Bài viết của các phóng viên Minh Huệ tại Pháp và Geneva
[MINH HUỆ 10-08-2024] Ngày 11 tháng 7 năm 2024, nhân dịp ghi dấu 25 năm cuộc phản kháng của các học viên Pháp Luân Đại Pháp đối với cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các học viên đến từ Pháp và Thụy Sỹ đã tổ chức một lễ mít-tinh lớn ở phía trước tòa nhà Palais Wilson ở Geneva. Cuộc mít-tinh đã vạch trần sự tàn bạo của ĐCSTQ và cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công) vô nhân tính, đồng thời kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại. Tổng cộng có 42 nhà lập pháp cùng nhiều quan chức đắc cử khác đã công khai bày tỏ sự ủng hộ. Một số quan chức trực tiếp bày tỏ ý kiến trong khi những người khác gửi thư thể hiện sự ủng hộ trước nỗ lực của các học viên nhằm phản đối và phơi bày cuộc bức hại. Tòa nhà Palais Wilson cũng là nơi đặt trụ sở của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền.
Trong 25 năm qua, hơn 180 dân biểu đắc cử tại Thụy Sỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp.
Các nhà lập pháp liên bang bày tỏ sự ủng hộ
Hàng trên, từ trái sang phải: Ông Mauro Poggia, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Nghị viên Liên bang Thụy sỹ; Ông Carlo Sommaruga, Ủy viên Hội đồng Nhà nước; Ông Nicolas Walder, Ủy viên Hội đồng Quốc gia của Quốc hội Liên bang Thụy sỹ; Ông Daniel Sormann, Ủy viên Hội đồng Quốc gia; Bà Lisa Mazzone, cựu Ủy viên Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Đảng Xanh Thụy sỹ; và Ông Christian Dandrès, Ủy viên Hội đồng Quốc gia.
Hàng dưới, từ trái sang phải: Ông Raphaël Mahaim, Ủy viên Hội đồng Quốc gia; Ông Vincent Maître, Ủy viên Hội đồng Quốc gia; Ông Yvan Pahud, Ủy viên Hội đồng Quốc gia và phó Thị trưởng Sainte-Croix ở bang Vaud; Ông Jean-Pierre Grin, cựu Ủy viên Hội đồng Quốc gia và Nghị viên Hội đồng Châu Âu; và Ông Paolo Bernasconi, cựu Ủy viên Chuyên gia Liên bang.
Ông Mauro Poggia, thành viên Hội đồng Nhà nước của Nghị viện Liên bang Thụy Sỹ, phát biểu: “Trong 25 năm qua, rất nhiều người thân và bạn bè [của các học viên Pháp Luân Đại Pháp] đã chết bởi cuộc bức hại vô lý này. Tại đây, Geneva là thủ đô của nhân quyền và là nơi lưu giữ Công ước Geneva, vì vậy tất nhiên chúng ta phải đứng lên và kêu gọi hành động. Chúng tôi đang lưu ý và chúng tôi tiếp tục yêu cầu chính quyền [Đảng Cộng sản Trung Quốc] trả lại tự do cho những người vốn không làm bất cứ điều gì có hại. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó chúng ta có thể gặp nhau ở đây và cùng nhau nói rằng: ‘Cuộc bức hại cuối cùng đã kết thúc, công lý đã được thực thi rồi’”.
Ông Mauro Poggia, ủy viên hội đồng nhà nước của Nghị viện Liên bang Thụy Sỹ, phát biểu tại lễ mít-tinh.
Ông Carlo Sommaruga, ủy viên hội đồng nhà nước của Nghị viện Liên bang Thụy Sỹ, nói: “Nhân dịp ghi dấu 25 năm cuộc bức hại phong trào Pháp Luân Công ở Trung Quốc, tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ dành cho phong trào tôn vinh các giá trị bao dung và tử tế, vốn là các giá trị nền tảng trong bất kỳ xã hội nào, dù là xã hội Trung Quốc hay xã hội Thụy Sỹ.“
“Hơn nữa, đây là các trị mà Thụy Sỹ chúng ta khuyến khích trong cả chính trị và xã hội. Song, những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, [trong đó] có cuộc bức hại cộng đồng Pháp Luân Công, đỉnh điểm là các vụ sát hại, đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng”.
Ông Nicolas Walder, ủy viên hội đồng quốc gia của Nghị viện Liên bang Thụy Sỹ, đã viết trong thư: “Nhân quyền bao hàm tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, cũng như tự do phản đối về phương diện chính trị. Tiếp đến là quyền tự do sống theo nền văn hóa của riêng mình trong sự đa dạng văn hóa. Quyền tự do tín ngưỡng mà cộng đồng Pháp Luân Công đòi hỏi là hoàn toàn chính đáng.”
