Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-10-2023] Ngày 24 tháng 8 năm 2023, một phụ nữ 58 tuổi ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án bốn năm tù và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Bà Vương Tú Anh đã kháng cáo phản đối bản án oan sai. Trong đơn kháng cáo của mình, bà viết: “Tôi tu luyện theo Chân-Thiện-Nhẫn [nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công] và không vi phạm pháp luật để cố gắng trở thành một người tốt.”
Sau khi bị bắt, bà Vương phải vật lộn với chứng huyết áp cao nguy hiểm, nhưng bà vẫn bị tống giam. Trong Trại tạm giam, bà còn mắc thêm bệnh tim và thường cảm thấy chóng mặt.
Bà Vương Tú Anh.
Vụ bắt giữ
Bà Vương bị bắt vào ngày 12 tháng 2 năm 2023, sau khi bà nói với một nhân viên giao đồ ăn về Pháp Luân Công bên ngoài một siêu thị và bị anh ta tố cáo. Một số cảnh sát nhanh chóng xuất hiện, đẩy bà lên xe, đưa bà đến Đồn cảnh sát Thành Đông Hồ và tịch thu túi xách của bà. Một số cảnh sát ở lại siêu thị để tìm cách thu thập các đoạn video giám sát quay cảnh bà Vương nói chuyện với người thanh niên đã tố cáo bà.
Trong khi bà Vương từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát vào ngày 12 và 13 tháng 2, bà vẫn cố gắng thuyết phục họ không tham gia vào cuộc bức hại. Ngày 13 tháng 2, cảnh sát đã đột kích vào nhà của bà và tịch thu các sách cùng tài liệu Pháp Luân Công. Họ đưa bà đến một số bệnh viện để kiểm tra sức khỏe vì huyết áp của bà liên tục ở mức cao khiến trại tạm giam không thể tiếp nhận bà. Cảnh sát ép bà uống thuốc huyết áp, khiến bà rất chóng mặt.
Khoảng 8 giờ tối ngày 13 tháng 2, cảnh sát đưa bà Vương đến Trại giam Số 1 thành phố Thẩm Dương, nhưng trại giam vẫn từ chối tiếp nhận bà do bà bị cao huyết áp. Một sỹ quan đe dọa sẽ giam giữ bà bằng bất cứ giá nào.
Sau khi rời trại tạm giam, cảnh sát đưa bà đến một bệnh viện khác để kiểm tra huyết áp và thất vọng khi biết chỉ số huyết áp của bà vẫn cao ở mức nguy hiểm. Sau đó, họ đưa bà trở lại đồn cảnh sát và thẩm vấn bà đến 11 giờ đêm rồi mới thả bà về nhà với chồng của bà. Họ tịch thu giấy tờ tùy thân của bà và quản thúc bà tại nhà.
Hôm sau, chồng của bà Vương quay lại đồn cảnh sát để yêu cầu họ trả lại giấy tờ tùy thân của bà vì bà cần nó trong cuộc sống hàng ngày. Cảnh sát từ chối trả lại cho ông và sau đó còn bắt ông nộp thêm 200 Nhân dân tệ cho việc khám sức khoẻ của bà. Họ cảnh báo ông: “Nếu chúng tôi bắt bà ấy lần nữa, chúng tôi sẽ kết án bà ấy. Ông có biết tội của bà ấy nghiêm trọng như tội giết người”.
Bị truy tố
Nhiều tuần sau, cảnh sát đã đệ trình vụ án của bà Vương Tú Anh lên Viện kiểm sát Quận Ngọc Hồng. Công tố viên Phác Vân Tinh đã gọi điện cho chồng bà Vương vào đầu tháng 5 năm 2023 và bảo ông đưa bà đến lấy lời khai. Bà Vương từ chối làm theo.
Ngày 12 tháng 5 năm 2023, bà Vương gọi điện cho cảnh sát Trương Thạch Trình, người phụ trách vụ án của bà. Bà nói bà không vi phạm pháp luật khi tu luyện Pháp Luân Công và Hiến pháp bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng. Bà kiên quyết yêu cầu ông Trương gỡ bỏ lệnh quản thúc tại nhà của bà.
