Bài viết của Sarah Cook, Leeshai Lemish, đăng lần đầu trong tờ Tin tức Trung Quốc (China Brief) của tổ chức Jamestown Foundation, số 11, ấn bản 17 vào tháng 09 năm 2011

[MINH HUỆ 10-06-2012]  Trong sáu tháng gần đây, nhiều trang web chính thức – ở Bắc Kinh, Thanh Đảo, Sơn Đông, Giang Tô và  các thành phố khác – đã đề cập đến Phòng 610, một tổ chức tham gia vào những nỗ lực “điều tra toàn diện”, tăng cường “chuyển hóa”, và ngăn chặn những vụ việc ngoài ý muốn (theo Pingyin.gov.cn, ngày 05 tháng 09; Jsrm.gov.cn, ngày 15 tháng 08; Laoshan.gov.cn, tháng 04 năm 2011). Một bài báo đăng trên một tạp chí uy tín ở Trung Quốc vào tháng 06 năm 2011 đã mô tả ngắn gọn Phòng 610 như một bộ phận chủ chốt trong công cuộc “duy trì ổn định” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) (Theo Caijing, ngày 06 tháng 06). Vậy Phòng 610 là tổ chức gì? Tại sao nó xuất hiện và nó xuất hiện như thế nào? Tại sao nó lại thực thi các công việc mà nhìn bề ngoài như dưới sự quản lý của Bộ Công an?

Câu trả lời cho những câu hỏi này liên quan đến việc hình thành một tổ chức an ninh thuộc ĐCSTQ, chứ không phải thuộc nhà nước, cũng như sự khôi phục việc sử dụng các cơ quan an ninh để buộc người dân tuân theo tư tưởng của Đảng. Thêm nữa, Phòng 610 cho thấy sự sắp xếp có hệ thống của các quan chức lãnh đạo ĐCSTQ để có thể nằm ngoài tầm với của những cải cách luật pháp, trong việc xử lý những gì được coi là đe dọa đến quyền lực của họ. Việc các quan chức lãnh đạo ĐCSTQ sẵn sàng và có khả năng làm như vậy không chỉ có ý nghĩa giúp chúng ta hiểu quy luật phát triển của hệ thống pháp luật tại Trung Quốc, mà còn giúp chúng ta lường được chính quyền sẽ đáp lại những mối đe dọa đến sự an toàn của nó trong hiện tại và tương lai như thế nào.

Sự hình thành của Phòng 610 là một phần nằm trong truyền thống “tổ lãnh đạo.” của ĐCSTQ. Từ năm 1958, ĐCSTQ đã sử dụng những tiểu tổ lãnh đạo (lingdao xiaozu) để điều phối và chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề khác nhau. Những tổ lãnh đạo này thường được thành lập và giải thể một cách bí mật và độc đoán, với người đứng đầu là những ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ. Năm 2008, Alice Miller đã đếm được tám tổ lãnh đạo “chủ chốt” đang hoạt động, phụ trách từ công tác ngoại giao đến kinh tế, với các bộ phận trực thuộc chạy xuống tận các cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước để thi hành chính sách (“Những Tiểu Tổ Lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc,” theo tạp chí China Leadership Monitor, ngày 02 tháng 9, 2008)

Tuy nhiên, có một tổ lãnh đạo cực kỳ khác biệt, không tập trung vào những vấn đề khái quát như các tổ lãnh đạo khác: “Tiểu tổ lãnh đạo phòng chống và xử lý vấn đề về tà giáo” (zhongyang fangfan he chuli xiejiao wenti lingdao xiaozu) Ban đầu nó được gọi là “Tiểu tổ lãnh đạo xử lý vấn đề về Pháp Luân Công” (falun gong wenti lingdao xiaozu), việc đổi tên cho thấy hoạt động của nó đã được mở rộng kể từ năm 1999 (Theo Lstdww.gov.cn, ngày 10 tháng 08 năm 2011; Gxbobai.gov.cn, tháng 04 năm 2010). Mặc dù Pháp Luân Công vẫn là tiêu điểm, các mục tiêu khác giờ đây bao gồm cả nhà thờ Thiên Chúa, Phật Giáo, và các tôn giáo hay các nhóm tinh thần khác, vì thế nó đã được đổi tên.

