Bài viết của Minh Nguyệt, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-03-2024] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998 khi tôi 28 tuổi. Kể từ đó, Sư phụ từ bi đã luôn bảo hộ tôi, giúp tôi đạt được những bước đột phá trong tu luyện và tìm thấy niềm hạnh phúc.

Sau khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết rằng đây chính là điều tôi đang kiếm tìm. Một đồng tu người nhà, nhưng sống ở thành phố khác, đã nói với tôi rằng: “Em nên học Pháp nhiều hơn”. Hồi đó tôi trong trạng thái độc tu. Phải đến tận năm 2003 tôi mới liên lạc được với một đồng tu địa phương. Vị đồng tu này đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong tu luyện.

Tôi đã lập được một điểm sản xuất tài liệu ngay tại nhà mình. Tuy con tôi còn nhỏ và tôi rất bận rộn với công việc, nhưng tôi tu luyện rất tinh tấn. Hầu như ngày nào tôi cũng in tài liệu giảng chân tướng, làm việc nhà như giặt giũ, nấu nướng, rồi còn chăm sóc con cái. Tôi bận luôn tay luôn chân, đến mức tôi cảm thấy lúc nào mình cũng phải chạy.

Cả hai vợ chồng tôi đều có thu nhập thấp, cuộc sống của chúng tôi rất giản dị. Trong mấy năm đó, máy in của tôi thường hay bị hỏng. Tôi đã học cách sửa nó. Không biết bao nhiêu đêm, vì sửa máy mà tôi ngủ rất ít. Nhưng ngày hôm sau tôi vẫn sinh hoạt bình thường, cũng không thấy buồn ngủ, tinh lực thực sự dồi dào. Tôi học Pháp, luyện công, tu luyện và nghiêm khắc chiểu theo nguyên lý của Đại Pháp. Trong lúc nghỉ trưa, giờ nghỉ giải lao hoặc trên xe buýt, tôi đều đọc hoặc nhẩm lại Pháp. Khi ấy, mỗi khi gặp thắc mắc gì, tôi rất khó tìm được đồng tu để chia sẻ và tôi thường tự hỏi bản thân: “Nếu một vị Thần mà gặp chuyện như vậy thì vị ấy sẽ nghĩ gì hoặc làm gì nhỉ?” Nhờ niệm đầu này mà tôi lập tức tìm ra câu trả lời.

Đối mặt với vấn đề sức khỏe

Năm 2005, một vụ tai nạn đã làm tôi bị xuất huyết. Vì chảy máu nhiều nên tôi không thể nhìn thấy mạch máu trên bàn tay mình nữa. Lúc đó, tôi quyết định phó thác mạng sống của mình cho Sư phụ.

Hàng ngày tôi vẫn đi làm như thường lệ. Tôi đi chợ, làm việc nhà và giảng chân tướng về Đại Pháp và cuộc bức hại cho mọi người. Khi đó, chỉ có mẹ tôi và một đồng tu địa phương khác biết được tình trạng của tôi, còn không một ai nhận ra tôi có điều gì đó bất ổn. Nhưng máu vẫn tiếp tục chảy, cho đến 6 giờ tối ngày thứ 21 kể từ khi sự việc xảy ra, khi phát chính niệm tôi cảm nhận được Sư phụ loại bỏ một tấm bao phủ màu đen lớn ra khỏi tôi. Sau khi phát chính niệm xong, tôi nói với mẹ tôi: “Giờ thì con ổn rồi!” Sư phụ đã ban cho tôi một mạng sống mới.

Vài ngày sau, chị tôi gọi cho tôi và nói: “Chị mơ thấy em bị chết rất thảm trong một nhà vệ sinh”. Tôi ngộ ra rằng vì tôi đã vượt qua được quan sinh tử nên tôi đã có sự đột phá trong tu luyện, Sư phụ đã ban cho tôi sinh mệnh thứ hai.

