[MINH HUỆ 07-02-2013] Ngày 20 tháng 01 năm 2013, đài phát thanh quốc gia Tây Ban Nha, Cadena Ser, đã phát sóng một cuộc phỏng vấn với luật sư Carlos Iglesias và học viên Pháp Luân Đại Pháp, bà Triệu Phượng Hoa, phơi bày thế giới ngầm trong các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
Ngày 07 tháng 01 năm 2013, ông Mạnh Kiến Trụ – Trưởng ban Thi hành luật Trung Quốc, tuyên bố rằng chính quyền sẽ sớm chấm dứt các trại lao động cưỡng bức. Tuyên bố này đã khiến cho các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, hệ thống “vô nhân đạo và khét tiếng nhất trên trái đất” thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông quốc gia và quốc tế.
Trong bài phỏng vấn, ông Iglesias nói rằng mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ lâu đã cố gắng thoát khỏi hình ảnh lạm dụng nhân quyền trong con mắt của cộng đồng quốc tế, trên thực tế nó chưa bao giờ ngừng việc vi phạm nhân quyền đối với những người theo tôn giáo và toàn bộ người dân Trung Quốc. Bằng chứng là tội ác diệt chủng đang diễn ra ngay lúc này ở Trung Quốc. Dưới nhiều sức ép từ các nhà ngoại giao cho đến các cuộc đối thoại nhân quyền giữa Trung Quốc – EU, lãnh đạo Đảng cộng sản đang cố gắng che đậy những tội ác của ĐCSTQ và tẩy sạch hình ảnh của nó, nhưng những gì chúng ta thấy hiện giờ vẫn là ĐCSTQ đang tra tấn tàn bạo và giết hại chính người dân của nó, bao gồm hàng triệu học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp).
Ông Iglesias cũng đề cập trong chương trình rằng ngoài những gì cộng đồng quốc tế biết về các trại lao động – rằng chúng sử dụng lao động để “chuyển hóa” các tù nhân, các trại lao động ở Trung Quốc đang che giấu một số bí mật đen tối. Bị giam cầm trong các cơ sở này là hàng triệu người dân vô tội: một số là các nhà bất đồng chính kiến, nhưng hầu hết họ là các tín đồ tôn giáo khác nhau. Những người này đã bị tước bỏ những nhân quyền cơ bản nhất và quyền kháng cáo và bị buộc phải lao động nặng mỗi ngày. Họ bị tra tấn tàn bạo và thậm chí bị giết, và nội tạng của họ đôi khi bị mổ cướp khỏi cơ thể sống của họ và được bán để thu về món lợi nhuận khổng lồ cho ĐCSTQ. Trong nhiều trường hợp, người dân Trung Quốc bị ném vào các trại lao động mà không cần thông qua bất kỳ thủ tục pháp lý nào và bị đối xử như những nô lệ làm gia công cho các sản phẩm được nhập khẩu từ nhiều nước phương Tây, bao gồm cả Tây Ban Nha. Ông Iglesias chỉ ra rằng hàng ngày người dân phương Tây đang tiêu thụ các sản phẩm được làm từ các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc. Những người dân vô tội trong các trại lao động ở Trung Quốc bị buộc phải làm việc hơn 14 tiếng một ngày mà không được trả lương. Chính quyền Trung Quốc có thể đưa một công dân vào đó 04 năm mà không cần thông qua bất kỳ một thủ tục pháp lý nào, và nó có thể làm những việc không thể tin được để làm hại những tù nhân vô tội đó.
Trong cuộc phỏng vấn, học viên Pháp Luân Đại Pháp, bà Triệu đã kể lại câu chuyện về việc bà bị bắt cóc hai lần, sau đó bị đưa đến một trại lao động và bị tra tấn vì niềm tin của mình. Bà cũng kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với trường hợp của bà Khúc Thục Mai và gia đình của bà ấy ở Trung Quốc.
