Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-11-2024]

Họ và tên: Mã Tuyết Thanh
Tên tiếng Trung: 马雪青
Giới tính: Nữ
Tuổi:53
Thành phố: Đại Liên
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp: Chuyên gia pháp lý
Ngày mất:Ngày 5 tháng 1 năm 2023
Ngày bị bắt gần nhất: Ngày 3 tháng 5 năm 2016
Nơi giam giữ mới nhất: Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh

Một người dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 5 tháng 1 năm 2023, chỉ 3 năm sau khi bà mãn hạn án tù 3,5 năm vì đức tin vào Pháp Luân Công, môn tu luyện cả thân lẫn tâm bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999. Bà mất khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến sinh nhật thứ 54 của mình.

Bà Mã Tuyết Thanh tốt nghiệp Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc với chuyên ngành Luật Quốc tế vào năm 1987. Bà từng làm việc tại phòng Pháp lý, Chi nhánh Đại Liên của Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996, bà trở thành một nhân viên tận tâm hơn, và đã một lần nhận giải thưởng “nhân viên của năm” cấp quốc gia.

Là một chuyên gia pháp lý tận tâm, nhưng bà lại liên tục bị nhắm đến vì đức tin sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Bà Mã từng bị tống giam 2 lần, tổng cộng 6,5 năm, và cũng chịu 2 năm lao động cưỡng bức. Cơ quan bà đã sa thải bà vào năm 2008, sau khi bà mãn hạn án tù đầu tiên.

Sau đây là chi tiết về những bức hại mà bà Mã phải chịu đựng trong những năm qua.

Ngày 20 tháng 4 năm 2000, 4 cảnh sát của Đồn Công an Xuân Hải bắt bà Mã tại nhà, ngay trước khi bà định đi tới Bắc Kinh để tham dự một hội nghị thương mại. Cảnh sát cho biết việc bắt giữ là nhằm ngăn chặn bà đi thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công tại Bắc Kinh. Họ giữ bà tại Trung tâm Cai nghiện Ma túy Đại Liên hơn 1 tháng trước khi thả bà vào ngày 1 tháng 6 năm đó. Họ cũng phạt bà 7.000 Nhân dân tệ.

Đồn công an này lại cử nhân viên theo dõi bà Mã, và bắt giữ bà vào ngày 5 tháng 7 năm 2000, khi bà đến thăm một bé gái có cha mẹ đều bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, cảnh sát đột nhập nhà bà Mã nhưng không tìm được bất kỳ tài liệu nào liên quan đến Pháp Luân Công. Tuy vậy, họ vẫn bắt bà tới Trại tạm giam Thành phố Đại Liên, sau đó chuyển bà tới một trung tâm tẩy não. Bà được thả vào ngày 6 tháng 9 năm 2000.

Tối ngày 15 tháng 4 năm 2002, cảnh sát lại đột nhập vào nhà bà Mã và bắt bà tới trại tạm giam Thành phố Đại Liên. Bà xuất hiện triệu chứng của bệnh tim, và được thả 4 ngày sau đó.

Ngày 12 tháng 8 năm 2002, khi bà Mã đang làm việc thì 6 cảnh sát bất ngờ xông vào và đột kích cơ quan bà. Họ kéo bà ra ngoài và ném bà vào xe tuần tra. Họ còng tay bà ra sau lưng, chặt đến nỗi ngón tay cái của bà gần như bị liệt. Trên đường tới bệnh viện để khám sức khỏe, bà lại phát bệnh tim. Cảnh sát cố gắng hối lộ bác sỹ ký vào biên bản xác nhận đủ điều kiện giam giữ. Bác sỹ từ chối, nhưng cảnh sát vẫn bắt bà Mã chịu 2 năm lao động cưỡng bức.

Lúc cảnh sát đưa bà Mã tới, quầy tiếp nhận của Trại Lao động Mã Tam Gia khét tiếng đã đóng cửa. Mặc dù không có ai thực hiện việc kiểm tra sức khỏe bắt buộc hay làm thủ tục cần thiết, cảnh sát vẫn vứt bà ở sảnh. Sau đó, cai ngục tiếp nhận bà.

