Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Thiên Tân, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-03-2024] Ngày 12 tháng 3 năm 2024, 2 người phụ nữ ở thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông, bị kết án 2 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Khoảng 5 giờ sáng ngày 9 tháng 5 năm 2023, 23 cư dân Long Khẩu (21 học viên Pháp Luân Công và 2 người nhà) bị bắt, trong đó có bà Trần Quế Phương và bà Tiêu Lân Huệ. Ngày hôm đó, hơn 100 cảnh sát từ 8 đồn công an ở Thành phố Long Khẩu được huy động để tiến hành vụ bắt giữ quy mô lớn này. Cảnh sát lừa các học viên ra mở cửa bằng cách giả danh là nhân viên Ủy ban dân phố hoặc hàng xóm tầng dưới có trần nhà bị rỉ nước. Theo những người trong cuộc, Đội An ninh Nội địa Thành phố Long Khẩu đã chỉ đạo vụ bắt giữ này.

Bà Tiêu, người gốc Thiên Tân, bị cảnh sát ở Đồn Công an Đông Giang bắt giữ. Cảnh sát xông vào bằng cách cạy cửa nhà bà. Bà Trần bị bắt tại nhà của chị gái khi đang chăm sóc cho chị gái là bà Trần Yên sau cuộc phẫu thuật ở chân. Cả 2 học viên đều bị giam tại Trại tạm giam Thành phố Yên Đài. Yên Đài giám sát Long Khẩu.

Ngày 26 tháng 7 năm 2023, cảnh sát đã đệ trình vụ án chung của họ lên Viện Kiểm sát Thành phố Long Khẩu. Họ nhanh chóng bị truy tố, và vụ án của họ được chuyển đến Tòa án Thành phố Long Khẩu vào ngày 21 tháng 8.

Phiên tòa đầu tiên

Ngày 1 tháng 11 năm 2023, khi bà Tiêu và bà Trần hầu tòa, thẩm phán ngồi cùng phòng với các thành viên trong gia đình họ, đồng thời xếp hai người phụ nữ vào phòng bên cạnh. Công tố viên Vương Phi cáo buộc bà Tiêu “tái phạm nhiều lần”, vì trước đây bà từng bị kết án lao động cưỡng bức 2 lần vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Tiêu lý giải lẽ ra bà không nên bị bức hại vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng được hiến pháp bảo vệ. Như vậy, ngay từ đầu án lao động cưỡng bức đã là phi pháp.

Bà Trần làm chứng chống lại cảnh sát vì lừa dối bà. Họ hứa sẽ đưa bà về nhà sau khi khám sức khỏe vào ngày bà bị bắt, nhưng họ lại nuốt lời và đưa bà vào trại tạm giam Thành phố Yên Đài ngay sau khi kiểm tra tại bệnh viện. Bà cho biết bà trở nên khỏe mạnh sau khi tu luyện Pháp Luân Công từ hơn 20 năm trước, nhưng sau khi bị ngược đãi trong trại tạm giam hơn 5 tháng, bà đã bị cao huyết áp và đau nửa đầu. Lính canh ép bà phải uống một số loại thuốc không rõ chủng loại mỗi ngày.

Bà Trần và luật sư của bà cũng phản đối hình thức tổ chức của phiên xét xử này. Họ chất vấn chủ tọa phiên tòa tại sao lại đưa bà và bà Tiêu vào một phòng khác, trong khi họ đã được đưa đến tòa án và không mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào.

Bà Trần cũng cho biết bà được thông báo một thẩm phán khác sẽ chủ trì phiên tòa, và không nhận được thông báo trước về việc thay đổi chủ tọa, theo như yêu cầu của pháp luật. Thẩm phán không giải quyết những thắc mắc của bà, và kết thúc phiên xét xử sau nửa tiếng đồng hồ.

Phiên tòa thứ hai

Ngày 26 tháng 12 năm 2023, cả 2 người phụ nữ đều có mặt tại phiên tòa thứ hai. Luật sư của họ lập luận rằng Đội An ninh Nội địa Thành phố Yên Đài, cơ quan ban hành thư “xác thực” các tài liệu Pháp Luân Công tịch thu từ 2 người phụ nữ này là “tuyên truyền tà giáo”, không có thẩm quyền làm việc đó. Với tư cách là một cơ quan thực thi pháp luật, rõ ràng có xung đột lợi ích khi đưa ra bất kỳ điều gì liên quan đến bằng chứng. Theo luật, chỉ có bên thứ ba là Cơ quan pháp y độc lập mới có quyền kiểm tra và xác minh bằng chứng truy tố. Do đó, bức thư của Đội An ninh Nội địa và bằng chứng mà họ “xác thực” không có hiệu lực.

