Bài viết của Văn Thiện
[MINH HUỆ 16-08-2024]
Trong mấy năm qua, số người trẻ mất tích ở Trung Quốc ngày càng tăng. Một cư dân mạng cho biết chỉ riêng từ ngày 1 đến 15 tháng 7 năm 2024, đã có ít nhất 38 trường hợp được người nhà báo mất tích. Hầu hết họ ở độ tuổi từ 10 đến 30, một số ít trên 30 tuổi, và một người 53 tuổi.
Hồ sơ của 38 trường hợp được báo cáo mất tích ở Trung Quốc từ ngày 1 đến 15 tháng 7 năm 2024.
Các giả thuyết về những gì đã xảy ra với những người này bao gồm bị sát hại, tự sát, bị bắt cóc, bỏ nhà đi, hoặc tử vong do bị mổ lấy nội tạng sống.
Ví dụ trường hợp của Hồ Tân Vũ, một học sinh 15 tuổi đến từ Trường Trung học Chí Viễn ở thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, đột nhiên mất tích vào ngày 14 tháng 10 năm 2022. Cảnh sát địa phương đã kiểm tra hệ thống camera giám sát và không tìm thấy manh mối nào cho thấy em đã rời khỏi trường. Sau khi “tìm kiếm khắp nơi”, cảnh sát không thể tìm thấy em. Tuy nhiên, 106 ngày sau, cảnh sát tuyên bố đã tìm thấy thi thể của Hồ và cho rằng em đã tự treo cổ bằng dây giày. Nhiều người hoài nghi về báo cáo chính thức này.
Trong vụ án này có một số điểm bất thường. Thứ nhất, Trường Trung học Chí Viễn có tới 119 camera giám sát bao phủ toàn bộ khuôn viên trường, nhưng không camera nào ghi lại được hành tung của Hồ. Điều đáng nói là nhà trường cho biết một số camera đã ‘vô tình’ bị trục trặc vào đúng ngày em mất tích.
Thứ hai, cảnh sát tuyên bố thi thể của Hồ được tìm thấy bên trong một kho lương thực được bao quanh bởi bức tường cao 5 mét. Làm thế nào Hồ có thể vào được nơi đó mà không có thang?
Thứ ba, các quan chức tuyên bố Hồ đã tự treo cổ vào một đường ống cao 5 mét so với mặt đất bằng hai dây giày. Các nhà điều tra cho biết em phải là một vận động viên điền kinh với khả năng bật nhảy siêu phàm mới có thể nhảy cao đến vậy và dây giày không thể đủ chắc để chịu được trọng lượng cơ thể của Hồ.
Thứ tư, tất cả các cơ quan nội tạng của Hồ đều không còn. Cho dù thi thể của em đã phân hủy trong 106 ngày, thì vẫn phải thấy dấu vết còn lại của các cơ quan nội tạng trong thi thể em.
Thứ năm, các chuyên gia cho biết khi một người chết do treo cổ, hai chân tự nhiên sẽ buông thõng xuống với các ngón chân hướng xuống đất. Chúng vẫn giữ nguyên như vậy ngay cả sau khi hiện tượng cứng khớp tử thi xuất hiện. Thế nhưng, các ngón chân của Hồ lại nằm ngang so với mặt đất.
Trong quá trình tìm kiếm Hồ, cảnh sát đã sử dụng chó nghiệp vụ với phạm vi phát hiện mùi khoảng 500 mét (1.640 feet). Mặc dù kho lương thực chỉ cách đường khoảng 100 mét và chó nghiệp vụ đã nhiều lần tìm kiếm khu vực này, nhưng chúng không đánh hơi thấy mùi thi thể của Hồ trong kho.
Mặc dù vụ tự tử có rất nhiều điểm nghi vấn, chính quyền vẫn khép lại vụ án và phớt lờ tất cả những điểm bất thường cũng như những câu hỏi chưa được giải đáp của dư luận.
Khi ngày càng có nhiều sự việc tương tự xảy ra và những người trẻ tuổi mất tích một cách bí ẩn, các bậc phụ huynh bắt đầu lo lắng và muốn biết chuyện gì đang xảy ra.
Cung cấp nội tạng cho thành phần ưu tú
Nhiều người muốn biết tại sao các cơ quan nội tạng của Hồ lại biến mất. Một số người cho rằng thật không may, nhóm máu và loại mô của em lại trùng khớp với một quan chức cấp cao ở Thượng Hải. Do đó, em đã trở thành nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Mặc dù khó xác minh, nhưng việc có một chuỗi cung ứng nội tạng cho các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một bí mật mà ai cũng biết. Sau khi Cao Chiếm Tường, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc, qua đời ở tuổi 87 vào ngày 9 tháng 12 năm 2022, một quan chức cấp cao đã viết trong một bài chia buồn: “Trong những năm qua, Cao Chiếm Tường đã kiên cường chống chọi với bệnh tật và nhiều cơ quan nội tạng của ông đã được thay thế. Ông ấy từng nói đùa rằng nhiều bộ phận trong người ông ấy không còn là của ông ấy nữa.”