Phòng 610 đã đồng thời được thành lập, là cơ quan thi hành của tổ lãnh đạo này và được đặt tên theo ngày thành lập của nó: ngày 10 tháng 06 năm 1999. Phòng 610 hoạt động ngoài thể chế nhà nước, và không có một vị trí chính thức nào. Nòng cốt của nó là lực lượng an ninh mặc thường phục nằm ngoài hệ thống các bộ ngành, tập trung vào việc đàn áp nhóm tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Tổ lãnh đạo đưa ra các chỉ thị để Phòng 610 thi hành.

Do chỉ có mặt thoáng qua trên các bài báo vào năm 2000, sau đó Phòng 610 chỉ thỉnh thoảng thu hút sự chú ý của quốc tế, điều này dẫn đến một nhận thức sai lầm rằng nó không còn tồn tại. Tuy nhiên, những bằng chứng gần đây, bao gồm cả lời kể của nhân chứng, tài liệu trực tuyến chính thức, các báo cáo của Liên Hợp Quốc, và phân tích của Ủy Ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) – đều cho thấy cơ quan này vẫn hoạt động trên toàn quốc tại tất cả các cấp trong chính quyền Trung Quốc. Đặc biệt nó tham gia vào các vụ đàn áp trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và Hội chợ Thế giới 2010 tại Thượng Hải (Theo Hnebp.edu.cn, ngày 06 tháng 11 năm 2008; Xzqs.gov.cn, 23 tháng 06 năm 2010). Hiện nay, dựa trên phép ngoại suy từ những con số trên trang web chính quyền địa phương, chúng tôi ước tính nó đang duy trì một đội ngũ gồm ít nhất 15.000 viên chức.

Phòng 610 được thành lập

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 07 tháng 06 năm 1999, khi Tổng Bí thư lúc đó là Giang Trạch Dân triệu tập một cuộc họp bất thường với Bộ Chính trị. Ông Giang quyết tâm giải quyết những gì ông cho là đe dọa nghiêm trọng đến quyền lực của chính quyền, “điều chưa từng có ở đất nước này kể từ ngày thành lập vào 50 năm trước” và “thậm chí không hề xuất hiện trong thời Cách mạng Văn hóa” – một nhóm tập thiền định có tên là Pháp Luân Công.

Theo các nguồn tin của chính phủ, báo cáo của truyền thông phương Tây, và các nhân chứng của Pháp Luân Công, hàng chục triệu người dân Trung Quốc – từ nông dân đến các giáo sư trẻ hay viên chức quân đội – đã tham gia tập luyện [Pháp Luân Công] tại thời điểm đó. Với nhiều người như vậy tin theo một môn tu luyện tinh thần độc lập với sự quản lý hay hệ tư tưởng của Đảng, nhiều viên chức cấp cao bắt đầu coi Pháp Luân Công như một mối đe dọa. (Theo hãng tin Associated Press, ngày 26 tháng 04 năm 1999; Thời báo New York, ngày 27 tháng 04 năm 1999).

Việc này đã dẫn đến cuộc đàn áp, với những dấu hiệu ban đầu vào năm 1996, và leo thang với những vụ đánh đập và bắt bớ ở Thiên An Môn vào tháng 04 năm 1999. Vào ngày 25 tháng 04, hơn 10.000 học viên [Pháp Luân Công] đã tập trung bên ngoài Văn phòng kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh, bên cạnh khu Hội đồng chính quyền Trung ương ở Trung Nam Hải, để yêu cầu dừng đàn áp. Theo những tập hồi ký, Chu Dung Cơ năm 1999, trước khi Giang Trạch Dân can thiệp, Thủ tướng Chu đã giữ lập trường hòa giải với Pháp Luân Công và đã chuẩn bị hóa giải những bất bình.

Trong một chỉ thị vào ngày 07 tháng 06, Giang Trạch Dân đã chỉ đạo thiết lập một tổ lãnh đạo đặc biệt trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng để “nhanh chóng xử lý và giải quyết ‘vấn đề Pháp Luân Công’.” Ông Giang đã chỉ thị tổ lãnh đạo này nằm dưới quyền của Ủy viên Bộ Chính trị Lý Lam Thanh, “ngay lập tức tổ chức lực lượng” và “chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêu diệt [Pháp Luân Công]”.

Vài ngày sau, ĐCSTQ cũng đã thiết lập một văn phòng để xử lý các hoạt động hàng ngày. Phòng này có tên nội bộ là 610, hay “liu yao ling” – đặt theo ngày thành lập mùng 10 tháng 06. Nó được thành lập không dựa trên một điều luật nào. Không có quy định chính thức chỉ ra nhiệm vụ của nó. Sự linh hoạt nằm ngoài vòng luật pháp của nó đã đến giới hạn trong những năm gần đây, với nhiệm vụ của nó được mở rộng.