Ông Trương phớt lờ kiến nghị của bà và ra lệnh cho bà đến viện kiểm sát. Ông đe dọa sẽ bắt giam bà Vương nếu bà không hợp tác với chính quyền.
Bà Vương chỉ ra rằng cảnh sát và công tố viên đã vi phạm pháp luật khi cùng nhau bức hại những người tốt. Ông Trương thừa nhận họ đang hợp tác với nhau và không cần lời khuyên nhủ của bà.
Cùng ngày hôm đó, bà Vương cũng gọi điện cho công tố viên Phác và khẳng định bà không vi phạm pháp luật. Ông Phác nói: “Bà có thể có suy nghĩ riêng của mình, nhưng đất nước chúng ta cũng có những quy định riêng.”
Sau đó, bà Vương nói rằng ông Phác không có cơ sở pháp lý để buộc tội bà. Ông Phác trả lời: “Pháp lý là gì? Nếu bà muốn nói về nó, tôi sẽ không tiếp tục cuộc trò chuyện này. Tôi không có nghĩa vụ phải trả lời câu hỏi của bà.”
“Là công tố viên, ông không xử lý vụ án theo pháp luật sao?”, bà Vương hỏi.
“Được rồi, được rồi, bà muốn nói gì nữa đây?”, ông Phác ngắt lời bà.
Bà Vương kể lại việc cảnh sát đã vi phạm pháp luật như thế nào khi giải quyết vụ án của bà, trong đó có việc bắt giữ bà và lục soát nhà bà mà không có lệnh bắt giữ hay khám xét. Bà kiên quyết đề nghị ông Phác gỡ bỏ lệnh quản thúc tại nhà đối với bà.
“Vương Tú Anh, để tôi nhắc cho bà biết, lựa chọn duy nhất của bà là nhận tội. Bà nên có thái độ đúng đắn và cắt đứt quan hệ với Pháp Luân Công.”
“Tôi đâu có phạm luật!”
“Đó chỉ là suy nghĩ của bà. Chính phủ đã quyết định từ nhiều năm trước rằng Pháp Luân Công là ‘tà giáo’ nhưng bà vẫn ra ngoài quảng bá nó.”
“Quy định nào nói Pháp Luân Công là ‘tà giáo’?”
Không thể trả lời câu hỏi, ông Phác cao giọng nói: “Đừng nói vấn đề ấy với tôi. Đó là lỗi của bà, nhưng bà không muốn thừa nhận nó. Tôi không thể giúp bà việc này. Bây giờ, tôi chính thức nói với bà Pháp Luân Công từ lâu đã bị coi là ‘tà giáo’. Nếu bà không muốn thừa nhận điều đó và khăng khăng tu luyện Pháp Luân Công, đó là việc của bà. Nếu bà đã quyết tâm như vậy thì tôi cũng biết mình nên xử lý trường hợp của bà như thế nào rồi. Tôi không cần phải tiếp tục cuộc nói chuyện này nữa.”
Cảnh sát cố gắng giam giữ bà Vương
Khoảng 8 giờ 30 sáng ngày 17 tháng 5, cảnh sát Trương và cảnh sát trưởng Lý đã ra lệnh cho nhân viên bảo vệ và ban quản lý chung cư của bà Vương đến gõ cửa nhà bà và nói trần nhà hàng xóm ở tầng dưới của bà bị dột. Bà nhìn thấu được âm mưu và từ chối mở cửa.
Sau đó, cảnh sát Trương đến trước cửa nhà bà và nói: “Bà không muốn gỡ bỏ lệnh quản thúc tại nhà sao? Nếu có thì hãy mở cửa và đi cùng tôi đến đồn.” Thấy bà không chịu mở cửa, ông Trương dọa sẽ dùng vũ lực. Bà nói với ông và ông Lý rằng họ là cảnh sát có nhiệm vụ tuân thủ luật pháp nhưng họ đang vi phạm pháp luật. Sau đó, họ gọi cho chồng của bà và ra lệnh ông về nhà mở cửa. Nhưng ông kiên quyết từ chối.
Khi chồng bà Vương mở cửa đi làm vào khoảng 6 giờ 30 sáng ngày 13 tháng 6, năm cảnh sát mặc thường phục, trong đó có ông Trương, bất ngờ xông vào căn hộ. Bà Vương lúc đó chưa chải tóc hay mang giày, nhưng hai cảnh sát đã lôi bà vào thang máy. Chồng và mẹ chồng sống cùng bà đã rất sốc và sợ hãi.
