Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Bắc Mỹ

[MINH HUỆ 12-09-2024] Tôi lớn lên ở một vùng nông thôn Trung Quốc, người dân nơi đó sống chất phác và thật thà, suy nghĩ của tôi cũng giản đơn như họ. Từ nhỏ tôi vốn là người nhạy cảm, tốt bụng, hiếu thảo và lễ phép, nên tôi “nổi tiếng” là đứa con ngoan trong gia đình và cả dòng họ của mình. Tất nhiên, điều gì cũng có hai mặt – vì quen nghe những lời tán dương nên tôi trở thành háo danh và tâm tranh đấu của tôi rất mạnh, tôi không chịu được thất bại mà chỉ luôn muốn đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi.

Sau này vì bố tôi không ủng hộ việc học nên tôi đã bỏ học năm 16 tuổi và lên thành phố đi làm trong một khu buôn bán sầm uất. Môi trường nơi thành phố rất phức tạp. Những người buôn bán đều mưu mô, đấu đá, thậm chí tranh giành nhau chỉ vì một chút lợi nhỏ.

Tôi từ quê lên thành phố, như thể trên mặt dán chữ “nông thôn”, người ta chỉ nhìn thoáng qua là biết tôi người nhà quê nên tôi thường xuyên bị bắt nạt bởi họ cho rằng tôi ngờ nghệch. Bọn họ đa phần đều đạo đức giả. Các chuẩn mực xã hội nơi đây khác một trời một vực với vùng quê của tôi. Ở thành phố, mọi người tỏ ra thông minh, tinh tế và trí tuệ cảm xúc cao. Họ không chân thành với nhau – bề ngoài họ có thể nói điều gì đó tốt đẹp về bạn nhưng trong lòng lại nguyền rủa bạn. Người ta có thể đang trò chuyện vui vẻ trong một nhóm nhỏ, nghe mọi người nói những lời tán dương nhau, nhưng ngay khi một người rời đi, những người còn lại sẽ nói một loạt lời lẽ xúc phạm và kể đủ thứ chuyện tai tiếng về người đó.

Cách cư xử của người thành phố hoàn toàn trái ngược với quan điểm sống của tôi trước đây, bởi lẽ từ nhỏ tôi đã được dạy là “Lúc ngồi một mình thì nên suy xét xem mình có sai trái gì không; lúc trò chuyện thì đừng nhắc đến lỗi của người vắng mặt, không bàn về cái xấu của người khác”. Ngay cả ở quê nhà, tôi cũng không bao giờ thích nghe phụ nữ tụm lại buôn chuyện.

Lúc đầu, tôi rất khó thích nghi với hoàn cảnh xung quanh, tôi luôn cảm thấy mình lạc lõng với họ. Dù ở cùng chỗ với họ nhưng tôi cảm thấy mình khác xa họ.

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào cuối năm 1998, không lâu sau khi tôi đến thành phố này. Hàng ngày, tôi học Pháp, luyện công và cảm thấy rất hạnh phúc ngay cả khi bầu không khí xung quanh tôi không lành mạnh. Tuy nhiên, tất cả những điều này đã thay đổi sau ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động bức hại trên toàn quốc đối với môn tu luyện. Mọi thứ đảo lộn trong chớp mắt, và tôi đột nhiên mất đi môi trường tu luyện mà tôi vô cùng trân quý.

Tôi vừa đi học vừa đi làm để kiếm tiền trang trải ăn học, vì vậy lịch trình của tôi vô cùng bận rộn. Dần dần, tôi trở nên buông lơi tu luyện và các chấp trước của tôi dần nổi lên mạnh mẽ.

Tâm tranh đấu và hiếu thắng trong tôi bắt đầu trỗi dậy mạnh hơn. Tôi không muốn bị người thành phố bắt nạt và coi thường nữa, vì vậy tôi cũng bắt đầu học cách khôn khéo, hiểu đời, và đoán ý qua lời nói và sắc mặt của người khác. Con người ngày nay phức tạp đến mức không nói thẳng ra bất cứ điều gì, bạn phải tự suy diễn xem có bao nhiêu tầng hàm nghĩa đằng sau câu nói của họ, bạn phải đoán xem ý tứ của họ là gì. Mọi người đều sống trong cảnh giác, bất an và sống một cách rất mệt mỏi. Người ta hao tâm tổn sức vào việc đó, và tôi cũng mở rộng cửa cho những thứ dơ bẩn này tiến nhập vào đầu, bởi tôi không muốn yếu thế, không muốn thất bại trước họ.

