Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ Brianna Pendleton
[MINH HUỆ 19-07-2014] Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp lên Pháp Luân Công vào năm 1999, hàng năm cứ đến gần ngày 20 tháng 7, các học viên Pháp Luân Công lại tổ chức thắp nến tại Đài tưởng niệm Washington để tưởng nhớ và tôn vinh những học viên đã thiệt mạng trong cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Vào ngày 17 tháng 07 năm nay, các học viên và những người ủng hộ ngồi yên lặng trong tiếng nhạc nền an hòa với những ngọn nến cầm trên tay để bày tỏ lòng kính trọng tới 69 học viên đã khuất, những người đã mất đi mạng sống khi quyết định giữ vững đức tin của họ dù phải đối mặt với đe dọa sinh tử.
Bà Dương Xuân Linh và bà Hạng Hiểu Ba là hai người trong số họ.
Thắp nến tưởng niệm trên khu đất của Đài tưởng niệm Washington vào ngày 17 tháng 07. Các chữ Trung Quốc trong ảnh là Chân, Thiện và Nhẫn.
Các học viên vinh danh những người đã thiệt mạng trong cuộc bức hại. Số người chết được xác nhận là 3.769 người.
Năm 2005, bà Dương Xuân Linh, một phụ nữ nhỏ nhắn, đã dũng cảm chèn đoạn video Cửu Bình về Đảng Cộng sản vào sóng truyền hình cáp. Bà qua đời ngày 02 tháng 04 năm 2014 trong dịp sinh nhật lần thứ 40. Trong 12 năm cuối đời, bà đã phải sống trong tù 10 năm.
Đáng tiếc thay, bi kịch của gia đình bà không phải là hy hữu ở Trung Quốc. Chồng bà thậm chí còn không được thông báo về cái chết của bà cho đến khi thi thể của bà bị hỏa táng vào ngày 06 tháng 04. Ngay cả người cha già và mẹ chồng của bà cũng không hề hay biết. Mẹ bà, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã qua đời vào tháng 10 năm 2004 vì bị lạm dụng trong cuộc bức hại.
Bà Dương Xuân Linh và chồng bà, ông Dương Bổn Lượng
Ngày 13 tháng 10 năm 2005, cánh tay phải của bà Dương đã bị cảnh sát đánh đến gẫy khi họ xông vào nhà bà và cố bắt bà đi.
Em gái bà Dương nhớ lại những gì mà bà đã nói với cô về sự đánh đập tàn nhẫn trong Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh: “Cảnh sát đưa chị ấy tới ở cùng bốn tù nhân hung ác. Họ đã đè chị ấy xuống đất, cưỡi lên chị, và đánh chị không ngừng. Họ đã đánh vào những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể người phụ nữ, bao gồm cả ngực.”
“Khi chị ấy lao ra cửa và khóc lóc kêu cứu, chị ấy đã bị bốn tù nhân kéo trở lại. Họ bịt miệng và mũi của Xuân Linh bằng túi nhựa, và đánh chị ấy dữ dội hơn. Chị gái tôi từ một phụ nữ trẻ khỏe và tràn đầy năng lượng đã trở thành người tàn phế với đôi chân bị gãy.”
Bà Dương được thả về nhà vào ngày 11 tháng 03 năm 2013, nhưng vẫn bị giám sát nghiêm ngặt. Trước khi chịu đựng bảy năm trong Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh, bà cũng đã phải trải qua ba năm trong Trại lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng.
Nhiều năm bị tra tấn đã khiến bà Dương suy sụp. Em gái bà mô tả về tình trạng của bà sau khi được thả vào năm 2013: “Chị ấy thường xuyên bỏ ăn. Trong tuần đầu tiên sau khi được thả, chị ấy đã không chịu ăn. Chị ấy nói rằng đồ ăn có thuốc độc. Chị ấy thường bỏ nhà đi vào ban đêm vì sợ sẽ bị lấy cắp nội tạng.”
Chưa đầy một năm sau khi được thả, bà Dương Xuân Linh đã qua đời.
Một khoảng khắc đau buồn và đáng nhớ
Bà Hạng Hiểu Ba cũng gầy yếu, hốc hác và suy sụp tinh thần trước khi được thả khỏi Trại lao động Cưỡng bức tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 05 tháng 06 năm 2013 vì lý do sức khỏe. Người ta tin rằng bà đã bị tiêm thuốc độc trong suốt 08 tháng bị giam ở đó. Bà qua đời vào ngày 20 tháng 02 năm 2014 ở tuổi 55.
Sau khi từ trại lao động trở về nhà, bà phản ứng một cách chậm chạp và vô hồn. Bà ăn rất ít và hay tự lẩm bẩm một mình. Có lúc bà cố chạy ra khỏi nhà, có lúc lại đứng hoặc ngồi bất động trong nhiều giờ và không ngủ. Trong hai tháng cuối đời, bà Hạng phải nằm co quắp liệt giường và trở nên tiều tụy vì không thể ăn uống.
Bà Hạng Hiểu Ba
Cô Sarah Matheson đến từ New Zealand, hiện đang sống ở New York, đã cùng chồng và con gái ba tuổi tới Washington DC để tham dự sự kiện 20 tháng 07 vào ngày 17. Cô giải thích tại sao việc các học viên Trung Quốc lựa chọn đức tin lại khiến cô rung động sâu sắc:
“Tôi hiểu tại sao họ sẽ không ngừng tu luyện, tại sao họ sẽ không bao giờ ngừng tu luyện. Tôi hiểu bởi vì nếu bạn tìm kiếm điều gì đó mà bạn tin rằng bạn đã tìm kiếm cả cuộc đời, và cuối cùng bạn đã tìm thấy nó, nó đem lại cho bạn ý nghĩa và mục đích sống. Giống như việc bạn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, và sau đó có người yêu cầu bạn phải quên nó đi.”
Bài viết có sự đóng góp của Charles Holland.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/7/19/法轮功学员在美国首都烛光夜悼-294886.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/7/18/2097.html
Đăng ngày 31-07-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.