Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-04-2024] Tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1998, đến nay đã 26 năm trôi qua. Trong một khoảng thời gian vào năm ngoái, trạng thái tu luyện của tôi lên xuống thất thường. Mặc dù tôi muốn tu luyện tốt, nhưng tôi không thể đột phá trạng thái này. Tôi nghĩ tất cả là do tôi đang phải làm công việc người thường, khiến tôi không có thời gian học Pháp hoặc cảm thấy buồn ngủ khi học Pháp. Vì vậy, tôi muốn nghỉ việc để chuyên tâm tu luyện.

Sư phụ giảng:

“Tôi lưu lại [trong] chư vị những thứ con người [để] chư vị có thể sinh sống nơi người thường, không ảnh hưởng chư vị tu luyện…” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019, Giảng Pháp tại các nơi XV)

Hết thảy những gì Sư phụ giảng đều là Pháp, vậy tại sao công việc của tôi lại ảnh hưởng đến việc tu luyện của tôi? Tôi không thể tìm ra vấn đề nằm ở đâu nên cảm thấy rất bối rối.

Mãi cho đến khi tôi đọc được các bài kinh văn gần đây của Sư phụ như “Tránh xa hiểm ác” và “Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc”, sau đó đọc thêm các bài chia sẻ của các học viên khác, tôi mới chợt nhận ra vấn đề là do bản thân tôi. Tôi đã không hoàn toàn chiểu theo các yêu cầu của Sư phụ, và tôi chưa thực sự chân chính thực tu. Tôi muốn an bài con đường tu luyện riêng của mình vì tôi không thực sự tin rằng mọi thứ do Sư phụ an bài đều là tốt nhất cho tôi.

Chẳng hạn, tôi làm việc trong một nhà máy do người thân làm chủ. Trước đây, công việc ở nhà máy không nhiều và tôi nghiện xem điện thoại, nên tôi thường đến muộn về sớm. Tôi không chăm chỉ làm việc nhưng vẫn được hưởng lương cao.

Sau khi tu luyện nghiêm túc trong hai năm qua, tôi thay đổi phong cách và bắt đầu làm việc chăm chỉ tại nhà máy. Tuy nhiên, bây giờ tôi làm việc chăm chỉ thì họ lại trả lương cho tôi thấp hơn, tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Tôi không có thời gian học Pháp và thường trì hoãn việc phát chính niệm vào khung giờ buổi trưa và buổi tối. Tôi thấy chán nản và oán hận người thân vì đã bắt tôi làm những công việc nặng nhọc và còn không biết trân trọng những gì tôi làm.

Sư phụ giảng:

“Những công nhân sau khi học Pháp Luân Đại Pháp của các ông, đến sớm về muộn, làm việc hết sức cẩn thận, lãnh đạo phân công việc gì cũng [thực hiện] không nề hà; [họ] cũng không tranh [giành] lợi ích…” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Sau khi học đoạn Pháp trên, tôi chợt ngộ ra rằng vấn đề là nằm ở chỗ tôi, và chính nghiệp lực của tôi đã gây ra điều này. Sư phụ đã sớm giảng về vấn đề ý thức làm việc của các đệ tử Đại Pháp, nhưng tôi lại không chú ý đến vấn đề này.

Sư phụ giảng:

“Giảng tới đây, tôi thuận tiện lại nói một đôi lời, về “Sư phụ muốn gì thì chư vị làm điều ấy”. Kỳ thực có những lúc chư vị trên miệng bảo rằng Sư phụ muốn gì thì chư vị bèn làm điều ấy, nhưng hễ vào tình huống cụ thể thì lại bớt xén một cách không tự biết.” (Tinh tấn hơn nữa, Giảng Pháp tại các nơi X)

Tôi hướng nội và nhận ra tôi đã có quan niệm rằng làm việc nhiều giờ sẽ khiến tôi mệt mỏi và ảnh hưởng đến việc tu luyện của mình, vì vậy tôi đi làm muộn hơn một tiếng. Thậm chí tôi còn oán hận người thân đã không quan tâm và quá khắt khe với tôi. Thực ra không phải người thân cư xử tệ với tôi mà là tôi cần thay đổi cách suy nghĩ của mình. Trước đây tôi đã không làm việc chăm chỉ, thế nên bây giờ tôi phải làm việc chăm chỉ hơn để bù đắp lại cho khoảng thời gian đó và những gì tôi còn nợ người thân của mình.

Tôi ngay lập tức thay đổi cách nghĩ, buông bỏ tâm oán hận và quy chính lại bản thân bằng cách đi làm đúng giờ. Ngay khi tôi thay đổi, môi trường xung quanh tôi cũng cải biến. Tôi cũng có thời gian phát chính niệm vào buổi trưa và buổi tối và không còn cảm thấy buồn ngủ khi học Pháp nữa. Bằng cách thay đổi niệm đầu không đúng đắn của mình thì mọi thứ xung quanh tôi đã được cải thiện.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/18/474721.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/26/218766.html

Đăng ngày 14-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share