Mấy năm sau đó tôi bắt đầu ra mở kinh doanh riêng, những chuyện làm ăn phức tạp chất đầy trong đầu tôi. Tôi học cách kinh doanh như mọi người, đạt được những lợi ích mà người thường muốn, nhưng lương tâm tôi cắn rứt, trong tâm tôi rất nhớ cuộc sống bình dị ở nông thôn.

Sư phụ giảng:

“Trong mắt Sư phụ, từng tư từng niệm của chư vị, từng cử động của chư vị, tôi đều từ đó nhìn ra được cái tâm của chư vị là thế nào. Tôi không hài lòng nhất là với những ai chỉ biết nói, chứ không đi làm, tôi cũng không hài lòng với những ai giảo hoạt. Tôi hài lòng với những ai thuần phác, thiết thực chắc chắn. Cũng mong mọi người trong nhiều năm tu luyện ấy, tăng cường trí huệ từ phương diện ‘chính’, không nên thu hoạch quá nhiều về mặt xử thế và trên phương diện làm người.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010”)

Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy Sư phụ đang nói về tôi. Tôi đã không “tăng cường trí huệ ở phía chính diện” mà lại học rất nhiều sự giảo hoạt trong “đối nhân xử thế làm người”. Tôi muốn trở thành một đệ tử Đại Pháp mà Sư phụ hài lòng, một người “thuần phác, thiết thực chắc chắn”. Nhưng “từ tằn tiện đến xa hoa thì dễ, từ xa hoa đến tằn tiện mới khó”, học cái xấu thì dễ, học cái tốt thật khó. Song, tôi vẫn quyết tâm trở thành một đệ tử Đại Pháp kiên định, thuần phác và thiết thực như Sư phụ mong muốn.

Dần dần, tôi nhận thấy đầu óc của mình không còn minh mẫn như trước và phản ứng của tôi cũng chậm hơn, tôi cảm thấy như thể một phần não của mình bị tê liệt và ngưng hoạt động.

Sư phụ giảng:

“Tôi còn muốn bảo chư vị rằng đây là một hiện tượng vô cùng tốt. Vì sao nói là hiện tượng vô cùng tốt? Tôi bảo chư vị rằng, trong chốn người thường thì bộ não phản ứng vô cùng nhạy bén, vì để duy hộ cho lợi ích bản thân khỏi bị tổn thất, tại phương diện này tư tưởng phản ứng vô cùng nhanh, hơn nữa sức nhớ lại tốt nữa. Nói cách khác, bộ phận não mà chư vị động này thì không tốt, cũng chính là nó sẽ tạo nghiệp, [nó đã] quá phát triển rồi, can nhiễu chư vị tu luyện. Vậy làm sao đây? Chúng tôi chọn dùng một biện pháp, trước tiên ức chế bộ phận não này của chư vị lại, nói cách khác chính là đầu tiên khóa nó lại, điều chỉnh xong, thay thế nó bằng bộ phận tư tưởng mà có thể tư duy như người tu luyện, khiến bộ phận tư tưởng này phát triển lên. Sau đó điều chỉnh xong bộ phận gian hoạt ấy, lại nới nó ra từ từ, lúc đó chư vị đã có thể giữ vững bản thân rồi.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998]”)

Tôi hiểu ra rằng Sư phụ đang ức chế và điều chỉnh phần não không tốt của tôi.

Trong khoảng thời gian đó, tôi cũng trở nên đặc biệt nhạy cảm và có thể biết được cảm xúc hỉ nộ ái ố của người khác ngay khi họ đến gần tôi. Mọi cảm xúc tức giận, buồn phiền hay vui vẻ của họ đều ảnh hưởng lớn đến tôi. Bị can nhiễu bởi cảm xúc của người khác khiến tôi khó giữ được bình tĩnh. Tôi cảm thấy những điều này đã can nhiễu nghiêm trọng đến trạng thái tu luyện của mình. Vì vậy, tôi đã cầu xin Sư phụ bảo hộ tôi khỏi những điều đó. Từ đó trở đi, tôi không còn cảm nhận được những gì trong tâm trí của người khác nữa, và trạng thái tu luyện của tôi trở nên tĩnh tại hơn rất nhiều.

