng, hãy làm điều đó.’ Đã có 171 triệu người Trung Quốc thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản sao? Thật là tuyệt!”

Trong một bức thư gửi tới Trung tâm Dịch vụ Thoái xuất ĐCSTQ toàn cầu, thượng nghị sỹ Bang New York ông Tony Avella đã dùng thuật ngữ “tuidang” (từ tiếng Trung, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “thoái đảng”) và gọi phong trào “thoái đảng” là “phong trào chính trị lớn nhất trong lịch sử”.

Ông Avella viết như sau trong lá thư: “Phong trào ‘tuidang’ (thoái đảng) đã mang lại cho cộng đồng quốc tế tầm nhìn mới về một thế giới không cộng sản thông qua một phong trào hòa bình.”

Bà Martha Flores-Vazques, lãnh đạo quận Queens, New York cũng gửi một lá thư tới phong trào “thoái đảng”.

Bà Di Đông, chủ tịch Trung tâm Dịch vụ Thoái xuất ĐCSTQ Toàn cầu, thông báo tới những người tham dự biểu tình rằng mỗi ngày có tới 90.000 người Trung Quốc thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Bà gọi phong trào “thoái đảng” là “một quyết định của cá nhân” và “là sự thức tỉnh ôn hòa của mỗi cá nhân”. Bà tuyên bố rằng phong trào này đang chuẩn bị cho Trung Quốc một tương lai tốt đẹp hơn vì “một xã hội tự do và cởi mở bắt đầu với những người có suy nghĩ rộng mở và tự do.”

Kỷ niệm sức mạnh của niềm tin

Bà Chloe Schwenke, phó chủ tịch chương trình toàn cầu tại Nhà Tự do

Bà Chloe Schwenke, phó chủ tịch của chương trình toàn cầu tại Nhà Tự do, đã kỷ niệm sức mạnh của niềm tin và nhân phẩm tại cuộc biểu tình: “Nhà Tự do chúng tôi hoan nghênh những giá trị [Chân – Thiện – Nhẫn] được thể hiện qua các học viên Pháp Luân Công và cuộc đấu tranh lâu dài của họ cho nhân phẩm và tự do.”

Năm 2001, Nhà Tự do đã trao giải thưởng Tự do Tôn giáo Quốc tế và Giữ vững Lập trường cho ông Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công.

“Chiến dịch chống lại Pháp Luân Công của chính phủ Trung Quốc đã, đang và vẫn tiếp tục là những hành động nghiêm trọng, tàn bạo, xấu xí và man rợ. Hàng vạn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và giam giữ, gửi đến các nhà tù hoặc trại cải tạo, hoặc bị kết án nhiều năm tù, bị ép cung tàn bạo, đánh đập, cấm ngủ, và các hình thức tra tấn khác. Phong trào nhân quyền đã ghi nhận có hơn 3.000 học viên Pháp Luân Công thiệt mạng do bị tra tấn và ngược đãi –câu chuyện của phần lớn những người này sẽ không bao giờ được kể ra,” bà Schwenke chia sẻ về những điều các học viên đã trải qua trong 15 năm qua để duy trì niềm tin của họ.

Ông Dan Fefferman, chủ tịch Liên minh Quốc tế về Tự do Tôn giáo

Ông Dan Fefferman, chủ tịch Liên minh Quốc tế về Tự do Tôn giáo, chúc mừng các học viên vì sự dũng cảm của họ trong việc đương đầu với cuộc đàn áp và đưa ra phân tích của ông về lý do tại sao ĐCSTQ sợ Pháp Luân Công đến vậy: “Câu trả lời rất đơn giản… vì sâu trong tâm họ, cộng sản biết sự thật. Con người không phải là vật chất di động. Họ là những con người với sự sáng tạo, tự do và tâm huyết. Sáng tạo, tự do và tâm huyết không đến từ vật chất. Chúng đến từ tinh thần. Vì thế khi con người bám chặt vào tư tưởng vật chất và quyền lực, họ tự nhiên cảm thấy sợ hãi khi phải đối đầu với một phong trào mà tư tưởng xấu xa và lừa dối của họ bị vạch trần!”

Cam kết ủng hộ của các nhà lập pháp

“Nếu chúng ta tin vào tự do, chúng ta phải ủng hộ những người ở Trung Quốc bị đàn áp này vì niềm tin của họ. Cảm ơn các bạn vì đã gửi thông điệp đó đến cho người dân Mỹ,” nghị sỹ California ông Dana Rohrabacher nói trong bài phát biểu của mình.

Bình luận về cuộc đấu tranh bảo vệ niềm tin và lựa chọn của con người, ông Rohrabacher nói: “Pháp Luân Công đã đi đầu trong cuộc chiến này, và Đức Chúa Trời sẽ phù hộ cho các bạn. Các bạn không chỉ khiếu nại về những gì xảy ra với Pháp Luân Công, mà các bạn còn đang đòi nhân quyền cho những người ở Trung Quốc và trên toàn thế giới. Tôi sẽ luôn sát cánh bên các bạn.”

Nghị sỹ Chris Smirth, một nhà lập pháp kỳ cựu nổi tiếng trong hoạt động thúc đẩy nhân quyền, đang tiến hành một dự luật để xử phạt những người vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc bằng việc từ chối thị thực và các hình phạt tài chính.

Cuộc biểu tình kết thúc trong phát biểu ủng hộ của ông: “Với tư cách chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Hạ viện, tôi cam kết sẽ tiếp tục tổ chức phiên điều trần để thúc đẩy nghị quyết và để nói chuyện với các nhà ngoại giao Trung Quốc và chính quyền. Tôi dự định sẽ buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những đau khổ và những cái chết trong chiến dịch vô nghĩa chống lại Pháp Luân Công mà họ đã gây ra.”

Nghị sỹ California ông Sam Farr phát biểu tại cuộc biểu tình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/7/18/反迫害十五周年-华府集会-各界声援-294851.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/7/18/2094.html

Đăng ngày 28-07-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share