Bài viết của Tô Thanh

[MINH HUỆ 19 – 12 – 2012] Ngày 18 tháng 12 năm 2012, Ủy ban về Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ (CECC) đã tổ chức một phiên điều trần ở Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Russell. Phiên điều trần với chủ đề “Điểm lại và cập nhật tình hình Pháp Luân Công ở Trung Quốc” với sự tham gia của tám nhân chứng là các chuyên gia đã thảo luận một cách chi tiết về cuộc đàn áp tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công trong suốt 13 năm qua. Một vài nhân chứng đã tập trung vào việc tố cáo tội ác mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Hai chủ tịch của CECC đã nêu ra các câu hỏi về cuộc đàn áp cũng như thực trạng của vấn nạn, và những biện pháp mà Ủy ban cần thực hiện để chấm dứt cuộc đàn áp này.

Chủ  tịch Ủy ban: Cuộc đàn áp vô nhân đạo

Chủ tịch của CECC, Đại biểu Hạ viện Chris Smith (R-NJ), đã mở đầu phiên điều trần bằng việc tóm tắt ngắn gọn lịch sử 13 năm của cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Nghị sĩ Hạ viện Chris Smith (R-NJ), Chủ tịch của CECC

“Đầu những năm 1990, chính quyền Trung Quốc và chế độ Đảng Cộng sản đã hoan nghênh những đóng góp của phong trào tinh thần Pháp Luân Công. Các bài công pháp và thiền định của Pháp Luân Công có lợi cho sức khỏe. Giáo lý cốt lõi Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công đã thúc đẩy đạo đức trong một xã hội đang ngày càng thiếu hụt các giá trị tinh thần,” ông Smith nói.

“Tuy nhiên tất cả những điều đó đã thay đổi vào năm 1999, khi hàng ngàn học viên Pháp Luân Công tập hợp ôn hòa tại khu phức hợp lãnh đạo Trung Nam Hải ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Các lãnh đạo Trung Quốc khi đó vô cùng sửng sốt trước việc Pháp Luân Công đã phát triển rộng lớn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Đảng, rộng lớn đến mức số lượng các học viên Pháp Luân Công có thể vượt quá 60 triệu thành viên Đảng Cộng sản. Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc và Đảng Cộng sản đã bắt đầu một chiến dịch đàn áp chống lại Pháp Luân Công; tính cho đến nay, cuộc đàn áp đã kéo dài hơn 13 năm.

Chúng ta hoàn toàn có thể xác minh về cuộc đàn áp thông qua các tư liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Nhà Tự do, và nhiều tổ chức nhân quyền phi chính phủ khác.”

Đại biểu Smith mô tả chiến dịch chống lại Pháp Luân Công của ĐCSTQ là một chiến dịch “khốc liệt, tàn bạo, xấu xa và đồi bại”. Ông nói: “Hàng vạn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt bớ và giam giữ; không ai có thể đếm được số người đã bị đưa đến các nhà tù trong những khoảng thời gian dài, và quá nhiều người hiện vẫn còn đang bị giam. Có nhiều người hơn nữa đã bị kết án tái cải tạo trong các trại lao động; những người khác thậm chí đã biến mất.”

“Những người được thả đã kể lại về việc bị thẩm vấn, đánh đập, cấm ngủ, và các hình thức tra tấn tàn bạo kéo dài khác. Các học viên bị bắt giam đã bị ép phải nhận tội và khai ra tên của các học viên khác. Các tổ chức nhân quyền đã cung cấp tư liệu về hơn 3,000 cái chết của các học viên do bị tra tấn và ngược đãi, và chắc chắn rằng, có nhiều người hơn nữa đã chết trong các nhà tù, nhưng những câu chuyện của họ vẫn chưa được kể.”

Ông Smith cũng chỉ ra rằng: “Song song với việc ngược đãi các học viên là một chiến dịch tuyên truyền toàn diện nhằm phỉ báng phong trào này. Trên các chương trình của đài phát thanh và truyền hình, người dân Trung Quốc được tuyên truyền rằng Pháp Luân Công là một ‘tổ chức tà giáo’, và ở các trường học, học sinh, một thế hệ dễ bị ảnh hưởng, được dạy những luận điểm bức chế giống nhau.”

Ông Smith nói: “Ngoài việc bắt bớ, giam giữ, và kết án cải tạo các học viên Pháp Luân Công trong các trại lao động, chế độ Trung Cộng còn đàn áp các học viên Pháp Luân Công để họ phải từ bỏ đức tin của mình và ngừng tu luyện. Tư liệu về chiến dịch chuyển hóa này đã được Ủy ban của chúng ta và các báo cáo nhân quyền thường niên cũng như các tổ chức nhân quyền khác lưu lại. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã mô tả chiến dịch này là ‘một quá trình đàn áp các cá nhân, thường thông qua tra tấn thể xác và tâm lý, nhằm ép buộc họ từ bỏ đức tin của mình.’”