Bà Vương bị đưa đến Đồn cảnh sát Đông Hồ. Bà từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát. Ông Trương nổi cơn thịnh nộ và chửi bới bà: “Khốn nạn, bà già này! Tại sao bà không xuống địa ngục và chịu quả báo? Tại sao bà vẫn sống chứ?“
Bà Vương vẫn trầm tĩnh và nói với ông Trương: “Tôi cảm thấy tiếc cho ông.” Ông ta bình tĩnh lại một chút và nói ông phải thẩm vấn bà vì đó là công việc của ông.
Sau khi thẩm vấn, ông Trương và cảnh sát Vương Súy Nam đưa bà Vương đến trạm y tế Phòng Công an Quận Ngọc Hồng để kiểm tra. Khi bà từ chối hợp tác, họ ghì chặt cổ và vai của bà, khiến bà bị bầm tím và đau đớn trong vài ngày sau đó.
Chiều hôm sau, sau khi khám sức khỏe, ông Trương và ông Thịnh chở bà Vương đến trại tạm giam Số 1 Thành phố Thẩm Dương. Nhân viên trại tạm giam từ chối tiếp nhận bà vì huyết áp tâm thu của bà là 200 mmHg (trong khi mức huyết áp bình thường không quá 120 mmHg).
Ông Trương nói: “Đừng lo! Giờ chỉ cần tiếp nhận bà ta và nếu bà ta xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì sau này thì cứ gọi cho tôi”. Nhân viên trại tạm giam vẫn từ chối và ông Trương đã nghĩ đến việc đưa bà Vương vào tù mặc dù bà chưa bị kết án. Ban quản lý trại tạm giam lưu ý ông rằng sẽ không nhà tù nào dám nhận bà vì huyết áp của bà quá cao.
Sau đó, ông Trương và ông Thịnh đưa bà Vương đến Bệnh viện Số 4 Thành phố Thẩm Dương, cách đó khoảng 13km, để tiêm tĩnh mạch và uống thuốc hạ huyết áp. Ba giờ sau, hai người này lại đưa bà Vương đến trại tạm giam, nhưng nhân viên vẫn từ chối nhận bà, ngay cả sau khi cảnh sát trưởng Lý gọi điện đến trại tạm giam.
Cuối cùng, khi cảnh sát Trương chấp nhận bỏ cuộc thì đã 11 giờ đêm. Trên đường ông và ông Thịnh chở bà Vương về lại đồn cảnh sát, ông phàn nàn: “Viện kiểm sát gây áp lực lớn lên chúng tôi để giam giữ bà. Giờ thì nhìn coi. Họ chẳng giúp gì chúng tôi cả. Họ chỉ khiến cuộc sống của chúng tôi trở nên khó khăn hơn mà thôi.”
Khoảng trưa ngày 15 tháng 6, ông Trương thẩm vấn bà Vương một lần nữa và ra lệnh bà ký vào giấy quản thúc tại nhà. Bà đã từ chối.
Vào khoảng 3 giờ chiều, công tố viên Phác và một thư ký đến để lấy lời khai của bà Vương mặc dù bà đã yêu cầu ông Phác không tham gia vào vụ án. Bà phản đối và một lần nữa yêu cầu được xem các tài liệu chứng minh cơ sở pháp lý để truy tố bà. Tuy nhiên, ông Phác phớt lờ bà.
Ông Trương thả bà Vương không lâu sau đó. Ông nói với bà: “Tốt nhất bà nên đến trình diện bất cứ khi nào chúng tôi triệu tập. Bà sẽ được phép về nhà sau khi chúng tôi thẩm vấn vì không có trại tạm giam hay nhà tù nào nhận bà.”
Chủ tọa phiên tòa vi phạm thủ tục tố tụng
Cuối tháng 6, bà Vương được biết ông Phác đã nộp bản cáo trạng của bà lên Tòa án Quận Ngọc Hồng vài ngày trước đó, ngày 26 tháng 6. Bà đã gửi kiến nghị đến thẩm phán Cát Lỵ Đan, người phụ trách vụ án của bà, yêu cầu hủy bản cáo trạng.
