Bài viết của đệ tử Đại Pháp ở Đại Lục, đồng tu khác chỉnh lý

[MINH HUỆ 10-05-2024] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998. Trong hơn 20 năm Pháp Luân Đại Pháp bị bức hại, con trai tôi đã trải qua rất nhiều sự việc, từ bị kỳ thị, trốn học, đến một mình ra ngoài dốc sức làm việc. Nhưng con trai tôi rất may mắn, cháu không bị lạc lối trong xã hội coi trọng vật chất, loạn tượng khắp nơi, mà dưới sự cảm hóa của các Pháp lý Đại Pháp, cháu lại quay lại tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, lên thuyền Pháp trở về nhà.

Con đường học vấn

Vì kiên trì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã bị cảnh sát bắt giữ và bức hại nhiều lần. Tôi bị bắt cóc hai lần vào năm 2002, khi con trai tôi còn đang học tiểu học. Khi một toán cảnh sát lục tung nhà tôi để tìm tài liệu Đại Pháp, con trai tôi hoảng sợ đến mức trốn trong chăn run rẩy. Đến giờ, tôi vẫn không sao quên được ánh mắt ấy.

Trong thời gian tôi phải sống lưu lạc, cảnh sát không tìm thấy tôi nên họ giận dữ la lối và hăm dọa con trai tôi, định lừa cháu hòng lần ra tung tích của tôi. Tụi trẻ hàng xóm xúm lại đánh đập và quát mắng con trai tôi, còn xúi giục chúng bạn bắt nạt thằng bé. Thậm chí có lần, bọn chúng còn định đem con trai tôi chôn trong đống cát làm vật trang trí, đến lúc người lớn biết được thì chạy đi, chỉ còn lại mỗi cái đầu quả dưa bé nhỏ của con trai tôi nhô ra ngoài. Con trai tôi lớn dần lên trong hoàn cảnh ấy.

Sau khi vào cấp hai, môi trường học tập ở lớp của con trai tôi rất không tốt, cháu học không vào nữa. Khi về nhà sau quãng thời gian sống phiêu bạt, tôi nhận ra tình trạng này, bèn tìm cách kèm cặp và dạy dỗ cho con trai nhưng không có tác dụng, căn bản là cháu không biết nghe lời. Con trai tôi thường trốn học cùng những đứa trẻ không chịu học hành, lên mạng, chơi game, bắt nạt các bạn học yếu đuối bên ngoài trường và thu phí bảo kê. Hồi đó, tôi chưa học được cách dùng tâm thái của người tu luyện để đối đãi với vấn đề này, không biết cách vận dụng Pháp lý của Đại Pháp để câu thông với con, mà dạy dỗ bằng roi vọt và các hình phạt thể xác khác, không những gây tác dụng ngược, mà còn khiến con trai giận dữ trừng mắt nhìn và chống đối quyết liệt.

Thấy con trai ngày càng rời xa Đại Pháp, tôi không biết phải làm gì, chỉ biết bàn bạc với chị gái tôi (cũng là đồng tu) và nhờ chị giúp tôi chăm sóc con trai. Cháu đến ở nhà chị gái tôi tại một thành phố khác và đi học ở đó trong một năm. Chị tôi rõ ràng về Pháp lý, chị dùng trí huệ tu xuất từ trong Pháp để giáo dục con trẻ, không phê bình, chỉ trích mà dẫn dắt, khích lệ, để cháu có thể nhìn ra những vấn đề tồn tại nơi mình, hiểu được sự phó xuất của người khác, gặp chuyện thì nghĩ cho người khác nhiều hơn, làm người và hành xử theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn. Vì đã từng học Đại Pháp, nên bản tính thiện lương của con trai tôi dần dần được đánh thức.

Sau khi trở về, cháu đã thay đổi cực lớn, ứng xử lễ phép, nho nhã với giáo viên, quan hệ hòa hợp với các bạn, và biết chăm chỉ học hành. Tuy nhiên, nền tảng học tập của cháu kém quá, mặc dù thứ hạng thành tích của cháu đã cải thiện hơn 100 bậc nhưng giáo viên chủ nhiệm của cháu nói rằng cháu vẫn không thể thi đỗ kỳ tuyển sinh trung học phổ thông.

