Bài viết của đệ tử Đại Pháp Việt Nam

[MINH HUỆ 01-04-2025] Gần đây, một số khu vực ở Việt Nam, đặc biệt là Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đang lên kế hoạch cho một số hoạt động quy mô lớn. Trong đó có hoạt động xếp chữ dự kiến sẽ được ​​tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn học viên; hoạt động này đang được thúc đẩy một cách nhiệt tình và tích cực. Tuy nhiên, là người tu luyện, chúng ta nhất định phải lý trí. Tại đây, xin đề nghị các học viên có liên quan hãy dừng bước, tĩnh tâm lại, đối chiếu với các bài giảng Pháp của Sư phụ xem cách làm của bản thân có thực sự phù hợp với yêu cầu tu luyện mà Sư phụ giảng cho học viên Việt Nam hay không, có thực sự có lợi cho môi trường tu luyện tổng thể ở Việt Nam hay không.

Trong quá trình tu luyện, mỗi học viên Pháp Luân Công đều đang nỗ lực đồng hóa bản thân với nguyên tắc “Chân-Thiện-Nhẫn”. Tuy nhiên, trong quá trình tu luyện, một số học viên có thể vô tình đi lệch khỏi an bài của Sư phụ, từ đó mang đến những hậu quả không tốt, gây trở ngại cho cá nhân và môi trường tu luyện tổng thể. Việt Nam đã có những trường hợp học viên bị chính phủ đàn áp do các hoạt động bị phơi bày quá mức, như chính quyền địa phương từng can thiệp thô bạo và cấm các hoạt động liên quan. Những sự việc như thế nên trở thành lời cảnh tỉnh sâu sắc: những hành động như vậy không những gây nguy hiểm cho những người trực tiếp tham gia, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ quần thể học viên, ảnh hưởng đến tương lai của thế nhân trong nước.

Với tình hình chính trị hiện nay của Việt Nam, điều hết sức quan trọng là chúng ta cần đối đãi với mọi người mọi việc một cách lý trí. Bất kỳ hoạt động quy mô lớn nào gây ấn tượng thách thức chính quyền đều có thể mang đến sự nguy hiểm và can nhiễu không cần thiết cho các học viên.

Một bộ phận học viên có thể cho rằng, hoạt động quy mô lớn ở nơi công cộng có thể chứng thực Đại Pháp và nhận được sự quan tâm lớn hơn của xã hội. Tuy nhiên, Sư phụ đã từng chỉ rõ cho các học viên Pháp Luân Công Việt Nam rằng:

“Đối mặt với [việc] con người thế gian không hiểu [chúng ta], thậm chí áp lực của chính phủ, [thì] đều không được dùng biện pháp người thường để đối kháng, [mà là] dùng Thiện tâm đi giảng thanh chân tướng.” (“Gửi các học viên Việt Nam”)

“Nhất là Trung Cộng từ khi bức hại Pháp Luân Công tới nay, bất kể là áp lực [ở] nội bộ của họ hay ở xã hội quốc tế, thì đều khiến họ ‘cưỡi hổ khó xuống’ Vì bức hại nhắm vào người tu luyện, cũng khiến chính quyền họ lọt vào hoàn cảnh sụp đổ. Vì để chuyển dời áp lực, những đặc vụ mà Trung Cộng đưa vào chính phủ Việt Nam lợi dụng tiền bạc, ngoại giao, lợi ích thương mại, [mà] cổ động chính phủ Việt Nam [hãy] đàn áp học viên Pháp Luân Công, từ đó chuyển dời góc nhìn của xã hội quốc tế, giảm bớt áp lực mà Trung Cộng tự gây cho bản thân do bức hại Pháp Luân Công. Vì thế vào thời gian phi thường này các học viên phải trầm tĩnh, trước mắt không được cử hành hoạt động giảng chân tướng quy mô lớn, càng không thể đối kháng.” (“Gửi các học viên Việt Nam”)

“Tu luyện nguyên vốn chính là tu chính mình, trừ bỏ chấp trước, cho nên tại thời kỳ này hãy lấy học Pháp luyện công cá nhân làm chủ, không được tổ chức hoạt động học Pháp hay luyện công quy mô lớn. Bất kể các kênh thông tin vu khống thế nào, thì đều trầm tĩnh, đừng bị kích động. Hãy lặng yên quan sát, ai kích động tình thế thì người đó là có vấn đề! Hãy nhớ kỹ.” (“Gửi các học viên Việt Nam”)

Chúng ta không được mắc bẫy của Trung Cộng. Hơn nữa, là học viên Pháp Luân Công, trong tu luyện mà không nghe lời Sư phụ, thì chính là đang nghe theo an bài của cựu thế lực, từ Pháp, chúng ta đều biết điểm này.

