Bài của Tô Bách và Tô Dung Cao, phóng viên báo Minh Huệ ở Cao Hùng, Đài Loan
[MINH HUỆ 21-08-2012] Ngày 19 tháng 08 năm 2012, Hiệp hội Chăm sóc Cấy ghép Quốc tế, trụ sở chính tại Đài Loan, đã tổ chức một diễn đàn để tiết lộ những thông tin quan trọng về việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Diễn đàn này được tổ chức tại Quảng trường Siwei Public Housing, phía nam của Trung tâm Văn hóa thành phố Cao Hùng. Hiệp hội đã tiết lộ những bí mật đằng sau việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, cũng như các rủi ro liên quan đến việc cấy ghép nội tạng bất hợp pháp. Những người dân địa phương tham dự diễn đàn đã rất sốc khi biết việc chế độ Cộng sản Trung Quốc bị cáo buộc mổ cắp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công và bán các bộ phận cơ thể họ để kiếm lời bất chính. Nhiều người đã kêu gọi công lý để trừng phạt những tội ác man rợ này.
Hiệp hội Chăm sóc Cấy ghép Đài Loan tổ chức diễn đàn tiết lộ những thông tin quan trọng về việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc
Hiệp hội đã chiếu một đoạn video các bài phát biểu của ông David Matas, Esq. và ông Hon. David Kilgour, Esq. trong chuyến đi năm 2011 của họ tới Đài Loan cho báo cáo có tiêu đề: Thu Hoạch Đẫm Máu: Báo cáo sửa đổi về các cáo buộc mổ cắp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các khách mời và hơn 300 khán giả đã bị sốc sau khi nghe các bài phát biểu. Giáo sư Ngô Anh Minh của Đại học Mở Cao Hùng đã thốt lên: “Làm sao có thể như vậy được? Thật khủng khiếp!”
Rất nhiều người dân ở Đài Loan mắc hội chứng tan urê huyết. Số lượng người được chạy thận tại Đài Loan tiếp tục tăng lên hàng năm. Bộ Y tế của Đài Loan ước tính rằng số bệnh nhân Đài Loan được ghép thận hoặc ghép gan ở Trung Quốc là 450 người vào năm 2005. Tuy nhiên, những người nhận nội tạng thường không biết được nguồn gốc của các nội tạng đến từ Trung Quốc.
Tại diễn đàn, một đại diện từ Hiệp hội Chăm sóc Cấy ghép Quốc tế cho biết: “Giáo sư Cao Vĩ của bệnh viện Mặt trận Cảnh sát Vũ trang ở Thâm Quyến, Trung Quốc thường được các bệnh nhân hỏi về việc người tù nhân hiến tạng bị tử hình như thế nào trước khi họ tiến hành ghép tạng. Ông ấy trả lời: “Tiêm cho anh ta (người hiến tạng) hai mũi. Một mũi để gây mê và mũi kia để giảm đau“. Tại sao tù nhân bị án tử hình lại không bị xử bắn? Đó là để thu hoạch nội tạng tươi sống của họ. Sau khi họ bị gây mê, bác sĩ sẽ cắt mổ nội tạng của họ. Về cơ bản, điều này chính là là cắp mổ nội tạng từ những người còn sống và đang thở. Ngoài ra, chế độ Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng các nội tạng đều được lấy từ các tù nhân bị kết án tử hình. Điều này không đáng tin lắm bởi vì cái gọi là tù nhân bị kết án tử hình ở Trung Quốc thường bao gồm các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, những người bị bức hại vì đức tin tôn giáo của họ, và những người bất đồng chính kiến.
“Báo cáo Thu hoạch đẫm máu phân loại các báo cáo do Tổ chức Ân xá Quốc tế biên soạn từ các thông tin được công bố công khai ở Trung Quốc, báo cáo lập luận rằng ‘Từ năm 1995 tới năm 1999, số lượng trung bình các tù nhân bị kết án tử hình và sau đó bị xử tử là 1.680 người mỗi năm. Trung bình từ năm 2000 đến 2005, con số đó là 1.616 người mỗi năm. Các con số có sự thay đổi từ năm này sang năm khác, nhưng nhìn chung, số lượng trung bình trong các giai đoạn trước và sau cuộc đàn áp Pháp Luân Công là như nhau. Việc xử tử các tù nhân bị kết án tử hình không thể giải thích được sự gia tăng đột biến số lượng các ca ghép tạng ở Trung Quốc kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu’.