Tôi không nản lòng. Thuận theo quá trình học Pháp tu tâm sâu sắc hơn, “Thiện” tu xuất từ trong Pháp đã xua tan sự nôn nóng, sốt ruột của tôi. Tôi nghĩ con cái của đệ tử Đại Pháp được Sư phụ chăm sóc, trong quá trình đó, chúng ta phải nỗ lực, không nên chấp trước vào kết quả. Tôi chỉ làm cho tốt những gì tôi nên làm, không đánh hay la mắng cháu, giảng giải Pháp lý và từ bi thiện đãi cháu. Bản thân cháu cũng không ngừng nỗ lực.

Kỳ tích đã xuất hiện: Trong kỳ thi tuyển sinh cấp 3, trường của con trai tôi được nâng hạng nên phải mở rộng tuyển sinh và hạ điểm xét tuyển, không ngờ lại vừa đúng điểm thi đầu vào cấp 3 của con trai tôi. Các thầy cô trong trường đều thốt lên: “Gia đình em đã thắp bao nhiêu cây nhang thế!”

Đến kỳ thi đại học, kỳ tích lại xuất hiện lần nữa: Con trai tôi đạt điểm số thấp hơn 100 điểm so với điểm chuẩn đầu vào nhưng lại trúng tuyển vào chuyên ngành của một trường tốp hai ở tỉnh khác. Con tôi cùng lắm chỉ có thể vào được trường đại học tốp ba, nhưng giáo viên chủ nhiệm khi giúp con trai tôi điền đơn đăng ký nguyện vọng đã khuyên cháu đăng ký một trường ở vùng sâu vùng xa mà không ai dám nộp, mà trường này lần này lại mở rộng tuyển sinh, tỉnh đó lại cần một nam sinh viên.

Ông nội của con trai tôi hào hứng tung hô trong bữa tiệc gia đình: “Đây là nhờ mẹ cháu tu Đại Pháp mới có được kết quả này. Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Từ đó, mỗi khi nhắc đến cháu trai trước mặt người ngoài, tâm trạng của ông vui mừng khôn xiết: “Đây là công lao của mẹ cháu, là do mẹ cháu tu Đại Pháp! Nếu không, tôi không biết cháu trai tôi sẽ thành ra thế nào nữa!”

Con đường sự nghiệp

Mặc dù không học Pháp cùng tôi trong một thời gian khá dài, nhưng con trai tôi vẫn có ký ức nghe Pháp hồi nhỏ. Hơn nữa, tôi thường chú trọng dẫn dẫn cháu bằng các Pháp lý của Đại Pháp. Dần dần, những phẩm chất tốt của con trai tôi được bộc lộ qua việc đối nhân xử thế của cháu. Khi chịu thiệt thòi, khi nỗ lực bỏ ra lớn hơn kết quả, khi bị đối xử như kẻ ngốc để sai khiến, cháu đều có thể đối đãi với tất cả bằng tâm thái của người tu luyện.

Tôi chiểu theo yêu cầu của Sư phụ và làm ba việc mà một đệ tử Đại Pháp nên làm, có lúc bị cảnh sát sách nhiễu, bức hại nên không tìm được công việc có thu nhập ổn định, chồng tôi sức khỏe lại không tốt, vì vậy kinh tế gia đình rất eo hẹp. Sau khi vào đại học, con trai tôi muốn giảm bớt gánh nặng cho gia đình, ngoài việc học chuyên ngành kinh tế quốc tế và thương mại, cháu đã bắt đầu tự rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trong khi còn trên ghế nhà trường .