Tình trạng của bà Mã nhanh chóng xấu đi, và bà được chẩn đoán bị mất cân bằng điện giải, thuyên tắc tim và nhiễu toan ceton. Ngày 5 tháng 9 năm 2002, trại lao động gọi cho gia đình bà để đón bà về. Người thân của bà bị bắt trả 3.000 Nhân dân tệ phí bảo lãnh tại ngoại. Bà trở nên yếu đến nỗi không thể tự đi lại, và phải được khiêng lên cầu thang tới căn hộ của bà.

Ngày 7 tháng 4 năm 2003, cảnh sát lại đột nhập vào nhà bà Mã, tuy nhiên bà không ở nhà. Họ nhanh chóng đến đến cơ quan bà để bắt bà. Bà lại xuất hiện bệnh tim. Cảnh sát đưa bà tới bệnh viện, và từ bỏ nỗ lực giam giữ bà. Tuy nhiên, sau đó họ vẫn sách nhiễu bà Mã ở cơ quan nhiều lần. Chồng bà không thể chịu đựng nổi và đã ly dị bà.

Ngày 6 tháng 9 năm 2004, bà Mã tới thăm một người bạn, và bị cảnh sát theo dõi rồi bắt giữ ngay khi tới nơi. Họ đưa bà tới Đồn Công an Xuân Hải. Ngày hôm sau, họ còng tay bà và đưa bà trở lại căn hộ của bà để đột kích. Họ đưa bà diễu trong tòa chung cư để làm nhục bà. Bà lại lên cơn đau tim, và được thả vào tối hôm sau.

Bà Mã lại bị bắt vào ngày 28 tháng 7 năm 2005, sau khi cảnh sát phát hiện bà đã gửi thư phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cảnh sát bắt giữ từ Đồn Công an Xuân Hải đã đưa bà tới trại tạm giam Thành phố Đại Liên. Tòa án Quận Trung Sơn kết án bà 3 năm tù vào ngày 28 tháng 4 năm 2006, và kháng cáo của bà bị Tòa án Trung cấp Thành phố Đại Liên từ chối vào ngày 8 tháng 6 năm đó.

Bà thụ án tại Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh (nằm tại thủ phủ của tỉnh là thành phố Thẩm Dương). Sau khi bà được thả vào tháng 7 năm 2008, cơ quan bà đã sa thải bà.

Ngày 3 tháng 5 năm 2016, bà Mã lại bị bắt khi đang gỡ bỏ tấm áp phích bôi nhọ Pháp Luân Công từ bảng tin cộng đồng. Bà bị đưa tới trại tạm giam Thành phố Đại Liên. Khoảng 2 tuần sau, bà phát bệnh, bao gồm đường huyết cao, và được đưa tới Bệnh viện Số 3 Thành phố Đại Liên. 2 cảnh sát giám sát bà tại bệnh viện suốt ngày. Tháng 12 năm 2016, Tòa án Quận Trung Sơn kết án bà 3,5 năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ. Đơn kháng cáo của bà bị từ chối vào ngày 15 tháng 3 năm 2017. Bà bị chuyển tới Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh vào ngày 25 tháng 4 năm 2017.

Bà Mã được thả vào ngày 3 tháng 11 năm 2919, nhưng bị cảnh sát và nhân viên chính quyền địa phương sách nhiễu liên tục. Sức khỏe của bà liên tục giảm sút, và bà qua đời vào ngày 5 tháng 1 năm 2023.

Báo cáo liên quan:

Tòa án Trung cấp giữ nguyên bản án ba năm tù đối với bà Mã Tuyết Thanh

Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:

Falun Gong Practitioner Ms. Ma Xueqing from Dalian City Arrested for the Seventh Time

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/22/485289.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/24/221790.html

Đăng ngày 12-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share