Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-11-2023] Hai người phụ nữ ở huyện Pháp Khố, tỉnh Liêu Ninh đều bị kết án 9 tháng tù và phạt tiền 5.000 Nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Bà Mạnh Khánh Hiệp (70 tuổi) và bà Lưu Xuân Kiệt (58 tuổi) đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Thẩm Dương. (Huyện Pháp Khố thuộc thẩm quyền quản lý của Thẩm Dương).
Bà Mạnh Khánh Hiệp.
Bà Lưu Xuân Kiệt.
Bà Mạnh và bà Lưu bị bắt vào ngày 21 tháng 4 năm 2023, sau khi một cư dân địa phương là Kiều Lệ Hoa tố giác họ phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Cảnh sát thực hiện vụ bắt giữ là người của Đội An ninh Nội địa huyện Pháp Khố và Đồn Công an Thạch Kiều. Cảnh sát đột nhập vào nhà của hai học viên và nói rằng một người tên Cao Cường đã chứng kiến cuộc lục soát của cảnh sát. Không rõ liệu người họ Cao này có phải là cảnh sát hay không.
Ngày hôm sau, bà Lưu bị đưa đến Trại tạm giam Số 1 thành phố Thẩm Dương, bà Mạnh được thả và quản thúc tại gia. Tuy nhiên, ba ngày sau (25 tháng 4) cảnh sát đã lừa bà Mạnh đi tới Đồn Công an Thạch Kiều và bắt giam bà. Không rõ hiện bà đang bị giam giữ ở đâu.
Cảnh sát Đổng Quân Lượng (+86-15998398699) của Đồn Công an Thạch Kiều đã chuyển hồ sơ vụ án của hai học viên tới Viện Kiểm sát quận Liêu Trung ở thành phố Thẩm Dương. Công tố viên Lý Phán Phán (+86-24-27880199) đã truy tố họ và chuyển vụ án tới Tòa án quận Liêu Trung.
Tòa án đã mở hai phiên tòa xét xử bà Mạnh và bà Lưu vào ngày 11 tháng 9 và ngày 16 tháng 10 năm 2023. Thẩm phán Đoàn Hiểu Quang (+86-24-27899819) chủ trì phiên tòa, cùng sự tham gia của thẩm phán Hạ Lập Kiệt và Trương Nam, trợ lý thẩm phán Kim Giám và thư ký Quách Sảng.
Trong cả hai phiên tòa, hai học viên đều tự làm chứng để bào chữa cho mình và những người bào chữa không phải là luật sư cũng bác bỏ các cáo buộc chống lại hai học viên. Tuy nhiên, thẩm phán Đoàn vẫn kết án bà Mạnh và bà Lưu.
Cáo buộc thiếu cơ sở pháp lý
Công tố viên Lý buộc tội bà Mạnh và bà Lưu đã vi phạm Điều 300 của Luật Hình sự, trong đó quy định rằng bất kỳ ai lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật đều phải bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất của pháp luật.
Những người bào chữa cho bà Mạnh và bà Lưu lập luận rằng cơ quan lập pháp của Trung Quốc – Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, chưa từng ban hành bất kỳ luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công hoặc gán nhãn pháp môn tu luyện này là tà giáo. Như vậy, không hề có căn cứ pháp lý để tuyên án.
Sau đó, công tố viên Lý đã viện dẫn “Giải thích pháp luật” về Điều 300 của Luật Hình sự do Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành tháng 11 năm 1999 làm cơ sở pháp lý. Giải thích này quy định bất kỳ ai thực hành hoặc quảng bá Pháp Luân Công đều phải bị truy tố ở mức tối đa có thể.
Những người bào chữa chỉ ra một Giải thích pháp luật mới thay thế cho phiên bản năm 1999 đã có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2017. Giải thích mới không đề cập đến Pháp Luân Công và nhấn mạnh rằng bất kỳ cáo trạng nào chống lại bất kỳ ai liên quan tới tổ chức tà giáo đều phải có sơ sở pháp lý vững chắc. Vì không có bất kỳ luật nào được ban hành ở Trung Quốc gán nhãn Pháp Luân Công là một tà giáo, nên các cáo buộc chống lại bà Mạnh và bà Lưu dựa trên Giải thích pháp luật kia hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý.
Những người bào chữa cũng lập luận rằng dựa trên nguyên tắc tách biệt giữa tín ngưỡng tôn giáo và nhà nước, theo đó không có chính phủ nào, kể cả chính quyền cộng sản Trung Quốc, có tư cách để xác định liệu một tôn giáo hay hệ thống tín ngưỡng nào là tà giáo hay không.
Một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự cho những hành vi vi phạm pháp luật của họ, chứ không phải vì những điều thuộc về tín ngưỡng tôn giáo hay suy nghĩ của họ. Việc bà Mạnh và bà Lưu phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công không gây ra bất kỳ tổn hại nào cho bất kỳ cá nhân nào nói riêng hay toàn thể xã hội nói chung. Trên thực tế, không có nạn nhân nào được nêu tên trong vụ án của họ.
Kiều, người chỉ điểm hai học viên, đã không có mặt trước tòa để đối chất.
Cảnh sát vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý vụ án
Bà Mạnh và bà Lưu cùng những người bào chữa cho họ cũng làm chứng chống lại cảnh sát vì sự vi phạm thủ tục pháp lý của cảnh sát trong khi giải quyết vụ án của họ.
Cảnh sát không xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân hay lệnh khám xét nào trước khi xông vào vào nhà của hai học viên. Cao, người mà cảnh sát tuyên bố là chứng kiến cuộc đổ bộ này, đã không xuất hiện trước tòa. Cảnh sát chưa bao giờ tiết lộ danh tính của Cao. Bất cứ điều gì Cao nói về những tài sản bị tịch thu từ nhà của các học viên đều không thể được xác minh, tuy nhiên, chúng vẫn được sử dụng làm bằng chứng truy tố. Chữ ký của nhân chứng trên biên bản tịch thu tang vật dường như là của hai người khác nhau, mâu thuẫn với tuyên bố của cảnh sát rằng Cao là nhân chứng duy nhất trong cuộc khám xét nhà của cả hai học viên.
Những người bào chữa cũng lưu ý rằng cảnh sát gạch bỏ những cuộc khám xét đầu tiên của họ và ghi đè lên trên những lần mới với cùng danh sách những tài sản bị tịch thu.
Hai văn bản bắt buộc theo mẫu, gồm biểu mẫu đăng ký vụ án và biểu mẫu thông tin bổ sung có chứ những thông tin chính của vụ bắt giữ mà cảnh sát chuẩn bị cũng có sự không nhất quán.
Theo luật, chỉ các cơ quan pháp y độc lập bên thứ ba mới có đủ thẩm quyền kiểm tra và xác thực bằng chứng truy tố. Thế nhưng, cảnh sát thực hiện việc bắt giữ đã trình bằng chứng cho cơ quan cảnh sát cấp trên của họ để xác minh. Cơ quan cấp trên này nhận định rằng số tang vật bị tịch thu đó có “liên quan đến tà giáo”, nhưng báo cáo của họ không có chữ ký và không nêu chi tiết các thủ tục đã thực hiện để đi đến kết luận này. Tuy nhiên, công tố viên Lý lại chấp thuận kết quả xác thực đó và đưa nó vào các bản cáo trạng chống lại hai học viên.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/15/468239.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/19/212986.html
Đăng ngày 05-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.