Cháu đã giúp một sinh viên khóa trên quản lý cửa hàng hơn nửa năm, nhưng thay vì trả số tiền thù lao hứa hẹn từ trước, cậu sinh viên đó lại bù lại bằng một đống hàng hóa có giá trị không tương xứng. Con trai tôi lại cần là tiền mặt. Dù trong lòng không vừa ý nhưng cháu không bộc lộ ra ngoài. Thấy con trai trong lòng không vui, tôi liền khuyên con: “Con người thời nay thích lợi dụng người khác. Có lẽ trước đây chúng ta đã nợ cậu ấy gì đó, bây giờ trả được là hảo sự.” Nỗi buồn bực trong lòng của con trai tôi liền được giải khai.

Mỗi lần trò chuyện với cháu qua điện thoại, tôi đều rất chân thành với cháu. Dần dần, tôi và con trai trở thành bạn thân về tâm linh, gặp chuyện gì cháu cũng đều chia sẻ với tôi. Cháu cũng bắt đầu tự hỏi: Chiểu theo lý của người thường mà đối nhân xử thế sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ càng dẫn đến những khúc mắc rối bời; chiểu theo Pháp lý của Đại Pháp mà đối nhân xử thế thì tâm thái thoải mái, đường càng đi càng rộng mở.

Trường học của cháu hợp tác với một khách sạn năm sao hạng sang ở thành phố lớn ven biển, và cử sinh viên đi thực tập. Các sinh viên khác giành làm mấy công việc nhàn nhã, như ra sân bay đón người nổi tiếng, tiếp đón các nhân vật cấp cao từ các quốc gia đến nghỉ ngơi tại khách sạn, v.v., họ đều kiếm tiền nhanh chóng nhờ những khoản tiền boa hậu hĩnh. Còn con trai tôi chỉ muốn học chút kỹ năng chứ không phải ăn bát cơm tuổi trẻ này.

Cháu làm công việc tiếp đón khách, bưng bê, và đào tạo sinh viên khóa dưới cho trường. Nữ thực tập sinh yêu cầu phải có ngoại hình, phải trang điểm,mà mỹ phẩm rẻ tiền lại rất có hại cho da dẻ, vì thế họ không muốn trực ca đêm, toàn nhờ con trai tôi đổi ca giùm. Cháu cứ như người giúp việc vặt, chỗ nào cần thì đến chỗ đó, rất vất vả. Bây giờ, bọn trẻ quen sống trong nhung lụa không có mấy ai có thể chịu đựng được kiểu cường độ lao động này. Con trai tôi vẫn cắn răng kiên trì. Chủ khách sạn thấy cháu khác với những thanh niên khác nên rất ưa thích cháu. Ông ấy cho rằng cháu có tiền đồ phát triển, nên sau thời gian thực tập rất muốn giữ con trai tôi ở lại.

Trong thời gian này, con trai tôi kết giao với một người bạn cùng lứa nhà có vị trưởng bối có địa vị vô cùng hiển hách, cậu ấy đã ở khách sạn này một thời gian dài, thường xuyên lui tới, nên hai đứa dần quen biết nhau. Cậu ấy thấy con trai tôi là người thật thà, có trách nhiệm, không tham và còn có năng lực quán xuyến công việc, nên muốn con trai tôi đến nhà giúp cậu ấy quản lý công việc kinh doanh. Con trai hỏi ý kiến tôi, tôi nói: “Con không thể làm việc cho những người này. Nguồn tiền của họ không rõ ràng. Đó là rửa tiền. Phần lớn tiền của họ dựa vào việc bóc lột dân thường mà có được. Mẹ đã chịu khổ bao nhiêu để nuôi dưỡng con, mẹ không muốn con thông đồng với họ làm bậy. Chúng ta là những người tốt chân chính chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn. Những quan chức đó có người tham gia bức hại đệ tử Đại Pháp.“ Con trai tôi rất nghe lời. Tôi lại dặn cháu đừng đem phúc phận của mình đổi lấy tiền bạc, người không còn đức hạnh nữa thì phúc phận cũng hết. Kết quả thực sự ứng nghiệm, ông nội và cha của cậu bạn đó hiện đã bị bắt dưới tội danh tham nhũng.