Kỷ niệm là gánh nặng

Có lần tôi thấy mình đang bay lên trời, nhưng có hai vật nặng buộc vào chân kéo tôi xuống. Quan sát kỹ tôi phát hiện bên trong những vật nặng đó chứa đầy kỷ niệm. Thì ra kỷ niệm chính là gánh nặng, là hành lý cản trở bước chân chúng ta trở về thiên quốc. Vì vậy, tôi không còn muốn chụp ảnh nữa, tôi lưu tất cả các bức ảnh quá khứ của mình vào đĩa, xóa khỏi điện thoại và chỉ tìm lại khi cần. Tôi ngừng xem lại ảnh cũ hoặc nhớ lại những kỷ niệm trước kia. Bằng cách này, tôi cảm giác trường không gian của mình trở nên thuần tịnh hơn nhiều.

Trường không gian não bộ của tôi cũng thuần tịnh hơn. Tôi còn dựng một bức tường phía sau lưng, để nó ngăn cách tôi với những gì đã xảy ra trong quá khứ, và kết quả là đầu óc tôi thường trong trạng thái trống không, không có gì trong đó. Tôi rất thích trạng thái này. Tôi không muốn cho bất cứ thứ gì vào đầu mà chỉ muốn đào xới lên tất cả những gì bên trong và quẳng chúng đi.

Nhưng có một vấn đề, là trí nhớ của tôi trở nên rất tệ, vì nó không lưu giữ bất cứ thứ gì, nên điều gì cũng không nhớ được. Tôi đã xem xét nơi lưu trữ ký ức của mình và thấy không còn gì nữa, chỉ còn lại một phân xưởng sản xuất trống trơn. Ký ức của tôi từng được lưu trữ ở đó và cách chúng được lưu trữ giống như màn hình chiếu phim, nhưng bây giờ tất cả đều là hư không.

Sư phụ cũng giảng:

“Nếu yêu cầu tôi giảng, thì đại não con người với hình thức trong không gian vật chất này của chúng ta, nó chỉ là một [nhà máy] công xưởng gia công.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi thấy bộ não thực sự là một nhà máy gia công, bên trong có nhiều phân xưởng sản xuất ra những thứ khác nhau. Khi nguyên liệu thô đến, chúng sẽ đi vào những phân xưởng khác nhau. Bởi con người ngày nay chỉ làm theo quán tính, bèn ném tất cả nguyên liệu vào ngay phân xưởng đầu tiên, là phân xưởng phức tạp nhất và dơ bẩn nhất trong tất cả. Kết quả là, ngay cả những nguyên liệu tốt nhất sau khi sản xuất ở phân xưởng này cũng sẽ biến thành một thứ rất phức tạp, dơ bẩn và giảo hoạt. Vì vậy Sư phụ đã phong bế những phân xưởng không tốt trong đầu tôi để điều chỉnh cho tôi.

Ví như, có mười phân xưởng, thì bắt đầu là phân xưởng xấu nhất, tối tăm nhất và dơ bẩn nhất, rồi đến những phân xưởng tốt hơn một chút và cứ thế tốt dần lên. Phân xưởng cuối cùng, phân xưởng thứ mười sẽ là đơn giản nhất, thuần tịnh nhất, lý trí nhất và có khả năng đồng hóa với Pháp nhất. Sở dĩ sắp xếp theo trình tự như vậy là vì con người ngày nay về cơ bản đều chọn ngay phân xưởng đầu tiên xấu nhất, dơ bẩn nhất, kém phát triển nhất để xử lý nguyên liệu thô đến.

