Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-07-2024] Sau khi cha mẹ tôi qua đời, mỗi khi ma nạn đến, nhiều tâm chấp trước của tôi lại tăng cường, đặc biệt là tâm oán hận. Tâm thái của tôi cũng không thuần tịnh, ôm giữ sự oán ghét đối với mọi người và sự việc xung quanh. Đặc biệt đối với đồng tu, tôi lại càng hay bới lông tìm vết, chỉ cần hơi có một chút gì đó không vừa ý, tôi liền dùng tâm thái của người thường để đo lường những thiếu sót của đồng tu, tôi nói: “Người tu luyện sao có thể như vậy?” Khi gặp vấn đề, đầu tiên tôi sẽ dùng ác ý để đánh giá đồng tu, sau đó ý thức ra được mình không đúng, tôi lại từng chút từng chút quy chính lại tâm bất hảo của bản thân. Điều này đã trở thành thói quen từ lúc nào không hay.
Thuận theo việc học Pháp và luyện công nhiều hơn, tâm tính của tôi đã dần được cải thiện, Sư phụ đã điểm hoá cho tôi để giúp tôi nhìn thấy thói quen xấu này, cùng với quá trình hình thành tâm oán hận mạnh mẽ của mình
Sư phụ đã an bài cho một học viên mới điểm hoá cho tôi
Tôi vô cùng oán hận dì Lý (cũng là một học viên) vì dì đã có mâu thuẫn với mẹ tôi trước khi mẹ tôi mất. Tôi biết rằng oán hận đồng tu như vậy là sai và tôi đã cố gắng kìm nén cảm xúc người thường này. Tôi đã có thể giữ thái độ ôn hòa và chào hỏi xã giao với dì. Tôi biết mình phải sớm loại bỏ tâm oán hận và các chấp trước khác, càng để lâu chúng càng trở nên khó phát hiện và khó trừ bỏ.
Một lần, nhóm học Pháp của chúng tôi muốn thay đổi địa điểm. Trong suốt cuộc thảo luận, tôi không hề lên tiếng. Lúc này, đột nhiên dì Lý tới, không đợi quyết định cuối cùng mà chỉ vào tôi và nói: “Tới nhà cháu học nhé.” Mọi người đều dồn ánh mắt vào tôi, tôi cảm thấy mình trở thành mục tiêu, vô cùng xấu hổ, liền nói thẳng với dì Ly với giọng mỉa mai: “Sao không đến nhà dì? Nhà dì phù hợp hơn.” Chúng tôi không ai nhường ai, nói những câu châm biếm lẫn nhau. Cuối cùng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Khi đó, tâm thái của tôi hoàn toàn không phải của một người tu luyện, không có thiện tâm, ôn hòa, mà hoàn toàn ngược lại, vô cùng kích động.
Trên đường về nhà, tôi càng nghĩ càng giận, cảm giác như chưa hề xảy ra việc mình công kích dì Lý, hơn nữa còn muốn lần sau vẫn tiếp tục đem toàn bộ sự oán hận phát tiết ra. Tôi hoàn toàn bị tâm chấp trước này dẫn động, không hề phát hiện ra tính nghiêm trọng của vấn đề.
Ngày hôm sau, tôi đã kể qua về sự việc này với một học viên mới, cho rằng cô ấy sẽ đứng về phía tôi. Thật bất ngờ, cô ấy nói với tôi rằng tâm thái của tôi không phù hợp với Pháp. Mỗi câu của cô ấy đều dựa trên Pháp, không ngừng giúp tôi quy chính, cô ấy cũng kể về những trường hợp tổn thương xảy ra do sự oán hận giữa các đồng tu. Cô ấy chia sẻ liên tục trong suốt 2-3 tiếng đồng hồ.
