Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 26-10-2024]
Họ và tên: Phùng Ngọc Thu
Tên tiếng Trung: 冯玉秋
Giới tính: Nữ
Tuổi: 73
Thành phố:Thư Lan
Tỉnh:Cát Lâm
Nghề nghiệp: Giáo viên trung học về hưu
Ngày mất:Ngày 9 tháng 10 năm 2024
Ngày bị bắt gần đây nhất: Ngày 5 tháng 6 năm 2024
Nơi giam giữ gần đây nhất: Đồn Công an Bắc Thành
Sau hai thập kỷ liên tục bị bắt giữ và sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công, sức khỏe của bà Phùng Ngọc Thu ngày càng suy giảm, nhất là sau lần bắt giữ gần đây nhất vào ngày 5 tháng 6 năm 2024. Ngày 9 tháng 10 năm 2024, 3 tháng sau lần bắt giữ này, bà đã qua đời ở tuổi 73.
Sau khi ĐCSTQ ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Phùng, một giáo viên về hưu của Trường Trung học Cơ sở Số 25 thị trấn Thất Lý, thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, bị bắt lao động cưỡng bức 2 lần và bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não 2 lần. Bà phải chịu đựng sự tra tấn liên tục trong thời gian bị giam giữ, điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, và khiến bà bị tổn thương tinh thần.
Tháng 2 năm 2000, bà Phùng bị bắt lần đầu tiên tại gần Quảng trường Thiên An Môn, khi bà đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị đưa đến một đồn công an gần đó, sau đó bị đưa đến Văn phòng Liên lạc tỉnh Cát Lâm ở Bắc Kinh. Một nữ cảnh sát tịch thu 150 Nhân dân tệ tiền mặt mà bà mang theo. 2 ngày sau, bà bị áp giải trở lại Thư Lan, và bị giam tại Trại tạm giam thành phố Thư Lan trong 5 ngày. Cảnh sát của Đồn Công an thị trấn Thất Lý tống tiền bà 1.500 Nhân dân tệ, và phòng giáo dục địa phương tống tiền bà 3.500 Nhân dân tệ.
Ngày 19 tháng 12 năm 2000, bà Phùng lại đến Bắc Kinh để kháng nghị. Bà giương cao biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” tại Quảng trường Thiên An Môn, và lại bị bắt giữ. Cảnh sát đánh bà bằng dùi cui khiến đầu bà bị sưng to. Những học viên khác có mặt tại đó để kháng nghị cũng bị đánh đập.
Sau khi đưa bà Phùng đến đồn công an, cảnh sát cố gắng chụp ảnh bà. Họ đánh bà khi bà từ chối thực hiện. Bà cũng bị cấm ngủ vì từ chối khai tên họ của mình.
Sau đó, cảnh sát chuyển bà Phùng đến trại tạm giam địa phương. Trong một lần bức thực, họ đấm vào miệng và đầu bà, giẫm lên chân bà và bức thực bà bằng nước muối. Sau đó, lính canh khiến bà bị thương khi họ nhét một cái ống bức thực vào mũi bà. Mũi và cổ họng của bà đã bị chảy máu.
Ba ngày sau, bà Phùng bị đưa đến Công an huyện Kinh Cảnh ở tỉnh Hà Bắc. 3 cảnh sát sốc điện vào mặt, tai và tay bà bằng dùi cui điện. Họ cũng bắt bà quỳ xuống, kéo ngược tay bà ra sau lưng, rồi giật mạnh chúng lên, gây ra cơn đau dữ dội ở các khớp vai của bà.