“Là một đại diện của Geneva trong Quốc hội Thụy Sỹ, tôi thấy việc bảo vệ những giá trị này là rất quan trọng, những giá trị mà hiện nay đáng phải mang tính quốc tế và được tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia thành viên thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tiếp nhận và áp dụng.“
“Với tình hình hiện nay ở Bắc Kinh, chúng ta ở phương Tây phải có trách nhiệm truyền tải thông điệp này và nhắc nhở mọi người rằng hiện giờ đang có những người như các học viên Pháp Luân Công, những người chỉ muốn sống theo đức tin của họ, sống theo con đường riêng của họ và sống theo cách họ muốn mà không hề gây hại đến cuộc sống của người khác, thế nhưng họ lại bị cấm làm điều đó, hoặc thậm chí tệ hơn, họ còn bị bức hại. Năm 2024 rồi, điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Ông Vincent Maître, một thành viên của Hội đồng Quốc gia, đã phát biểu tại lễ mít-tinh: “Tôi tham gia lễ kỷ niệm này để bày tỏ sự ủng hộ các học viên Pháp Luân Công, những người vốn đang bị bức hại ở Trung Quốc. Họ đã phải chịu đựng cuộc bức hại vô cùng tàn bạo trong suốt gần 25 năm, đặc biệt là thực tế gây chấn động về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ những người còn sống. Cuộc đấu tranh vì tự do và những quyền cơ bản ở Trung Quốc cần tiếp tục nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng quốc tế, và Thụy Sỹ cũng cần đóng vai trò tương xứng trong cuộc đấu tranh này”.
Ông Raphaël Mahaim, Ủy viên của Hội đồng Quốc gia, đã viết trong thư: “Cấm đoán tư tưởng và tín ngưỡng chỉ vì sự khác biệt là đặc trưng của các chế độ độc tài chuyên chế nhất và không nên tồn tại. Cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công phải chịu là phi lý và phải bị lên án bằng mọi biện pháp có thể”.
Các nhà lập pháp và chính trị gia của các tiểu bang nói tiếng Đức công khai ủng hộ các học viên Pháp Luân Công và phản đối cuộc bức hại
Hàng trên, từ trái sang phải: Ông Cédric Jeanneret, Ủy viên Đại hội đồng Geneva; Ông Thomas Wenger, Ủy viên Đại hội đồng Geneva và Chủ tịch Đảng Xã hội Geneva; Ông Philippe de Rougemont, Ủy viên Đại hội đồng Geneva; Bà Masha Alimi, Ủy viên Đại hội đồng Geneva; Ông Alfonso Gomez, cựu thị trưởng Geneva và hiện là cố vấn thành phố; Bà Amanda Ojalvo, Cố vấn Hội đồng Thành phố Geneva; Ông Hubert Dafflon, Ủy viên Đại hội đồng Fribourg; Bà Christel Berset, Ủy viên Đại hội đồng Fribourg; và Bà Nicolas Girard, Nghị viên Jura.
Hàng dưới, từ trái sang phải: Ông Nicolas Maître, Nghị viên Jura; Ông Pierre Zwahlen, Ủy viên Đại Hội đồng Vaud; Ông Hadrien Buclin, Ủy viên Đại Hội đồng Vaud; Bà Isabelle Freymond, Ủy viên Đại Hội đồng Vaud; Ông Robert Burri, Ủy viên Đại Hội đồng Valais; Ông Maxime Moix, phó chủ tịch của Đại Hội đồng Valais; Bà Tessa Prati, Ủy viên Đại Hội đồng Ticino; Ông Matteo Quadranti, Ủy viên Đại Hội đồng Ticino; và Ông Lucas Pugin, thị trưởng Reignier-Ésery thuộc vùng Geneva của Pháp.
Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Thụy Sỹ đã nhận được thư ủng hộ từ nhiều nhà lập pháp ở 6 bang: Geneva, Vaud, Valais, Fribourg, Jura và Neuchâtel, và Ticino, một quận nói tiếng Ý. Thị trưởng Reignier-Ésery ở vùng Geneva của Pháp cũng gửi thông điệp ủng hộ. Các thông điệp đến từ các thành viên lập pháp bang nhưng cũng bao gồm sự ủng hộ từ các thành viên hành pháp và lập pháp của một số thành phố trực thuộc.
Ông Philippe de Rougemont, ủy viên Đại hội đồng Geneva, phát biểu: “Bảo vệ cuộc sống của người dân là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi chính phủ, là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhưng bản thân chính quyền Trung Quốc đã đánh mất uy tín của nó trong mắt mọi người bởi hành vi thu hoạch nội tạng của các tù nhân và tống người dân vào các trại giam chỉ vì họ kiên định với triết lý sống hoặc tín ngưỡng của mình. Những đau khổ mà những người này và những người thân yêu của họ phải gánh chịu cũng ảnh hưởng đến chúng ta ở đất nước Thụy Sỹ này. Chúng ta sát cánh cùng họ và hy vọng rằng những cư dân ở đó sẽ có thể khiến chính phủ của họ tôn trọng các quyền con người, bất kể tôn giáo hay triết lý của họ”.
