Bài viết của một tiểu đệ tử ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-03-2013] Tôi đã rất may mắn được đắc Pháp khi mới 07 tuổi. Trong suốt chín năm tu luyện, Sư phụ luôn chăm lo cho tôi mặc dù tôi là một người lúc tu lúc không, lười biếng, hay mắc lỗi nhưng trong tâm tôi không khi nào rời xa Pháp. Tôi viết bài này muốn giao lưu chia sẻ với các đồng tu về kinh nghiệm tu luyện, chứng thực Pháp của tôi từ khi học trung học.

Không ngừng phát hiện các tâm chấp trước thông qua những bài thi ở trường học

Từ khi đắc Pháp vào năm lớp 2 ở cấp tiểu học tới nay, tôi cũng chưa thể thực sự hiểu được ý nghĩa của “tu luyện”. Hằng ngày, tôi chỉ luyện một lần các bài công pháp và đọc một bài giảng của Chuyển Pháp Luân theo yêu cầu của mẹ tôi, giống như hoàn thành nhiệm vụ. Tôi không hiểu được sự quan trọng của học Pháp cho đến tận năm thứ 2 ở cấp trung học cơ sở.

Trong năm đầu ở trường trung học cơ sở 2, kết quả các bài thi của tôi luôn tốt và tôi luôn nằm trong số những học sinh đứng đầu lớp. Nhưng tôi muốn kết quả tốt hơn nữa nên cảm thấy rằng cần dùng nhiều thời gian học bài hơn. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc tôi chểnh mảng học Pháp.

Nhưng thay vì trở nên tốt hơn, tôi bị trượt khỏi top 10 học sinh của lớp trong kỳ thi cuối kỳ. Tôi vẫn còn nhớ, bởi vì thời gian đó, mẹ tôi thường xuyên yêu cầu tôi học thuộc và nhẩm lại 2 trang Pháp mỗi ngày. Trong đầu tôi thầm oán trách mẹ tôi và tự nhủ: “Mẹ thì không làm vậy mà ngày nào cũng bắt mình làm.” Tuy nhiên, dần dần tôi nhận thấy điều đó không khó như tôi tưởng và tôi cũng không phàn nàn gì nữa.

Trong suốt thời gian đó, có một hôm đột nhiên tôi không thể thuộc được một đoạn Pháp mặc dù tôi cố gắng thế nào đi nữa. Mẹ tôi giúp lý giải hàm nghĩa của đoạn Pháp đó. Sau khi minh bạch rồi, tôi lại có thể nhớ được. Đoạn Pháp đó là:

“Nếu như tại mỗi tầng có thể nhìn thấy được một diện {bề mặt} của tầng, chứ không phải là một điểm, [tức là] thấy một diện của tầng phân tử, thấy một diện của tầng nguyên tử, một diện của tầng proton, một diện của tầng hạt nhân nguyên tử, thì chư vị đã nhìn thấy được hình thức tồn tại tại những không gian khác nhau.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Từ hôm đó tôi tăng dần tốc độ học thuộc Pháp và cũng biết cách dùng các Pháp lý để đo lường mọi việc. Sau khi vào năm thứ 3 trung học, bạn cùng lớp nói với tôi rằng tôi đã trở thành người khác. Tôi cũng tự cảm thấy nhân sinh quan của bản thân đã phát sinh cải biến to lớn.

Đến khi thi giữa học kỳ, tôi lại cực kỳ căng thẳng. Tôi không biết phải làm gì để được vào một trường trung học phổ thông tốt. Vào thời gian học ôn thi căng thẳng, tôi muốn đầu tiên là học Pháp và luyện công rồi mới bắt tay vào ôn thi. Trong khi học Pháp, tôi cảm thấy rằng Sư phụ đã an bài mọi việc, và chúng ta phải tin tưởng vào Sư phụ và Pháp để làm tốt ba việc. Trong ba kỳ thi sau đó, tâm trí tôi dần dần bình ổn và điểm thi tốt hơn trước. Tôi không có thái độ tự cao khi giáo viên khen ngợi tôi, thay vào đó, tôi nghĩ đến điều Sư phụ giảng:

“Làm người tu luyện, thì hết thảy những khổ não gặp ở người thường đều là vượt quan; hết thảy tán dương gặp phải đều là khảo nghiệm.” (Người tu tự ở trong ấy, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Từ đó tôi không mắc phải những sai lầm do bất cẩn trong các bài kiểm tra và ít bốc đồng hơn trước.

Trong ngày thứ ba thi giữa kỳ, tôi rất bình tĩnh và không hề lo lắng. Tôi đã minh bạch rằng đây là sự siêu thường của Đại Pháp. Thành tích của kỳ thi đã giúp tôi được nhận vào một trường trung học phổ thông danh tiếng.

Nhưng khi kết thúc kỳ thi, tôi lại không chăm chỉ học Pháp mà thường xuyên nghĩ về việc đi chơi với các bạn học, bởi vì sau khi tốt nghiệp chúng tôi sẽ không thường xuyên gặp mặt nữa. Những suy nghĩ này xuất hiện là do tôi có tâm truy cầu an dật, mong muốn hưởng thụ và ít học Pháp.

Tại trường trung học phổ thông, kết quả của bài kiểm tra tháng đầu tiên làm tôi bừng tỉnh. Tôi nhận ra đây chính là bài kiểm tra tâm tính mà Sư phụ đã điểm hóa cho tôi. Điều này khiến tôi chỉnh đốn lại việc học Pháp và học thuộc Hồng Ngâm III. Từ đó, tôi dần dần quay lại trạng thái trước đây.

Thông qua những trải nghiệm bản thân, tôi nhận ra rằng chúng ta không thể chểnh mảng tu luyện, càng không thể vì truy cầu an dật mà khiến bản thân mê lạc.

Đề cao tâm tính qua tiếp xúc hằng ngày với người thường

Tuần trước, một người bạn tốt của tôi đột nhiên nói không chơi với tôi nữa mà không nói nguyên nhân. Tôi cảm thấy mình không làm gì sai nên đã rất ngạc nhiên. Thông qua học Pháp, tôi nhận ra mình có tâm oán hận, trong khi người bạn đó nói rằng tôi là người “kỳ quái” và “vô tâm”. Tôi không hiểu “vô tâm” có gì là không tốt và nghĩ rằng những người mẫn cảm thật là mệt mỏi. Sau đó, tôi nhớ tới bài thơ trong Hồng Ngâm III của Sư phụ:

“Đối đích thị tha
Thác đích thị ngã
Tranh thậm ma” (Thùy thị thùy phi)

Tạm dịch:

“Cái đúng là họ
Cái sai là mình
Còn tranh gì nữa” (Ai đúng ai sai)

Sau đó thông qua việc xả bỏ chấp trước và hướng nội tìm vấn đề, người bạn cùng lớp đó đã tới và nói chuyện cùng tôi. Nhờ đọc các bài viết trên tuần báo Minh Huệ, tôi cũng hiểu được rằng một người có càng nhiều chấp trước thì càng khó xả bỏ chúng. Khi một người xả bỏ được hết chấp trước, thì họ có khả năng bước đi trên con đường phản bổn quy chân và khởi tác dụng chân chính trợ Sư Chính Pháp.

Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi đã bảo hộ và ban cho con một sức khỏe tốt.

Xin cảm ơn các đồng tu vì những bài tâm đắc thể hội. Trên đây là thể ngộ cá nhân của tôi, có gì không phù hợp, mong các đồng tu từ bi chỉ ra.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/3/12/小弟子-背法,归正自己的一思一念-270859.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/8/19/141609p.html

Đăng ngày 25-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share