Ông Smith đã khởi động phiên điều trần ngày 12 tháng 09 do Tiểu ban Ngoại giao Hạ viện và Ủy ban Giám sát và Điều tra về Châu Phi, Sức khỏe Toàn cầu và Nhân quyền đồng chủ tọa. Ông phát biểu: “Chúng ta vừa được nghe những lời khai hãi hùng về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Các nhân chứng đã đề cập đến nhiều vấn đề: cấy ghép trong y học Trung Quốc, du lịch cấy ghép, nguồn nội tạng từ các tử tù, và những chứng nhận gây chấn động rằng các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác có thể là những nạn nhân không tự nguyện.” Ông cũng gợi ý mọi người trong phòng đọc qua các văn bản của phiên điều trần nếu họ muốn.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ là “một trong những chiến dịch chống lại tín ngưỡng khắc nghiệt nhất trong thời hiện đại”

Đồng chủ tịch của CECC, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown (D-OH), đã mô tả cuộc đàn áp Pháp Luân Công là “một trong những chiến dịch chống lại tín ngưỡng khắc nghiệt nhất trong thời hiện đại”. Ông kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và thực hiện những biện pháp để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, biểu lộ và nhóm họp cho các thành viên của Pháp Luân Công.

Đồng chủ tịch của CECC, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown (D-OH)

Thượng nghị sĩ Brown phát biểu: “Thật không may, ĐCSTQ hiển nhiên tin rằng cách duy nhất để tồn tại là dập tắt các quan điểm và đức tin khác nhau ở bất cứ nơi nào nó xảy ra.” Ông chỉ ra rằng điều này sẽ không đem lại hiệu quả: “Đe dọa tự do chỉ càng làm củng cố thêm quyết tâm của người ta.”

Các nhân chứng vạch trần toàn diện cuộc đàn áp

Tám nhân chứng đã thảo luận về cuộc đàn áp kéo dài 13 năm từ các góc độ khác nhau.

Sarah Cook, nhà phân tích nghiên cứu kỳ cựu của tổ chức Nhà Tự do

Sarah Cook, nhà phân tích nghiên cứu kỳ cựu của tổ chức Nhà Tự do, đã thảo luận lý do tại sao ĐCSTQ phát động cuộc đàn áp chống lại Pháp Luân Công vào năm 1999 và dẫn ra một vài nguyên nhân: số lượng các học viên Pháp Luân Công đã tăng lên không ngừng trong thời gian đó khiến ĐCSTQ rất lo lắng; có một sự khác biệt lớn giữa nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công và tư tưởng tàn nhẫn, méo mó của ĐCSTQ, làm cho ĐCSTQ, một lần nữa, cảm thấy bị đe dọa; và sự thật là lãnh đạo của ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân đã vô cùng ghen tị với ông Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Công.

Ông Cook tin rằng ĐCSTQ phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công xuất phát từ lịch sử lâu đời của nó trong việc độc đoán đàn áp các tư tưởng độc lập và xu hướng của nó trong việc phát động các phong trào chống lại bất kỳ và tất cả các đối tượng mà nó cảm thấy là mối đe dọa và kẻ thù của mình. Bất cứ quyết định nào mà ĐCSTQ đưa ra đều được thực hiện bởi tất cả các cơ quan chính quyền, bao gồm cả tòa án và ban tuyên truyền.

Hu Zhiming, một sĩ quan trong Lực lượng Không quân Trung Quốc

Hu Zhiming, nguyên thiếu tá trong Lực lượng Không quân Trung Quốc và là một học viên Pháp Luân Công, đã kể lại chi tiết về sự kinh khủng trong ba lần bị bắt và giam giữ chỉ vì ông từ chối từ bỏ đức tin của mình. Ông đã mất nhà, tài sản và tự do khi trải qua tám năm hai tháng ở trong tù. Trong tù, ông đã bị tra tấn bằng nhiều hình thức, bao gồm tẩy não, bức thực, và cấm ngủ. Khi được thả vào tháng 09 năm 2009, ông đã ở trong tình trạng rất suy yếu. Sau đó, ông Hu chạy trốn sang Thái Lan vào năm 2010 và xin tị nạn quốc tế ở đó. Chính quyền Hoa Kỳ đã xác nhận ông là người tị nạn và cho phép ông sang vào Hoa Kỳ vào năm 2012. Ông Hu nói: “Dựa trên những kinh nghiệm và quan sát cá nhân của tôi, tôi tin rằng ĐCSTQ đã cố tiêu diệt Pháp Luân Công trong cuộc đàn áp, nhưng cuối cùng nó đã thất bại. ĐCSTQ sẽ không còn tồn tại được lâu nữa.”

Bruce Chung, một học viên Pháp Luân Công người Đài Loan

Bruce Chung, một học viên Pháp Luân Công người Đài Loan, cũng đã được mời đến để thuật lại lời khai cá nhân của ông. Ông đã kể với các thành viên trong phiên điều trần về việc ông bị các nhân viên an ninh của ĐCSTQ bắt và giam giữ ở hai điểm: Thứ nhất, ĐCSTQ không chỉ đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc mà nó còn mở rộng cuộc đàn áp ra nước ngoài. Theo Phật học hội Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan, ông là một trong 17 học viên Đài Loan đã bị ĐCSTQ đàn áp.

