Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 05-09-2024] Nhân dịp 25 năm từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình một danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại nhằm yêu cầu chính phủ cấm thủ phạm cùng người thân của họ nhập cảnh, đồng thời đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ theo luật định.

Trong số những thủ phạm bị nêu tên có Ân Linh, phó viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Vân Nam và Âu Linh Quân, phó viện trưởng Viện Kiểm sát thành phố Côn Minh.

Thông tin về thủ phạm

Họ và tên: Ân Linh
Tên tiếng Trung: 殷灵
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: Không rõ
Nơi sinh: Không rõ

Ân Linh hiện là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh Vân Nam. Từ tháng 2 năm 2017 đến tháng 2 năm 2022, Ân là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Quận Tây Sơn, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam.

700cf293a9e2236f212724d6bef25c04.jpg

Họ và tên: Âu Linh Quân
Tên tiếng Trung: 欧灵军
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: Không rõ
Nơi sinh: Không rõ

3263ca101578367d4dc04a1f7c9f33c8.jpg

Âu Linh Quân hiện giữ chức Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Thành phố Côn Minh. Từ tháng 2 năm 2020 đến ngày 29 tháng 1 năm 2023, Âu giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Quận Tây Sơn Thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam.

Tội danh chính

Các công tố viên tại Viện Kiểm sát Quận Tây Sơn, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, chủ động tuân thủ các chính sách bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Mặc dù thiếu cơ sở pháp lý cho cuộc bức hại, nhưng các công tố viên này vẫn truy tố các học viên dựa trên các bằng chứng như sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin và đồ dùng cá nhân như máy tính và điện thoại di động.

Trong nhiệm kỳ Viện trưởng Viện Kiểm sát Quận Tây Sơn của Ân Linh từ năm 2017 đến tháng 2 năm 2020, và của Âu Linh Quân từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 1 năm 2023, ít nhất 38 học viên Pháp Luân Công đã bị truy tố và sau đó bị kết án tù, một con số cao kỷ lục kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu.

Các trường hợp bức hại

Trường hợp 1: Giám đốc điều hành công ty bất động sản qua đời 3 tháng sau khi mãn hạn 5 năm tù

Ông Ngô Quảng Thành, cựu giám đốc điều hành của một công ty bất động sản, rất yếu khi được thả vào ngày 6 tháng 4 năm 2022, sau 5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Ngày 27 tháng 7, cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam này trượt chân và ngã khi đang đi vệ sinh. Ông bất tỉnh và qua đời vài giờ sau đó, hưởng thọ 63 tuổi.

Sự ra đi của ông Ngô đã khép lại hai thập kỷ chịu khổ nạn vì kiên định đức tin. Ngoài bản án 5 năm tù gần đây nhất, ông từng phải chịu 2 án lao động cưỡng bức, tổng cộng 3 năm, và 1 án tù 6,5 năm khác.

Ngoài bản thân ông Ngô, vợ ông, bà Vương Đức Bình, cũng phải chịu 2 án lao động cưỡng bức, tổng cộng 5 năm, vì tu luyện Pháp Luân Công. Con trai họ bị sang chấn tâm lý do cuộc bức hại và bị rối loạn tâm thần. Anh không thể làm việc và suốt ngày ở nhà.

Trường hợp 2: Bốn người phụ nữ bị bắt vì lên tiếng cho đức tin của mình—Một người chết trong khi chờ xét xử, ba người còn lại bị kết án tù

Ba cư dân của thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị kết án tù vào ngày 20 tháng 6 năm 2019. Bà Dương Công Tú, 74 tuổi, bị kết án 2,5 năm tù và phạt 2.000 Nhân dân tệ. Bà Chu Thúy Phân, 68 tuổi và bà Châu Huệ Phân, 61 tuổi, mỗi người bị kết án 1 năm 2 tháng tù cùng với số tiền phạt 2.000 Nhân dân tệ.

Ngày 6 tháng 6 năm 2018, ba học viên này bị bắt cùng với học viên Hạ Mai Tiên, 55 tuổi, vì dán áp phích để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đức tin của họ. Bà Chu và bà Châu bị giam tại Trại tạm giam Thành phố Côn Minh. Bà Dương và bà Hạ bị từ chối tiếp nhận do tình trạng sức khỏe, nên đã được tại ngoại.

