Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-04-2025] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào ngày 25 tháng 4 năm 1995. Ngày 25 tháng 4 năm nay kỷ niệm lần thứ 26 cuộc thỉnh nguyện ôn hòa “25 tháng 4” của các học viên Pháp Luân Công, cũng là ngày kỷ niệm tròn 30 năm tôi đắc Pháp. Đúng bốn năm sau khi đắc Pháp, vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, tôi đã có vinh dự tham gia cuộc thỉnh nguyện ở Bắc Kinh cùng với 10.000 học viên khác gây chấn động thế giới.
Lần đầu tiên tôi đọc Chuyển Pháp Luân vào ngày 25 tháng Tư 30 năm trước, khi đọc đến: “Chân-Thiện-Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận đinh người tốt xấu,” tôi đã rất xúc động. Tôi nghĩ cuốn sách viết hay quá, và tôi nên hành xử theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi biết Nhẫn đối với tôi rất khó làm vì tính tôi tương đối nóng nảy, nhưng tôi quyết tâm sẽ tu tốt chữ Nhẫn này.
Một hôm, tôi đọc Chuyển Pháp Luân ở cơ quan, khi đọc về “Vấn đề liên quan đến thiên mục”, “Công năng dao thị” và “công năng túc mệnh thông”, tôi cảm động đến mức nâng cuốn sách cao quá đầu và thốt lên: “Thật là một cuộc sách tuyệt vời. Bao nhiêu vấn đề mà mình thắc mắc suốt một thời gian dài đều đã được giải khai, mình đã hiểu ra rồi.” Các đồng nghiệp của tôi thấy vậy đều bật cười, bởi vì sau khi đắc Pháp, tôi thường kể cho họ về sự tốt đẹp của Đại Pháp và những thể ngộ tôi có được nhờ tu luyện.
Vào thời điểm đó, điểm luyện công địa phương của chúng tôi khá lớn, những lúc đông nhất có thể lên tới hơn 500 người. Tối ngày 24 tháng 4 năm 1999, nhạc luyện công vừa vang lên thì phụ đạo viên báo cho chúng tôi tin 45 đồng tu ở Thiên Tân bị bắt giữ vài ngày trước, còn nói tối hôm đó một số đồng tu địa phương sẽ đi tàu đến Văn phòng Khiếu nại Trung ương (VPKNTƯ) ở Bắc Kinh để yêu cầu thả người. Tôi có chút do dự, không biết mình có nên đi Bắc Kinh không vì tôi sợ bị bắt, và điều này sẽ ảnh hưởng đến công việc của tôi. Đồng thời, trong lòng tôi cũng cảm thấy thất vọng và tự hỏi liệu tôi có phải là đệ tử chân tu của Sư phụ hay không – câu trả lời là có. Từ những ngày đầu bước vào tu luyện, tôi đã thể nghiệm nhiều điều kỳ diệu, thân tâm tôi đều được thụ ích. Giờ đây các đồng tu bị cảnh sát bắt giam, tôi không đến Bắc Kinh giảng rõ chân tướng thì tôi có còn là người tu luyện Đại Pháp không? Tôi cảm thấy đầu mình như muốn nổ tung, không thể luyện công tiếp được nữa: Tôi phải đến Bắc Kinh!
Luyện xong bài công pháp thứ nhất, tôi liền đi tìm phụ đạo viên. Tôi cảm thấy hồi hộp và lo lắng, sợ mình sẽ bỏ lỡ cơ hội đi Bắc Kinh cùng bà ấy. Khi chuẩn bị ra khỏi công viên, tôi thấy phụ đạo viên cùng mấy đồng tu khác, có lẽ họ đang bàn chuyện mua vé tàu. Tôi chạy vội về phía bà, tôi lúc đó 33 tuổi, đã khóc như một đứa trẻ, hai tay liên tiếp vỗ vào vai phụ đạo viên nói: “Chị, chị ơi, chị chưa đi à, em không bị rớt lại rồi, em không bị rớt lại rồi.”
Chúng tôi đến ga tàu vào khoảng 9 giờ tối, sau khi lên tàu chúng tôi lại gặp thêm nhiều đồng tu khác. Tàu đông nghẹt, hầu hết là học viên. Sau đó tôi nghe nói có hàng nghìn học viên trên chuyến tàu hôm ấy.
Chúng tôi đến Bắc Kinh tầm 5 giờ sáng. Vì không rành đường đi lối lại, để đến Văn phòng Khiếu nại ở phố Phủ Hữu, chúng tôi phải đi bộ một đoạn, đi một chặng xe, rồi lại đi bộ mới đến được phố Phủ Hữu. Suốt dọc đường, không hiểu sao tôi không thể kìm được lòng mình, cứ khóc mãi không thôi. Một chị trong nhóm học Pháp của chúng tôi tưởng tôi sợ, liên tục an ủi tôi: “Đừng sợ.” Tôi vừa khóc vừa nói: “Em có sợ đâu, không hiểu sao lại cứ khóc vậy”. Khi đến phố Phủ Hữu, tôi thấy một số học viên khác cũng vừa đi vừa khóc như mình.
Đứng trên đường Phủ Hữu nhìn về phía xa, tôi thấy các học viên đứng kín trên vỉa hè, không nhìn thấy điểm cuối. Khung cảnh đó khiến tôi xúc động và phấn chấn, tôi càng không thể kìm nén, nước mắt giàn giụa.
