Theo một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 5-4-2025] Từ năm 2014, sau khi tòa án Trung cấp thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam) ủy quyền cho Tòa án quận Tây Sơn phụ trách xử lý các vụ án liên quan đến Pháp Luân Công trong toàn khu vực Côn Minh mở rộng, tòa án này đã kết án hơn 60 học viên Pháp Luân Công chỉ vì đức tin của họ. Đặc biệt, thẩm phán Phổ Huy Quân là người đã kết án bảy học viên — cao hơn bất kỳ thẩm phán nào khác tại tòa này.
Phổ Huy Quân
Dưới đây là 7 bản án tù do thẩm phán Phổ tuyên án (+86-871-68178675).
Cựu nhân viên nhà máy cơ khí hạng nặng Côn Minh bị kết án 4 năm tù một cách bí mật
Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm 2013, Bà Ân Thục Viện, 69 tuổi, một nhân viên đã nghỉ hưu của Nhà máy cơ khí hạng nặng Côn Minh, đã bị bắt khi đang đi bộ trên phố cùng con gái. Bà bị giam giữ tại Trại giam thành phố Côn Minh. Ngày 25 tháng 2 năm 2014, Viện Kiểm sát quận Tây Sơn đã cáo buộc bà với tội danh “phá hoại việc thực thi pháp luật bằng tà giáo”, một cái cớ quen thuộc mà chính quyền ĐCSTQ thường dùng để hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công.
Vào ngày 9 tháng 4 năm 2014, hai thẩm phán, Phổ và Tô Cần đã tiến hành phiên tòa bí mật xét xử bà Ân mà không thông báo cho luật sư hay gia đình bà. Bà Ân đã tự biện hộ cho mình và khẳng định rằng: “Không có bất kỳ điều luật nào ở Trung Quốc quy định việc tu luyện Pháp Luân Công là phạm pháp và bà cũng chưa từng làm hại ai khi thực hành đức tin của mình”. Thẩm phán Phổ đã kết thúc phiên tòa trong vòng 30 phút và kết án bà 4 năm tù.
Một cựu nhân viên thư viện cũng bị kết án 4 năm tù
Bà Quách Linh Na, sinh tháng 12 năm 1961, nguyên là nhân viên Thư viện Công đoàn của Công ty Xi măng Côn Minh, đã bị công an đồn Đạ Quan bắt vào ngày 10 tháng 4 năm 2014. Trong quá trình thẩm vấn, cảnh sát đã tát vào mặt và đá vào người bà. Khi bà kể với một cảnh sát khác về việc bị đánh đập, viên cảnh sát đầu tiên liền tát thêm hai cái vào mặt bà. Không dừng lại ở đó, khi bà từ chối ký vào hồ sơ vụ án, các nhân viên cảnh sát đã thay phiên nhau giẫm lên chân bà, khiến cơ thể bà bị thương tích nhiều chỗ.
Sau khi bị bắt giữ và tra tấn, bà Quách đã bị công tố viên Đỗ Tú Liên của Viện Kiểm sát quận Tây Sơn truy tố. Tại phiên tòa đầu tiên diễn ra vào ngày 23 tháng 9 năm 2014 tại Tòa án quận Tây Sơn, luật sư của bà đã yêu cầu triệu tập 5 viên cảnh sát đã thẩm vấn bà một cách bạo lực, bao gồm Dương Ân Tường, Văn Vĩnh Tường, Mạnh Á Quân, Chu Chính Bảo và Trương Hiển ra tòa để đối chất. Luật sư cũng chỉ ra rằng một phần bằng chứng trong hồ sơ vụ án được xác nhận bởi Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật do chính quyền ĐCSTQ thành lập để chuyên bức hại Pháp Luân Công. Ông khẳng định rằng Phòng 610 không có thẩm quyền pháp lý để xác minh chứng cứ truy tố, do đó việc sử dụng tài liệu này trong phiên tòa là hoàn toàn sai trái về mặt pháp luật.
Tại phiên tòa lần thứ hai vào ngày 29 tháng 1 năm 2015, thẩm phán Phổ đã yêu cầu luật sư của bà phải đi qua cổng kiểm tra an ninh — mặc dù theo quy định pháp luật, luật sư được miễn kiểm tra an ninh khi tham gia bào chữa tại tòa. Luật sư đã từ chối hợp tác và bị ngăn không cho vào phòng xử án. Bà Quách yêu cầu thẩm phán hoãn phiên tòa, nhưng thẩm phán Phổ đã ra lệnh cho nhân viên tư pháp giữ chặt bà tại chỗ, không cho rời khỏi phòng xử án. Bất chấp việc luật sư bị cấm tham dự và sự phản đối của bị cáo, thẩm phán Phổ vẫn tiếp tục tiến hành phiên xét xử và tuyên án bà Quách 4 năm tù giam.