Phối hợp chỉnh thể để giải cứu đồng tu

Mẹ tôi cũng là đồng tu và bà đã bị bắt sau khi tham gia nhóm học Pháp vào năm 2016. Vì sự việc này nên tôi đã tham gia giải cứu đồng tu lần đầu tiên. Các đồng tu và người nhà tô không phải là học viên đã cùng phối hợp với nhau để yêu cầu thả mẹ tôi ra.

Khi đối diện với công an, nhân viên kiểm sát và tư pháp, tôi cảm thấy áp lực vô cùng, vì tôi chưa bao giờ đối mặt với họ. Tôi biết đây là điều mà tôi phải đối diện. Tôi phải giữ vững tâm thái của một người tu luyện và kiên D bước đi trên con đường của mình.

Ban đầu, tôi thuê một luật sư nhân quyền cho mẹ tôi. Nhưng người nhà tôi đã phản đối. Do vậy, họ không những không giúp một chút gì cho tiền thuê luật sư mà còn nói rằng vị luật sư đó lừa chúng tôi và thuê thì chỉ thêm phản tác dụng. Mặc dù tôi không dư dả tiền bạc lắm nhưng tôi cảm thấy tôi nên trả tiền cho luật sư. Qua vị luật sư đó chúng tôi có thể hiểu hơn về trường hợp của mẹ tôi và có thể liên lạc được với bà, động viên bà bảo trì chính niệm, chính hành. Nhưng tôi cũng biết rằng mình không nên ỷ lại luật sư mà cần phải đóng vai chính.

Đồng tu điều phối D bảo từng người trong gia đình tôi viết một bức thư đề tên thật để khơi dậy thiện tâm của các vị cán bộ. Tôi đặt tâm vào việc viết thư và dành hai ngày để viết. Buông bỏ tâm bảo vệ bản thân, tôi viết bằng giọng văn rất nhẹ nhàng, điều này đã phản ánh trạng thái tu luyện của tôi ở thời điểm đó.

Đồng tu D cũng tìm những văn bản, tài liệu về luật pháp cho chúng tôi tìm hiểu. Qua việc dùng luật pháp để phản bức hại, tôi hoàn toàn hiểu được tội ác mà một số Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra. Trên bề mặt, dường như là họ tuân thủ các thủ tục pháp lý, nhưng thực ra họ đã vi phạm pháp luật trên mọi phương diện. Ngoài ra, hầu hết những người làm trong hệ thống pháp luật không biết chân tướng cuộc bức hại. Một đồng tu đã giúp chúng tôi chuẩn bị một bản bào chữa để giảng chân tướng từ nhiều góc độ. Ông cũng nói rõ rằng những người phụ trách các vụ án là nạn nhân cuối cùng.

Đồng tu D còn in nhiều bản thư giảng chân tướng, tài liệu pháp luật liên quan, bản bào chữa và xếp chúng vào những tập hồ sơ khác nhau. Ở thời điểm đó, tôi không biết các kiểm sát viên và các cơ quan thực thi pháp luật có chức năng gì, họ làm gì hoặc chúng tôi sẽ giảng chân tướng như thế nào cho họ. Có quá nhiều điều tôi cần phải tìm hiểu.

Tôi kiên trì học Pháp và luyện công hàng ngày. Dạo đó tôi vẫn phải đi làm, khi tôi thường xuyên xin nghỉ phép thì sếp tôi cũng cảm thông. Tôi luôn dùng tiêu chuẩn của Đại Pháp để đo lường những niệm đầu và hành xử của mình. Trong khi làm các việc, tôi đứng trên cơ điểm ngay chính, thanh trừ tâm sợ hãi, tu khứ tình, và có tâm nguyện cứu người. Chúng tôi quyết định đưa tài liệu giảng chân tướng đến Phòng 610 của huyện.

Sáng hôm đó, khoảng 12 người gồm người nhà và các đồng tu đã tham gia giải cứu mẹ tôi. Đồng tu cao tuổi nhất đã ngoài 70 tuổi. Một đồng tu còn bế theo cháu gái mới tròn một tuổi. Tất cả chúng tôi ngồi trên ghế ở hành lang của văn phòng khiếu nại, yêu cầu nhân viên của Phòng 610 đến nhận tài liệu nhưng không ai ra tiếp chúng tôi.

