Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Sơn Đông, Đại lục (tác giả kể lại, đồng tu chỉnh lý)

[MINH HUỆ 17-01-2025] Tôi chỉ là một người tu luyện Pháp Luân Công bình thường, chưa từng trải qua chuyện gì lớn lao, chỉ là trong cuộc sống hàng ngày cố gắng hết sức chiểu theo yêu cầu của Đại Pháp, dùng Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn để chỉ đạo bản thân làm người tốt, Đại Pháp đã tịnh hóa thân thể cho tôi, gột rửa tư tưởng và tâm hồn tôi. Sau đây tôi chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người:

1. Đắc Đại Pháp, hết bệnh – thân nhẹ nhàng, càng sống càng trẻ

Tôi chính thức bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998. Lúc đó tôi bị chứng chóng mặt rất nặng, thường cảm thấy trời đất quay cuồng trước mắt, bản thân không biết tại sao lại ngất đi. Có lúc đang đi đường, có lúc vừa ngủ dậy hoặc đang làm gì đó thì rất dễ bị ngất, trong nháy mắt liền bất tỉnh nhân sự, không biết lúc nào tỉnh lại, thường bị ngã tím mặt mày, mặt mũi lấm lem đất cát (trước khi tu luyện ở nhà trệt), tình trạng này rất đáng sợ. Tôi đến bệnh viện khám, bác sĩ dùng phương pháp quan sát giấc ngủ, cũng kê đơn thuốc cho tôi, cũng tiêm, nhưng không có tác dụng gì. Nguy hiểm luôn hiện hữu, điều này gây ra bất tiện rất lớn cho cuộc sống của tôi, cũng mang lại cho tôi rất nhiều thống khổ. Sau khi tu luyện, chứng chóng mặt nhanh chóng khỏi hẳn.

Sau khi tu luyện không lâu, có lần tôi chạy xe đạp điện đưa cháu gái đến lớp học thêm, khi đến cổng khu dân cư, tôi mải nhìn người mà quên mất thanh chắn ngang ở cổng, vậy là tông vào và làm cong cả thanh chắn của người ta, nhưng tôi không sao cả. Nếu là trước kia, tôi đã sớm ngã ầm xuống đất rồi.

Ngoài ra, hồi còn trẻ, khoảng thời gian trước khi kết hôn, tôi còn bị viêm họng, viêm mũi dị ứng. Lúc đó tôi bị cảm, nhưng nghe người ta nói kết hôn rồi không được uống thuốc, kết quả cứ kéo dài mãi, thành ra mắc bệnh này, cả ngày ho, sổ mũi. Sau khi tu Đại Pháp, những bệnh này cũng không còn nữa.

Sau khi tu luyện, tôi không chỉ khỏi bệnh mà còn trông rất trẻ. Năm nay tôi 65 tuổi, nhưng động tác nhanh nhẹn, mặt rất ít nếp nhăn. Da dẻ mịn màng, đàn hồi, trắng trẻo hồng hào. Trông tôi như người mới ngoài 40 tuổi. Đôi khi nhìn động tác của tôi, người khác còn tưởng tôi là một phụ nữ trẻ! Vì Pháp Luân Đại Pháp là công pháp tính mệnh song tu, rất nhiều người sau khi tu luyện một thời gian, tuổi tác dường như định lại ở đó. Dùng từ thời thượng bây giờ gọi là “đóng băng tuổi tác” (giữ mãi tuổi thanh xuân), sau khi tôi luyện công, không cần đi thẩm mỹ, cũng đã “đóng băng tuổi tác” rồi.

2. Bị xe đâm không vòi vĩnh tiền, không đổ lỗi

Sau khi tu luyện Đại Pháp, thân thể tôi khỏe mạnh, tâm tính cũng đề cao lên rất nhiều: Gặp chuyện không tranh với người khác, chịu thiệt cũng không tính toán với người ta, có thể nhẫn sẽ nhẫn, biết rằng phải trọng đức làm người tốt.

Một ngày mùa xuân năm 2003, tôi đang đạp xe về nhà, đột nhiên ba thanh niên chạy xe máy từ phía đối diện lao tới, đâm vào tôi. Do quán tính, tôi bị hất văng khỏi xe đạp, bay về phía trước cách xe hơn hai mét rồi ngã xuống đất và nằm ở đó. Lúc đó tôi có một niệm: “Mình không sao.” Kết quả là sau khi bò dậy và thử kiểm tra, quả nhiên không bị thương ở đâu cả. Xem lại chiếc xe đạp, xe cũng không sao, chỉ có ghi đông bị lệch đi. Họ vội vàng xuống xe chạy lại hỏi tôi: “Dì ơi, dì có sao không ạ?” Tôi nói: “Không sao, không sao, các cháu đi đi!” rồi để họ đi. Nếu tôi không luyện công, lần đó không chừng đã bị gãy xương; dẫu không sao, tôi cũng sẽ bắt họ bồi thường. Bây giờ người vòi vĩnh tiền và đổ lỗi nhiều lắm, dù bị ngã không sao cũng đòi chút tiền (bù đắp) tổn thất tinh thần. Nhưng tôi là người luyện công, tôi không làm như vậy. Sự việc như thế này xảy ra không chỉ một lần, nhờ sự bảo hộ của Sư phụ, lần nào tôi cũng bình an vô sự, tôi cũng không bao giờ đòi tiền người khác.

