Bài viết của Linh Chi, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-08-2024] Pháp hội Trung Quốc trên Minh Huệ là một hình thức tu luyện do Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, ban cấp và an bài cho các đệ tử. Đó là cơ duyên tuyệt vời cho chúng tôi học hỏi lẫn nhau và cùng nhau đề cao. Sự kiện này cũng giúp cho chúng tôi hướng nội để có được các thể ngộ sâu sắc hơn về Pháp. Ngoài ra, việc viết bài cũng là một quá trình để đề cao tâm tính và chứng thực Pháp. Tôi xin chia sẻ một số trải nghiệm tu luyện của bản thân trong quá trình chỉnh sửa các bài chia sẻ cho Pháp hội.

An bài của Sư phụ

Tôi nhớ rõ lần đầu tiên tôi viết bài cho Pháp hội Trung Quốc là Pháp hội lần thứ 7 vào năm 2010. Sau khi viết xong bản thảo, tôi mang đến cho một đồng tu lâu năm góp ý cho tôi. Cô ấy đã thiện ý chỉ ra tâm tranh đấu của tôi khi tôi giảng chân tướng cho người thân trong gia đình, điều mà tôi đã không nhắc đến trong bài viết của mình. Để cho tôi thấy điều đó nghiêm trọng đến thế nào, cô ấy đã kể cho tôi câu chuyện của học viên Trương trong vùng chúng tôi.

Một hôm đúng vào bữa ăn, cô Trương đã cố gắng thuyết phục chồng và con trai cô thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó. Cả hai người đều là đảng viên ĐCSTQ, và cô có nói thế nào cả hai cũng không nghe, cuối cùng thành to tiếng. Cô Trương nổi giận và lật đổ bàn ăn. Thức ăn vương vãi trên sàn, toàn bộ bát đĩa cũng vỡ hết. Mấy ngày sau, cô Trương xuất hiện ma nạn lớn. Gia đình đưa cô đến bệnh viện tỉnh để cấp cứu, xuýt nữa thì cô qua đời. Sau khi nghe câu chuyện đó, tôi rất sốc và cảm nhận rõ sự nghiêm túc của tu luyện. Tôi cũng hiểu được đây chính là điểm hóa từ Sư phụ dành cho tôi để tôi trừ bỏ tâm tranh đấu.

Sau khi về đến nhà tôi đã tự vấn bản thân, và chỉnh lại bản thảo. Tôi rất ngạc nhiên là bài viết đó đã được chọn đăng. Lúc đó, tôi tự nhắc bản thân phải khiêm tốn và đừng có cao hứng.

Từ đó trở đi, năm nào tôi cũng gửi bài cho Pháp hội Trung Quốc trên Minh Huệ. Tôi còn khích lệ một số đồng tu địa phương cùng làm như thế. Từ năm 2012, một đồng tu trẻ bắt đầu gửi các bài chia sẻ, mỗi năm một đến hai bài. Kỹ năng viết và tâm tính cô ấy đề cao rất nhanh. Một số bài của cô đã được chọn đăng.

Thời gian trôi qua, các đồng tu bắt đầu đề nghị tôi sửa giúp các bản thảo của họ rồi đánh máy cho họ (hầu hết họ không quen với các kỹ năng máy tính và đều viết tay). Sau khi làm xong, tôi sẽ chuyển những bài đó cho các đồng tu khác để rà soát thêm trước khi gửi lên Minh Huệ. Chúng tôi không hữu ý sắp xếp gì, nhưng mọi việc luôn diễn ra rất suôn sẻ.

Điều kỳ diệu nữa là lúc đó cháu ngoại tôi mới lên hai, tôi và bà thông gia phải luân phiên đến nhà con gái tôi để chăm cháu bé. Tôi đảm nhiệm sáu tháng, và bà thông gia đảm nhiệm sáu tháng còn lại. Mỗi khi chúng tôi chuẩn bị cho Pháp hội Trung Quốc trên Minh Huệ, thì đều đến lượt bà thông gia của tôi chăm cháu. Tôi biết đó là sự an bài cẩn mật của Sư phụ và tôi vô cùng biết ơn Ngài.

