Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-03-2024] Cuối tháng 2 năm 2024, một cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị kết án 3 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công, pháp môn tu luyện bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Ông Ôn Vĩnh Thụ đã kháng cáo lên Toà án Trung cấp Thành phố Côn Minh. Vợ ông, bà Đồng Khai Chân, cũng kiện các viên chức tư pháp liên quan đến vụ án của ông, với lý do truy tố oan sai ông vì đức tin của mình.

Bà Đồng cho biết bà bị suy sụp sau vụ bắt giữ của chồng bà. Bà kết hôn với ông Ôn sau khi ông ấy ly hôn, và người chồng đầu tiên của bà qua đời vì bệnh tật. Mỗi người đều có một con gái riêng từ cuộc hôn nhân trước. Ông Ôn còn nhận nuôi thêm một con gái từ nhiều năm trước. Sau này, ông Ôn và bà Đồng có thêm một con trai.

Bà Đồng khen ngợi ông Ôn là người cha tận tuỵ với cả bốn người con, và là người con hiếu thảo với cha mẹ già (cha ông bị mù hai mắt và mẹ ông mù mắt trái, ngoài ra bà cụ còn mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường).

Sau vụ bắt giữ của ông Ôn, bà Đồng và ba con gái của họ tìm cách đòi tự do cho ông, nhưng không có tác dụng. Con trai ông, khoảng 10 tuổi đang học cấp một, ngày nào cũng khóc đòi cha mình.

Vụ bắt giữ và lục soát nhà đầy bạo lực

Ông Ôn, 56 tuổi, từng làm việc tại Nhà máy Sản xuất Nhạc cụ Tây Nam, và còn giảng dạy tại trường Cao đẳng Nghề và Kỹ thuật Cơ Điện Vân Nam. Theo bà Đồng, khoảng 1 giờ chiều ngày 31 tháng 7 năm 2023, trong khi bà và một cô con gái ăn trưa tại nhà thì nghe thấy tiếng xe máy của ông Ôn, nên họ nghĩ ông về nhà để ăn trưa. Tuy nhiên, sau 20 phút vẫn không thấy ông vào nhà, họ liền nhìn qua lỗ quan sát trên cửa trước để kiểm tra tình hình bên ngoài hành lang.

Khi thấy có nhiều người đứng bên ngoài, con gái ông Ôn mở cửa, vì nghĩ đó là bạn của cha mình. Khoảng 15 cảnh sát xông vào (trong đó chỉ có hai người mặc cảnh phục, với số hiệu 017683 và 017745). Ông Ôn cũng bị đưa vào trong nhà, trên đầu vẫn đội mũ bảo hiểm. Hai cảnh sát mặc thường phục giữ chặt tay ông và không cho phép ông cử động.

Bà Đồng và con gái rất sợ hãi. Vì bà Đồng đang mặc đồ ngủ, nên bà cố gắng vào phòng để thay, nhưng bị cảnh sát ngăn lại.

Cảnh sát lục soát khắp nơi, biến căn hộ của vợ chồng họ thành một mớ hỗn độn. Con gái ông Ôn hỏi cảnh sát rằng họ có lệnh khám nhà không. Cảnh sát nói có, nhưng không trình ra bất cứ thứ gì, còn nói họ lục soát từng hộ gia đình trong toà nhà.

Bà Đồng hỏi cảnh sát thuộc đơn vị nào, yêu cầu được xem thẻ ngành và số điện thoại của họ. Cảnh sát từ chối trả lời, nhưng lại thách bà gọi 110 (số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát ở Trung Quốc). Bà liên tục tra hỏi thông tin cụ thể của họ. Cuối cùng, họ cũng tiết lộ rằng họ thuộc Phòng An ninh Nội địa Quận Tấn Ninh.

Cảnh sát lục soát mọi nơi trong nhà ông Ôn trong 3 giờ, tịch thu các vật phẩm liên quan đến Pháp Luân Công của ông, như ổ đĩa USB, sách, ảnh, điện thoại di động, chìa khoá, xe máy, cũng như máy tính bảng của con gái ông và ví tiền của bà Đồng.

Cảnh sát yêu cầu ông Ôn xác nhận những vật phẩm tịch thu là của ông, nhưng lại không cung cấp danh sách theo quy định của pháp luật. Khi cảnh sát đang mang các vật phẩm tịch thu xuống dưới, bà Đồng đuổi theo và yêu cầu họ trả lại chìa khoá nhà, chìa khoá văn phòng và máy tính bảng của con gái (thiết bị học tập của cô). Sau một hồi lâu giằng co, cảnh sát đã nhượng bộ. Khi con gái ông Ôn bước xuống dưới, cô bị hai cảnh sát mặc thường phục chặn ở lối ra của toà nhà chung cư.