Lần thứ hai khi bị cảnh sát giam giữ bất hợp pháp, bà Triệu đã phải chịu đựng những tra tấn khủng khiếp như bị bức thực và bị xích trong một cái cũi suốt 24 tiếng đồng hồ. Sau bốn tháng bị tra tấn, bà đã bị “chuyển hóa” từ một người khỏe mạnh thành một người bị bệnh kinh niên với thể lực suy nhược. Vì quá yếu để có thể tự đi bộ, bà đã được đưa ra khỏi đồn cảnh sát trên một chiếc cáng. Không có bất kỳ một thủ tục pháp lý nào, bà đã bị kết án ba năm trong một trại lao động. Nếu không phải vì trại lao động đó đã từ chối nhận bà, bà có lẽ đã không thể sống sót cho đến ngày nay. Bà nói rằng hơn 10 học viên Pháp Luân Đại Pháp mà bà biết đã bị tra tấn đến chết trong các trại lao động.
Bà Triệu rất lo lắng cho sự an toàn của các bạn đồng tu ở Trung Quốc. Bà nói rằng ĐCSTQ đang bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp mà không có bất kỳ một thủ tục pháp lý nào, và cảnh sát được khen thưởng vì tra tấn tàn bạo các học viên. Thậm chí cả những tù nhân hình sự giúp cảnh sát tra tấn các học viên Pháp Luân Đại Pháp cũng được hứa hẹn giảm án tù.
Bà Triệu đã nhờ các phương tiện truyền thông quan tâm đến hoàn cảnh của bạn mình là bà Khúc Thục Mai và gia đình của bà ấy. Bà Khúc đã bị đưa ra đưa vào các trại lao động ở Đại Liên, Trung Quốc ba lần. Cảnh sát trong các trại lao động đã sử dụng nhiều thủ đoạn tra tấn thể chất và tình dục để ép buộc bà ấy từ bỏ đức tin của mình. Các lính canh đã xúi giục một tù nhân cùng phòng với bà Khúc xâm hại bà và bỏ ớt bột vào các vết thương của bà. Ngày 17 tháng 12, bà Khúc lại bị cảnh sát Trung Quốc bắt cóc một lần nữa. Chồng bà cũng đã từng bị kết án 12 năm tù vào năm 2002 vì ông tin vào Pháp Luân Đại Pháp; vì thế đứa con 10 tuổi của họ đã trở thành trẻ mồ côi.
Khi phóng viên hỏi ông Iglesias về trường hợp của Giang Trạch Dân, ông nói rằng vào năm 2003 Giang Trạch Dân, La Cán và ba quan chức cấp cao khác của ĐCSTQ đã bị kiện ở Tòa án quốc gia Tây Ban Nha vì tội diệt chủng và tra tấn tàn bạo các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Một trong số các quan chức ĐCSTQ đã bị khởi tố là Bạc Hy Lai, cựu bộ trưởng thương mại, người mới đây đã bị cách chức và trục xuất khỏi đảng cộng sản. Bạc được cho là chịu trách nhiệm cho việc cướp mổ và bán nội tạng của các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị cầm tù.
Ông Iglesias nói rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc không chỉ đối mặt với tra tấn tàn bạo, mà còn là nạn nhân của nạn mổ cướp nội tạng phi nhân tính. Cuộc điều tra độc lập của ông David Kilgour và ông David Matas ở Canada, đã kết luận rằng tội ác không thể tin được này đã và đang xảy ra. Những người nước ngoài mua nội tạng bị thu hút bởi thị trường nội tạng sống ở Trung Quốc. Chỉ từ 150.000 đô la, họ đã có thể mua một lá gan, quả tim hay quả thận tươi sống. Hầu hết các nội tạng này được mổ cướp từ các học viên Pháp Luân Công còn sống trong các nhà tù ở Trung Quốc.
Ông Iglesias cũng nói thêm rằng vụ kiện hợp pháp chống lại 05 cựu quan chức cấp cao của ĐCSTQ có bằng chứng mạnh mẽ từ những lời khai của các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị tra tấn, lời khai của thân nhân của các học viên, các báo cáo của các tổ chức quốc tế khác nhau như tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Tội ác diệt chủng đang xảy ra trong thế kỷ 20 ở Trung Quốc, và 05 tội phạm đó sẽ bị đưa ra xét xử ở tòa án một khi họ bước chân ra khỏi Trung Quốc.
Được thành lập vào năm 1926, Cadena SER là đài phát thanh quốc gia nổi tiếng và lâu đời nhất ở Tây Ban Nha. Năm 2012 họ đã đạt 4,6 triệu lượt người nghe.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/2/7/西班牙主流媒体聚焦中国“古拉格”黑幕-269249.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/2/20/138209.html
Đăng ngày 01-03-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.