Trong “Giảng Pháp tại thủ đô Mỹ quốc”, Sư phụ giảng:

“Thực ra bất kể cá nhân chư vị thông minh thế nào, giảo hoạt ra sao, thì kết cục cũng như thế. Bảo người này thật ngốc, chư vị cho rằng họ thật ngốc, họ thật đơn thuần, người kia thật giảo hoạt, bất kể chư vị bước đi như thế nào trên con đường nhân sinh này, thì kết cục cũng như thế thôi; nhất định không phải vì sự giảo hoạt của con người mà phát sinh biến hoá nào cả, cũng nhất định không phải vì họ đơn thuần mà có thay đổi gì. Giảo hoạt chỉ có thể khiến tự mình trở nên xấu đi, khi tạo nghiệp lại càng khiến người ta trượt xuống; hoàn cảnh chung quanh và bản thân sau khi trở nên căng thẳng sẽ khiến nhân tâm trở nên phức tạp hơn, tư tưởng phức tạp hơn chỉ có thể biến bản thân trở nên xấu tệ hơn thôi.” (Giảng Pháp tại thủ đô Mỹ quốc [2007])

Khi học Pháp, tất cả chúng ta đều biết một Pháp lý là nếu tôi đá anh một cú, tôi sẽ cấp cho anh một khối đức; nếu anh không chịu mà đá lại tôi, một phần đức của anh sẽ quay trở lại chỗ tôi, cả hai chúng ta đều không được hay mất gì cả. Tuy nhiên, hai chúng ta ai cũng bị đá và rốt cuộc cả hai đều bị đau. Thử hỏi làm như vậy có ích gì? Đó chẳng phải là ngốc sao? Vì vậy, khi con người làm điều xấu, họ thật sự ngốc, họ không hề nhận được gì ngoài việc tạo thêm nghiệp lực cho chính mình.

Tôi muốn quay trở về bản tính tiên thiên thuần chân của mình, nhưng bản tính thuần chân ấy rốt cuộc là như thế nào? Tôi không biết. Nhưng khi tôi quan sát những đứa trẻ chỉ mới vài tuổi, chúng nhìn tôi bằng đôi mắt to trong sáng và ngây thơ. Chúng là đơn giản nhất, bộc trực nhất và thuần phác nhất, không hề có một suy nghĩ và hành vi phức tạp nào như người lớn, cũng rất dễ tin người, vậy mà chúng ta lại thường cho rằng chúng thật ngốc.

Có người có thể nói, “Anh chẳng phải là ngốc khi nghĩ theo cách này sao? Anh thậm chí còn không hiểu lời người khác nói là có ý gì”. Họ có lý của họ, nhưng tôi chọn không nghĩ những điều phức tạp. Theo tôi nhìn nhận, cách tôi đối xử với bạn và cách bạn đối xử với tôi thực ra là hai chuyện không liên quan gì đến nhau. Cách bạn đối xử với tôi phản ánh cảnh giới tâm tính của bạn, còn cách tôi đối xử với bạn phản ánh cảnh giới tâm tính của tôi. Lòng từ bi của Thần Phật là bất biến. Sáng Thế Chủ sẽ không thay đổi cách Ngài đối xử với con người bất kể con người đối xử với Ngài như thế nào.

Cho dù con người có bất hảo đến mức nào hay có công kích chúng ta như thế nào đi nữa, Sư phụ vẫn yêu cầu chúng ta ứng xử như trong bài viết “Kinh Tỉnh” gần đây của Ngài:

“Làm được đến mức đối với ai cũng đều từ bi, đối với ai cũng đều yêu thương, thực sự không phải là việc một người bình thường có thể làm được, đặc biệt là làm việc gì cũng luôn mang theo tâm từ bi với chúng sinh mà làm thì lại càng khó. Thế nhưng đệ tử Đại Pháp nhất định cần phải làm được!” (Kinh Tỉnh)

Sư phụ giảng cho chúng ta rằng, trong hoàn cảnh phức tạp ngày nay, chúng ta phải hành xử theo Phật tính, chứ không phải thuận theo tư tưởng con người; mang phong thái của Thần tái hiện nơi nhân gian, dùng Pháp chính lại nhân gian.

Những điều trên đây chỉ là thể ngộ cá nhân của tôi ở tầng thứ sở tại. Xin vui lòng chỉ ra nếu có điều gì không phù hợp. Xin cảm ơn các quý đồng tu.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/12/482042.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/24/220996.html

Đăng ngày 11-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share