Với thực tế rằng ĐCSTQ đã kiểm soát cả lực lượng an ninh lẫn quân đội, thì việc hình thành một cơ quan khác dường như là không cần thiết. Có một vài yếu tố có thể đã góp phần vào quyết định này của Giang Trạch Dân:

– Với số lượng hàng chục triệu người, các học viên Pháp Luân Công bao gồm cả những cá nhân trong lực lượng an ninh và quân đội. Điều này góp phần dẫn đến phán đoán rằng Pháp Luân Công đang lặng lẽ thâm nhập vào ĐCSTQ và bộ máy chính quyền. Ông Giang cảm thấy cần phải xây dựng một mạng lưới các đặc vụ an ninh đáng tin cậy để chống lại sức ảnh hưởng của Pháp Luân Công.

– Với nhiệm vụ có quy mô lớn như vậy, Giang Trạch Dân cần một lực lượng có khả năng tác chiến nhanh và mạnh mẽ mà không phải chịu sự kiểm soát nào. Ông Giang có thể đã không hình dung được rằng mười hai năm sau đó, hàng triệu người vẫn đang tập và còn có những người mới, còn Phòng 610 có vẻ như vẫn phải tiếp tục tồn tại.

– Việc nhanh chóng thiết lập một tổ lãnh đạo mới đã gửi một tín hiệu xuống các hàng ngũ ĐCSTQ rằng chống lại Pháp Luân Công đã trở thành một nhiệm vụ ưu tiên mới.

– Với toàn bộ chiến dịch chống Pháp Luân Công là trái với luật pháp Trung Quốc, Giang Trạch Dân cần một lực lượng an ninh có thể hoạt động bên ngoài hệ thống pháp luật hiện hành và không chịu sự kiểm soát hay hạn chế nào khác.

Trong những tháng sau đó, nhiều chi nhánh của Phòng 610 đã được thiết lập trên khắp Trung Quốc, với hệ thống lãnh đạo gắn kết chặt chẽ với cấu trúc của Ủy ban Chính trị – Luật pháp (UBCT-LP), Hách Phượng Quân, cựu quan chức Phòng 610 được lựa chọn từ Bộ Công an Thiên Tân, nói rằng các mệnh lệnh được truyền trực tiếp từ cấp lãnh đạo của Đảng, sau đó chạy xuống các thành phố và vùng lân cận. Cấu trúc này hầu như đi theo cấu trúc chính trị của UBCT-LP. Ví dụ, sau khi Lý Lam Thanh nghỉ hưu vào năm 2003, La Cán – cấp dưới thân cận của Giang Trạch Dân và là ủy viên Bộ Chính trị – đã trở thành người đứng đầu Phòng 610, và cũng là người đứng đầu UBCT-LP. Vào năm 2007, Chu Vĩnh Khang thay thế La Cán và trở thành người đứng đầu cả tổ lãnh đạo này và UBCT-LP.

Mô tả của Hách Phương Quân về mạng lưới chi nhánh Phòng 610 trên toàn quốc kết nối chặt chẽ với bộ máy UBCT-LP, được chứng minh bởi hàng loạt các nguồn tin chính thức. Tìm kiếm trực tuyến cho thấy có rất nhiều tài liệu tham khảo gần đây chỉ ra sự tồn tại của các chi nhánh đang hoạt động ngay cả ở các thành phố nhỏ và các quận ở Giang Tây, Quảng Đông, Chiết Giang và Sơn Đông. Theo thông tin trên trang web của Đảng ủy thành phố Lỗi Dương ở tỉnh Hồ Nam, chi nhánh Phòng 610 địa phương “báo cáo và chịu sự giám sát của UBCT-LP thuộc Đảng ủy thành phố”, và được đặt tại tòa nhà văn phòng Đảng ủy (Theo Leiyang.gov.cn, ngày 12 tháng 12 năm 2008).