Trong suốt 3 giờ đồng hồ lục soát, ông Ôn bị cảnh sát giữ chặt, không được phép ăn uống gì. Cảnh sát không cho phép ông bỏ mũ bảo hiểm, và còn giám sát ông khi sử dụng nhà vệ sinh.

Con gái bị thẩm vấn

Khi cảnh sát đưa ông Ôn đi, họ đưa cho bà Đồng số điện thoại “+86-871-67802808”. Tuy nhiên, khi bà gọi vào số máy trên để hỏi về vụ án của chồng, bà chỉ nhận được thư thoại: “Đây là số điện thoại của ban giám sát môi trường”. Bà nhận ra cảnh sát đã lừa mình, và đưa số điện thoại sai.

Ngày 2 tháng 8 năm 2023, sau ba ngày tra hỏi liên tục, bà Đồng xác nhận rằng vụ án của chồng bà đang được Đồn Công an Côn Dương xử lý. Bà cùng bốn con, và mẹ chồng của mình vội vàng đến đồn công an, nhưng lại được thông báo Phòng An ninh Nội địa Quận Tấn Ninh đang chịu trách nhiệm cho vụ án của ông Ôn.

Cả gia đình đến Phòng An ninh Nội địa Quận Tấn Ninh, nhưng chỉ có bà Đồng và con gái út là cô Ôn Tình (khoảng 20 tuổi) được vào trong. Tại phòng 3022, họ tìm thấy các cảnh sát xử lý vụ án của ông Ôn là Khâu Ngọc Ngạn, Lý Huy, và Dương Dũng. Bà Đồng hỏi cảnh sát tại sao đưa bà số điện thoại sai. Khâu bác bỏ rằng nó không sai. Cô Ôn bấm số gọi ngay. Khâu im lặng khi điện thoại trong văn phòng họ không đổ chuông.

Khâu đã giữ bà Đồng và cô Ôn trong hai phòng khác nhau và thẩm vấn riêng họ. Bà Đồng giữ im lặng trước những câu hỏi của cảnh sát Lý. Khi nhận ra Khâu đang thẩm vấn con gái bà ở phòng bên cạnh, bà chạy sang và gõ cửa phòng, lo rằng Khâu có thể tra tấn con gái bà để thu thập thông tin nhằm buộc tội cha cô. Khâu mở cửa, nhưng không cho bà Đồng đọc biên bản thẩm vấn.

Trong khi mẹ và con trai của ông Ôn đang lo lắng chờ bên ngoài, cảnh sát Dương bước ra và nói ông Ôn đã được chuyển đến trại tạm giam Quận Tấn Ninh một ngày trước, và họ cũng đã gửi thư cho gia đình để thông báo về việc này.

Một lúc sau, khi bà Đồng và cô Ôn bước ra ngoài, cả gia đình đến trại tạm giam. Cô Ôn nói Khâu đã lục soát và tịch thu máy thu âm của cô. Ông ta còn lừa cô nói về việc tu luyện Pháp Luân Công của cha mình. Khi gia đình họ đến được trại tạm giam thì đã hết giờ làm việc, và không có ai đón tiếp họ.

Vào 10 giờ sáng ngày hôm sau, gia đình họ quay trở lại trại tạm giam, và xác nhận được rằng ông Ôn đang bị giam giữ ở đó. Họ cũng nhận được thư của cảnh sát thông báo về việc tạm giam đối với ông Ôn vào cùng ngày, chứng tỏ ông Ôn đã bị tạm giam hình sự vào 2 giờ chiều ngày 1 tháng 8.

Ngày 1 tháng 9 năm 2023, Viện Kiểm sát Quận Tây Sơn phê chuẩn vụ bắt giữ ông Ôn. Tại thời điểm viết báo cáo, ông vẫn đang bị giam tại trại tạm giam Quận Tấn Ninh.

Đơn kiện cảnh sát của người vợ

Đầu tháng 9 năm 2023, bà Đồng khởi kiện Dương Vệ Bình, trưởng Phòng Công an quận Tấn Ninh, với lý do là cảnh sát đã xâm phạm và lục soát phi pháp tài sản của họ, đồng thời lạm quyền để truy tố chồng bà. Bà Đồng yêu cầu cảnh sát thả ông Ôn ngay lập tức, và công khai xin lỗi gia đình họ, cộng thêm bồi thường về tài chính.

Bà nêu ra trong đơn kiện rằng: “Tôi biết tin chồng tôi bị khép vào tội danh ‘lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật’. Tôi đã tìm hiểu các đạo luật được ban hành ở Trung Quốc, nhưng không tìm thấy bất kỳ luật nào liệt kê Pháp Luân Công là tổ chức tà giáo. Tôi yêu cầu các ông công khai cơ sở pháp lý nào để khép chồng tôi vào những tội danh trên, cũng như thông tin chi tiết về những điều luật nào mà ông ấy bị vu khống là vi phạm.”