Một cư dân mạng viết: “Thì ra các quan chức có cách đặc biệt để lấy nội tạng… bảo sao rất nhiều người trong số họ sống đến tận 90 tuổi. Nếu nhiều cơ quan nội tạng của Cao đã được thay thế trước khi ông ấy qua đời, thì ai mà biết có bao nhiêu người như Hồ Hân Vũ đã ‘mất tích’ để cung cấp nội tạng cho ông ấy.”
Một bài đăng khác cho biết: “‘Cao Chiếm Tường đã kiên cường chống chọi với bệnh tật trong nhiều năm, nhiều cơ quan nội tạng của ông ấy đã được thay thế’, …mỗi cơ quan tạng có thể đồng nghĩa với một mạng người.”
Một người khác viết: “Ngay cả một vị bộ trưởng mà tôi chưa từng nghe tên cũng có thể thay nội tạng dễ như đi chợ, vậy những quan chức cấp cao hơn thì còn đến mức nào?”
Dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ của ĐCSTQ, bài chia buồn này và các phản hồi đã nhanh chóng bị xóa. Tuy nhiên, một cư dân mạng đã lưu lại ảnh chụp màn hình của nó.
Ảnh chụp màn hình một đoạn trong bài chia buồn dành cho Cao Chiếm Tường
Hướng tới mục tiêu các quan chức thọ 150 tuổi
Ngày 15 tháng 9 năm 2019, một quảng cáo đã lan truyền rộng rãi trên WeChat. Đó là quảng cáo của Bệnh viện 301 ở Bắc Kinh (còn gọi là Bệnh viện Đa khoa Quân đội Trung Quốc), một cơ sở y tế dành riêng cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, trong đó chủ yếu giới thiệu về “Dự án Sức khỏe” với mục tiêu đảm bảo tuổi thọ 150 năm cho các quan chức cấp cao.
Quảng cáo này cho biết sau nhiều thập kỷ chuẩn bị, dự án đã chính thức khởi động vào năm 2005. Đến năm 2008, tuổi thọ trung bình của các quan chức ĐCSTQ đã đạt 88 tuổi, cao hơn so với những người đồng trang lứa bên ngoài Trung Quốc.
Quảng cáo này đã gây ra phản ứng dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc: “Nhìn xem, bạn sẽ thấy rất nhiều quan chức sống đến 90 tuổi. Điều này không thể là ngẫu nhiên. Không biết họ dùng phương pháp gì để kéo dài tuổi thọ. Hy vọng họ đã làm điều này một cách chính đáng chứ không phải đánh đổi bằng cách làm hại người khác”, một bài đăng viết.
Một người khác viết: “Chẳng ai trong số những quan chức này muốn chết — họ muốn tiếp tục sống để làm hại người dân.”
Một người khác đăng: “Làm tốt đấy. Quảng cáo rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề—nó cho chúng ta biết tiền thuế của chúng ta đã đi đâu.”
“Bằng cách giết hại các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ và những người trẻ tuổi khỏe mạnh, những quan chức này có thể kéo dài mạng sống của họ. Họ đang hành động như ma quỷ.”
Theo một đại gia ở Trung Quốc đại lục nắm được nội tình tiết lộ, bí quyết kéo dài tuổi thọ cho những quan chức này là giết người theo nhu cầu để cung cấp nội tạng nhằm thay thế các cơ quan tạng bị suy yếu. Ngoài ra, họ được tiêm huyết thanh lấy từ các chiến sỹ vũ trang trẻ tuổi để duy trì hoạt động của các cơ quan nội tạng được thay thế. Người này còn tiết lộ, con trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng bị ung thư, đã được ghép thận ba lần. Loại hình cấy ghép nội tạng phù hợp theo yêu cầu này phải trả giá bằng mạng sống của những người trẻ tuổi vô tội.
Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng các cơ quan tạng được ghép có tuổi thọ hạn chế, tối đa là 10 năm, có những nội tạng chỉ tồn tại được hai đến ba năm. Điều này có nghĩa là cần phải có các cơ quan tạng thay thế trong tương lai.
Chuỗi cung ứng bắt đầu bằng việc sử dụng các học viên Pháp Luân Công
Các vụ mất tích hiện nay không phải là hiếm ở Trung Quốc. Đôi khi, ngay cả khi tìm thấy thi thể của người mất tích, nó cũng lập tức được đưa đi hỏa táng để người nhà không được nhìn thấy. Đây là những gì đã xảy ra với các học viên Pháp Luân Công bị giết để lấy nội tạng—người nhà không được phép biết rằng các cơ quan nội tạng của họ đã bị lấy mất.
Sau khi bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Giang đã ra lệnh nhắm vào các học viên: “Đánh chết [học viên Pháp Luân Công] cũng không sao; đánh chết [học viên Pháp Luân Công] tính là tự sát; không cần xác minh danh tính, hỏa táng ngay lập tức.” Vì các học viên Pháp Luân Công có sức khỏe tốt, không có thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc, nên các quan chức đã thiết lập một chuỗi cung ứng nội tạng sống khổng lồ bằng cách sử dụng các học viên bị giam cầm trái với ý muốn của họ.