“Có lần, một bác sĩ điều tra việc tra tấn trong các nhà tù của Trung Quốc đã yêu cầu được gặp các tù nhân bị kết án tử hình ở Trung Quốc, nhưng ông được cho biết rằng hiện tại không có sẵn tù nhân chờ án tử hình bởi vì nếu một người bị kết án hôm nay, anh ta sẽ bị xử tử ngay ngày hôm sau. Theo cuốn Thu hoạch đẫm máu: ‘số ca cấy ghép thận tăng vọt, tăng hơn gấp đôi kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu [năm 1999]. Năm 1998 chỉ có 3.596 ca ghép thận, tới năm 2005, tổng số ca ghép thận đã lên tới gần 10.000’. Ông Matas và ông Kilgour cũng đặt câu hỏi về thời gian cung ứng nội tạng nhanh chóng theo quảng cáo trên các trang web của bệnh viện ở Trung Quốc, các quảng cáo tự hào rằng thời gian chờ đợi để có được một nội tạng thích hợp là rất ngắn, chỉ khoảng một tháng, thậm chí chỉ một tuần. Ông Matas và ông Kilgour nói thêm: ‘Ngược lại, thời gian chờ đợi trung bình ở Canada cho một quả thận là 32,5 tháng vào năm 2003, và ở British Columbia thậm chí còn lên tới 52,5 tháng. Thời gian sống của một quả thận là từ 24-48 giờ và của lá gan là khoảng 12 giờ. Phải có một ngân hàng ‘hiến tặng’ gan-thận sống lớn thì các trung tâm cấy ghép của Trung Quốc mới có thể đảm bảo thời gian chờ đợi ngắn như vậy cho khách hàng. Thời gian chờ đợi nội tạng phù hợp ngắn tới mức đáng kinh ngạc như trên quảng cáo cho thấy có sự tồn tại của một ngân hàng ‘hiến tặng’ nội tạng sống lớn. Việc buôn bán nội tạng con người mang lại những món lợi nhuận khổng lồ. Chúng tôi kêu gọi chính phủ và xã hội phản đối những tội ác khủng khiếp này“.
Sau khi xem bộ phim tài liệu “Mổ cắp nội tạng sống”, bà Ngô, một cư dân ở Cao Hùng, đã rất xúc động. Bà đã đứng lên để phát biểu. Bà nói: “Tôi có hai người bạn. Một người khoảng 40 tuổi và đã được ghép thận hai lần. Người kia đã lọc máu trong suốt mười năm. Bà ấy đang định thay một quả thận mới ngay sau khi tiết kiệm đủ tiền. Tôi đã không góp ý gì với bà ấy, nhưng tôi sẽ cung cấp cho bà ấy các thông tin mà tôi biết. Tôi cũng sẽ tặng bà ấy báo cáo Thu hoạch đẫm máu. Tôi có trách nhiệm phải nói cho bà ấy biết. Các bệnh nhân thận đều nghe đồn rằng có thể dễ dàng kiếm được một quả thận mới ở Trung Quốc, nhưng không ai nghĩ về việc quả thận đó có nguồn gốc tốt xấu ra sao. Im lặng đồng nghĩa với sát nhân. Im lặng biến chúng ta thành những kẻ đồng lõa. Chúng ta nên cân nhắc về điều này“.
Bà Ngô cũng chia sẻ nhận thức của bà về triển lãm Thế giới Cơ thể Người của nhà giải phẫu người Đức – Gunther von Hagens. Bà nói: “Cách đây vài năm, tại Cao Hùng cũng có triển lãm Thế Giới Cơ thể Người. Tôi nghĩ rằng nó có vấn đề gì đó. Thật là lố bịch. Một số người thậm chí còn đưa trẻ em đến xem cuộc triển lãm với danh nghĩa giáo dục để biện minh cho tội ác này. Thật kinh khủng“.