Trong thời gian phải thi hành án tại Trại tù nữ số 2 tỉnh Vân Nam, bà Quách đã bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ suốt ngày và gia đình bà không được phép vào thăm bà. Ban quản lý trại tù đã kiểm soát nghiêm ngặt mọi sinh hoạt hàng ngày và từ chối nhiều quyền sống cơ bản của bà, bao gồm không cho tắm rửa, không được mua nhu yếu phẩm hàng ngày, bị hạn chế đi vệ sinh và bị ép từ tín ngưỡng vào Pháp Luân Công. Thậm chí, bà còn bị bỏ đói và không được uống nước. Khi cha mẹ bà qua đời, bà không được phép tham dự lễ tang của họ.
Trước bản án gần nhất, bà Quách từng bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức vào năm 2007 vì nói chuyện với một nhân viên an ninh về Pháp Luân Công và đến năm 2009 bà lại bị kết án 3 năm tù vì đi phát tư liệu thông tin về Pháp Luân Công. Chồng bà đã buộc phải ly hôn bà. Thư viện nơi bà từng làm việc đã ngừng trả tiền lương hưu cho bà và đẩy bà vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính nghiêm trọng.
Hai cư dân ở tỉnh Vân Nam bị kết án tù
Bà Đường Ngọc, cựu nhân viên của Công viên Tây Hoa và bà Lý Hải Yến đã bị bắt vào ngày 18 tháng 1 và ngày 5 tháng 3 năm 2022 vì đi phát các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.
Cả hai người phụ nữ này đều bị Viện kiểm sát quận Tây Sơn truy tố vào ngày 28 tháng 12 năm 2021 với cáo buộc “phá hoại việc thực thi pháp luật bằng tà giáo”.
Trong phiên tòa xét xử tại Tòa án quận Tây Sơn vào ngày 21 tháng 6 năm 2022, không có bất kỳ nhân chứng buộc tội nào xuất hiện tại tòa để đối chất, và công tố viên cũng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng truy tố nào. Một ngày sau đó, thẩm phán Phổ tuyên án: Bà Đường, khi đó 52 tuổi, bị kết án 3 năm 8 tháng tù, kèm theo khoản tiền phạt 8.000 tệ. Bà Lý, khi đó 64 tuổi, bị kết án 3 năm 3 tháng tù và bị phạt 6.000 tệ.
Cụ bà 81 tuổi bị kết án 1 năm 6 tháng tù
Vào ngày 11 tháng 10 năm 2020, bà Vương Phụng Anh, cựu nhân viên của Tổng công ty Công nghiệp Ô-tô Vân Nam, đã bị bắt tại một khu chợ nông sản, sau khi bị tình nghi phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lấy chìa khóa của bà và lục soát nhà bà vào buổi chiều nhưng không cung cấp danh sách các vật dụng bị thu giữ. Sau đó, bà được tạm thời cho tại ngoại.
Vào tháng 3 năm 2022, sau khi bà Vương bị Viện kiểm sát quận Tây Sơn truy tố, bà đã viết thư cho thẩm phán Phổ và yêu cầu ông ta hủy bỏ vụ án của bà. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ được trực tiếp gặp mặt hay nói chuyện với thẩm phán Phổ, bất kể là khi bà gọi điện hay đến tòa án để tìm ông ta. Khi bà nộp đơn và tài liệu khiếu nại cho một thư ký tòa án tên là Ngô Nhuận, anh ta luôn có thái độ thù địch. Anh ta cũng cáo buộc bà Vương tuyên truyền Pháp Luân Công và đe dọa sẽ đề xuất mức án tù nặng giành cho bà.
Vào ngày 7 tháng 4 năm 2022, bà Vương được thông báo rằng bà sẽ bị đưa ra xét xử sau đó năm ngày. Ngày 8 tháng 4, một luật sư họ Dương đã gọi điện cho bà và nói rằng được thẩm phán chỉ định làm luật sư bào chữa và nhận tội thay cho bà.
Mặc dù bà Vương từ chối chấp nhận việc được luật sư Dương đại diện nhưng ông vẫn có mặt tại tòa để tham dự phiên xử theo lịch trình. Tại tòa, bà Vương đã làm rõ lập trường của mình với thẩm phán Phổ, khẳng định rằng bà không chấp nhận luật sư Dương làm người đại diện. Sau đó, luật sư Dương đã rời khỏi phiên tòa.
Trong suốt phiên xử, công tố viên không đưa ra được bất kỳ bằng chứng buộc tội nào đối với bà Vương, cũng không có nhân chứng nào có mặt tại tòa để đối chất. Bà Vương đã tự biện hộ cho mình và thường xuyên bị thẩm phán Phổ ngắt lời.