Ngày 1 tháng 3 năm 2019, Tòa án Quận Tây Sơn triệu tập bà Hạ và bà Dương, thông báo rằng họ sẽ bị xét xử năm ngày sau đó. Tuy nhiên, trên đường về nhà, bà Hạ nhận được một cuộc gọi từ tòa án, thông báo họ vừa hủy phiên tòa ngày 6 tháng 3 và lên lịch lại phiên xét xử 1 ngày sau đó.

Lo sợ bị giam cầm, bà Hạ vô cùng suy sụp. Căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối của bà, đã được chữa khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2013, lại tái phát, và bà qua đời vào ngày 18 tháng 3 năm 2019 trong khi đang chờ xét xử.

Ba tháng sau, thẩm phán ban hành phán quyết cho ba học viên còn lại.

Trường hợp 3: Người phụ nữ Vân Nam bị kết án 7 năm tù vì phát tặng lịch

Ngày 7 tháng 12 năm 2018, bà Cao Huệ Tiên, một cư dân 56 tuổi ở Côn Minh, bị bắt sau khi bị tố giác vì phát tặng lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Ngày 20 tháng 12 năm 2018, Viện Kiểm sát Quận Tây Sơn phê chuẩn lệnh bắt giữ bà. Ngày 22 tháng 10 năm 2019, bà bị Tòa án Quận Tây Sơn xét xử, sau đó bị kết án 7 năm tù vào ngày 19 tháng 11 năm 2019.

Trường hợp 4: Người phụ nữ Vân Nam bị kết án tù

Bà Bạch Hải Anh bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 24 tháng 9 năm 2019. Cảnh sát lục soát túi xách của bà và tìm thấy 8 cuốn sách Pháp Luân Công. Trong khi lục soát nhà bà, họ tịch thu 109 cuốn sách Pháp Luân Công và 167 cuốn sách nhỏ.

Lệnh bắt giữ được phê chuẩn vào ngày 1 tháng 11, và cảnh sát chuyển hồ sơ của bà lên Viện Kiểm sát Quận Tây Sơn vào ngày 27 tháng 12 năm 2019. Sau đó, cảnh sát tiết lộ rằng vào ngày 4 tháng 9 có 2 phụ nữ đến một cửa hàng bánh mì địa phương và để lại một cuốn Cửu Bình ở đó. Chủ cửa hàng tố giác những người phụ nữ này, họ nghi ngờ một người trong đó là bà Bạch.

Khi công tố viên Đỗ Quỳnh Tiên gặp bà Bạch tại trại giam, cô ta để lẫn bản tuyên bố nhận tội cùng với các hồ sơ khác và yêu cầu bà Bạch ký vào trước khi đọc nội dung.

Trong phiên xét xử trực tuyến lần đầu vào ngày 14 tháng 8 năm 2020, bà Bạch vạch trần việc công tố viên lừa bà ký vào tuyên bố nhận tội. Bà cho biết bà không thừa nhận bản tuyên bố này và không nhận tội.

Công tố viên Đỗ đe dọa bà sẽ phải chịu mức án nặng hơn nếu bà không nhận tội. Nhưng bà Bạch vẫn khẳng định rằng mình vô tội.

Tòa án Quận Tây Sơn tổ chức thêm hai phiên tòa xét xử nữa vào ngày 30 tháng 9 và ngày 21 tháng 11. Luật sư của bà và thân nhân bào chữa tuyên bố bà vô tội. Họ lập luận rằng bà Bạch không vi phạm bất kỳ điều luật nào khi thực hành đức tin của mình, và không có cơ sở pháp lý nào cho cuộc bức hại này.

Thẩm phán Đỗ Tổ Tân kết án bà Bạch 3,5 năm tù và phạt 3.000 Nhân dân tệ.

Trường hợp 5: Người phụ nữ 69 tuổi bị kết án 4 năm tù vì đức tin

Ngày 3 tháng 6 năm 2020, bà Đoàn Húc Anh, một công nhân Nhà máy Bê tông Vân Nam về hưu 69 tuổi, bị 2 cảnh sát chặn lại khi đang đi mua sắm. Họ đưa bà đến Đồn Công an Hải Khẩu. Khi tìm thấy 700 Nhân dân tệ tiền giấy có in thông tin về Pháp Luân Công trong túi xách của bà, cảnh sát tra khảo bà về nơi lấy những tờ tiền này. Họ cũng lục soát nhà và tịch thu nhiều sách Pháp Luân Công của bà. Trại giam Thành phố Côn Minh từ chối tiếp nhận bà Đoàn vì bà bị huyết áp cao. Bà phải nộp khoản tiền bảo lãnh 1.000 Nhân dân tệ và được tại ngoại.