Sau đó, đồng tu D dẫn chúng tôi đến cổng Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện, và nói với nhân viên bảo vệ rằng chúng tôi muốn nộp tài liệu và gặp vị Bí thư. Nhưng chờ đến trưa mà không có ai tiếp chúng tôi cả. Chúng tôi nhận thấy có nhiều nhân viên ra vào văn phòng khiếu nại. Trông họ có vẻ lo lắng khi nhìn thấy chúng tôi. Tất cả các đồng tu quyết định ở lại. Chúng tôi khích lệ lẫn nhau và lặng lẽ phát chính niệm. Đến chiều, chỉ còn lại chúng tôi và cảnh sát mặc thường phục. Nhưng chúng tôi không động tâm.

Tôi đứng dậy và nói lớn với một đồng tu rằng: “Chị có biết Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật gì gì đó đã nhảy lầu tự tử rồi không?” Chị ấy hiểu ra ý định của tôi nên đáp lại: “Chắc hẳn ông ấy đã làm gì đó khủng khiếp lắm”. Một nhân viên chạy vội ra và bảo chúng tôi rằng sẽ sớm có người ra tiếp chúng tôi.

Cuối cùng, những người ra tiếp chúng tôi đều là người của Đội An ninh Nội địa, chứ không có ai ở Phòng 610 cả. Họ nhận bộ tài liệu và kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần. Mọi người ở trong phòng chờ đều dõi mắt nhìn chúng tôi.

Tôi nói với các cảnh sát ở đó rằng: “Hiến pháp bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của người dân”. Họ im lặng và có phần xấu hổ. Người nhà tôi yêu cầu cảnh sát thả mẹ tôi và cho phép bà về nhà. Một cảnh sát nói: “Tôi có nói gì thì cũng có ý nghĩa gì đâu”. Một đồng tu bảo anh ấy rằng: “Xin đừng bức hại các học viên, điều đó không tốt cho các anh”. Vị công an bỏ ra ngoài và lái xe đi.

Đồng tu D nói: “Chúng ta sẽ đến viện kiểm sát để nộp tài liệu”. Khi chúng tôi đến nơi, chưa kịp nói gì, bảo vệ nhìn thấy chúng tôi liền gọi điện ngay cho kiểm sát viên thụ lý vụ việc: “Anh mau xuống nhận tài liệu đi. Con gái của vị nào đó vừa dẫn một nhóm người đến đây”. Trước kia chúng tôi đã từng mấy lần đến đệ trình tài liệu nhưng họ đều từ chối. Lần này, chúng tôi đã trình tài liệu thành công cho viện kiểm sát.

Đồng tu D bảo chúng tôi: “Đã gần 5 giờ rồi, hãy chia nhau ra đến hai đồn công an để đưa tài liệu thôi”. Tôi từng đến một trong hai đồn công an đấy vài lần và tôi biết tên của ông Giám đốc nên tôi đã viết tên ông ấy lên tập tài liệu. Khi đến đó, tôi đã có thể đưa tập tài liệu thành công.

Chúng tôi rất mừng vì tình hình giải cứu các đồng tu đang dần mở ra.

Phó Đội trưởng Đội An ninh Nội địa

Trong quá trình giải cứu, khi tôi cảm thấy mình thiếu chính niệm và gặp phải can nhiễu từ không gian khác, các đồng tu đã đến và phát chính niệm cho chúng tôi. Khi chúng tôi không biết bước tiếp theo đi như thế nào, Sư phụ lại an bài các đồng tu giúp đỡ chúng tôi. Khi chúng tôi không rõ về những vấn đề pháp luật liên quan, luật sư đã giải thích cho chúng tôi. Khi chúng tôi bước đi thật chính thật tốt, Sư phụ giúp mọi điều cho chúng tôi.