Chức năng của Phòng 610

Phòng 610 có hai chức năng chính: liên kết các nhân viên tại các cơ quan nhà nước để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ của phòng và trực tiếp chỉ huy các hoạt động chống lại Pháp Luân Công và ngăn cấm các nhóm tinh thần khác. Vai trò phối hợp đầu tiên bao gồm việc gây áp lực từ cơ quan chính quyền lên các nhân viên để bắt họ làm theo mong muốn của Phòng 610, ngay cả khi điều đó đi ngược lại luật pháp sở tại. Một số luật sư bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công đã tố giác viên chức Phòng 610 phá bỏ thẩm quyền của quan tòa và cai tù trong việc thực hiện nhiệm vụ theo luật pháp. Luật sư Giang Thiên Dũng nói các quan tòa đã thỏa hiệp và phán quyết các vụ việc liên quan đến Pháp Luân Công mà không quan tâm đến luật pháp Trung Quốc, thay vào đó, lại dựa vào sự can thiệp nằm ngoài pháp lý của Phòng 610 (Đài Á châu Tự do, ngày 13 tháng 04 năm 2010). Trong khi đó, các luật sư Cao Trí Thịnh, Quách Quốc Đinh, và Vương Á Quân (Wang Yajun – 王亚军) đã tố giác Phòng 610 can thiệp vào việc họ gặp thân chủ bị giam tại các trại lao động, nhà tù, và trại giam (“Các luật sư bị đặc vụ “610” ngăn không cho bào chữa cho thân chủ”, theo Nhân quyền ở Trung quốc, ngày 10 tháng 09 năm 2010).

Thứ hai, Phòng 610 cũng có vai trò trực tiếp trong việc thực hiện các chính sách của tổ lãnh đạo. Trong đó, nó hầu như được miễn bị ảnh hưởng bởi ngay cả những cải cách tư pháp và pháp luật cơ bản của Trung Quốc, thường sử dụng các phương pháp kỹ thuật phi pháp ngược với luật pháp Trung Quốc. Nhiều nguồn tin đáng tin cậy đã mô tả Phòng 610 trực tiếp tham gia giết người ngoài vòng pháp luật, tra tấn, bức hại tình dục, và tịch thu tài sản phi pháp. Ví dụ, báo cáo của Điều tra viên đặc biệt về giết người ngoài vòng pháp luật năm 2009 của Liên hiệp quốc đã trích dẫn Phòng 610 dính líu đến các trường hợp học viên Pháp Luân Công chết trong nhà giam trước Thế vận hội. Các nhà hoạt động của Trung Quốc đã đưa ra chi tiết về những vụ bị giam cầm và tra tấn phi pháp có quy mô, mức độ nghiêm trọng vượt quá những điều thường được trích dẫn trong hệ thống thực thi luật pháp.

Phục hồi “chuyển hóa” tư tưởng

Những hoạt động của Phòng 610 cũng khác với những tổ lãnh đạo khác ở chỗ nhiệm vụ của nó không liên quan đến các chính sách như đối ngoại hay cải cách kinh tế. Thay vào đó, nó nhắm vào công dân Trung Quốc với mục đích chuyển hóa tư tưởng.

Hàng triệu học viên Pháp Luân Công coi những bài giảng đạo đức, xoay quanh các nguyên lý Chân -Thiện – Nhẫn, như kim chỉ nam mang tính tinh thần của họ. Năm 1999, lãnh đạo ĐCSTQ đã tùy tiện coi những niềm tin này là “tà giáo” và “chuyển hóa” nhanh chóng trở thành mục tiêu quan trọng của Phòng 610. Giống như chiến thuật “giáo dục lòng yêu nước” được sử dụng ở Tây Tạng, mục đích của việc lập trình lại tư tưởng này là nhằm phá vỡ ý chí thông qua sự ép buộc – được báo cáo lại là bao gồm tra tấn về thể chất và tinh thần, cấm ngủ và lợi dụng sự lôi kéo của các thành viên gia đình – để từ bỏ Pháp Luân Công, trung thành với ĐCSTQ, và cuối cùng tham gia cưỡng ép chuyển hóa người khác (Theo báo Bưu Điện Washington, ngày 05 tháng 08 năm 2001).

Ngày nay, những mục tiêu này vẫn là cơ bản cho hoạt động của Phòng 610, một bằng chứng cho thấy sự khó khăn của Đảng trong việc tiêu diệt nhóm người vốn không có tổ chức tập trung này. Vào tháng 03, một phân tích các thông tin trên website chính thức của Phòng 610 địa phương đã chỉ ra Phòng 610 Trung ương đã phát động lại chiến dịch “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc, dự kiến kéo dài từ năm 2010 đến năm 2012 (CECC, ngày 22 tháng 03).

