Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-08-2023] Ông Diêm Văn Thành, 67 tuổi, ở huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông đã bị kết ba năm tù giam chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, vào khoảng ngày 20 tháng 7 năm 2023, là dịp kỷ niệm 24 năm cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với môn tu luyện và thiền định này.

Ông Diêm Văn Thành bị cảnh sát của Đồn Cảnh sát Thành Bắc bắt cóc vào ngày 7 tháng 2 năm 2023. Cảnh sát đã tịch thu máy tính xách tay, nhiều kinh sách Pháp Luân Công cùng lịch để bàn.

Trong khi thẩm vấn ông Diêm tại đồn cảnh sát, cảnh sát đã ghi hình toàn bộ quá trình và cho biết họ chỉ làm theo chỉ thị của bí thư huyện ủy. Họ hứa sẽ không gây khó dễ cho cuộc sống của ông và thả ông sau đó hai giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, sau đó vài ngày ông Diêm đã bị bắt lại, lần này là do đặc vụ của Đồn Cảnh sát Thành Kiệu và Phòng An ninh Nội địa Huyện Nghi Thủy thực hiện. Họ đã đưa ông Diêm tới Trại giam Huyện Nghi Thủy, có thể ông vẫn đang bị giam giữ tại đây.

Tháng 6 năm 2023, Viện Kiểm sát Huyện Nghi Thủy đã truy tố ông Diêm và Tòa án Huyện Nghi Thủy đã tổ chức phiên xét xử vụ việc của ông mà không hề thông báo cho gia đình ông.

Người nhà của ông Diêm nghe nói qua một nguồn tin nội bộ rằng ông đã bị kết án vào ngày 20 tháng 7. Hiện tại, ông đang kháng cáo bản án oan sai vì thực hành đức tin của mình.

Đây không phải lần đầu tiên mà ông Diêm bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước đó, ông đã hai lần bị kết án cưỡng bức lao động tổng cộng 4,5 năm vào năm 2007 và 2012. Năm 2005, con gái thứ của ông đã bị kết án một năm cải tạo lao động chỉ vì cô không biết cha cô đang ở đâu khi bị cảnh sát thẩm vấn. Lúc đó, mặc dù cô vẫn còn là trẻ vị thành niên nhưng cảnh sát vẫn đánh đập khiến cô bị chấn thương xương đòn.

Lần bức hại trước đó

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, cuộc bức hại Pháp Luân Công chính thức bắt đầu, các quan chức của làng Vũ Gia Túc đã bắt giữ tất cả các học viên địa phương, trong đó có ông Diêm. Cảnh sát đã tạm giam các học viên này tại trụ sở ủy ban trong 15 ngày, trong thời gian này họ đã bị ép phải đọc sách báo cũng như xem các chương trình truyền hình phỉ báng Pháp Luân Công và nhà sáng lập pháp môn này. Họ cũng bị ra lệnh phải từ bỏ Pháp Luân Công.

Cảnh sát đã thả các học viên này sau khi phạt mỗi người 600 Nhân dân tệ nhưng ra lệnh cho họ hàng ngày phải báo cáo cho chính quyền xã và phải xin phép nếu cần ra khỏi nhà. Tình trạng giám sát và sách nhiễu gia tăng xung quanh những “ngày nhạy cảm”, như ngày 20 tháng 7 hay các lễ kỷ niệm của Pháp Luân Công. Các học viên phải nhận những cuộc gọi hoặc cuộc viếng thăm không hẹn trước của các quan chức xã hay cảnh sát

Vào tháng 8 năm 2001, Lý Hồng Vỹ, Giám đốc Tổng cục Chính trị Huyện Nghi Thủy, và một số người từ Ủy ban Xã Vũ Gia Oa đã lừa ông Diêm tới trung tâm tẩy não ở làng Phụng Gia Trang, thị trấn Nghi Thủy. Ông bị giam tại đó 1 tháng 6 ngày và bị phạt 2.500 Nhân dân tệ. Một vài ngày sau khi được thả, ông lại bị đưa tới một trụ sở chính quyền và bị thẩm vấn trong một ngày. Các quan chức này đã phải thả ông vào ngày hôm sau, khi không tìm thấy lý do để giam giữ ông.