Ngày 15 tháng 12 năm 2020, công tố viên Quách Ngạn Ní của Viện Kiểm sát Quận Tây Sơn truy tố bà Đoàn. Bà bị Tòa án Quận Tây Sơn xét xử vào ngày 2 tháng 3 năm 2021. Đầu tháng 4 năm 2021, thẩm phán kết án bà 4 năm tù.

Trường hợp 6: Bà lão 82 tuổi và người phụ nữ 60 tuổi bị kết án tù

Vào khoảng ngày 27 tháng 10 năm 2020, cụ bà Cao Quỳnh Tiên, 82 tuổi và bà Vương Cẩn, 60 tuổi bị cảnh sát của Phòng An ninh Nội địa Thành phố An Ninh bắt giữ. Bà Vương bị giam giữ, trong khi bà Cao được tại ngoại do sức khỏe không tốt, và phải đóng 1.000 Nhân dân tệ tiền bảo lãnh. Cả hai đều bị Viện kiểm sát Quận Tây Sơn truy tố cùng tháng.

Ngày 19 tháng 4 năm 2022, Tòa án Quận Tây Sơn tổ chức hai phiên tòa xét xử riêng biệt cho bà Cao và bà Vương. Bà Cao bị buộc tội tu luyện Pháp Luân Công, phân phát tài liệu Pháp Luân Công và lưu giữ tài liệu tại nhà. Vì bà vẫn đang trong thời gian thử thách từ bản án trước đó vào năm 2017, nên thẩm phán kết án bà 6 năm tù và phạt 13.000 Nhân dân tệ.

Cụ bà Vương cũng bị buộc tội phát tặng tài liệu Pháp Luân Công. Máy tính, máy in, điện thoại di động và tài liệu Pháp Luân Công của bà bị tịch thu và trở thành bằng chứng truy tố. Bà bị kết án 3 năm tù với khoản tiền phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Trường hợp 7: Mù lòa vì tra tấn, người phụ nữ Vân Nam bị kết án 7 năm tù

Bà Dương Tiểu Minh, 54 tuổi, ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, từng bị bệnh về mắt, sốt dai dẳng và viêm khớp dạng thấp khi còn nhỏ. Bà chỉ học hết tiểu học. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995, nhờ vào việc đọc sách và luyện các bài công pháp, bà đã phục hồi hoàn toàn thị lực, và thậm chí có thể đọc được các chú thích nhỏ trong từ điển.

Vì không từ bỏ đức tin sau khi cuộc bức hại bắt đầu, nên bà bị ép phải phá thai, và chồng bà ly dị bà vì sợ chính quyền cộng sản trả thù. Từ năm 2001 đến năm 2008, bà bị kết án lao động cưỡng bức 2 lần, tổng cộng 5 năm. Mắt bà bị tổn thương do bị đánh đập, và bà bị mù vĩnh viễn vào năm 2012.

Ngày 28 tháng 5 năm 2022, bà Dương lại bị bắt. Cảnh sát cố gắng lừa bà mở cửa bằng cách nói họ là nhân viên của ban quản lý tòa nhà, cần kiểm tra xem đường ống nhà bà có bị rò rỉ không. Khi bà Dương từ chối mở cửa, cảnh sát phá cửa xông vào và còng tay bà.

Bà bị bắt khám sức khỏe tại bệnh viện, trong đó một bác sỹ cởi áo quần của bà để kiểm tra thân thể. Anh ta lướt một máy quét lên xuống trên cơ thể bà, trong khi các cảnh sát nam theo dõi. Bà đã bị làm nhục.

Mặc dù bà Dương bị từ chối tiếp nhận do sức khỏe yếu và được tại ngoại, nhưng cảnh sát vẫn chuyển hồ sơ của bà lên viện kiểm sát. Ngày 1 tháng 2 năm 2023, bà bị đưa đến tòa án để xét xử. Ngày 14 tháng 3 năm 2023, một thẩm phán đến nhà bà để tuyên án 7 năm tù và phạt 20.000 Nhân dân tệ.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/5/481586.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/9/219891.html

Đăng ngày 16-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share