Sau khi tốt nghiệp, con trai tôi chọn làm công việc đầu tiên ở tổng đại lý của một thương hiệu lớn toàn cầu của châu Âu tại Trung Quốc. Nhà tuyển dụng đã xem lý lịch làm việc của con trai tôi và rất hài lòng. Các câu hỏi kiểm tra trong cuộc phỏng vấn không ngờ đều là phong tục và nơi sinh, sở thích của các danh nhân các nước mà cha cháu đã kể cho cháu nghe thuở nhỏ, nên cháu đã trả lời đúng hầu hết 20 câu hỏi trong đề.

Người phỏng vấn hỏi các ứng viên về yêu cầu lương bổng, các ứng viên tốt nghiệp các trường danh giá đều thẳng thắn nói và đề xuất mức lương cụ thể. Đến lượt con trai tôi trả lời: “Tôi không có yêu cầu cụ thể nào, các vị có thể nhìn vào lợi ích mà tôi đã mang lại cho công ty. Nhưng dù tôi được trả bao nhiêu thì công việc tôi làm cũng sẽ khiến các vị hài lòng.” Thế là, con trai tôi nổi bật giữa đám đông ứng viên từ các trường danh tiếng. Lương của cháu không những không thua kém những người đó, mà còn cao hơn mức cháu mong đợi.

Nhờ quá trình rèn luyện từ khi đi học, con trai tôi bắt kịp công việc rất nhanh. Với sự siêng năng, cần mẫn, cháu nhanh chóng một mình đảm đương một mảng việc trong trung tâm thương mại. Một ngày nọ, khi con trai tôi đang làm việc, một phụ nữ nước ngoài biết nói tiếng Trung dạo quanh cửa hàng không ngừng hỏi han đủ thứ, cũng có vẻ như đang mua hàng. Con trai tôi giới thiệu sản phẩm cho bà ấy một cách kiên nhẫn, tỉ mỉ như với bao khách hàng khác. Người phụ nữ này hỏi những câu hỏi hóc búa, kỳ quặc, nhưng chỉ cần con trai tôi biết, cháu sẽ vui vẻ trả lời, không biết thì thiện ý giải thích. Cuối cùng, bà ấy đã mua một món đồ.

Đột nhiên người phụ nữ nghiêm mặt và nói với con trai tôi: “Cậu đừng làm việc ở đây nữa, người ta cho cậu thôi việc rồi.” Con trai tôi sửng sốt không biết mình đã làm sai chỗ nào. Thấy biểu hiện của con trai tôi rất thản nhiên, không tức giận bất bình, bà ấy lại hỏi: “Trung tâm thương mại sa thải cậu, cậu không nghĩ gì sao? Cậu không giận họ sao?” Nội tâm con trai tôi tuy có hơi dao động, nhưng vẫn mỉm cười nói: “Tôi không giận. Công ty làm như vậy hẳn là có đạo lý của họ. Khẳng định là tôi đã làm sai ở đâu đó.”

Lúc này, nét mặt người phụ nữ này đã dịu lại, bà vỗ nhẹ vào vai con trai tôi, nói: “Chàng trai à, tôi được tổng công ty phái xuống kiểm tra ngầm. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới. Bao nhiêu năm nay, chưa một ai có thể khiến tôi bị thuyết phục mà mua sản phẩm, cậu là người đầu tiên đấy.” Tiếp đó, bà ấy lại nói: “Những điều tôi vừa nói chỉ là thử cậu thôi. Biểu hiện của cậu làm tôi rất hài lòng. Phẩm chất, khả năng ứng biến, cảm xúc và các phương diện khác của cậu đều rất xuất sắc. Tôi quyết định đưa cậu lên tổng công ty, đào tạo tốt cho cậu và đề bạt cậu.”