Bà Vương là một nhân viên chính phủ. Bà đã được nghe các đồng nghiệp của mình kể về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Sau khi xem bộ phim tài liệu và nghe các bài phát biểu, bà nói: “Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nổi tiếng với những vi phạm nhân quyền. Chế độ đã sử dụng quyền lực chính trị của mình để đàn áp và bắt bớ những người bất đồng chính kiến. Việc mổ cắp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công thật quá tàn ác. Thu hoạch sống có nghĩa là giết chết một người còn đang khỏe mạnh, một người còn sống, bằng cách cắt bỏ các nội tạng quan trọng của người đó! Thật quá tàn nhẫn, đặc biệt là khi nó xảy ra với một cộng đồng tu luyện theo nhân ái và từ bi. Chúng ta nên khởi kiện ĐCSTQ lên các tổ chức trên quốc tế để trừng phạt tội ác của nó và chấm dứt cuộc bức hại này“. Bà nói thêm rằng bà sẽ nhắc bạn bè của mình không cấy ghép tạng ở Trung Quốc.
Cô Luo là một cư dân địa phương khác tham dự diễn đàn. Cô nhìn thấy một áp phích về sự kiện ở bên ngoài tòa nhà nơi cô sinh sống. Cô thừa nhận rằng trước khi đến đây, cô không biết gì về nạn thu hoạch nội tạng khủng khiếp đang diễn ra tại Trung Quốc. Cô nói: “Tài liệu này có vẻ đã mất rất nhiều công sức. Thật tàn nhẫn khi cắt bỏ nội tạng của một người còn sống. Chúng ta cần phải nâng cao nhận thức và lương tâm của mọi người. Tôi ủng hộ việc này. Tôi kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ. Ví dụ, chúng ta không nên trả tiền cho chi phí chăm sóc sức khỏe sau cấy ghép cho những công dân Đài Loan đã cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Điều này có thể ngăn chặn việc mọi người nhận các nội tạng có nguồn gốc không rõ ràng“.
Bà Tề, một bác sĩ, đã rất sốc và giận dữ khi bà biết rằng Trung Quốc thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công, và họ thậm chí còn bán cơ thể của các học viên cho Triển lãm Thế giới Cơ thể Người. Bà đã gọi ĐCSTQ là vô nhân đạo.
Bà Tề nói: “Mỗi người trong chúng ta có nghĩa vụ phải đứng lên để chấm dứt sự việc này. Chúng ta phải vạch trần tội ác ghê tởm này để ngăn chặn mọi người đến Trung Quốc cấy ghép tạng. Chính phủ Đài Loan phải có điều luật để ngăn chặn việc này. Chúng ta không được giữ im lặng. Các bác sĩ có nghĩa vụ cứu mạng sống của người bệnh, nhưng các bác sĩ ở Trung Quốc lại giết chết các học viên Pháp Luân Công vì lợi nhuận. Thật vô nhân đạo. Họ đang giết người chứ không còn cứu người nữa. Nó giống như những gì ông David Matas và ông David Kilgour đã gọi trong báo cáo Thu hoạch đẫm máu: “sự tàn ác chưa từng thấy trên hành tinh này“.
https://organharvestinvestigation.net/report0701/report20070131.htm#_Toc160145139
Bà Tề đã nói với các đồng nghiệp trong ngành y của mình: “Đừng quên rằng nhiệm vụ của các bác sĩ là cứu người và giúp mọi người giải thoát khỏi đau đớn. Các bác sĩ không bao giờ nên biến bản thân mình thành phương tiện cấy ghép nội tạng bất hợp pháp để kiếm lợi bất chính của Trung Quốc. Nếu làm vậy, bạn sẽ bị chính lương tâm của mình lên án. Tôi tin rằng những người làm điều xấu sẽ gặp quả báo. Tôi kêu gọi những bác sĩ tham gia hoặc biết về vấn đề này hãy tôn trọng nhân quyền của mọi người bằng cách tiết lộ các tội ác này. Mong các bạn đừng trở thành đồng phạm của ĐCSTQ“.
Tham khảo:
Thu hoạch đẫm máu: Báo cáo sửa đổi về cáo buộc mổ cắp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc của tác giả David Matas, Esq. và Hon. David Kilgour, Esq: https://organharvestinvestigation.net/report0701/report20070131.htm .
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/8/21/台湾民众谴责中共活摘器官恶行-261833.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/8/30/135218.html
Đăng ngày 10-09-2012. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.