Lúc đầu tôi không đồng ý với cô ấy, phản đối cô ấy, nhưng cuối cùng đã yên lặng gật đầu đồng ý, cũng nhìn ra được vấn đề của bản thân. Tôi cũng chia sẻ về việc mình luôn oán trách một cách thái quá đối với những đồng tu có thiếu sót. Cuối cùng đồng tu mới đó đã nghiêm khắc nhắc nhở tôi rằng sự oán hận của tôi đối với dì Lý sẽ gây tổn thường cho dì ấy và cũng tạo ra nghiệp cho tôi. Điều này giống như một lời cảnh tỉnh, tôi lập tức nhận ra mình đã sai và nói rằng mình đã biết phải làm gì.
Trừ bỏ tâm oán hận
Khi về nhà, tôi bắt đầu nghe bài chia sẻ của các học viên trên Đài phát thanh Minh Huệ, nhiều bài trong số đó nói về tác hại của sự oán hận ở các không gian khác. Tôi đã giật mình kinh hãi, hóa ra tâm oán hận đáng sợ như vậy, bản thân tôi đã bị nó dẫn động, sinh ra ác niệm, không còn chút thiện niệm nào, không giống một đệ tử Đại Pháp nữa. Trong lòng vô cùng hối hận, tôi nói với Sư phụ: “Thưa Sư phụ, con đã sai, con đã làm tổn thương đồng tu.”
Khi tôi gặp dì Lý vào tuần sau đó, tôi đã xin lỗi dì. Dì nói: “Việc này cũng giúp dì đề cao tâm tính.” Chúng tôi mỉm cười với nhau, tôi có thể cảm thấy sự gián cách giữa hai chúng tôi đã tan biến. Sự oán hận trong tôi suốt 8 năm qua giờ đã biến mất.
Trong suốt quá trình này, Sư phụ đã giúp tôi nhìn thấy chấp trước của mình và hiểu được bản chất xấu tệ của tâm oán hận. Tôi hiểu rằng các học viên không nên oán hận vì nó gây hại cho người khác và cho chính chúng ta.
Kiểm soát suy nghĩ tiêu cực
Một thời gian sau, lại xuất hiện một sự việc khác, khiến tâm thái phụ diện của tôi lập tức nổi lên. Tôi trở nên nghi ngờ, khinh thường và chỉ trích các đồng tu. Sau khi phát chính niệm và hướng nội, tôi tự nhủ: “Các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp đều là những người tốt nhất, chắc chắn vấn đề nằm ở bản thân tôi. Những suy nghĩ này không phải của tôi, cần bài xích chúng, không được mang tâm thái như vậy đối đãi với các đồng tu, tôi là sinh mệnh cấu thành từ Chân-Thiện-Nhẫn.
Lúc này tôi mới phát hiện ra rằng, đây là thói quen phán đoán sự việc đã hình thành trường kỳ trong tôi, mỗi khi gặp vấn đề đều dùng quan niệm hình thành hậu thiên để suy xét, bình luận, sau đó mới dùng Đại Pháp để đo lường, như vậy hoàn toàn không đúng. Tôi liền quy chính và khắc chế bản thân từng chút một trong Đại Pháp. Tôi thấy rằng, khi dùng Đại Pháp để quy chính những chấp trước bề mặt, trong khi chưa ý thức được một cách triệt để vấn đề căn bản hay quan niệm cố hữu, thì đôi khi ác niệm vẫn sẽ nổi lên.
Tôi ngộ ra rằng đây là vấn đề căn bản của tôi. Sau này mỗi khi gặp vấn đề, niệm đầu tiên của tôi nhất định phải là từ bi, thiện ý, dùng Pháp để đo lường, làm một đệ tử Đại Pháp khiêm nhường, không được đánh giá người khác một cách ác ý, dương dương tự đắc khinh thường người khác. Đây là một loại ác niệm hình thành từ văn hóa đảng, là điều mà người tu luyện nhất định phải tu bỏ. Sau khi đã minh bạch Pháp lý, cần có một quá trình thực tu. Tôi nhất định sẽ luôn dùng tiêu chuẩn này để yêu cầu bản thân, quy chính bản thân, tinh tấn thực tu.
Đây là những hiểu biết của tôi ở tầng thứ hiện tại. Xin hãy chỉ ra bất kỳ điều gì chưa phù hợp.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/15/479690.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/20/219591.html
Đăng ngày 06-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.