Ông Nicolas Maître, ủy viên Đại hội đồng bang Jura nói: “Đã quá đủ rồi! Các chính phủ phương Tây còn trốn tránh thực tế, giống như đà điểu vùi đầu vào cát đến bao giờ nữa? Họ còn nhắm mắt làm ngơ trước cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác như người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng đến bao giờ nữa. Chẳng phải đã có đủ bằng chứng để lên án mạnh mẽ và vô điều kiện giới lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vì tất cả những hành vi tàn bạo này rồi sao? Sự việc này đã diễn ra trong suốt nửa thế kỷ rồi! Đã đến lúc chúng ta cần phải chịu trách nhiệm và không do dự lên án sự bức hại tàn bạo và vô nhân đạo đối với các nhóm thiểu số ở Trung Quốc. Chúng ta hãy đoàn kết với những người dân đang phải chịu đau khổ này!”
Các ủy viên Hội đồng bang của Thụy sỹ lên án mạnh mẽ cuộc bức hại Pháp Luân Công
Hàng trên cùng, từ trái sang phải: Bà Mary-Claude Fallet, Chủ tịch Đại Hội đồng Neuchâtel; Bà Sarah Pearson Perret, Ủy viên Đại Hội đồng Neuchâtel; Bà Rose Assamoi Lièvre, Ủy viên Đại Hội đồng Neuchâtel; Bà Brigitte Leitenberg, Ủy viên Đại Hội đồng Neuchâtel; và bà Corinne Schaffner, Ủy viên Đại Hội đồng Neuchâtel.
Hàng dưới, từ trái sang phải: Ông Richard Gigon, Ủy viên Đại Hội đồng Neuchâtel; Ông Didier Germain, Ủy viên Đại Hội đồng Neuchâtel; Ông Blaise Fivaz, Ủy viên Đại Hội đồng Neuchâtel; Ông Arnaud Durini, Ủy viên Đại Hội đồng Neuchâtel; Ông Blaise Courvoisier, Ủy viên Đại Hội đồng Neuchâtel; Ông Daniel Berger, Ủy viên Đại Hội đồng Neuchâtel.
Bà Mary-Claude Fallet, Chủ tịch Đại Hội đồng bang Neuchâtel cho biết: “Việc bức hại các học viên Pháp Luân Công trong một phần tư thế kỷ là điều đáng ghê rợn và không thể chấp nhận được! Nhân lễ kỷ niệm 25 năm này, tôi đặc biệt muốn gửi lời ủng hộ chân thành nhất của mình đến các nạn nhân và gia đình đã mất đi người thân yêu trong sự [bức hại] kinh hoàng”.
Ông Daniel Berger, ủy viên Đại hội đồng Neuchâtel, đã viết trong thư: “Tôi hoàn toàn ủng hộ phong trào phản bức hại trong suốt 25 năm qua của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Tôi chân thành hy vọng rằng cuộc kháng nghị ôn hòa này ở Thụy sỹ và trên khắp thế giới sẽ thành công rực rỡ, để chính quyền Trung Quốc hiểu rằng Pháp Luân Công được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới và các giá trị cốt lõi Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn là những giá trị phổ quát không thể bị hủy hoại.”
“Tôi sát cánh cùng các bạn trong việc lên án gay gắt những tội ác và hành động tàn bạo mà chính quyền Trung Quốc đã gây ra đối với tất cả các nhóm thiểu số. Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ quyền tự do tôn giáo và quyền tự do lương tâm, vốn là những quyền không chỉ được Hiến pháp Thụy sỹ bảo vệ mà còn phải được tôn trọng ở Trung Quốc và trên toàn thế giới”.
Cuối bài phát biểu, ông nói: “Nhân dịp tưởng nhớ các học viên Pháp Luân Công đã qua đời vì bị bức hại, tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ và hy vọng vững chắc của mình tới các gia đình đã mất đi người thân. Chúng ta phải bảo vệ quyền tự do lương tâm, quyền tự do tín ngưỡng và các giá trị nhân văn mà Pháp Luân Công đề cao, như sự trung thực, lòng từ bi, và sự khoan dung. Những giá trị này đã và đang được thực hành ở hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới. Đây là những nền tảng của nhân quyền và tượng trưng cho phẩm giá con người! Tôi lên án mạnh mẽ những vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc. 25 năm thảm sát, tra tấn và đau khổ ở Trung Quốc đã là quá đủ rồi! Chúng ta phải ngay lập tức chấm dứt cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công và các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc! Chúng ta có trách nhiệm tiếp tục vạch trần những tội ác này!”
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/10/480695.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/11/219460.html
Đăng ngày 14-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.