Thứ hai, ĐCSTQ đã thuê các gián điệp nước ngoài để thu thập thông tin cá nhân của các học viên Pháp Luân Công, cũng như thông tin về các hoạt động của họ một cách bất hợp pháp. Bằng cách đó, các học viên nước ngoài sẽ ngay lập tức bị bắt khi họ đến Trung Quốc đại lục. Ông thấy rằng cộng đồng quốc tế cần lên án các hoạt động này. Ông Chung cũng nói rằng ông có thể an toàn trở về Đài Loan phần lớn là nhờ vào nỗ lực của những người có chính nghĩa thuộc khắp các tầng lớp xã hội khác nhau. Ông nghĩ rằng ĐCSTQ sẽ làm mọi thứ trong khả năng để che đậy những việc làm xấu xa của nó, vì nó rất sợ bị vạch trần. Ông Chung hy vọng rằng cuối cùng mọi người sẽ phát hiện ra tất cả những việc tà ác mà ĐCSTQ đã làm.

Chuyên gia thận Từ Kiến Siêu

Ông Từ Kiến Siêu, Phó Giáo sự ngành thận học của Trường Y Mount Sinai, đã trích dẫn các báo cáo và kết quả điều tra công khai chứng minh rằng nguồn nội tạng chính phục vụ cho việc cấy ghép ở Trung Quốc là từ các tù nhân còn sống. Ông nói rằng ông Ethan Gutmann, thành viên phụ tá ở Tổ chức Phòng vệ và Dân chủ, đã phỏng vấn các nạn nhân bị giam ở Trung Quốc và thuật lại một cách chi tiết những phát hiện của mình trong cuốn sách Tạng Nhà nước. Theo nghiên cứu của ông, 65.000 học viên Pháp Luân Công đã bị mổ cướp nội tạng. Ông Gutmann phát hiện rằng các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ bất hợp pháp trong các nhà tù và các trại lao động cưỡng bức thường bị lựa ra để khám định xem nội tạng của họ còn tốt hay không. Sau đó, nhiều học viên bị khám này đã “biến mất” một cách bí ẩn. Ông Smith và Thượng nghị sĩ Brown rất quan tâm đến vấn đề mổ cướp nội tạng, và kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ giúp chấm dứt tội ác này.

Ông Hạ Nhất Dương, giám đốc cấp cao về Nghiên cứu và Chính sách của Tổ chức Luật Nhân quyền

Ông Hạ Nhất Dương, Giám đốc cấp cao về Nghiên cứu và Chính sách của Tổ chức Luật Nhân quyền ở Washington, D.C, nói rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công thiếu cơ sở pháp lý. Các luật sư bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công cũng có kết luận tương tự sau khi xem xét hiến pháp và các điều luật của Trung Quốc. ĐCSTQ đã sử dụng tất cả các loại chiến thuật để lách luật và phát động một chiến dịch chống lại Pháp Luân Công trên diện rộng. Ông Hạ đã chỉ ra cho những người có mặt tại phiên điều trần cách mà ĐCSTQ lách luật một cách có hệ thống để tiếp tục duy trì cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông cũng trình bày chi tiết mối quan hệ giữa những số liệu then chốt trong cuộc đấu đá chính trị nội bộ của ĐCSTQ và cuộc đàn áp, đặc biệt là sự tham gia của Vương Lập Quân trong tội ác mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

Charles Lee, một người Mỹ gốc Hoa đã sống sót qua ba năm bị đàn áp trong tù; cùng với James Tong, một giáo sư chính trị đối sánh ở Đại học California, Los Angeles; và Caylan Ford, một nhà nghiên cứu độc lập và cố vấn nhân quyền nghiên cứu cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đã thảo luận về việc ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công từ các góc độ khác nhau.

Đề xuất một dự luật mới nhắm vào tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ

Ông Smith đã lên án sự tàn bạo của nạn mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công. Ông cũng cho biết ông đang đề xuất một dự luật mới nhắm vào tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ để nghiêm khắc trừng phạt các thủ phạm, đó là, Hoa Kỳ sẽ vĩnh viễn từ chối cấp thị thực cho bất kỳ cá nhân nào phạm tội ác này ở Trung Quốc, cũng như họ hàng và con cái của họ. Ông cũng kêu gọi giới truyền thông Hoa Kỳ lên tiếng về vấn đề này để nhiều người hơn nữa biết được sự thật.

Ông tin rằng cấy ghép nội tạng là một công nghệ y học hợp pháp, nhưng có một vấn đề chính yếu căn bản: cướp nội tạng từ những người còn sống là một hành vi phạm pháp, man rợ và tàn ác.

Phiên điều trần với chủ đề “Điểm lại và cập nhật tình hình Pháp Luân Công ở Trung Quốc” do Ủy ban về Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ (CECC) tổ chức đã được phát sóng trực tiếp. Video của phiên điều trần hiện có trên website của CECC tại địa chỉ: https://cecc.gov/pages/roundtables/general/roundtable2/index.php


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/12/19/美国会举行听证会-聚焦迫害关注活摘-266731.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/12/21/136742.html

Đăng ngày 8-1-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share