Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-04-2025] Ông Phùng Quốc Thanh, một cư dân khoảng 59 tuổi ở thành phố Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang vẫn đang bị giam giữ kể từ vụ bắt giữ vào ngày 4 tháng 12 năm 2024 vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã tuyệt thực để phản bức hại và đã bị bức thực.

Ông Phùng hiện đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Thành phố Y Xuân. Cảnh sát đã lục soát nhà ông nhiều lần sau vụ bắt giữ. Họ đã tịch thu hơn 200.000 Nhân dân tệ tiền mặt trong các vụ khám xét.

Tạ Học Nghĩa, giám đốc Sở Cảnh sát Quận Kim Lâm và Chu Thành, trưởng Phòng 610 Quận Kim Lâm đã ra lệnh cho cảnh sát thẩm vấn ông Phùng bằng việc tra tấn. Ông từ chối trả lời câu hỏi và tuyệt thực hơn 40 ngày. Cảnh sát đã lột trần ông, trói chân tay ông trong tư thế “đại bàng sải cánh” và sau đó bức thực ông. Ông còn buộc phải đi vệ sinh ngay trên giường. Ông Phùng bị suy cả hai thận. Hiện chưa rõ việc tra tấn có còn tiếp diễn hay không.

Bức hại trong quá khứ

Đây không phải lần đầu tiên ông Phùng bị bắt giữ sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999.

Ông Phùng bị bắt giữ lần đầu vào ngày 6 tháng 2 năm 2000 khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát Tiêu Kính Vũ đã tịch thu 345 Nhân dân tệ tiền mặt mà ông mang theo. Ông bị giam 2 ngày ở Bắc Kinh và sau đó bị đưa về Y Xuân, tại đây ông bị giam liên tiếp 3 đợt, mỗi đợt 15 ngày, tổng cộng 45 ngày liên tục (cảnh sát làm vậy để tuân thủ quy định tạm giam hành chính tối đa 15 ngày). Ông được trả tự do vào giữa tháng 3 năm 2000. Gia đình ông bị cảnh sát tống tiền 1.000 Nhân dân tệ.

Cuối tháng 4 năm 2000, ông Phùng bị bắt giữ lần nữa và bị giam giữ 54 ngày. Dù mỗi ngày chỉ được cho ăn 2 bữa với súp bánh bao loãng và bị cưỡng bức lao động không công trên đồng ruộng, trại tạm giam vẫn yêu cầu ông nộp 500 Nhân dân tệ tiền ăn (khoảng 10 Nhân dân tệ/ngày). Lương hàng tháng của ông lúc đó chỉ được 173,9 Nhân dân tệ.

Ông Phùng bị bắt giữ lần thứ ba vào cuối năm 2000. Ông bị giam giữ tại trung tâm tẩy não 27 ngày và được trả tự do vào ngay trước thềm Tết Nguyên đán.

Ngày 10 tháng 4 năm 2002, ông bị bắt giữ lần nữa. Cảnh sát Khang Khải, Trương Diên Bân và Tề Hữu đã đánh đập ông tại đồn công an. Họ còng ông lại, buộc ông bò trên sàn nhà rồi đặt một chiếc ghế lên người ông. Trong khi cảnh sát Hà Kính Đông ngồi lên ghế, những người khác thay nhau dùng ống nhựa PVC để đánh đập ông trong nhiều giờ đồng hồ.

f306073cfa9e5ca5a59d1c312515ad5a.jpg

Minh họa tra tấn: Trói dưới ghế

Khi cảnh sát ngừng việc tra tấn vào tối hôm đó, ông Phùng đã bị khó thở và không thể đi lại. Cảnh sát Hà lôi ông vào xe cảnh sát và đưa về trại tạm giam địa phương. Ba ngày sau, họ quay lại kéo ông vào phòng khi ông vẫn chưa đi lại được. Họ véo khắp người khiến ông đau đớn tột cùng. Sau đó họ trói chân ông lại và giang rộng tay ông ra, ghim ông lên thánh giá bằng gỗ trong 12 ngày. Tay ông dần mất cảm giác và cảnh sát còn tiêm thuốc không rõ nguồn gốc cho ông.

Ngày 10 tháng 6 năm 2002, cảnh sát lại kéo đến. Họ trói ông rất chặt rồi nới lỏng dây trói. Họ lặp lại nhiều lần như vậy và mỗi lần lại trói chặt hơn. Ông không thể cầm nắm được bất cứ thứ gì trong suốt một năm sau đó.

Tiếp đó ông Phùng bị kết án 4 năm tù. Ngày 6 tháng 12 năm 2002, ông bị đưa đến nhà tù Hương Lan và sau đó bị chuyển sang nhà tù Giai Mộc Tư vào ngày 14 tháng 1 năm 2003. Mỗi lần mẹ ông đến thăm đều bị lính canh Sử Tuấn Phong đe dọa. Một năm sau, bà đã qua đời vì suy sụp tinh thần.

Ông Phùng liên tục bị tra tấn với nhiều hình thức gồm: bức thực, sốc điện, đánh đập, cấm ngủ và lăng mạ ở trong nhà tù.

Khi được trả tự do vào năm 2006, vợ ông đã ly hôn ông và nơi làm việc của ông, Đội Khảo sát Thiết kế Lâm nghiệp Kim Sơn Đồn, cũng sa thải ông.

Bài liên quan tiếng Trung:

https://www.minghui.org/mh/articles/2018/4/18/364263.html

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/2/492247.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/13/226217.html

Đăng ngày 20-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.