Năm 2021, một đồng tu 84 tuổi đã gửi bài cho Pháp hội Trung Quốc lần thứ 18. Câu chuyện của bà rất cảm động. Bà chưa bao giờ được đến trường và mù chữ. Nhưng nhờ sự cứu độ của Sư phụ và sự giúp đỡ từ các đồng tu, bà đã đọc được toàn bộ sách Đại Pháp. Ngoài ra, bà rất kiên định, mặc dù đã 84 tuổi, nhưng hàng ngày bà vẫn ra ngoài để nói chuyện với mọi người về Đại Pháp, và giúp mọi người thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ. Từ năm 2020, chồng bà phải nằm liệt giường do bệnh tiểu đường, và bà phải chăm ông vì không người con nào sống cùng với họ. Điều đó có nghĩa là bà cần giúp ông mọi việc, từ đi vệ sinh, tắm rửa, mặc quần áo đến nấu ăn, giặt giũ, và đủ loại việc nhà khác. Mặc dù vậy, bà chưa bao giờ trì hoãn làm ba việc. Tuy tuổi cao nhưng tai bà rất thính, lưng bà vẫn thẳng, bà bước đi nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng. Đây đều là ân điển từ Đại Pháp. Bài viết của bà đã được ban biên tập Minh Huệ biên tập và đăng tải.

Một lần, sau thời hạn nộp bài cho Minh Huệ, khi đả tọa, thông qua thiên mục của mình, tôi đã nhìn thấy các bài viết cho Pháp hội Trung Quốc được trưng bày từng hàng từng hàng, như thể chúng được đưa lên màn hình chiếu phim, các đoạn văn từ từ chuyển động lên trên, từng hàng từng hàng. Có vẻ như các bài viết này được lưu lại trong vũ trụ. Sư phụ đọc chúng và các sinh mệnh cao tầng trong các thế giới thiên quốc cũng đọc chúng. Là đệ tử Đại Pháp, chúng ta nên đối đãi sự kiện này một cách nghiêm túc và tham gia với tâm thuần tịnh và tôn kính.

Các học viên Đại Pháp là một chỉnh thể

Một học viên đã viết rằng Minh Huệ giống như một nhóm học Pháp lớn còn một học viên khác thì viết Minh Huệ giống như một gia đình chung của chúng ta. Tôi cũng có cảm giác như vậy bởi vì tôi thể ngộ rằng Minh Huệ đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối các học viên.

Sư phụ giảng:

“Hãy học Pháp nhiều vào, hãy đọc những bài viết giữa các học viên đăng trên Minh Huệ Net lẫn nhau, thật sự rất tốt, quả thực rất thành thục, có những bài viết rất tốt, hãy đối chiếu đối chiếu xem chư vị rốt cuộc là sai kém ở đâu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005)

Lần nào sau khi một bài do tôi chỉnh sửa được đăng, tôi đều so sánh bài đăng với bản sửa của mình, để đối chiếu xem các biên tập viên đã thay đổi những gì. Điều này rất quan trọng giúp tôi viết bài được khúc chiết và mạch lạc.

Ví dụ, tiêu đề của một bài viết từng là “Thoát khỏi đồn công an trong hai giờ đồng hồ”. Ban biên tập đã chỉnh sửa thành “Bước ra khỏi đồn công an trong hai giờ đồng hồ”. Chỉ thay đổi một từ, nhưng như thế mới chuẩn xác. Quả thực là đồng tu đó cần có dũng khí và chính niệm để trấn nhiếp tà ác trong đồn cảnh sát.

Đến Pháp hội Trung Quốc lần thứ 18 vào năm 2021, tôi đã gửi bài đi vào nửa đêm ngày 14 tháng 9. Trước đó, chiều ngày 11 tháng 9, có một đồng tu đã chuyển cho tôi thêm ba bài nữa. Tôi chọn ra một bài viết tương đối tốt và nhờ một đồng tu trẻ đánh máy giúp. Một trong hai bài còn lại viết khá kém. Có nhiều lỗi chính tả và câu từ có phần lộn xộn. Ngoài ra, có một số từ tác giả không biết viết đã dùng biểu tượng hoặc hình vẽ để biểu đạt.

Tôi nhớ trong một bài viết có một học viên đã thức đến 3 giờ sáng để hoàn thành bảy bài chia sẻ trước hạn gửi bài. Tinh thần đó của đồng tu đã truyền cảm hứng cho tôi và khích lệ tôi. Tôi đã tiếp tục làm việc đến 1 giờ sáng. 3 giờ 30 tôi dậy luyện công như thường lệ mà không thấy buồn ngủ hay mệt mỏi chút nào. Tôi biết Sư phụ đã giúp mình.

