[MINH HUỆ 12-06-2013] Ngày 08 tháng 06 năm 2013, tờ báo La Stampa của Ý đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Một quả bom nhân quyền tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Trung Quốc” của tác giả Paolo Mastrolilli. Bài báo viết về bộ phim tài liệu Trung Quốc Tự do, nêu bật cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và vấn nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Bộ phim kể về trải nghiệm của hai học viên Pháp Luân Công khi bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc. Các trại lao động này đã cố ý tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống, sau đó bán chúng cho những người nước ngoài đến Trung Quốc dưới hình thức “du lịch ghép tạng”. Bài báo nhắc thế giới nhớ rằng những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc vẫn chưa bị lãng quên.
Khi ông Kean Wong, nhà sản xuất của bộ phim, gặp bà Tằng Thanh, một người mẹ, một học viên Pháp Luân Công, và là một cựu đảng viên ĐCSTQ, bà đã kể cho ông về việc bà bị giam giữ và tra tấn dã man trong một trại lao động vì niềm tin của bà. Khi bà không còn đủ sức để chịu đựng những cơn đau đớn, bà đã buộc lòng phải đồng ý từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Sau khi xin được tị nạn ở Úc với sự giúp đỡ của ông Kean, bà Tằng đã viết lại một cuốn tự truyện. Khi ông Kean gặp đạo diễn Michael Perlman, Giám đốc và nhà sản xuất của bộ phim tài liệu “Tây Tạng: Trên cả sợ hãi”, ông đã kể cho đạo diễn Perlman về câu chuyện của bà Tằng.
Đạo diễn Perlman đã đồng ý hợp tác với ông Kean để thực hiện bộ phim tài liệu và đã bổ sung thêm một nhân vật là Tiến sĩ Charles Lee, một bác sĩ Hoa Kỳ gốc Trung Quốc. Tiến sĩ Lee đã bị giam giữ ở Trung Quốc vì cố gắng chèn sóng vào mạng lưới truyền hình cáp quốc gia của Trung Quốc để phơi bày chi tiết cuộc đàn áp Pháp Luân Công phi pháp của chế độ.
Bài báo tiếp tục bình luận rằng buổi công chiếu của bộ phim chắc hẳn khiến cho Chủ tịch Tập Cận Bình cảm thấy có chút gì đó không thoải mái. Tại buổi công chiếu, hai nhân vật được đề cập đến trong bộ phim là bà Tằng Thanh và Tiến sĩ Charles Lee đã có buổi gặp gỡ giao lưu với khán giả. Bà Tằng đã kể lại đôi chút về những trải nghiệm của mình trong trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
“Ngày đầu tiên đến đó, tôi đã bị bắt phải ngồi xổm 16 tiếng đồng hồ”, bà Tằng giải thích. “Sau khi các lính canh ở đó đánh đập và tra tấn tôi, họ đã bắt tôi đi xét nghiệm sức khỏe toàn diện, điều đó khiến tôi cảm thấy có gì đó rất lạ. Thực ra, xét nghiệm đó được thực hiện để chuẩn bị cho việc thu hoạch nội tạng.”
Bà Tằng cũng kể về sự đau khổ khi bị ép buộc phải từ bỏ niềm tin của mình vào Pháp Luân Công. “Tôi đã ‘đầu hàng’ để được ở bên con gái mình”, bà nói: “Tuy nhiên, các lính canh cảm thấy rằng tôi đã phản bội lương tâm của mình.”
“Trước đêm tôi được thả”, bà nói: “Tôi được lệnh phải giám sát một cô gái 19 tuổi từ chối bị chuyển hóa. Lúc đó, tôi thật sự muốn khóc. Mặc dù vui vì có thể rời khỏi trại lao động, tôi biết rằng cô gái này sẽ chuẩn bị phải đối mặt với những tra tấn tàn bạo cho đến khi các lính canh đánh gục ý chí của cô.”
Đạo diễn Perlman có quan điểm rằng chúng ta không nên hợp tác làm ăn với Trung Quốc bởi vì ở đó, ngay cả những quyền cơ bản nhất của con người cũng không được bảo vệ. Ông gợi ý rằng mọi người nên ký tên thỉnh nguyện để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/6/12/意大利主流媒体刊登文章介绍《自由中国》-275266.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/20/140583.html
Đăng ngày 24-06-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.