Vì không nhận được bất kỳ phản hồi nào cho đơn kiện, bà Đồng đã gửi thêm nhiều thư hơn đến viện kiểm sát vào giữa tháng 10 năm 2023 để yêu cầu họ bãi bỏ vụ án của ông, thả ông và hoàn trả lại tất cả những vật phẩm bị tịch thu từ gia đình bà.

Bản cáo trạng

Ngày 25 tháng 10 năm 2023, công tố viên Trương Yến Lâm thuộc Viện Kiểm sát Quận Tây Sơn gọi điện cho bà Đồng, hỏi rằng gia đình bà có thuê luật sư cho ông Ôn hay không. Trương liên tục từ chối tiết lộ tên, nhưng sau này bà Đồng đã xác nhận được tên của bà ta.

Sáng hôm sau, bà Đồng đến viện kiểm sát và đưa cho Trương đơn kiện cảnh sát cùng với các giấy tờ yêu cầu Trương bãi bỏ vụ án của chồng bà và thả ông. Thư ký của Trương, Từ Hải Đông, cũng có mặt lúc đó. Từ cũng từ chối tiết lộ tên, tuy nhiên gia đình bà Đông đã nhìn thấy tên anh ta trên bản cáo trạng. Trương lại hỏi một lần nữa rằng bà Đồng có thuê luật sư cho ông Ôn chưa, nếu không thì Phòng Tư pháp sẽ chỉ định luật sư cho ông.

Vì gia đình không đủ tiền thuê luật sư, nên bà Đồng đứng ra làm người bào chữa không phải luật sư cho ông. Bà còn đến trại tạm giam để ông Ôn ký vào hồ sơ.

Ngày 30 tháng 10 năm 2023, bà Đồng đến viện kiểm sát một lần nữa, thúc giục Trương bãi bỏ vụ án của chồng mình và hoàn trả lại những vật phẩm bị tịch thu. Khi được hỏi, Trương vẫn từ chối tiết lộ tên cho bà Đồng. Bà ta khăng khăng rằng không thể không truy tố ông Ôn, và sẽ không hoàn trả lại những vật phẩm bị tịch thu.

Ngày 6 tháng 11 năm 2023, bà Đồng lại gửi thư kiến nghị một lần nữa, và Trương vẫn từ chối hết mọi đề nghị. Trương còn ngăn cản bà Đồng xem hồ sơ vụ án của chồng mình hoặc đến thăm thân. Trương cho rằng chỉ có luật sư mới được phép xem hồ sơ vụ án, bởi vì họ sẽ không tiết lộ thông tin cho công chúng, nói rằng không tin tưởng bà Đồng, bởi vì bà có thể phơi bày việc bức hại đối với ông Ôn ra công chúng. Bà Đồng yêu cầu được biết cơ sở pháp lý cho lời khẳng định của Trương, nhưng Trương không thể đưa ra một lời nào. Bà ta đã sử dụng lý do tương tự để từ chối yêu cầu thăm thân của bà Đồng, sau đó vội vã rời đi.

Ngày 16 tháng 11 năm 2023, Trương truy tố ông Ôn với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”. Bà ta từ chối cung cấp bản sao của bản cáo trạng cho bà Đồng, thay vào đó lại bảo bà đến gặp thẩm phán.

Bà Đồng đã kiện Trương vì truy tố chồng bà một cách phi pháp và bác bỏ quyền lợi người bào chữa thuộc diện thân nhân của bà.

Việc đại diện pháp lý bị ngăn trở

Ngay khi vụ án của ông Ôn được chuyển đến Toà án quận Tây Sơn vào giữa tháng 12 năm 2023, bà Đồng, với tư cách người bào chữa thuộc diện thân nhân, đã liên lạc với thẩm phán Phổ Hội Tuấn, người xử lý vụ án của ông Ôn. Trước sự bền bỉ của bà Đồng, thẩm phán rốt cuộc đã cung cấp bản cáo trạng của ông. Bà còn yêu cầu thẩm phán cho phép bà xem hồ sơ vụ án và đến thăm thân, cũng như hoàn trả lại những vật phẩm đã tịch thu và loại trừ chúng ra khỏi các bằng chứng buộc tội chồng bà. Phổ phớt lờ các đề nghị này.

Ngày 10 tháng 1 năm 2024, gia đình ông Ôn thuê một luật sư cho ông. Khi luật sư và bà Đồng đến toà án để xem hồ sơ vụ án của ông, Phổ vẫn từ chối đề nghị của bà Đồng để vào thăm hoặc nói chuyện với ông Ôn thông qua hình thức khác. Ông ta cho phép luật sư xem và sao chép lại hồ sơ vụ án, nhưng không cho bà Đồng làm như vậy. Ông ta vẫn từ chối hoàn trả những vật phẩm bị tịch thu hoặc loại trừ chúng ra khỏi danh sách bằng chứng buộc tội.

