Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ từ tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-12-2013] Các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ và tra tấn tàn bạo khi đang cùng nhau luyện công vào các ngày 20, 21 và 28 tháng 3 năm 2013. Luật sư biện hộ và gia đình của họ bị đe dọa phải bỏ qua vụ án này. Một cuộc tụ họp đơn giản đã trở thành một vụ án lớn trong con mắt của ĐCSTQ, họ đã huy động cảnh sát trên toàn tỉnh để thực hiện vụ vây bắt. Khi luật sư biện hộ của các học viên nộp bản tóm tắt hồ sơ vào ngày 06 tháng 11 năm 2013, người bảo vệ gác cổng của Viện kiểm sát quận Đại Đông đã cố ngăn không cho họ vào. Cuối cùng, ông ta đẩy luật sư Quách Liên Huy, một người đã 65 tuổi và bị khuyết tật, sang một bên, rồi bỏ đi.

13 người bị bắt giữ và tra tấn

Một vài học viên đã bị bắt ở quận Đại Đông, thành phố Thẩm Dương, vào sáng sớm ngày 21 tháng 03 năm 2013, trong khi đang luyện công ở công viên Hạ Phương. Những học viên khác từ thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang cũng bị bắt khi họ xuống tàu ở Ga Thẩm Dương vào ngày 20 tháng 03. Hiện tại họ đang bị giam giữ ở Trung tâm Giam giữ Thẩm Dương.

4 người khác đã bị bắt vào ngày 28 tháng 03.

Họ đã bị đánh đập và tra tấn tàn bạo trong thời gian bị cảnh sát giam giữ. Bà Phó Huy phải được đưa đến một bệnh viện để cấp cứu, còn bà Triệu Thục Vân thì bị suy sụp tinh thần.

Các gia đình đã đi đến trung tâm giam giữ để yêu cầu thả các học viên ra. Khi cảnh sát cho họ xem những bức ảnh hiện tại của những người bị tạm giam để nhận dạng, ban đầu họ không thể nhận ra được thân nhân của mình vì gương mặt của các học viên đã bị biến dạng do bị đánh đập.

Trì hoãn luật sư và các gia đình, ngụy tạo bằng chứng giả

Các gia đình và luật sư của họ đã cố gắng khiếu nại với nhiều cơ quan khác nhau về những tra tấn mà các học viên phải chịu đựng, nhưng gặp phải trở ngại vì các nạn nhân là học viên Pháp Luân Công.

Cảnh sát không có cơ sở pháp lý nào để bắt và giam giữ các học viên, và những vụ kiện được trình bởi Ban An ninh Nội địa Đại Đông lên Viện kiểm sát quận Đại Đông đã bị bác bỏ hai lần.

Tuy nhiên, cảnh sát tiếp tục cung cấp bằng chứng giả mạo cho đến khi các vụ kiện được chấp nhận vào ngày 24 tháng 10 năm 2013. Vào cuối tháng 11 năm 2013, viện kiểm sát đã buộc tội 13 học viên.

Về các học viên không tham gia luyện công buổi sáng mà bị bắt, cảnh sát nhận xét: “Chúng tôi đã theo dõi hoạt động [của các học viên này] bằng cách theo dõi điện thoại di động của họ. Nếu anh luyện Pháp Luân Công, anh sẽ bị bắt.”

Tra tấn gây ra thương tích nghiêm trọng

Bà Phó Huy đến từ thành phố Cáp Nhĩ Tân bị bắt khi xuống tàu vào ngày 20 tháng 03. Bà bị giam trong một phòng giam lạnh lẽo, không có cửa sổ ở đồn cảnh sát Hưng Công và bị trói vào một cái ghế sắt. Chân của bà bị trói và bà không thể cử động. Vì bà từ chối hợp tác, ba sĩ quan đã liên tục đánh bà. Sau đó, họ sốc điện vào đùi và bộ phận nhạy cảm của bà bằng dùi cui điện, đổ nước lạnh xuống áo của bà, và bật quạt để làm bà lạnh. Rồi họ che đầu bà lại bằng một cái mũ bảo hiểm và đánh nó bằng một cái dùi cui gỗ.

Tái hiện cảnh tra tấn: Bị sốc điện và bị trói vào một cái ghế sắt

Bà Phó bị tra tấn trên cái ghế sắt suốt đêm. Bà không được cho thứ gì để ăn. Sau khi được thả ra khỏi ghế sắt, bà bị cao huyết áp và có triệu chứng của bệnh tim. Toàn thân bà bị ướt và đau nhức. Trên mặt bà có vết bầm, vết cắt và bà không thể nói chuyện.

Bà Phó bị đưa đến Trung tâm Giam giữ Số 1 thành phố Thẩm Dương trong đêm ngày 21 tháng 03 năm 2013. Trung tâm giam giữ đã từ chối nhận bà vì tình trạng của bà, vì vậy bà được chuyển đến một bệnh viện. Cảnh sát được báo rằng bà cần phải được cấp cứu vì huyết áp của bà đã trên 200 và nhịp tim của bà lên tới 140. Tuy nhiên, họ lại đưa bà đến một bệnh viện khác, rồi ép bác sĩ viết một chẩn đoán giả, nói rằng bà có sức khỏe tốt. Rồi họ đưa bà quay lại trung tâm giam giữ.

Cảnh sát đã đánh bà Tang Ngọc Trân, 60 tuổi, vì bà từ chối ký vào các văn bản. Bà đã bị bỏ đói trong hai ngày.

Bà Triệu Thục Vân ở độ tuổi lục tuần là một học viên từ Khu tự trị Nội Mông Cổ. Bà đã bị lạm dụng đến mức suy sụp tinh thần. Mặc dù vậy, cảnh sát từ Ban An ninh Nội địa Đại Đông vẫn từ chối thả bà.