Đã hơn nửa năm kể từ khi vụ việc bắt đầu. Chúng tôi phải đi đi lại lại giữa viện kiểm sát và đồn công an. Đôi khi chúng tôi phối hợp với nhau, đôi khi chúng tôi thực hiện đơn lẻ và dùng hết các cách để giảng chân tướng cho mọi người. Một vị đồng tu lão niên đã viết cho Phó Đội trưởng Đội An ninh Nội địa. Sau khi bà viết xong, bà đã đi taxi đến đưa tận tay cho ông ấy. Đọc xong bức thư đó, mắt tôi đẫm lệ. Trong bức thư có câu: Nếu ông không bức hại Pháp Luân Đại Pháp, thì ông sẽ là người tự tại nhất.

Một hôm, chồng của một đồng tu bảo chúng tôi rằng: “Các vị nên đến viện kiểm sát, tìm người phụ trách việc này và hỏi tại sao việc bắt giữ lại được chấp thuận”.

Lần này, chúng tôi phối hợp với nhau thành một đội. Một sáng, gần 10 người chúng tôi đến viện kiệm sát. Khi đến nơi, chúng tôi nói với kiểm sát viên rằng: “Chúng tôi muốn gặp vị phụ trách vụ việc này, người mà đã đồng ý cho bắt giữ người nhà chúng tôi”. Sau khi vị kiểm sát viên giúp tìm người đó, thì một phụ nữ trẻ khoảng hai mấy tuổi đến gặp chúng tôi. Tôi nói: “Chào kiểm sát viên! Chúng tôi đến để hỏi chị rằng: Chị dựa trên căn cứ gì mà lại cho bắt người nhà chúng tôi?” Cô ấy đáp lại: “Các anh chị chỉ muốn biết về việc đó à? Vậy đợi chút nhé, tôi sẽ lấy ra cho xem”.

Cô ấy rời đi và trong chốc lát trở lại với một cuốn sách dày cộp. Cô ấy dở đến một trang rồi chỉ vào một điều luật, giải thích và nói với chúng tôi rằng: “Đây là những căn cứ để bắt bà ấy”. Tôi nhờ con gái của một đồng tu chụp ảnh trang sách đó bằng điện thoại di động.

Chúng tôi đứng quanh cô ấy và hỏi cô ấy rằng: “Đây không phải là luật, sao chị lại có thể dùng nó để bắt người nhà chúng tôi?” Cô ấy không nói được gì, đứng im như tượng nhìn chúng tôi. Tôi thấy cô ấy thật đáng thương, 40 phút trôi qua, tôi nghĩ thế là đủ nên mở đường cho cô ấy đi. Đến cửa, tôi bắt tay cô ấy rồi mỉm cười nói: “Cảm ơn chị đã cho tôi biết rằng mẹ tôi đã bị oan”.

Chiều hôm đó chúng tôi đến Phòng kháng cáo ở viện kiểm sát, và yêu cầu gặp vị quản lý. Một người đàn ông chừng 50 tuổi đến nói chuyện với chúng tôi. Chúng tôi giảng chân tướng cho ông ấy và ông ấy cũng muốn biết về chúng tôi. Tôi nói: “Vì các anh xử lý vụ việc của chúng tôi như vậy, đã khiến người nhà chúng tôi bị oan, các anh cần báo cáo trường hợp của chúng tôi lên cấp trên”. Ông ấy đã đồng ý.

Sau đó, chúng tôi bàn bạc để xem chúng tôi cần thay đổi cách giảng chân tướng cho viện kiểm sát như thế nào. Chúng tôi nghĩ rằng bằng cách gửi thư giảng chân tướng đến viện kiểm sát thì họ sẽ hiểu chân tướng hơn.

Trong quá trình giải cứu đồng tu, chúng tôi thường chia sẻ dựa trên các Pháp lý, và quyết định đệ đơn kiện phó đội trưởng Đội An ninh Nội địa. Trong những năm gần đây, hơn 20 đồng tu ở huyện chúng tôi đã bị kết án phi pháp đều do ông ấy.

Chúng tôi dùng mẫu đơn tố cáo hình sự tải từ trang web Minh Huệ. Dựa trên bằng chứng mà vị kiểm sát viên đó cung cấp, chúng tôi viết một đơn tố cáo hình sự và đã nộp thành công cho viện kiểm sát thành phố để những người đọc lá đơn đó sẽ biết được chân tướng. Chúng tôi cũng đến đoàn thanh tra tỉnh để nộp đơn tố cáo hình sự và những tài liệu chân tướng liên quan.