Các công ty nước ngoài có cách quản lý nhân tính, không ngần ngại chi nhiều tiền để đào tạo những nhân viên xuất sắc. Nhiều người sau khi trải qua đào tạo, năng lực nghiệp vụ về mọi phương diện được nâng cao rất nhiều. Có người không cưỡng lại được sự hấp dẫn của lương bổng cao ngất và nhảy sang làm việc ở các công ty khác để tìm kiếm những vị trí cao hơn, mà công ty cũng không ngăn cản họ. Sau hơn một năm được huấn luyện và phát triển nghiêm ngặt, con trai đã bắt đầu công việc. Con nói với tôi: “Mẹ ơi, rất nhiều người được đào tạo cùng con thấy các công ty khác trả lương cao hơn đã nhảy việc rồi. Con cũng muốn đi.” Tôi nói: “Con trai à, như vậy không tốt đâu. Công ty đã bồi dưỡng con, con còn chưa tạo ra giá trị gì cho công ty, làm sao chúng ta có thể thấy lợi mà quên nghĩa được? Mình là con nhà người tu luyện, không thể như nước chảy bèo trôi, mà phải chính lại hết thảy những gì bất chính.”

Cháu được bổ nhiệm vào một chức vụ then chốt trong công ty và làm việc cần cù chăm chỉ mỗi ngày. Cháu không xu nịnh cấp trên; không kỳ thị không phân biệt trong đối xử với cấp dưới. Con trai tôi dùng tiêu chuẩn làm người tốt để yêu cầu bản thân. Đơn vị tổ chức hoạt động thì tiết mục do cháu trình bày được giải thưởng, cháu lấy tiền thưởng cá nhân chia cho đồng đội. Trong công việc, cháu chỉ nhận mức thù lao theo quy định, ngay cả số tiền hợp pháp nhưng bất hợp lý cháu cũng không cầm. Vì cương vị và chức vụ của cháu vừa hay lại ở vào vị trí như vậy, nên nếu để một người có tâm lợi ích cá nhân thay vào đó thì anh ta sẽ kiếm được rất nhiều tiền bằng cách lợi dụng kẽ hở trong việc quản lý của các công ty nước ngoài, không chừng làm một năm là có thể mua được một căn nhà ở thành phố.

Vì biểu hiện vượt trội của con trai tôi, tổng công ty đã cử người viết một chuyên đề đặc biệt, báo cáo chi tiết quá trình nhậm chức, trưởng thành và thăng tiến của cháu, để đăng trong một tạp chí. Con trai tôi chỉ trong ba năm đã lên đến cấp quản lý bộ phận ở công ty nước ngoài này, phụ trách hai tầng của một trung tâm thương mại lớn.

“Hai [mẹ con]ta giờ là bạn học (đồng tu)rồi!”

Sau khi tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1998, tôi đã đọc Pháp ở nhà và nghe băng ghi âm giảng Pháp của Sư phụ. Con trai tôi mới được vài tuổi cũng cùng nghe với tôi. Sau ngày 20 tháng 7 năm 1999, tôi ra ngoài phát tài liệu và treo biểu ngữ chân tướng. Vì không có ai trông con nên tôi đưa cháu đi cùng. Đi được một hồi lâu thì con trai buồn ngủ, nên tôi để cháu ở lan can bên vệ đường, cháu dựa vào đó, díp mắt vào nửa nhắm nửa mở. Tôi treo biểu ngữ xong thì quay lại và bế con trai trở về nhà. Con trai tôi không bao giờ gây ồn ào hay náo loạn, như thể biết mẹ đang làm việc thần thánh nhất.

Chồng tôi và gia đình chồng không lý giải được việc tu luyện Đại Pháp và việc chứng thực Pháp của tôi, nhưng con trai vẫn luôn ở bên cạnh và ủng hộ tôi. Chỉ dựa vào thành tích học tập mà cháu thi được lên đại học, điều này nằm ngoài dự liệu của cả nhà. Con trai cũng biết rằng nếu như không có lực lượng thần kỳ giúp thì cháu sẽ không tiến bước thuận lợi như vậy. Khi gặp vấn đề, cháu biết tu tâm, có lúc tâm tính của cháu còn tốt hơn cả tôi. Khi hai mẹ con tôi trò chuyện, cháu luôn gọi các đệ tử Đại Pháp là “mọi người nhà mình, mọi người nhà mình”, điều này khiến tôi rất vui. Nhưng tôi có một điều tiếc nuối là con trai tôi vẫn cứ một chân trong, một chân ngoài, không thể coi là một đệ tử Đại Pháp chân chính.