Cảnh sát giật tóc bà cho đến khi tóc bà rụng thành từng mảng lớn. Họ bắt bà quỳ trên sàn bê tông và đặt một thanh gỗ dài ngang qua bắp chân bà. Sau đó, hai người đàn ông thay nhau lăn thanh gỗ qua lại như một chiếc cán bột trên bắp chân và bàn chân của bà. Trong khi thẩm vấn bà, họ dùng lực đè xuống thanh gỗ càng lúc càng mạnh hơn cho đến khi bà không thể chịu đựng được nữa. Sau khi dừng lại một lúc, họ lại tra tấn bà thêm 3 lần nữa. Các bắp chân của bà sưng tấy đến mức bà không thể cởi đồ lót. Bà không thể cử động chân và phải được khiêng trở lại phòng giam. Bà đã phải bò vào nhà vệ sinh. Vụ tra tấn khiến một số ngón chân của bà bị biến dạng vĩnh viễn.
Sau đó, bà Phùng bị kết án 1 năm tại Trại Lao động ưỡng bức Hắc Chủy Tử. Bà phải chịu đựng sự tra tấn thể xác liên tục vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Ngoài việc bắt bà làm việc hơn 10 giờ một ngày mà không trả lương, lính canh còn bắt bà phải xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, viết các báo cáo tư tưởng hàng tháng, và bắt bà tham dự các sự kiện khác để ca ngợi ĐCSTQ.
Khi bà mãn hạn tù, lính canh đe dọa, và yêu cầu bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối tuân thủ, và bị tát vào mặt.
Mùa hè năm 2002, một nhân viên của Phòng 610 thành phố Thư Lan và một người tên Ôn Trường Cát của phòng giáo dục địa phương đã sách nhiễu bà Phùng tại trường học nơi bà làm việc. Họ nói được giao chỉ tiêu “chuyển hóa” một học viên Pháp Luân Công, và yêu cầu bà hợp tác. Bà kiên quyết từ chối.
Năm 2007, bà Phùng lại bị bắt và bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Lúc 4 giờ sáng ngày 11 tháng 8 cùng năm, bà bị ban lãnh đạo nhà trường và cảnh sát bắt tại nhà. Họ đưa bà đến Trung tâm Tẩy não đập Hưởng Thủy ở thị trấn Cát Thư, thành phố Thư Lan. Bà vẫn không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, mặc dù bị cưỡng chế tẩy não tăng cường và bị phạt 1.000 Nhân dân tệ.
Ngày 7 tháng 1 năm 2012, do những nỗ lực liên tục của bà nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, bà Phùng bị cảnh sát trưởng Thiệu Thiên Phong của Đồn Công an Tiểu Thành bắt giữ. Bà đã bị giam giữ phi pháp tại trại tạm giam thành phố Thư Lan, sau đó lại phải chịu một án lao động cưỡng bức khác.
Ngày 27 tháng 1 năm 2016, bà bị bắt một lần nữa tại cửa hàng tạp hóa, trong khi đang nói với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát của Đồn Công an Bắc Thành giam giữ bà 10 ngày.
Khoảng 6 giờ sáng ngày 26 tháng 7 năm 2022, có người gõ cửa nhà bà, nhưng bà không mở cửa. Đến khoảng 8 giờ sáng, người đó quay lại và gọi bà mở cửa lần nữa.
Do bị sách nhiễu liên tục, bà Phùng bắt đầu gặp các vấn đề về sức khỏe. Từ năm 2023, chân và ngón chân của bà, vốn bị thương nặng do bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ, nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn, khiến bà không thể đi lại được. Bà cũng gặp khó khăn với tình trạng thị lực suy giảm. Bà đã bị ngã và bị gãy chân.
Ngày 5 tháng 6 năm 2024, trước khi bà hoàn toàn hồi phục sức khỏe, cảnh sát bắt giữ bà trong một vụ bắt giữ tập thể, và giam giữ bà một thời gian ngắn tại Đồn Công an Bắc Thành. Bà được tại ngoại, nhưng qua đời ba tháng sau đó.
Báo cáo liên quan:
Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:
Teacher Ms. Feng Yuqiu Suffers Years of Persecution
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/26/484203.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/27/221383.html
Đăng ngày 17-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.