Ngày 24 tháng 4, bà Vương nhận được phán quyết, trong đó nêu rõ bà bị kết án 1,5 năm tù và bị phạt 5.000 tệ. Văn bản phán quyết này đề ngày 13 tháng 4, chỉ một ngày sau phiên xét xử.
Một người đàn ông ở tỉnh Vân Nam bị kết án oan và tước nhiều quyền hợp pháp
Ông Ôn Vĩnh Thư, sinh năm 1968, từng làm việc tại Nhà máy sản xuất nhạc cụ Tây Nam và giảng dạy tại Trường Cao đẳng nghề cơ điện Vân Nam. Ngày 31 tháng 7 năm 2023, Ông bị bắt khi trở về nhà ăn trưa vào khoảng 1 giờ chiều. Cảnh sát mặc thường phục đã lục soát nhà ông suốt 3 tiếng đồng hồ mà không xuất trình lệnh khám xét, mặc dù họ khẳng định rằng “có mang theo bản sao”. Họ cũng ép ông xác nhận toàn bộ tang vật bị thu giữ là của mình, nhưng không lập biên bản kê khai tài sản theo quy định pháp luật hiện hành.
Trong quá trình vụ án của ông Ôn được chuyển đến Viện Kiểm sát quận Tây Sơn, công tố viên Trương Diễm Lâm đã ngăn cản vợ ông, bà Đổng Khai Trân, không cho bà tiếp cận hồ sơ vụ án hoặc thăm chồng. Ông Trương tuyên bố rằng chỉ luật sư mới được phép xem hồ sơ, vì họ sẽ “không tiết lộ thông tin ra công chúng”. Ngày 16 tháng 11 năm 2023, ông Trương đã chính thức truy tố ông Ôn, nhưng từ chối cung cấp bản cáo trạng cho gia đình.
Ngay sau khi vụ án được chuyển sang Tòa án quận Tây Sơn vào giữa tháng 12 năm 2023, bà Đổng đã liên hệ với thẩm phán Phổ với tư cách là người đại diện hợp pháp của gia đình. Sau nhiều lần kiên trì yêu cầu, bà mới được cung cấp một bản sao cáo trạng của chồng. Bà cũng yêu cầu được xem xét hồ sơ vụ án, thăm chồng, đồng thời cũng yêu cầu hoàn trả các tài sản bị tịch thu và loại chúng khỏi bằng chứng truy tố chồng bà. Tuy nhiên, thẩm phán Phổ hoàn toàn phớt lờ tất cả các kiến nghị hợp pháp này của bà.
Ngày 10 tháng 1 năm 2024, bà Đổng đã thuê một luật sư cho chồng. Tuy nhiên, khi bà cùng luật sư đến Tòa án quận Tây Sơn để xem hồ sơ vụ án, thẩm phán Phổ vẫn từ chối cho bà thăm chồng hoặc liên lạc với ông dưới bất kỳ hình thức nào. Ông ta cho phép luật sư xem và sao chép hồ sơ, nhưng không cho phép bà Đổng. Ông ta một lần nữa từ chối trả lại những vật phẩm bị tịch thu hay loại chúng khỏi bằng chứng truy tố.
Trong khi luật sư đang xem hồ sơ vụ án, ông Phổ và nhân viên tư pháp đã bắt bà Đổng giao nộp điện thoại di động và xóa tất cả các bản ghi âm ở trong đó, với lý do rằng vì ông Ôn đã có luật sư nên bà không thể tiếp tục làm người đại diện của gia đình để biện hộ cho ông nữa, ngay cả khi luật pháp Trung Quốc cho phép bị cáo có tới hai người biện hộ.
Không hài lòng với cách làm việc của luật sư, ngày 11 tháng 1 năm 2024, bà Đổng đã chấm dứt hợp đồng với luật sư và thay vào đó bà ủy quyền cho một người bạn làm người bào chữa không chuyên (không phải luật sư) cho chồng — một quyền được luật pháp Trung Quốc cho phép. Tuy nhiên, thẩm phán Phổ lại yêu cầu người bạn này phải chứng minh có quan hệ thân thích với ông Ôn, khẳng định rằng chỉ thân nhân mới được làm người bào chữa không chuyên. Ngay cả khi bà Đổng đã cung cấp văn bản xác nhận mối quan hệ bạn bè phù hợp với quy định pháp luật, thẩm phán Phổ vẫn không cho phép người bạn này đại diện tại tòa và chỉ chấp nhận bản biện hộ bằng văn bản.
Ngày 30 tháng 1 năm 2024, thẩm phán Phổ đã tiến hành phiên xét xử ông Ôn mà không cho phép người bạn của ông được biện hộ tại tòa với tư cách là người bào chữa không chuyên. Sau khi phát hiện người bạn này đã vào tòa án và vượt qua chốt kiểm tra an ninh, cảnh sát đã cưỡng chế đưa ông ra khỏi tòa án và không cho ông vào lại.