Đến năm thứ ba con trai tôi đi làm, vị trí marketing của công ty nước ngoài bị bế tắc, rất khó phát triển hơn nữa. Có người giới thiệu, cháu chuyển sang công ty thương hiệu lớn của nước ngoài khác mà cháu thích nhất và muốn vào mà không vào được (vì trường cháu theo học không có danh tiếng nên người ta không ngó ngàng tới). Lần này, vì người tiền nhiệm ở vị trí thiết kế này đã từ chức, đúng lúc vị trí bỏ trống nên có nhiều không gian phát triển cho công việc thiết kế ở đây.

Nhưng con trai tôi chưa biết gì về việc thiết kế, nên phải học. Nhưng làm sao có thể học được trong ngày một ngày hai đây. Trước hết, trình độ tiếng Anh của cháu không tốt. Cấp trên vì cân nhắc cho con trai tôi, đã điều hành cuộc họp buổi sáng bằng tiếng Trung trong khi đáng lẽ phải dùng tiếng Anh. Con trai tôi rất ái ngại nên cố gắng cải thiện trình độ tiếng Anh của mình. Cháu mang theo sách tiếng Anh và học thuộc mỗi ngày. Một đêm nọ, khi đang ngủ, con trai tôi mơ thấy một giáo viên dạy tiếng Anh đứng trước bảng đen, trong vô thức cháu biết người giáo viên này chính là Sư phụ Đại Pháp. Sau khi tỉnh dậy, cảnh tượng trong giấc mơ vẫn còn rất sống động.

Trong cuộc họp buổi sáng hôm ấy, mọi người tập trung quanh bàn hội nghị hình bầu dục. Cấp trên thân thiện ra hiệu cho con trai tôi phát biểu bằng tiếng Anh, mọi người đều chăm chú nhìn cháu. Con trai tôi đứng dậy và biểu đạt nội dung muốn nói một cách trôi chảy rành mạch. Mọi người xung quanh đều kinh ngạc nhìn cháu, trong lòng thắc mắc: “Sao mà nhanh thế?!” Đến tối, con trai tôi hào hứng chia sẻ chuyện này với tôi và nói: “Mẹ ơi, là Sư phụ Đại Pháp đã giúp con!”

Con trai tôi nhận công việc ở chức vụ thấp hơn ở công ty này vì muốn tham gia vào lĩnh vực thiết kế, nhưng giờ đây hàng ngày cháu chỉ làm mấy việc điều phối vụn vặt, chỉ là những thứ bề ngoài chứ không học được điều tinh túy, đây không phải là mong muốn ban đầu của cháu. Mặc dù có chút không muốn, nhưng vì đi vào ngành kỹ thuật thiết kế này, nên sang năm thứ tư, con trai tôi lại sang làm ở một công ty châu Á. Sản phẩm của nhóm con trai tôi nằm ở đầu vào của toàn bộ chuỗi sản phẩm, rất quan trọng. Công ty đã cử người chuyên biệt đến cầm tay chỉ dạy cháu từng bước một, cháu cố gắng học hỏi liên tục. Việc tan sở trễ, hay về nhà làm việc cho đến nửa đêm đã trở thành chuyện thường như cơm bữa.

Công ty muốn phát triển một sản phẩm mới, mỗi thành viên trong nhóm đều phải đưa ra một phương án thiết kế. Con trai tôi là chuyển nghề giữa đường, không có gốc, nhưng cháu thường niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, lúc then chốt thì biết cầu Sư phụ. Lần này, cháu có hai ý tưởng về phương án thiết kế, trong đó một phương án được mọi người nhất trí tán thành, ai cũng nói rất tuyệt, và dồn dập hỏi cháu: “Anh bạn tốt nghiệp trường nào thế?” Khi các đồng nghiệp biết trường học của con trai tôi, thì gãi đầu vắt óc nói: “Chưa bao giờ nghe nói đến trường này nhỉ!” “Anh lấy đâu ra thiết kế hay như vậy? Từ đâu ra vậy (linh cảm)?” Con trai trí huệ nói với họ: “Từ vũ trụ đó!” Sản phẩm này sau khi ra thị trường, đã nhận được đánh giá cao của người tiêu dùng, tiêu thụ rất nhanh, công ty đã trả hoa hồng hậu hĩnh cho con trai tôi theo đúng quy định.