Sau khi chúng tôi đến gần cổng VPKNTƯ, các đồng tu đã đứng kín cả không còn chỗ nào, chúng tôi tìm một bãi đất trống và lặng lẽ đứng đó. Khoảng chục học viên nữa đến và đứng cạnh chúng tôi. Một bác lớn tuổi hỏi chúng tôi đến từ đâu. Tôi nghẹn ngào không thể nói thành câu. Họ không nghe được tôi đã nói gì. Sau khi bình tĩnh lại, tôi trả lời bác ấy, nói rằng chúng tôi đã bắt chuyến tàu đêm để đến đây lúc 5 giờ sáng. Khi biết chúng tôi đã đi một chặng đường dài như vậy, họ rất cảm động. Họ nói họ sống ở ngoại ô Bắc Kinh và đến đó từ rất sớm.
Khoảng 8, 9 giờ sáng, có tin tức truyền ra, VPKNTƯ yêu cầu chúng tôi cử người đại diện vào để hội đàm. Một học viên bước đến và hỏi có ai trong chúng tôi hành nghề luật không, nếu có thì vào hội đàm với họ. Trong số hơn 20 học viên ở đó không có ai rành về luật cả. Ai nấy đều cảm thấy lòng nặng trĩu, chỉ biết đứng lặng lẽ chờ tin.
Một tiếng sau, có mấy tốp cảnh sát đến. Họ quan sát chúng tôi kỹ lưỡng nhưng không có vẻ thù địch. Có vài lần tôi thấy có người đang ghi hình chúng tôi trong những chiếc xe hơi chạy chậm ngang qua.
Một lúc sau, tôi đột nhiên nghe thấy học viên bên phải tôi nói với giọng nghiêm nghị và gấp gáp: “Một giờ chiều họ sẽ có hành động đối với các đệ tử Đại Pháp. Hãy truyền tin này.” Câu nói này giống như một mệnh lệnh vậy. Tôi lập tức nói với học viên bên trái mình.
Bầu không khí có chút căng thẳng, tâm trạng tôi khá nặng nề. Tôi tự hỏi nếu bị cảnh sát bắt, tôi sẽ nói gì. Nhưng tôi biết, dù có xảy ra chuyện gì, tôi cũng sẽ không lùi bước, không dao động. Tôi phải nói cho họ biết: “Pháp Luân Đại Pháp dạy người ta trở thành người tốt theo Chân-Thiện-Nhẫn. Môn tu luyện không chỉ chữa khỏi bệnh mà còn nâng cao đạo đức của mọi người.”
“Trước khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi bị chấn thương nặng ở lưng và cử động khó khăn. Tôi còn bị bệnh trĩ và các bệnh về da, tất cả đều đã biến mất sau khi tôi bắt đầu tu luyện. Tôi không bao giờ biển thủ dẫu chỉ một xu ở nơi làm việc dù tôi có thể dễ dàng làm điều đó. Khi tiền thưởng bị đưa thiếu, tiền làm thêm giờ không được trả, tôi cũng không tính toán, lần nào làm thêm giờ tôi cũng tham gia, không bỏ lần nào. Tôi từng thiếu kiên nhẫn và cáu kỉnh; bây giờ tôi đã trở nên tốt hơn. Tôi chưa bao giờ làm được như thế nếu không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.”
“Công pháp tốt như vậy, tại sao lại có người đến đài truyền hình để công kích? Học viên Pháp Luân Công chính là muốn làm rõ sự thật, hy vọng chính phủ thực sự tìm hiểu về Pháp Luân Công, thả các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân ra, họ đều là muốn chứng thực Pháp Luân Công là công pháp tốt.”
Đến trưa, tôi muốn đến cổng VPKNTƯ để xem chuyện gì đang xảy ra. Khi băng qua đường, tôi có thể nhìn thấy hai bên đường đều chật kín học viên từ đầu đến cuối. Không có động tĩnh gì trong đó nên tôi trở lại bãi đất trống.
Trong ngày hôm đó, cảnh sát không có hành động gì chống lại chúng tôi. Khoảng 8 giờ tối, một học viên đến nói với chúng tôi chính quyền đã đồng ý thả các học viên ở Thiên Tân. Họ cũng chấp thuận cung cấp một môi trường tu luyện hợp pháp và cho phép xuất bản sách Chuyển Pháp Luân. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Mọi người lần lượt rời đi, ai cũng dọn sạch chỗ mình đứng, không có bất kỳ tiếng ồn nào rồi mới lặng lẽ rời đi.
Khi viết bài chia sẻ này để kỷ niệm 26 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4 năm ấy, tôi hồi tưởng lại và mọi cảnh tưởng hiện ra sống động trong tâm trí tôi. Cảm giác xúc động đến nỗi làm tôi rơi lệ. Trong 26 năm qua, những sóng gió, ma nạn, quan ải mà chúng ta trải qua đều không vắng sự gánh chịu cự đại của Sư tôn, nhờ vậy mới có chúng ta ngày hôm nay, chúng ta mới có thể bình an vô sự, vững vàng bước đi trên con đường phản bổn quy chân, cứu độ chúng sinh. Không từ nào có thể diễn tả lòng biết ơn của tôi đối với ân điển của Sư phụ.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/24/492880.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/26/226386.html
Đăng ngày 04-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.