Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-02-2025] Trước đây, tôi từng có một quan điểm sai lầm, đó là tôi chỉ xác định làm những việc trong khả năng hiện có, hoặc phù hợp với cảnh giới tâm tính sở tại của mình. Nghe thì có vẻ không sai, nhưng đào sâu xuống thì thực chất đây là loại nhận thức xuất phát từ tư tâm, bởi vì xuất phát điểm là lấy bản thân làm trung tâm, hơn nữa, tôi còn đặt ra rất nhiều quy tắc, tiêu chuẩn để làm việc.

Trước hết, tôi chỉ sẵn lòng làm những việc phù hợp với tâm ý của bản thân (kỳ thực đó là chấp trước vào nguyện vọng của mình), cảm thấy các đồng tu có thể phối hợp, có thể nghe theo mình, hoặc cảm thấy đồng tu tu luyện khá tinh tấn thì tôi mới nguyện ý làm. Ngược lại, tôi sẽ không chịu làm hoặc cứ trì hoãn. Kỳ thực, có một số việc đồng tu xử lý có chút khó khăn, mà tôi làm có khi chỉ mất vài ba phút hoặc trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, tôi đã không coi chúng là việc ưu tiên của mình, các tiêu chuẩn tôi đặt ra là vì bản thân, chứ không phải vì họ, không vì đại cục mà ưu tiên giải quyết.

Thứ hai, tôi không muốn quản bất cứ điều gì vượt quá khả năng hoặc tiêu chuẩn tâm tính của mình, nhưng thế nào là phạm vi năng lực chứ? Thế nào là tiêu chuẩn tâm tính đây? Người tu luyện chẳng phải yêu cầu bản thân càng cao càng tốt sao? Cứ muốn ‘làm ít một chút’ hay ‘đợi đã rồi làm’, tiềm ẩn trong tâm là có việc gì cũng đừng tìm tôi, việc gì cũng không liên quan tới tôi thì tốt quá. Đây cũng là biểu hiện của sự biến tướng, thoái thác trách nhiệm, là hành vi ích kỷ. Cách làm việc bị động, làm một cách cân đong đo đếm và không muốn làm, không tình nguyện làm nhiều, ẩn đằng sau đó đều có bóng dáng của “tư tâm”.

Năm ngoái có một quãng thời gian tôi cảm thấy tu luyện rất khó khăn. Trao đổi với một số đồng tu khác họ cũng có cảm giác như vậy, cảm thấy có chút không theo kịp. Sau đó, khi hướng nội, tôi nhận ra rằng nguyên nhân chính là tư duy vẫn còn dừng lại ở phương thức tu luyện trước đây. Nói cách khác, tôi vẫn bám vào các tiêu chuẩn cũ và không dùng tiêu chuẩn cao hơn để yêu cầu bản thân. Đó là lý do tại sao tôi không thể đề cao lên được.

Hồi tưởng lại con đường tu luyện, trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Sư phụ đã dẫn dắt chúng ta tu luyện (đương nhiên hiện nay cũng vậy), lúc bấy giờ chính là học Pháp, luyện công và hồng Pháp. Sư phụ đẩy chúng ta lên tới vị trí rồi mới bước vào tu luyện Chính Pháp. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, chúng ta chuyển sang giảng chân tướng cứu người, khi đó các đệ tử Đại Pháp đã thành thục trong Pháp rồi mới dốc sức phản bức hại. Tình hình thực tế là đại bộ phận học viên đều theo kịp, nhưng vẫn có người bị rớt lại phía sau.

Đến giai đoạn quá độ sang Pháp Chính nhân gian, hết thảy nhân tố, quan niệm đằng sau nhân tâm còn sót lại, hết thảy những gì không chính đều biểu lộ ra bề mặt. Chúng ta phải triệt để loại bỏ tận gốc của chúng, chính là “tư”, vì vũ trụ mới sẽ không dung nạp những sinh mệnh ‘vị tư, vị ngã’. Theo nhận thức của tôi, giai đoạn này là phải buông bỏ hết thảy tư tâm còn sót lại.

Ngẫm lại, kỳ thực, mỗi một giai đoạn Sư phụ đều điểm hóa, dẫn dắt và khích lệ chúng ta, cho chúng thời gian và cơ hội để quy chính. Sư phụ thậm chí đã cho chúng ta một gậy “bổng hát”, chỉ là chúng ta vẫn không dùng tâm để lắng nghe, dùng tâm để lĩnh ngộ và dùng tâm để sửa đổi mà thôi.

Giai đoạn nào tu luyện không tốt, chúng ta đều gây ra tổn thất và gặp khó khăn trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình. Vậy những đồng tu vẫn luôn không tu, giả tu, không thực sự dụng tâm tu luyện, thì phải làm sao đây. Người ta đi bình thường, còn bạn có thể phải tăng tốc mới đuổi kịp mà chưa chắc đã đuổi kịp. Khoảng cách không phải do một ngày tạo thành. Khi những học viên khác đã xây xong tòa nhà cao tầng, thì bạn ngay cả nền móng còn chưa xây xong. Tuy nhiên, nghiệp lực đã nợ lẽ nào không cần hoàn trả sao? Chẳng lẽ nhân tâm cần đối diện trong tu luyện không cần phải tu bỏ từng chút một sao? Chẳng lẽ sứ mệnh và thệ ước cũng không cần thực hiện sao?

Viết đến những dòng này tôi cảm thấy trong tâm có chút nặng nề. Tôi đề nghị các đồng tu hãy dành thời gian ra để hướng nội thật sâu. Trách nhiệm và sứ mệnh không chỉ đơn thuần là ý nghĩa bề mặt, mà có nội hàm thâm sâu hơn. Sinh mệnh cũng không phải là khái niệm của một đời này, đệ tử Đại pháp không phải ai muốn cũng có thể trở thành được. Đó là danh hiệu thần thánh nhất. Vậy làm thế nào để thể hiện sự thần thánh ấy? Nội hàm đằng sau đó thâm sâu đến nhường nào? Chẳng phải cần suy nghĩ thật kỹ sao?

Đã đến lúc cần giải quyết trạng thái lấy chữ “tư” làm đầu rồi. Sư phụ đã giảng, “Thời khắc then chốt xem nhân tâm”. Hiện nay quả thực là thời khắc then chốt, thời khắc then chốt này không chỉ thể hiện mặt hướng thiện của nhân tâm, mà còn phơi bày mặt thiếu sót của nhân tâm. Vậy thì các đồng tu, chúng ta nên tập trung vào điều gì? Hướng ngoại hay hướng nội? Xuất phát điểm và mục đích của chúng ta là vì tư tâm của bản thân hay vì Pháp, vì chúng sinh?

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/2/18/490852.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/28/225667.html

Đăng ngày 10-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share