Trong giai đoạn đối chất chứng cứ, công tố viên Vương Phi đã phát đoạn video cho thấy một người đội mũ bảo hiểm màu vàng đi xe máy điện chở một người khác. Mặc dù đoạn video không nhìn rõ khuôn mặt của hai người, nhưng Vương khẳng định chính bà Trần đã chở bà Tiêu, và họ đang trên đường đi phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Bà Trần cho biết mình không có mũ bảo hiểm màu vàng như vậy. Ngay cả nếu người trong video là bà, thì Vương cũng không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh được bà đang trên đường đi phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Luật sư của bà Trần yêu cầu bà được trắng án. Ông nói thêm rằng khách hàng của ông có quyền tự do tôn giáo và biểu đạt để thực hành đức tin, cũng như cho mọi người biết về đức tin đó. Bà ấy không làm gì sai và không đáng bị kết án. Công tố viên đã phớt lờ lời của luật sư.

Ngày 12 tháng 3 năm 2024, Thẩm phán Triệu Vũ kết án cả 2 học viên, mỗi người 2 năm tù.

Hai án lao động trước đây của bà Tiêu

Đây không phải là lần đầu tiên bà Tiêu bị bức hại vì đức tin của mình. Trước đây, bà từng bị giam trong Trại lao động 2 lần, tổng cộng 3 năm, và bị tra tấn và tẩy não.

Một năm lao động cưỡng bức vào năm 2004

Một ngày hè năm 2003, khi bà Tiêu đang sống ở Thiên Tân, cảnh sát từ Đồn Công an Thắng Lợi xuất hiện trước cửa nhà bà, yêu cầu kiểm tra liệu nhà bà có chứa tài liệu Pháp Luân Công hay không. Họ còn ra lệnh cho bà đến Đồn Công an để viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Tiêu từ chối mở cửa, và cũng không làm theo yêu cầu của họ. Lo sợ bị bức hại thêm, bà rời nhà vào lúc nửa đêm. Ngày hôm sau, cảnh sát xông vào khám xét nơi ở của bà. Bà buộc phải sống phiêu dạt hơn 6 tháng để tránh cảnh sát.

Ngày 14 tháng 4 năm 2004, không lâu sau khi bà Tiêu trở về nhà để đoàn tụ với chồng và con học lớp bốn, bà bị cảnh sát của Đồn Công an Thắng Lợi bắt, và bị kết án 1 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bản Kiều ở Thiên Tân.

Trong Trại lao động, bà Tiêu bị buộc đứng xem các chương trình truyền hình bôi nhọ Pháp Luân Công cả ngày. Lính canh cũng giam bà trong một phòng cách ly, nơi các bức tường viết đầy những khẩu hiệu phỉ báng Pháp Luân Công, và sàn phủ kín ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công. Một lính canh ra lệnh cho bà dẫm lên những bức ảnh. Khi bà Tiêu từ chối, lính canh Hạ Xuân Lệ tát vào mặt bà. Một lính canh khác là Lưu Quân Anh xé một bức ảnh rồi giao cho các tù nhân bỏ vào trong giày của bà Tiêu.

Vì bà Tiêu từ chối lao động cưỡng bức, lính canh bắt bà đứng liên tục 4 ngày, chỉ được ngủ 2 tiếng mỗi đêm. Sự tra tấn này được lặp lại nhiều lần. Lính canh cũng tra tấn tù nhân cùng phòng của bà Tiêu, nhằm kích động lòng căm thù của họ đối với bà, và gây áp lực tinh thần nhằm buộc bà từ bỏ Pháp Luân Công.

Hai năm lao động cưỡng bức vào năm 2009

Ngày 8 tháng 2 năm 2009, bà Tiêu lại bị bắt vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở Thiên Tân. Bà bị thương ở mặt và cổ sau khi bị cảnh sát đánh đập. Đầu tiên, bà bị giam tại trại tạm giam Quận Tân Nam, sau đó bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bản Kiều để thụ án 2 năm.

Vì từ chối lao động cưỡng bức, bà lại bị buộc phải đứng liên tục 4 ngày và ngủ rất ít trong thời gian đó. Bà cũng bị biệt giam, bị tẩy não và bị cấm ngủ trong thời gian dài hơn. Lính canh cũng xúi giục tù nhân nghiện ma túy đánh đập bà.

Trong một chiến dịch mới do Phòng 610 Thiên Tân khởi xướng vào tháng 8 năm 2009 nhằm tăng cường tra tấn các học viên không từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh chuẩn bị một phòng riêng, dán ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công vào bao cát và ra lệnh cho bà đánh bao cát. Một số lính canh còn yêu cầu các học viên giẫm lên ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Thời hạn của bà Tiêu bị kéo dài thêm 5 ngày vì bà kiên định với đức tin.

Bài viết liên quan bằng tiếng Trung:

山东省龙口市陈桂芳和焦麟惠老人再被庭审陷害

Bài viết liên quan bằng tiếng Anh:

Husband Dying, Jiao Linhui Forbidden to Visit

Bài viết liên quan:

Bị nhắm đến chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, ba cư dân Sơn Đông bị kết án tù và hai người khác đang chờ phán quyết

Thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông: 23 học viên bị bắt trong 1 ngày, 4 người đối mặt với xét xử và 3 người đối mặt với bản cáo trạng

Một phiên xét xử lai tạp lạ đời – thẩm phán và người tham dự ở trong một phòng xử án, các bị cáo ở phòng bên cạnh tham gia phiên tòa trực tuyến

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/18/474325.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/21/216289.html

Đăng ngày 15-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share