Các gia đình và luật sư của các học viên không có nơi để tìm kiếm công lý

Gia đình của bà Phó Huy và bà Nhậm Tú Anh đòi thả người vì cả hai đã bị tra tấn và có sức khỏe kém. Yêu cầu của họ đã bị bác bỏ.

Các gia đình của một số học viên đã thuê ba luật sư biện hộ. Họ đi đến Ban An ninh Nội định Đại Đông với các gia đình vài lần để yêu cầu thả các học viên, nhưng không thành công.

Các quan chức của Ban An ninh Nội địa Đại Đông phủ nhận việc các học viên bị tra tấn vào ngày 14 tháng 08 năm 2013. Họ nói rằng họ chỉ làm theo lệnh. Hai ngày sau, các gia đình được bảo rằng họ nên thảo luận vấn đề này với viện kiểm sát vì viện kiểm sát đã xác nhận việc bắt giữ.

Vào ngày 10 tháng 09 năm 2013, người nhà và luật sư của các học viên đã cố trình các tài liệu chi tiết về tra tấn đến viện kiểm sát. Quan chức Lương Siêu bảo họ rằng họ sẽ nhận vụ kiện nếu việc tra tấn thực sự đã xảy ra. Tuy nhiên, khi các luật sư trình giấy ủy quyền, Lương Siêu đã từ chối gặp họ với lí do rằng họ không mang theo chứng chỉ luật sư.

Một luật sư đến viện kiểm sát vào ngày 20 tháng 09 năm 2013 để xem xét các tài liệu xét xử, nhưng không được cho phép. Lương Siêu tức giận về việc các học viên thuê luật sư. Ông ta đe dọa gia đình của các học viên rằng các học viên có thể bị kết án nặng hơn vì làm vậy.

Luật sư đi đến Trung tâm Giam giữ Số 1 thành phố Thẩm Dương vào ngày 16 tháng 11 năm 2013. Ông đọc to một bản sao báo cáo của bà Phó về việc bà bị tra tấn cho bảo vệ gác cổng, rồi đọc to một lần nữa cho viên giám thị họ Ngô. Các tài liệu của luật sư đã được chấp nhận.

Tuy nhiên, khi gia đình của các học viên đến Ban An ninh Nội địa Đại Đông để gặp Ngô vào ngày 22 tháng 11 năm 2013, ông ta đã từ chối gặp họ. Họ được bảo đi đến Viện kiểm sát Thiết Tây để trình vụ kiện của họ.

Các gia đình và luật sư đã đi đến một số cơ quan chính phủ để tìm kiếm công lý, bao gồm Sở Cảnh sát Thiết Tây, Viện kiểm sát Thiết Tây, Viện kiểm sát Đại Đông, Văn phòng Thỉnh nguyện thành phố Thẩm Dương, và Văn phòng thỉnh nguyện Tòa án quận Đại Đông. Khi các quan chức biết được đây là vụ kiện của các học viên Pháp Luân Công, họ đã từ chối tiếp xúc.

Chi tiết về các vụ bắt và giam giữ

Ông Lưu Chiêm Hải, bà Nhậm Tú Anh, và một số học viên khác đã bị bắt vào sáng sớm ngày 21 tháng 03 năm 2013 trong khi đang luyện công ở công viên Hạ Phương.

Bà Phó Huy, bà Lưu Kim Hà, bà Tang Ngọc Trân, và bà Cao Tú Phân từ thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt khi họ đến Ga Thẩm Dương vào buổi chiều ngày 20 tháng 03. Họ bị đưa đến đồn cảnh sát Hưng Công ở quận Thiết Tây và bị chuyến đến Trung tâm Giam giữ thôn Cao Lực.

Bà Hàn Tĩnh và một học viên khác đã bị bắt khi đang trên tàu đến Thẩm Dương vào ngày 28 tháng 03.

Bà Lí Ngọc Bình và bà Lưu Á Vinh từ Thẩm Dương cũng bị bắt vào buổi sáng ngày 28 tháng 03 và nhà của họ đã bị lục soát. Cảnh sát tìm thấy chứng minh thư của bà Võ Thu Ngạn và bà Từ Tiểu Diễm ở nhà của bà Lí và lần lượt bắt họ ở thành phố Cáp Nhĩ Tân và thành phố Bản Khê, tỉnh Hắc Long Giang.

Các học viên bị bắt gồm có:

Ông Lưu Chiêm Hải, 48 tuổi, từ thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang

Bà Triệu Thục Vân, tầm 60 tuổi, từ thành phố Thông Liêu, Khu tự trị Nội Mông Cổ

Bà Lí Ngọc Bình, 54 tuổi, từ Thẩm Dương, Liêu Ninh

Bà Phó Huy, 43 tuổi, từ Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang

Bà Lưu Kim Hà, tầm 60 tuổi, từ Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang

Bà Tang Ngọc Trân, tầm 60 tuổi, từ thành phố Đại Khánh, Hắc Long Giang

Bà Từ Tiểu Diễm, từ Bản Khê, Hắc Long Giang

Bà Nhậm Tú Anh, 73 tuổi, từ Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang

Bà Cao Tú Phân, 60 tuổi, từ Đại Khánh, Hắc Long Giang

Bà Lưu Á Vinh, từ Thẩm Dương, Liêu Ninh

Ông Vương Hồng Lâm, tầm 60 tuổi, từ Bản Khê, Hắc Long Giang

Ông Triệu Hoành Hưng, tầm 60 tuổi, từ Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang

Bà Võ Thu Ngạn, 58 tuổi, từ Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/12/24/沈阳荒唐跨省大案背后的疯狂-284411.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/2/5/145243.html

Đăng ngày 11-03-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share