Đến cuối năm, đơn tố cáo hình sự đã được nộp tại Cục Cảnh sát. Phó đội trưởng Đội An ninh Nội địa đã gọi điện cho tôi, nhờ tôi giúp hủy bỏ các cáo buộc hình sự mà chúng tôi đã nộp. Thái độ của ông ấy đã thay đổi 180 độ.

Mẹ tôi về nhà bình an

Tôi phối hợp với người nhà gửi qua đường bưu điện những tài liệu giảng chân tướng được sắp xếp hợp lý đến các cơ quan chính phủ ở cấp thành phố, cấp tỉnh và các cơ quan chính trị, viện kiểm sát và tư pháp. Chúng tôi cũng đến tất cả các cơ quan mà chúng tôi có thể nghĩ tới để khiếu nại và gửi tài liệu. Khi tôi cùng các đồng tu đến chính quyền thành phố để tìm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, tôi đã bị một nhóm người đe dọa. Họ nói: “Chúng tôi nhìn là biết, các chị đến để bình phản (đòi lại thanh danh) cho Pháp Luân Công”. Nhưng chúng tôi đã nói được những gì cần nói rồi. Nộp được tài liệu xong, chúng tôi về nhà một cách suôn sẻ.

Ở thời điểm đó, tôi thường xuyên phải chịu những áp lực vô hình và hữu hình. Tôi quyết định lựa chọn buông bỏ sinh tử và tiến lên phía trước. Khi cái tình với mẹ tôi nổi lên, tôi nghĩ: “Mình là một đệ tử Đại Pháp, mình có Sư phụ quản. Mặc dù mẹ ở trong trại tạm giam nhưng bà cũng là một đệ tử, Sư phụ cũng coi sóc cho bà. Mình còn điều gì mà không vứt bỏ được kia chứ?”

Tôi tự nhủ: Mình sẽ cứu thêm nhiều người. Với niệm đầu đó, con đường chứng thực Đại Pháp trở nên rộng mở hơn, tâm tôi cũng trở nên sáng hơn. Tu luyện thực sự kỳ diệu và thần thánh, chúng ta quá may mắn đã được trở thành đệ tử Đại Pháp.

Cuối cùng, viện kiểm sát đã ba lần rút hồ sơ vụ việc của mẹ tôi, nhưng bên công an vẫn từ chối thả bà. Tôi đã gọi điện lên văn phòng viện kiểm sát, kiểm sát viên nói với tôi rằng: “Chúng tôi quyết định không tiếp nhận trường hợp của mẹ chị nữa. Hãy mau gây áp lực để cảnh sát thả bà ấy ra đi”. Khi vụ việc đến bước này, các thành viên trong gia đình tôi, những người trước đây phản đối tôi giờ lại sát cánh bên tôi. Mọi người đều chủ động xin nghỉ làm để đến Đội An ninh Nội địa yêu cầu thả mẹ tôi ra.

Vài ngày sau, mẹ tôi về nhà an toàn. Một tháng sau, cảnh sát lại đe dọa tôi và gia đình, bắt chúng tôi ký vào giấy xin bảo lãnh. Nhờ Sư phụ gia trì, tôi kiên quyết không ký. Tôi cũng khích lệ người nhà: “Chúng ta không phạm luật, không việc gì phải sợ họ”. Cuối cùng, cảnh sát không đến sách nhiễu chúng tôi nữa.

Trên con đường tu luyện của mỗi người, việc tu luyện tinh tấn hay không là sự lựa chọn của chính người đó. Tôi tự nhủ: Mình cần không ngừng đột phá trong tu luyện để có thể cứu được nhiều người hơn. Mình cần phải trân quý quãng thời gian quý báu còn lại, vâng lời Sư phụ và theo Sư phụ cho đến cuối cùng.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/6/471151.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/13/218597.html

Đăng ngày 21-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share