3. Không tính toán được mất, thiện đãi bố chồng

Mẹ chồng tôi mất sớm. Bố mẹ chồng có ba con trai, hai con gái, chồng tôi là con thứ hai. Hàng năm, anh cả và chồng tôi đều đưa cho bố chồng một khoản tiền dưỡng lão nhất định. Nhưng bố chồng lại thiên vị, và nghiêng về phía anh cả. Tôi nhớ có một năm, tôi và chị dâu cả cùng lúc đến đưa tiền cho ông. Ông nhận hết tiền trước mặt tôi, nhưng sau khi tôi đi, ông đã trả lại tiền cho chị dâu cả. Sau khi nghe chuyện, trong tâm tôi rất bất bình: “Ông lão này sao lại thiên vị thế nhỉ, trả lại cho chị ấy mà không trả lại cho mình? Liệu vợ chồng mình có nên tiếp tục nuôi dưỡng ông ấy không? Hừ, lần này đưa tiền cho ông ấy, lần sau để ông ấy đợi vậy, đợi ông ấy già rồi, vợ chồng mình sẽ mặc kệ!” Từ đó không muốn qua lại với ông nữa.

Sau khi tu Đại Pháp, tôi nhận ra làm như vậy là không đúng. Sư phụ giảng:

“hiếu kính cha mẹ, dạy dỗ con cái đều cần phải [làm]; tại các hoàn cảnh đều đối xử tốt với người khác, lấy Thiện đãi người, huống là thân nhân chư vị.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Sau này khi bố chồng già yếu, ba người con trai thay phiên nhau chăm sóc ông. Khi anh cả và em trai út (họ đều ở quê và cùng làng với bố chồng) chăm sóc ông, họ chỉ cung cấp lương thực cho ông, còn nấu cơm, giặt giũ, làm việc nhà khác đều do bố chồng tự làm. Đến lượt chúng tôi chăm sóc ông, tôi giặt giũ, nấu cơm, làm món ông thích ăn, thường xuyên mua quần áo mới cho ông, thỉnh thoảng còn dúi tiền cho ông, đối xử với ông như đối với bố mẹ đẻ của mình.

4. Người phụ nữ hung hăng trở nên hiền thục

Trước khi tu luyện, tôi rất mạnh mẽ, ngang ngược, ở nhà nói một thì (chồng) không dám nói hai, chồng phải nghe theo tất cả, chỉ cần hơi không vừa ý tôi là tôi vớ lấy đồ vật đánh ông ấy.

Nhớ một năm nọ, chồng đi lính ở vùng khác, tôi đến đó dọn dẹp cho ông ấy. Tôi muốn mang một cái bàn là sắt về, ông ấy không đồng ý, tôi liền cầm bàn là ném vào chân ông ấy, làm chân ông ấy khập khiễng một tuần. Lần khác, chồng uống say, tôi bảo ông ấy dậy mà ông ấy không dậy, còn mắng tôi hai câu. Tôi liền túm lấy một chân ông ấy quay vòng trong nhà, cho đến khi ông ấy xin tha mới thôi.

Sau này tôi tu luyện rồi, không bao giờ động tay đánh ông ấy nữa. Gặp chuyện thì bàn bạc với ông ấy, đôi khi cứ nghe theo ông ấy. Xử sự thì đứng ở góc độ của ông ấy mà suy nghĩ cho ông ấy. Bây giờ vợ chồng chúng tôi hòa thuận, không còn cãi nhau, biết nhường nhịn lẫn nhau. Sau khi chồng nghỉ hưu, lại tìm một công việc khác để làm, phần lớn tiền kiếm được đều đưa cho tôi, tôi muốn mua gì ông ấy cũng không bao giờ ngăn cản.

5. Con dâu cảm động đến rơi nước mắt

Ở nơi chúng tôi, có một phong tục trong hôn lễ là tiền sính lễ mà nhà trai đưa, thường thì bố mẹ cô dâu không được giữ lại, mà trao cho con gái mình vào ngày cưới để mang về nhà chồng. Nhưng khi con trai tôi kết hôn, nhà gái đã giữ lại tiền. Con trai tôi cảm thấy thiệt thòi, nên kiếm cớ bắt con dâu bỏ tiền mua máy tính. Sau khi biết chuyện, tôi khuyên con trai: “Bây giờ các con còn trẻ, còn sức khỏe. Tự mình kiếm tiền mua một cái là được rồi, hà tất phải hỏi bố mẹ vợ? Hơn nữa nuôi một đứa con gái cũng không dễ dàng gì. Con bé rời nhà bố mẹ theo con về đây, ở đây chẳng có người thân nào, đáng thương biết bao, con không được bắt nạt con bé!” Con dâu biết chuyện cảm động đến rơi nước mắt. Thực ra nếu không tu luyện, sao tôi có thể làm được như vậy?

Bây giờ gia đình ba thế hệ chúng tôi sống hòa thuận, hạnh phúc mỹ mãn. Chồng và con trai tôi công việc đều rất thuận lợi, sự nghiệp thành công, họ đều ủng hộ tôi học Đại Pháp. Con dâu cũng rất hiếu thuận với tôi, cháu trai cháu gái cũng rất ngoan ngoãn. Tất cả những điều này đều là phúc phần mà tôi có được nhờ tu Đại Pháp.

Con xin chân thành cảm tạ Sư phụ, cảm tạ Đại Pháp! Cũng hy vọng nhiều người hữu duyên hơn nữa sớm ngày minh bạch chân tướng, sớm đắc Đại Pháp, sớm được phúc báo!

(Phụ trách biên tập: Văn Khiêm)

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2025/1/17/修大法使我變的健康、善良-488025.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/18/225882.html

Đăng ngày 01-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share