Ba năm phong tỏa không có lý trí vì virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán), thành phố nơi con trai tôi sống bị tàn phá nặng nề, các doanh nghiệp nước ngoài đua nhau rút lui. Những người trí thức đã nhìn thấu ác Đảng Trung Cộng lừa gạt nhân dân và bất tài trong việc trị quốc ra sao, đều lũ lượt ra nước ngoài. Con trai tôi thấy đám thái tử Đảng ấy tiêu tiền như nước, ra ra vào vào khách sạn, sân bay bằng thẻ đen (không biết là thẻ gì), người nhận thẻ cũng kính cẩn như tiếp đón những nhân vật quan trọng vậy; lại thấy mẹ mình làm người tốt bị bức hại vô lý, cháu bèn có ý định ra nước ngoài.

Phong trào Giấy trắng nổi lên ở nhiều nơi, tà đảng Trung Cộng sợ hãi, không thể duy trì chính sách phong tỏa được nữa, nhưng nó không bao giờ chịu nương tay trong việc duy trì ổn định xã hội. Con trai tôi đã tận mắt chứng kiến một ​​​​sự việc trên tàu điện ngầm. Một nhóm người mặc thường phục xông vào, ra lệnh cho mọi người trên tàu: “Không được nhúc nhích, lấy điện thoại di động ra, mở màn hình điện thoại lên.” Sau đó họ yêu cầu những người trẻ như sinh viên đứng thành hàng, kiểm tra từng người một, hễ thấy ai có phần mềm vượt tường lửa trên điện thoại liền bắt giữ ngay mà không cần giải thích. Đồng nghiệp nước ngoài của cháu lúc xuất cảnh và làm thủ tục kiểm tra an ninh tại sân bay, thấy nhân viên an ninh hỏi những người xuất cảnh: “Ra nước ngoài làm gì?” Nếu chần chừ một chút, họ sẽ dùng kéo cắt hộ chiếu ngay lập tức. Nếu bị chất vấn, nhân viên an ninh nói không chút kiêng nể: “Anh hãy đi tìm cấp trên ấy, cấp trên cho phép làm như thế.”

Chứng kiến ​​tình trạng khốc liệt ở trong nước, nguyện vọng đi du học của con trai tôi càng mạnh mẽ hơn. Nhưng ra nước ngoài đâu phải chuyện dễ. Cháu đã thi IELTS nhiều lần, lần nào cũng thiếu vài điểm. Lúc này, thành tích làm việc và thái độ đối nhân xử thế thường ngày của con trai đã mang lại cho cháu sự hồi báo. Khi cháu xin nghỉ việc ở hai công ty đầu tiên, tổng giám đốc và cấp trên đều ra sức giữ cháu lại. Khi ban lãnh đạo của hai công ty này biết cháu sắp ra nước ngoài để được đào tạo chuyên sâu, họ đều viết thư giới thiệu, còn làm bảo lãnh cho cháu. Ở công ty cuối cùng, con trai tôi làm chưa đến một năm nhưng cấp trên cũng thưởng trọn một năm và mời cháu quay lại công ty làm việc sau khi tốt nghiệp. Như vậy, con trai không cần phải thi IELTS nữa, và được tuyển thẳng vào một trường đại học tại một thành phố ở châu Âu.

Hiện nay, thủ tục xin thị thực rất khó khăn, một số chuyên ngành thậm chí còn không được cấp visa. Khi xử lý, họ kiểm tra kỹ từng trang và trả lại nếu có một mục nào không hợp lệ. Tôi nói với con trai: “Nếu con làm việc ấy để kiếm tiền thì có lẽ không thuận lợi như vậy; nếu là để sớm ngày quay trở lại Đại Pháp, thì khi ra ngoài con sẽ đạt được như ý.” Hôm đó, con trai tôi đi xin visa, nhân viên cấp visa thấy chuyên ngành của con trai rất hấp dẫn, đã hồ hởi trò chuyện với cháu rất lâu và cũng không xem kỹ những thông tin cháu cung cấp, quá trình diễn ra rất suôn sẻ.