Trong khi đó, bà Đổng cuối cùng cũng được chấp thuận làm người bảo vệ thân nhân hợp pháp cho chồng. Tuy nhiên, chỉ có bà và con gái lớn là cô Ôn Tân, được phép tham dự phiên tòa. Tất cả những người thân và bạn bè khác đến để ủng hộ ông Ôn đều bị chặn lại ngay ở lối vào tòa án và bị công an theo dõi chặt chẽ cho đến khi tòa kết thúc.
Tại phiên tòa, bà Đổng đã ít nhất 5 lần yêu cầu thẩm phán Phổ đưa ra căn cứ pháp lý cho việc gán nhãn Pháp Luân Công là “tà giáo”, nhưng ông liên tục phớt lờ các câu hỏi của bà. Cả ông Phổ lẫn công tố viên Trương đều không đưa ra được bất kỳ thông tin nào cho thấy ông Ôn đã phá hoại việc thực thi pháp luật nào cụ thể, như cáo buộc trong hồ sơ truy tố.
Công tố viên Trương chỉ mô tả bằng lời các bằng chứng mà không đưa ra được bằng chứng thực tế tại tòa. Ông Trương còn đọc bản ghi lời khai của con gái út ông Ôn, mô tả việc cha mình tu luyện Pháp Luân Công — dù tài liệu này không nằm trong hồ sơ vụ án. Bà Đổng lập luận rằng lời khai của con gái bà được thu thập trong tình trạng bị công an khủng bố tinh thần và ép cung. Bà nhấn mạnh rằng việc chồng bà tu luyện Pháp Luân Công là quyền tự do tín ngưỡng được pháp luật bảo hộ, hoàn toàn không vi phạm bất kỳ điều luật nào.
Trong suốt phiên tòa, không có bất kỳ nhân chứng nào xuất hiện để đối chất, dù bà Đổng nhiều lần yêu cầu công tố viên đưa ra bằng chứng và đề nghị thẩm phán triệu tập nhân chứng — nhưng tất cả đều bị phớt lờ.
Bà Đổng cũng nhiều lần yêu cầu được trình bày bản biện hộ, nhưng thẩm phán Phổ liên tục từ chối. Chỉ đến phần cuối phiên tòa, trong phần tranh luận kết thúc, ông Phổ mới cho phép bà đọc bản biện hộ, nhưng ngay khi bà vừa đọc xong phần mở đầu, ông đã ngắt lời và không cho tiếp tục. Tương tự, thẩm phán Phổ cũng liên tục ngắt lời ông Ôn và còn ngăn cản ông Ôn đưa ra tuyên bố cuối cùng .
Thẩm phán Phổ đã kết án ông Ôn 3 năm tù cùng khoản tiền phạt 5.000 tệ vào ngày 20 tháng 2 năm 2024.
Một bác sĩ 79 tuổi bị kết án 4 năm tù
Ông Tô Trạch Thịnh, sinh tháng 7 năm 1946, từng là bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Nhân dân huyện Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam. Từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, ông đã nhiều lần bị bắt, bị bệnh viện cho thôi việc và bị kết án 1 năm tù vào năm 2007.
Vào ngày 15 tháng 11 năm 2023, ông Tô lại bị bắt cùng với 7 thành viên khác trong gia đình, bao gồm vợ ông là bà Trương Chấn Nghĩa, con trai ông là ông Tô Khôn và con dâu ông là bà Trương Hiểu Đan. Mặc dù các thành viên trong gia đình đều được trả tự do nhưng ông vẫn bị giam giữ. Một người bạn của ông đã nộp đơn xin làm người biện hộ là thân nhân không phải là luật sư cho ông, nhưng đã bị công tố viên Tô Kinh của Viện kiểm sát quận Tây Sơn từ chối.
Khoảng ngày 7 tháng 5 năm 2024, ông Tô bị Viện Kiểm sát quận Tây Sơn truy tố. Hai ngày sau, khi vợ ông đến viện kiểm sát để nhận bản cáo trạng, thẩm phán Phổ đã giả danh nhân viên tư pháp, xuất hiện cùng với thư ký tòa án Trương Thiện Mạn. Trong khi ông Trương đang đọc bản cáo trạng thì Phổ đã ghi hình.
Sau đó, thẩm phán Phổ đã tổ chức một phiên tòa bí mật xét xử ông Tô mà không có sự hiện diện của gia đình hay luật sư của ông. Ngày 21 tháng 12 năm 2024, ông ta tuyên bố sẽ kết án ông Tô 4 năm tù kèm theo khoản tiền phạt 5.000 tệ.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/5/492335.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/11/226189.html
Đăng ngày 17-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.