Cảnh sát Trương và cảnh sát trưởng Lý đã dùng kiến nghị của bà như một cái cớ để bắt bà lần nữa. Lần này, họ yêu cầu trại tạm giam Số 1 thành phố Thẩm Dương tiếp nhận bà vào ngày 10 tháng 7. Bà tiếp tục bị giam giữ.
Tòa án Quận Ngọc Hồng lên lịch xét xử vào ngày 16 tháng 8 năm 2023, nhưng chủ tọa phiên tòa Cát Lỵ Đan không thông báo cho bà ngày ra tòa. Bà không biết gì về phiên tòa sắp tới cho đến khi luật sư của bà đến thăm bà một ngày trước phiên điều trần. Theo luật, lẽ ra tòa án phải thông báo trước cho bà ít nhất ba ngày.
Chồng và bạn của bà Vương đã hai lần nộp đơn xin bào chữa cho bà với tư cách là người bào chữa không phải luật sư, nhưng thẩm phán Cát từ chối. Sau đó, con trai của bà Vương, người làm việc ở nơi khác, quay trở lại Thẩm Dương và nộp đơn xin trở thành người bào chữa không phải luật sư của bà ngay trước khi phiên xét xử bắt đầu vào ngày 16 tháng 8. Thẩm phán Cát đã chấp thuận đơn đăng ký của anh sau khi bà Vương ký giấy tờ.
Ban đầu, thẩm phán Cát cho phép hai người thân trong gia đình được tham dự phiên xét xử nhưng đã đổi thành một người ngay trước phiên tòa. Một thành viên trong gia đình của bà Vương (chưa rõ mối quan hệ) đến tòa án trước chồng bà và được cho vào. Do vậy, chồng của bà Vương phải ở bên ngoài.
Sau khi phiên tòa bắt đầu, bà Vương yêu cầu công tố viên Phác không được giam gia bởi bà đã nộp đơn khiếu nại công tố viên này vào tháng 5 năm 2023 vì không điều tra việc cảnh sát bắt giữ bà trái phép. Thẩm phán Cát từ chối yêu cầu của bà.
Không biết vì lý do gì, luật sư riêng của bà Vương đã không có mặt tại phiên tòa. Luật sư do tòa án chỉ định, người mà bà Vương đã từ chối sử dụng, đã nhận tội cho bà và không phản đối các bằng chứng truy tố. Trước đó, vào ngày 7 tháng 8, luật sư do tòa án chỉ định đến thăm bà Vương và khuyên bà nên “nhận tội” tu luyện Pháp Luân Công. Bà chỉ rõ bà không vi phạm pháp luật và nói với luật sư rằng bà không muốn ông ấy đại diện cho bà. Khi thấy ông ấy tại phiên tòa, bà đã rất ngạc nhiên vì trái với ý kiến của bà.
Thẩm phán Cát không cho phép con trai bà Vương chất vấn công tố viên theo quy định của pháp luật. Anh chỉ có thể đặt câu hỏi cho mẹ của mình, điều này khiến anh không thể bảo vệ bà một cách thỏa đáng. Ngoài ra, thẩm phán Cát còn liên tục ngắt lời anh và kết thúc phiên tòa khi anh chưa đọc xong lời kết. Anh phải nộp văn bản bào chữa và hai bộ tài liệu chứng minh mẹ anh vô tội.
Trong phiên tòa, có tám nhân viên chấp hành bên trong phòng xử án, và khoảng năm cảnh sát từ Phòng Công an Thành Đông Hồ ở bên ngoài cửa. Bên ngoài tòa án, một chiếc ô tô không biển số của Phòng Công an Thành Đông Hồ đậu cạnh lối vào bên hông để ngăn không cho những người ủng hộ bà Vương vào trong.
Phiên xét xử kéo dài khoảng 30 phút và sau đó tám ngày, thẩm phán Cát đã kết án bà Vương bất chấp các tài liệu bổ sung mà con trai bà đã nộp.
Bài viết liên quan bằng tiếng Trung:
https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/20/464384.html
Bài viết liên quan bằng tiếng Việt
Bà Vương đến từ tỉnh Liêu Ninh bị bức hại vì đức tin kiên định
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/10/2/466681.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/8/212397.html
Đăng ngày 15-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.