Ngoài ra, khi các học viên hình thành nhóm nhỏ, lập bè kết phái, muốn tạo dựng ảnh hưởng cho mình trong quần thể người tu luyện, thì điều này đã lệch khỏi nguyên tắc căn bản của tu luyện rồi. Người tu luyện chân chính cần phải khiêm tốn, nhẫn nại, nhận thức một cách thanh tỉnh về tính đặc thù của môi trường mình đang ở. Nếu xuất phát điểm là muốn “làm nên thành tựu lớn” trong xã hội người thường, phải chăng lại bị các tâm người thường như tâm danh lợi, tâm hoan hỷ… dẫn động? Thích làm những việc rầm rộ oanh liệt, làm việc lớn, đôi khi sẽ che mờ lý trí của người tu luyện, khiến hành vi không phù hợp với yêu cầu của Pháp. Tu luyện là nghiêm túc, chúng ta cần phải rút ra bài học, chứ không phải là lặp lại con đường sai lầm mà người khác đã đi.

Một vấn đề khác đáng chú ý nữa là việc quảng bá “tam thoái” (thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản và các tổ chức liên đới của nó) trên quy mô lớn và rầm rộ ở Việt Nam. Ở các quốc gia phi cộng sản bên ngoài Trung Quốc Đại lục, các hoạt động như vậy có thể tương đối phù hợp, nhưng tình huống ở Việt Nam lại hoàn toàn khác. Bầu không khí chính trị ở đây vẫn vô cùng nhạy cảm, bất kỳ hành động trực tiếp nào liên quan đến chống cộng đều có thể dẫn đến phản ứng gay gắt từ chính phủ.

Sư phụ vẫn luôn dạy chúng ta phải dùng trí huệ và từ bi mà giảng thanh chân tướng, nhất định phải suy xét thấu đáo về môi trường văn hóa và chính trị của xã hội mình sinh sống. Nếu cách làm nào đó gây ra sự đối lập mạnh mẽ, thậm chí phá hoại môi trường tu luyện Đại Pháp, thì cần phải xem xét lại phương thức đó, hãy tĩnh tâm lại, dùng Pháp để đối chiếu tâm tính của bản thân một cách lý trí.

Ngày 27 tháng 11 năm 2018, Sư phụ đã đặc biệt nhắc nhở:

“Tu luyện vốn là tu bản thân mình, vứt bỏ chấp trước, cho nên trong giai đoạn này lấy việc cá nhân học Pháp luyện công là chính, không nên tổ chức các hoạt động học Pháp, luyện công quy mô lớn.” (“Gửi các học viên Việt Nam”)

Kinh văn này đã được công bố bảy, tám năm rồi, các học viên Việt Nam hiện hẳn đều đã biết, trách nhiệm của chúng ta không phải là đối kháng với chính phủ, mà là tinh tấn trong tu luyện, trong giảng thanh chân tướng thì vận dụng phương thức có lợi nhất cho xã hội và môi trường tu luyện. Bất kỳ hành vi nào trực tiếp thách thức quyền uy của chính phủ hay mang tính chất đối kháng, thì đều có thể gây nguy hiểm cho môi trường tu luyện trên tổng thể.

An bài của Sư phụ là viên dung nhất, từ bi nhất, chỉ khi chúng ta thực sự làm theo chỉ dẫn của Sư phụ, thì con đường tu luyện mới thuận lợi. Còn nếu chúng ta bị chi phối bởi cảm xúc và chấp trước của con người, muốn “gây dựng ảnh hưởng” thông qua các hành vi bên ngoài, thì có thể gây tác dụng tiêu cực.

Sư phụ dạy chúng ta phải “vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã” (“Phật tính vô lậu”, Tinh Tấn Yếu Chỉ), căn dặn kỹ học viên Việt Nam chúng ta rằng “Tu luyện nguyên vốn chính là tu chính mình, trừ bỏ chấp trước” (“Gửi các học viên Việt Nam”). Vậy thì toàn thể học viên Việt Nam chúng ta nên tập trung tinh lực vào việc chiểu theo yêu cầu tu luyện của Sư phụ đối với chúng ta, vào việc đề cao tâm tính và cảnh giới tu luyện.

Trong giai đoạn thời gian đặc biệt trước khi Chính Pháp kết thúc này, mỗi một học viên Việt Nam đều nên gánh vác trách nhiệm duy hộ và trân quý môi trường tu luyện. Đây không phải là xuất phát từ sợ hãi hay trốn tránh tiêu cực, mà là trí huệ chân chính  tức là hành xử bằng phương thức phù hợp với Pháp, đó mới là có trách nhiệm với tu luyện của bản thân, có trách nhiệm với môi trường tu luyện ở Việt Nam, có trách nhiệm với xã hội.

Chúng ta hãy tinh tấn tu luyện, gặp chuyện thì hãy ngẫm lại động cơ của bản thân, buông bỏ chấp trước, đảm bảo hành động của chúng ta là lấy Pháp làm chỉ đạo, chứ không phải xuất phát từ nguyện vọng hay nhiệt tình cá nhân. Mong rằng chúng ta đều có thể kiên định tín Sư tín Pháp, dùng sự khiêm tốn, trí huệ, và chính niệm để bước đi tốt trên con đường tu luyện.

Bài chia sẻ lý tính giữa những người tu luyện thường chỉ phản ánh nhận thức của cá nhân trong trạng thái tu luyện tại thời điểm viết bài, thiện ý giao lưu trên tinh thần cùng nhau đề cao.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/1/492232.html

Đăng ngày 03-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share