Trong số các bài viết có bài của đồng tu A, bà bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1997 và nhanh chóng khỏi tất cả các bệnh nghiêm trọng. Sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Đại Pháp vào năm 1999, bà đã bị bắt bốn lần và bị giam 18 tháng trong trại lao động. “Vì sợ hãi, tôi đã không nói cho đám lính canh trong trại về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã rất tiếc nuối về điều này”, bà nhớ lại. “Rồi tôi đọc được một số bài chia sẻ trên Minh Huệ trong đó các học viên đã dũng cảm nói về Đại Pháp cho các cảnh sát đến sách nhiễu họ. Tôi nghĩ, ‘Nếu cảnh sát đến sách nhiễu mình, mình cũng sẽ làm như thế’. Với niệm đầu này, trong tháng 5, cảnh sát đã đến gặp tôi. Nhân cơ hội này, tôi đã giảng chân tướng cho họ để bù đắp cho sai lầm của tôi trước đây”.

Để làm rõ một số chi tiết, tôi đã đến thăm đồng tu A hai lần, và chúng tôi đã gửi bài đúng hạn.

Vượt qua những thống khổ thể chất

Các học viên đã viết các câu chuyện về nhiều khía cạnh trong tu luyện của họ. Một số chia sẻ họ đã vượt qua những thống khổ thể chất như thế nào, mà đó vốn là những khảo nghiệm lớn nhất trên con đường tu luyện của chúng ta. Tôi xin chia sẻ một vài điều về vấn đề này.

Đồng tu B, 77 tuổi, sống ở nông thôn và bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1997. Bà ấy là đệ tử Đại Pháp duy nhất trong vùng. Mỗi lần đi học Pháp nhóm, bà phải đi xe buýt liên tuyến quãng đường 15 km trong vài giờ đồng hồ. “Nhưng rất đáng để làm như vậy”, bà nói. Mỗi lần, bà lại mang đến một danh sách tên những người muốn thoái ĐCSTQ, và mang tài liệu chân tướng về để phân phát.

Một hôm, đồng tu B đột nhiên thấy đau ở hàm dưới bên trái, ăn uống lại càng đau. Bà phát hiện có nhiều cục hạch kích thước khác nhau, có cục to như quả trứng. Niệm đầu tiên bà nghĩ đến là người tu chân chính thì không có bệnh, bà tiếp tục học Pháp, luyện công, phát chính niệm, và ra ngoài nói với mọi người về Đại Pháp như thường lệ. Bà cũng cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Sáu tháng sau, những triệu chứng này đã biến mất.

Thể ngộ của bà là, “Mỗi quan nghiệp bệnh là một khảo nghiệm sinh tử. Chỉ cần chúng ta có tín tâm kiên định vào Đại Pháp và Sư phụ, và làm theo các yêu cầu của Sư phụ thì chúng ta đều có thể vượt qua”.

Một đồng tu khác, bà C, năm nay 86 tuổi. Bà sinh ra ở một vùng quê, từ nhỏ bà đã phải chịu cảnh nghèo khổ và chưa bao giờ được đến trường, nên sau khi đắc Pháp vào năm 1997, bà chỉ có thể nghe ghi âm và xem video các bài giảng của Sư phụ. Với một khát vọng mạnh mẽ và thành tâm muốn tự đọc được các sách Đại Pháp, bà đã học rất chăm chỉ, cùng với sự giúp đỡ của các đồng tu, sau sáu năm, bà đã có thể đọc được cả cuốn Chuyển Pháp Luân.

Vào giữa tháng 7 năm 2021, bà C đột nhiên cảm thấy sức ép trong đầu. Sáng hôm sau khi con trai của bà đến và nhận thấy tình trạng của bà, cậu đã đưa bà đến bệnh viện. Theo kết quả chụp CT, bác sỹ nói rằng bà đã bị một cơn đột quỵ nhẹ. Nhưng bà C không thừa nhận điều đó. Suy nghĩ rằng người tu luyện không có bệnh, bà đã ngừng truyền tĩnh mạch và mấy ngày sau bà được về nhà. Thông qua tiếp tục học Pháp và luyện công, sau mấy hôm bà đã hoàn toàn bình phục. Giờ đây ở tuổi đã ngoài 80, bà vẫn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

Sư phụ giảng:

“Chúng ta giảng rằng, tốt xấu xuất tự một niệm của người ta, sai biệt ở một niệm ấy đưa đến hậu quả khác nhau.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Chúng ta phải luôn ghi nhớ điều này.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/28/479665.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/1/219778.html

Đăng ngày 28-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share