Trong khi luật sư đang xem hồ sơ vụ án của ông Ôn, thẩm phán và chấp hành viên toà án bắt bà Đồng giao nộp điện thoại di động và xoá hết tất cả bản ghi âm trong đó. Họ cho rằng ông Ôn đã có luật sư, nên bà không thể làm người bào chữa thuộc diện thân nhân của ông ấy, ngay cả khi luật pháp Trung Quốc cho phép bị cáo được có hai người bào chữa.

Không hài lòng với phần trình bày của luật sư, ngày 11 tháng 1 năm 2024, bà Đồng chấm dứt hợp đồng, và thuê một người bạn để làm người bào chữa không phải luật sư cho chồng mình. Mặc dù luật pháp cho phép bạn bè của bị cáo trở thành người bào chữa không phải luật sư, thẩm phán Phổ lại yêu cầu người bạn kia chứng minh mối quan hệ của ông ấy với ông Ôn, cho rằng chỉ có người nhà mới được làm người bào chữa không phải luật sư. Ngay cả sau khi bà Đồng có được thư chứng minh mối quan hệ bạn bè theo pháp luật, thẩm phán Phổ vẫn cấm ông ấy đại diện cho ông Ôn, và chỉ chấp nhận biên bản bào chữa dưới dạng văn bản từ ông ấy.

Bà Đồng cũng kiện thẩm phán Phổ vì ngăn trở việc đại diện pháp lý cho chồng bà.

Phiên toà xét xử và bản án

Ngày 30 tháng 1 năm 2024, thẩm phán Phổ tổ chức phiên toà xét xử vụ án của ông Ôn mà không cho phép bạn của ông ấy bào chữa với tư cách người bào chữa không phải luật sư. Khi phát hiện người bạn kia đã vào bên trong toà án và qua được màn hình an ninh, cảnh sát (thuộc Phòng An ninh Nội địa Quận Tây Sơn và Phòng An ninh Nội địa Quận Vũ Hán) cưỡng chế đuổi ông ra khỏi phòng xử án và không cho ông vào nữa.

Trong khi đó, bà Đồng được phép làm người bào chữa thuộc diện thân nhân của ông Ôn. Chỉ có bà và con gái cả, cô Ôn Hân, được phép tham dự phiên toà. Tất cả họ hàng và bạn bè đến ủng hộ ông Ôn bị chặn ở ngoài lối vào của toà án, và bị cảnh sát giám sát cho đến cuối phiên toà.

Bà Đồng ít nhất năm lần yêu cầu thẩm phán Phổ phải trình bày cơ sở pháp lý cho lời tuyên bố rằng Pháp Luân Công là một tổ chức tà giáo, tuy nhiên Phổ liên tiếp phớt lờ bà ấy. Cả ông ta và công tố viên Trương đều không cung cấp bất kỳ thông tin gì về điều luật mà ông Ôn bị cho là đã vi phạm.

Công tố viên Trương chỉ mô tả bằng chứng, mà không đưa ra bằng chứng tại toà án. Trương còn đọc lên biên bản thẩm vấn của con gái út ông Ôn về việc tu luyện Pháp Luân Công của cha cô, bất chấp sự thật rằng bản thẩm vấn không bao gồm trong hồ sơ vụ án của ông Ôn. Bà Đồng bào chữa rằng con gái của bà bị ép phải cung cấp thông tin sau khi bị cảnh sát đe dọa, và rằng chồng bà có quyền tự do tín ngưỡng để tu luyện Pháp Luân Công, điều này không vi phạm bất kỳ điều luật nào.

Cũng không có nhân chứng nào có mặt để đối chất. Bà Đồng yêu cầu công tố viên trình ra bằng chứng và thẩm phán gọi nhân chứng ra, nhưng không có tác dụng.

Bà Đồng nhiều lần yêu cầu được đọc biên bản bào chữa của mình, nhưng đều bị thẩm phán Phổ bác bỏ. Chỉ khi đến phần phát biểu kết luận của luật sư thì Phổ mới cho phép bà đọc nó, tuy nhiên ông ta đã cắt ngang sau khi bà mới chỉ đọc phần mở đầu. Lời bào chữa của bản thân ông Ôn cũng bị Phổ cắt ngang nhiều lần, lại còn cấm ông Ôn nói lời cuối.

Ngày 20 tháng 2 năm 2024, thẩm phán Phổ kết án ông Ôn 3 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Báo cáo liên quan bằng tiếng Trung:

昆明市温永树被非法关押批捕-家属依法控告

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/27/474613.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/4/216454.html

Đăng ngày 29-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share