Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Trùng Khánh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 22-6-2024] Ông Trần Thanh Bân và con trai, đều là cư dân huyện Đại Túc, Trùng Khánh, bị bắt giữ khoảng hai tháng trước. Ngày 20 tháng 6 năm 2024, một người bạn của ông Trần nhận được thông tin từ mẹ ông rằng ông cùng con trai đã bị chuyển đến một trại tạm giam ngoài thị trấn, nhưng các chi tiết khác về trường hợp của họ hay vị trí chính xác của trại tạm giam đều không biết.
Ông Trần đang ở tuổi ngũ tuần. Ông là một giáo viên tại Trường trung học thị trấn Tam Khu. Ông nổi tiếng với lối thư pháp “Sấu Kim Thể” và đã từng là Phó viện trưởng Viện Thư pháp và Hội họa Xương Châu, huyện Đại Túc. Ông và vợ là bà Đặng Thượng Viện, giáo viên trường tiểu học Thạch Trác, đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công trước khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại vào năm 1999.
Tháng 11 năm 2000, cặp vợ chồng này tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Do bị bức hại trong vài năm sau đó, bà Đặng đã qua đời vào tháng 7 năm 2005, khi ấy con trai họ là anh Trần Bán Nguyệt mới có 5 tuổi. Thậm chí sau khi bà Đặng chết, bức hại đối với gia đình bà cũng không dừng lại. Con trai ông bà lớn lên chứng kiến nhiều lần cha mình bị bắt giữ và sách nhiễu chỉ vì kiên định đức tin. Bây giờ chàng trai 24 tuổi bị bắt cùng cha mình trong khi anh đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Chưa rõ anh Trần Bán Nguyệt có tu luyện Pháp Luân Công không.
Bức hại đối với ông bà Trần
Vì từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, người từ Đồn công an thị trấn Tam Khu đã bắt giữ ông Trần Thanh Bân lần đầu vào tháng 7 năm 1999. Cảnh sát Vương Chính Đông đánh đập ông, làm nhục và lăng mạ ông.
Ngày 11 tháng 5 năm 2000, ông Trần lại bị bắt tại một cuộc gặp gỡ của hơn 20 học viên Pháp Luân Công. Ông bị giam giữ một tháng và bị phạt 4.000 nhân dân tệ. Cảnh sát lệnh cho ông phải báo cáo cho họ mỗi tháng một lần. Bởi ông không báo cáo cho họ vào tháng 7 năm 2000, nên đã bị giam giữ một ngày.
Khi trường học mở cửa trở lại vào tháng 8 năm 2000 sau đợt nghỉ hè, vì ông Trần từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhà trường đã điều chuyển ông tới dạy tại một trường tiểu học ở thôn làng xa và mỗi ngày, thời gian di chuyển đi làm mất hơn một giờ đồng hồ.
Ông Trần lại bị bắt vài tuần sau đó vào tháng 9 năm 2000 và bị giam giữ trong trung tâm tẩy não đại phương hơn 20 ngày. Ông cùng người vợ đang mang thai tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 2000. Bà Đặng được thả sau sáu tháng giam giữ. Ngày 20 tháng 12 năm 2000, ông Trần bị đưa vào Trại lao động cưỡng bức Tây Sơn Bình để thụ án một năm. Tiền lương của ông cũng bị đình chỉ.
Tại trại lao động, ông Trần bị lính canh Từ Trung Phú đánh đập liên tục, người này dẫm lên đầu ông sau khi đánh ông ngã xuống đất. Kết quả là đầu ông bị sưng tấy. Thị lực của ông bị mờ và chân ông bị tê. Các lính canh cũng bố trí các tù nhân theo dõi ông suốt ngày đêm, kể cả khi ông đi vệ sinh, tắm hay giặt giũ. Ông đã tuyệt thực vào năm 2001 sau khi các học viên Pháp Luân Công khác bị tra tấn đến chết trong trại lao động. Để trả thù, các lính canh bức thực ông và dùng dùi cui điện sốc ông.
Không lâu sau khi ông Trần được thả, bà Đặng lại bị bắt vào tháng 1 năm 2002 và bị đưa vào một trung tâm tẩy não. Bà tuyệt thực và bốn ngày sau, bà được thả về. Sau đó, chính quyền tiếp tục theo dõi cuộc sống gia đình họ và liên tục sách nhiễu họ.
Nửa đêm một ngày tháng 3 năm 2005, người của Đồn công an thị trấn Tam Khu tới lục soát nhà ông bà Trần. Do bị bức hại không ngừng, sức khỏe bà Đặng suy giảm nhanh chóng. Bà qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm 2005.
Trong khi vẫn chưa nguôi ngoai về sự ra đi của bà Đặng, ông Trần lại bị bắt vào ngày 3 tháng 9 năm 2005 và bị đưa vào Trung tâm tẩy não Trùng Khánh, ông bị giam giữ ở đây ba ngày.
Chính quyền đã phát động một chiến dịch sách nhiễu hàng loạt vào tháng 7 năm 2011 và đe dọa đưa tất cả các học viên Pháp Luân Công từ chối từ bỏ đức tin của mình tới một trung tâm tẩy não. Ông Trần buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt.
Trong khi đang phát tặng tài liệu chân tướng Pháp Luân Công vào ngày 24 tháng 9 năm 2014, ông Trần bị bắt sau khi bị cảnh sát theo dõi. Tòa án Đại Túc kết án ông ba năm sáu tháng vào ngày 8 tháng 4 năm 2015. Mẹ ông ở độ tuổi 70 phải chăm sóc cháu trai, trong khi vẫn phải làm việc ngoài đồng ruộng để nuôi gia đình.
Sau khi bị kết án tù, ông Trần bị Phòng giáo dục Đại Túc sa thải. Sau khi được trả tự do, ông mở một lớp học thư pháp dành cho trẻ em, lớp học này nhanh chóng nhận được hưởng ứng rộng khắp từ các bậc phụ huynh.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/22/478924.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/25/218756.html
Đăng ngày 02-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.