Công việc chuyển hóa của Phòng 610 – giống như các khía cạnh khác của chiến dịch chống lại Pháp Luân Công, chẳng hạn như sử dụng rộng rãi các trại lao động và tuyên truyền toàn quốc –  quay lại với những phương thức từ thời Mao Trạch Đông. Trong những năm 1980, những nhà cải cách đã thúc đẩy để những cơ quan như Bộ Công an không tham gia vào việc “giải quyết những vấn đề về hệ tư tưởng” (Theo tờ People’s Daily, ngày 5 tháng 04 năm 1979). Tuy nhiên, sự xuất hiện của Phòng 610 cho thấy bộ máy an ninh đã quay trở lại với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề về tư tưởng.

 Kết luận

Hoạt động của Phòng 610 đã từ lâu vượt xa khỏi nhiệm vụ chủ yếu của nó là tiêu diệt Pháp Luân Công. Giải trình trước Quốc hội Châu Âu, ông Hách Phượng Quân nói trong tháng 04 năm 2003, các nhà lãnh đạo Đảng đã chỉ thị cho Phòng 610 xử lý 28 các “tổ chức tà giáo” khác và các “tổ chức khí công gây hại” [9]. Những chức năng được mở rộng này vẫn còn hiệu lực đến ngày hôm nay, với các trang web của chính quyền địa phương vẫn thống kê chi tiết những cuộc điều tra của Phòng 610 về các nhóm tinh thần khác.

Sự mở rộng này cho thấy Phòng 610 đã bám rễ trong bộ máy của ĐCSTQ. Khởi đầu là một tiểu tổ lãnh đạo tạm thời được lập ra để thực thi nhiệm vụ, Phòng 610 đã trở thành một cơ quan thường trực. Điều này cũng chỉ ra rằng sự tồn tại của Phòng 610 đang làm xói mòn các quy định luật pháp – cho dù chính sách của nhà nước đối với tôn giáo là như thế nào, cơ quan này vẫn hoạt động dưới sự chỉ đạo của một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo Đảng mà không cần một vị trí chính thức nào.

Những kết luận này còn có ý nghĩa lớn hơn khi Phòng 610 trở thành hình mẫu cho những sáng kiến mới của ĐCSTQ. Từ năm 2008, các báo cáo chính thức, bài phát biểu, thông tư, đã đề cập đến một loạt những “tổ lãnh đạo” của ĐCSTQ với nhiệm vụ duy trì ổn định. Được biết, các chi nhánh của Phòng duy trì ổn định “đang được thiết lập ở mỗi quận và những con phố lớn” ở các thành phố giàu có. Họ chịu trách nhiệm “tìm kiếm những thành phần chống lại ĐCSTQ” (Tạp chí Wall Street, ngày 09 tháng 12 năm 2009)

Nhiều nguồn tin chính thức chỉ ra rằng những cơ quan mới thành lập và Phòng 610 đang phối hợp chặt chẽ với nhau. Có ít nhất một quận ở thành phố Phật Sơn, Quảng Đông mà ở đó Phòng 610 và “tổ lãnh đạo duy trì ổn định” được nêu tên cạnh nhau trong một bài viết trên mạng về chức năng nội bộ và nhân viên của UBCT-LP. Tại một số địa phương, nhân viên và thậm chí lãnh đạo của hai cơ quan này dường như nắm các chức vụ chồng chéo. Thông báo trong tháng 03 năm 2010 của huyện Bình Dương, Chiết Giang đã chỉ ra rằng có một người được bổ nhiệm lãnh đạo đồng thời Phòng 610 và Phòng duy trì ổn định ở địa phương.

Sự xuất hiện của Phòng 610 và những phòng duy trì ổn định cho thấy các nhà lãnh đạo ĐCSTQ nhìn nhận các cơ quan an ninh nội bộ, như Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia, hoạt động không hiệu quả. Việc những quan chức này ngày càng sử dụng nhiều các lực lượng an ninh riêng biệt và nằm ngoài luật pháp để bảo vệ quyền lực của họ không chỉ là một vết nhơ cho vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Nó còn đe dọa sự ổn định chính trị nội bộ của ĐCSTQ, nếu Phòng 610 bị chính trị hóa – giống như tiêu cực xảy ra trong cục phản gián trước phòng trào Cải cách và Mở cửa – trong bối cảnh tranh giành quyền lực trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 18 sắp tới.


Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2012/6/10/133900.html

Đăng ngày 24-7-2012. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share