Trong những năm qua, hệ thống tư pháp, quân đội, bác sĩ và bệnh viện đã kiếm được rất nhiều tiền từ hoạt động phi pháp này. Tất nhiên, một khi chuỗi cung ứng đã được đảm bảo, khách hàng đã mở rộng từ các quan chức cấp cao của ĐCSTQ sang khách du lịch ghép tạng từ các quốc gia bên ngoài Trung Quốc. Với thời gian chờ đợi nội tạng khó tin chỉ trong vòng hai tuần, những người phải chờ đợi nhiều năm đã đến Trung Quốc để nhanh chóng có được cơ quan nội tạng cần thiết.
Sau khi nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công bị phơi bày trên trường quốc tế vào năm 2006, do ảnh hưởng từ tuyên truyền của ĐCSTQ, một số người đã không tin rằng điều đó đang xảy ra. Một số người cho rằng ĐCSTQ không thể tàn ác đến vậy, một số khác nghĩ điều này quá tàn bạo và vượt quá sức tưởng tượng của họ, còn một số người vẫn thờ ơ và phớt lờ vấn đề này, nghĩ rằng nó không liên quan gì đến họ.
Tuy nhiên, bi kịch này hiện đã lan rộng và ảnh hưởng đến nhiều người hơn. Khi ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mất tích, nhiều bậc cha mẹ và những người khác lo ngại rằng họ có thể đã bị giết để lấy nội tạng khỏe mạnh.
Bất an dưới chế độ toàn trị
Trước tình trạng trẻ em mất tích, một số phụ huynh không dám để học sinh tự về nhà sau giờ học, dù có khó khăn đến đâu cũng phải đưa đón con. Không ai muốn điều khủng khiếp xảy ra với những người thân yêu của mình.
Nghĩ đến lượng dữ liệu mà chính quyền ĐCSTQ thu thập về người dân để kiểm soát mà thấy quá lo ngại. Dưới sự giám sát liên tục ở Trung Quốc, số điện thoại, địa chỉ nhà, nơi làm việc, trường học của con, lớp và khối đều nằm trong hệ thống. Chỉ cần nhóm máu và loại mô của một người cũng được biết đến, thì ĐCSTQ có thể dễ dàng sử dụng thông tin đó để đáp ứng nhu cầu ghép tạng. Điều này khiến mọi công dân đều có nguy cơ trở thành nạn nhân.
Một số người cho rằng nếu bản thân không cung cấp thì chính quyền không có nhóm máu hoặc loại mô của họ. Nhưng tiếc thay, rất nhiều thông tin được liên kết với nhau ở Trung Quốc. Khi bạn khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi hồ sơ tiêm chủng hoặc mã sức khỏe được sử dụng trong đại dịch, thông tin đó có thể đã được nhập vào hệ thống. Điều này đã xảy ra với hầu hết tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Khi bị giam cầm, họ bị lấy mẫu máu và các quan chức nói rằng đây là “đối xử đặc biệt” dành cho các học viên Pháp Luân Công. Những người bị giam giữ khác có thể không đủ khỏe mạnh và sẽ không được coi là đạt để thu hoạch nội tạng.
Ngoài những vụ mất tích bí ẩn được đề cập ở trên, còn có những trường hợp người dân sớm bị tuyên bố “chết não” trong các bệnh viện. Một cư dân họ Lý ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, gần đây đã đăng một video lên mạng xã hội. Khi người con trai 28 tuổi của bà bị chấn thương vùng đầu bên ngoài và được đưa đến Bệnh viện Đồng Tế ở Vũ Hán, các bác sĩ nhanh chóng kết luận anh ta “chết não” mà không cần kiểm tra kỹ lưỡng rồi khuyên nên hiến tạng. Người phụ nữ này vô cùng tức giận: “Làm sao các người có thể tuyên bố con trai tôi chết não mà không cần kiểm tra? Đây có phải là một phần của kế hoạch thu hoạch nội tạng không? Hành vi của các người thật độc ác!”, bà nói.
Nhiều bệnh viện ở Trung Quốc có khả năng ghép tạng tuyên bố rằng khi một người cần nội tạng, sẽ có vài người hiến tạng tiềm năng chờ sẵn—nguồn cung thực sự còn vượt quá nhu cầu. Thử hỏi ai là người hiến tạng? Theo thống kê, người ta phải sàng lọc hàng nghìn người mới tìm ra một người phù hợp về mô. Đó là lý do tại sao ở các quốc gia khác, người ta phải chờ đợi nhiều năm để có người hiến tạng. Tuy nhiên, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, ngày càng có nhiều người bị xếp hàng để trở thành người tiếp theo nằm trên bàn mổ.
Đáng tiếc là, các biện pháp ngăn chặn rất khó được thực thi do bản chất tàn bạo của ĐCSTQ. Chỉ bằng cách giải thể chế độ này, người dân mới có thể sống một cuộc sống bình an.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/16/480891.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/5/225326.html
Đăng ngày 11-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.