Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-08-2024] Năm 1994, tôi có cơ duyên được nghe Sư phụ giảng Pháp, từ đó tôi bắt đầu học Pháp, luyện công. Phải mất một thời gian dài tôi mới đề cao trạng thái tu luyện của mình, từ nhận thức cảm tính về Pháp sang nhận thức lý tính. Tôi không biết tận dụng thời gian để tu luyện, cảm thấy thật hổ thẹn với sự cứu độ từ bi của Sư tôn. Quá trình tu luyện của tôi đúng là một quá trình lột bỏ từng lớp chấp trước và vật chất bất hảo.

Tôi từng luôn nghĩ mình là một người tốt và không có nhiều suy nghĩ xấu. Tuy nhiên, trong quá trình học Pháp tu luyện, tôi phát hiện ra mình có nhiều chấp trước vi tế cùng lối tư duy văn hóa Đảng. Tôi còn rất nhiều điều không tốt cần cải thiện.

Thông qua việc đọc sách Chuyển Pháp Luân, các bài giảng của Sư phụ ở các nơi và các bài chia sẻ tâm đắc thể hội của đồng tu trên trang web Minh Huệ, dần dần tôi có được thể ngộ mới và Sư phụ đã khai thị cho tôi nhiều nội hàm của Pháp. Giờ đây, tôi đã học được cách tìm ra chấp trước từ mọi điều nhỏ nhặt xảy ra trong cuộc sống hàng ngày dựa trên Pháp. Khi gặp phiền toái, trước tiên tôi sẽ tìm xem mình đã sai ở đâu, liệu mình có chỗ nào lệch khỏi Pháp không. Không phải lúc nào tôi cũng tìm ra, nhưng đôi khi tôi có thể ngộ ra những Pháp lý. Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là thực tu: Tôi cần phải hướng nội trong mọi tình huống xảy ra và tu khứ tất cả những tư tưởng, suy nghĩ và cảm xúc của người thường.

Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm tu luyện gần đây của mình.

Tu khứ tâm ích kỷ (rao giảng và chấn chỉnh người nhà theo ý mình)

Công việc hàng ngày ở nhà khiến tôi bận luôn chân luôn tay. Lúc con nhỏ, tôi bận rộn với việc học hành và lo cho cuộc sống tương lai của con, điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Tôi vui vẻ và chăm lo không biết mệt mỏi cho mọi nhu cầu của gia đình. Ngay cả những vấn đề của nhà mẹ đẻ cũng trở thành vấn đề của tôi. Tôi luôn cảm thấy mình có năng lực và làm rất tốt vai trò của một người con hiếu thảo, một người mẹ hiền, và một người vợ đảm. Tôi cảm thấy mình thật hào phóng, có tinh thần trọng nghĩa, thích bênh vực kẻ yếu và đấu tranh chống lại sự bất công.

Tuy nhiên, sau khi tu luyện, chiểu theo Pháp, tôi phát hiện những công sức mà mình bỏ ra đều không thật sự có ý nghĩa. Con gái tôi đã lớn và có cuộc sống riêng của nó. Dù không dám nói ra, nhưng sự “quan tâm, yêu thương” quá mức của tôi lại trở thành gánh nặng cho con. Hơn nữa, thái độ áp đặt của tôi đã tước đi khả năng suy nghĩ độc lập của con bé.

Tôi có thói quen rao giảng, áp đặt người khác phải theo quan điểm của mình và rất hay cằn nhằn về người khác. Tôi cũng thường nói với chồng rằng anh phải làm thế này, anh phải làm thế kia, anh làm điều này là sai rồi, làm điều kia là không tốt rồi. Tôi tưởng rằng tất cả những điều mình nói đều là vì lợi ích của đối phương, rằng chúng tôi là người một nhà và tôi chỉ muốn tốt cho anh ấy, nhưng anh ấy thường tỏ ra mất kiên nhẫn và nói, “Em hãy lo việc của mình trước đi!” Tôi cảm thấy anh ấy có ngộ tính thấp.

Những suy nghĩ đó của tôi, kỳ thực là do tôi thiếu tôn trọng cảm xúc của người khác. Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình. Ngay cả khi chúng ta tin rằng điều gì đó là đúng theo Pháp, thì người khác cũng cần có một quá trình để nhận thức về nó. Huống hồ, là một người đang tu luyện, làm sao tôi có thể chắc chắn mình đúng? Vậy mà tôi cứ muốn người khác đồng tình với mình, thậm chí tôi còn rao giảng lý lẽ ép buộc họ. Nói thẳng ra, tôi cho rằng nhận thức của mình cao hơn họ. Tôi đã phớt lờ những tâm chấp trước của mình như tâm hiển thị, tâm truy cầu và tâm muốn kiểm soát.