Cả nhà đều rất vui mừng. Nhưng tôi biết rằng hành trình của cháu chỉ mới bắt đầu. Bao năm qua, tôi luôn đốc thúc cháu: “Đọc sách đi con.” Nhưng cháu từ đầu đến cuối chưa bao giờ cầm sách Đại Pháp lên đọc. Cháu luôn làm người theo Chân-Thiện-Nhẫn, Sư phụ từ bi cũng luôn trông chừng vị tiểu đệ tử ngày xưa của mình.

Sư phụ bảo chúng ta hướng nội tìm khi gặp vấn đề. Tôi nghiêm túc tra tìm xem liệu tôi có tư tâm nào không. Là vì cháu là con trai của tôi nên tôi mới bận tâm như vậy, dù hết lần này đến lần khác đốc thúc cháu, nhưng tôi vẫn phải dựa trên Pháp và có trách nhiệm với sinh mệnh này. Nghĩ đến đây, nước mắt bất giác tuôn rơi, tôi dường như thấy mình đã ký vào bản ước định như vậy khi hạ thế: “Nhất định phải đánh thức cháu, đồng hồi thiên đình”. Một đồng tu từng bảo tôi phát chính niệm cho con trai để thanh trừ hết thảy tà ác ngăn cản tiểu đồng tu thuở nào quay trở lại Đại Pháp, xoá bỏ những giao ước mà cháu đã ký kết với cựu thế lực khi cháu tầng tầng hạ xuống. Bởi vì rất nhiều trẻ em ở độ tuổi này đều vì Đại Pháp mà đến.

Không lâu sau khi ra nước ngoài, con trai tôi đã gọi video cho tôi, nói nhỏ với tôi: “Hai [mẹ con] ta giờ là bạn học (đồng tu) rồi!” Trông nó vui mừng làm sao! Tôi chưa bao giờ thấy con trai cười hạnh phúc đến vậy.

Hóa ra, đó là lần đầu tiên Đoàn Nghệ thuật Shen Yun đến biểu diễn ở thành phố của cháu. Khi con trai tôi biết Shen Yun biểu diễn ở đây, cháu biết điều cải biến sinh mệnh của cháu sắp tới rồi. Ngày hôm đó, cháu đến nhà hát, chứng kiến mọi người đến xem biểu diễn, đàn ông mặc âu phục, phụ nữ mặc lễ phục, không khí toàn nhà hát thật trang nhã, thần thánh, khiến người ta chấn động, có thể thấy mọi người mong chờ biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đến mức độ nào.

Sau khi xem xong buổi diễn đầu tiên, con trai tôi đi đi lại lại trong tiền sảnh nhà hát, không muốn rời đi, nên tiếp tục đón xem suất diễn thứ hai. Cháu thầm nghĩ: “Suất diễn này là dành cho mẹ xem, vì mẹ không thể đến đây, nên mình thay mẹ và các đồng tu ở trong nước xem.” Khi một nhân viên công tác (đồng tu) tại hiện trường nhìn thấy cháu loanh quanh ở đó, đã bắt chuyện và đưa một tờ thông tin cho cháu, con trai tôi nói: “Nhà em cũng có người tu luyện.” Thế là, Sư phụ đã cho vị tiểu đồng tu ngày xưa bị rớt lại phía sau nối lại Pháp duyên một lần nữa ở nơi đất khách quê người.

Viết đến đây, nước mắt đã lăn dài trên mặt. Cảm tạ Sư tôn đã không bỏ rơi bất cứ người hữu duyên nào!

(Bài chọn đăng nhân kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới trên Minghui.org)

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/10/475904.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/16/217887.html

Đăng ngày 22-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share