Tôi muốn sắp xếp cuộc sống của người khác theo nhận thức tại cảnh giới hiện tại của tôi, vốn không phải là chân lý tuyệt đối. Mỗi người đều có vận mệnh của mình. Đây chẳng phải là biểu hiện của văn hóa Đảng sao? Tại sao người khác phải làm theo tôi chứ?

Tu khứ chấp trước phán xét người khác

Có lần, con gái tôi chỉ vào một chiếc ô tô phía trước và hỏi: “Mẹ ơi, mẹ thấy chiếc ô tô đó có đẹp không?”

Tôi nói không chút mảy may suy nghĩ: “Xấu lắm, mẹ không thích phần đầu của nó!”

Con gái tôi cười nói: “Mẹ hãy qua xem xe của bọn con này”.

Chiếc xe mà chúng tôi đi là của bạn trai con gái tôi, giống mẫu xe mà con gái tôi vừa chỉ. Bạn trai của con bé ngồi bên chỉ biết im lặng mỉm cười.

Sau đó, tôi hướng nội và nhận ra rằng chẳng phải tôi đã phán xét người khác dựa trên ý kiến ​​cá nhân sao? May mắn thay, chàng trai trẻ không tức giận. Lời nói của tôi đã bộc lộ chấp trước phán xét người khác một cách vô lý theo sở thích cá nhân. Sư phụ đã dùng lời của con gái để điểm ngộ cho tôi! Cái tâm cho mình là đúng vẫn chưa được trừ bỏ hoàn toàn, và tôi cũng nhận ra mình đã không tu khẩu.

Một lần khác, tôi thấy một khẩu hiệu quảng cáo bằng tiếng Anh và nói với bọn trẻ. Chúng cười nhạo vì cho rằng tôi đọc sai. Tôi có chút ấm ức, nhìn lại biển quảng cáo đó và nghĩ mình đọc đúng. Tôi khăng khăng nói với bọn trẻ rằng tôi nói đúng và bảo chúng kiểm tra lại xem. Bạn trai của con gái tôi đã tìm kiếm cụm từ quảng cáo đó trên điện thoại di động và chỉ ra rằng tôi đã nhầm. Thì ra tôi đọc sai một chữ cái. Tôi liền thừa nhận lỗi sai của mình nhưng tỏ vẻ rằng nhìn thấy chưa chắc đã đúng. Tôi biết đó là do tôi vẫn muốn chứng minh mình đúng.

Tôi là người sống nội tâm và nhút nhát từ khi còn nhỏ, vì vậy tôi có thói quen dè dặt khi làm việc. Ở cơ quan, tôi chỉ thường bắt chước, rập khuôn chứ không sáng tạo. Trước khi tu luyện, tôi làm gì cũng thận trọng từng bước. Khi gặp mâu thuẫn, tôi luôn đắn đo giữa lợi ích và rủi ro, thường nghĩ quá nhiều và ngày càng trở nên tư lợi, không dám làm những việc mình muốn.

Gần đây tôi thường phải đứng trước sự lựa chọn. Bây giờ lựa chọn của tôi dựa trên Pháp, tôi nghĩ xem liệu vấn đề đó có ảnh hưởng đến tôi làm ba việc hay không. Chúng ta đến thế gian này để tu luyện bản thân và trợ Sư chính Pháp. Mọi thứ đều xoay quanh trọng tâm này. Bất cứ điều gì can nhiễu việc chứng thực Pháp của tôi đều không đúng. Bằng cách này, tôi dần trở nên sáng suốt hơn khi đối mặt với mâu thuẫn và tôi biết mình nên làm gì.

Sư phụ giảng,

“Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì. Do đó chư vị luyện công cần theo tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn cao hơn nữa mà yêu cầu bản thân.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Khi chiểu theo Pháp, tôi phát hiện bản thân có tâm chê trách người khác, tâm không hài lòng người khác, tâm giận dữ người khác, tâm ỷ lại người khác, tâm lười biếng, tâm lợi ích và tâm sợ hãi.

Sau khi tìm ra những nhân tâm này, tôi đã chú ý đến chúng và nhắc nhở bản thân phải dần dần buông bỏ chúng. Khi nội tâm tĩnh lại, tôi có thể giải quyết mọi việc với một thái độ chân thành, cởi mở. Tôi không còn bị dẫn động bởi những được mất về lợi ích nữa. Mọi thứ giờ đây diễn ra ổn thỏa, mối quan hệ giữa tôi với những người thân trở nên thuận hòa hơn.

Trên con đường tu luyện của mình, tôi có rất nhiều cảm ngộ và vẫn còn nhiều nhân tâm cần tu bỏ. Trong quá trình buông bỏ đó, Sư phụ luôn điểm hóa và gia trì cho đệ tử.

Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi vĩ đại!

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/16/480862.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/14/219950.html

Đăng ngày 29-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share