Con gái út bị phạt 1 năm lao động cưỡng bức vào năm 2005

Ngày 4 tháng 9 năm 2005, Ngưu Vĩnh từ Văn phòng Vũ Gia Oa và Vương Hồng Lượng, chỉ huy lực lượng dân quân, đã tới sách nhiễu ông Diêm. Ông đã yêu cầu họ dừng ngay việc bức hại những công dân tuân thủ pháp luật như ông. Để trả đũa, họ đã gọi thêm người tới để sách nhiễu ông.

Ngay sau đó, gần 30 đặc vụ đã tới trên 8 xe ô tô, trong đó có Tôn Kiến Cần (Thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp lý Huyện Nghi Thủy), Trần Hy Long (Trưởng Công an Huyện Nghi Thủy), Lý Kiến Bình và Trương Kỳ Quốc của Phòng An ninh Nội địa Huyện Nghi Thủy và Vương Lôi (Trưởng đồn cảnh sát địa phương).

Họ đã lục soát nhà ông Diêm nhưng không tìm được những gì mà họ muốn. Sau đó, họ đã lục soát căn nhà khác của ông và dùng một thanh kim loại để cạy cửa. Họ đã lấy đi một máy vi tính, một máy chiếu, và 30.000 Nhân dân tệ tiền mặt của ông.

Ông Diêm cùng vợ buộc phải sống phiêu bạt sau vụ việc này. Con trai đang học trung học cơ sở của họ bị bắt thôi học. Khi cảnh sát không tìm thấy vợ chồng ông Diêm, họ đã bắt hai con gái cùng hai cháu trai của họ.

Con gái lớn của ông Diêm đang nuôi con nhỏ và cháu trai nhỏ của ông đã được tại ngoại, còn cháu trai lớn của ông đã bị giam 1 tháng.

Con gái út của ông Diêm, lúc ấy chưa đến 18 tuổi, đã bị giữ 34 ngày tại một trại giam. Trong thời gian này, cảnh sát đã từng thẩm vấn cô liên tục hơn 30 giờ đồng hồ. Họ ra lệnh cho cô phải khai ra nơi cha cô đang trốn nhưng cô không biết cha cô lúc ấy đang ở đâu, vì vậy viên cảnh sát Trần Hy Long đã phạt cô 1 năm lao động cưỡng bức với tội danh “gây rối trật tự xã hội”.

Ba năm lao động cưỡng bức sau khi bị bắt vào năm 2007

Vào 6 giờ sáng ngày 2 tháng 5 năm 2007, ông Diêm bị mười mấy cảnh sát trực sẵn ở bên ngoài nhà bắt cóc. Những kẻ bắt cóc gồm có Vương Kiến Quân của Văn phòng Vũ Gia Oa, Trương Hoa của Đồn Cảnh sát Bắc Giao, và Lý Ngọc Hữu của Phòng An ninh Nội địa Huyện Nghi Thủy. Họ đã truy lùng ông Diêm sau khi ông phải bỏ trốn vào năm 2005. Họ đã tới nhà để bắt ông khi nghe tin ông định trở về vào sáng ngày hôm đó.

Cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông và lấy đi hai máy vi tính, một máy in, một máy phát nhạc MP3, 600 Nhân dân tệ tiền mặt cùng một số tài sản có giá trị khác. Họ cũng đánh đập con gái út của ông Diêm và tịch thu điện thoại di động của cô.

Để tìm thêm tiền, cảnh sát thậm chí còn lục soát từng chiếc gối và chăn bông. Một viên cảnh sát phàn nàn rằng: “Chúng ta lục soát căn nhà này bao nhiêu lần rồi mà không kiếm thêm được gì cả!”

Ngày 3 tháng 5 năm 2007, Lý Ngọc Hữu, Giải Phú Quý và một số cảnh sát khác đã tra tấn ông Diêm trong quá trình thẩm vấn. Họ đã đánh ông tàn ác đến mức khiến ông bất tỉnh. Sau đó, những người này đã đưa ông tới bệnh viện huyện, nhưng ba tiếng sau khi ông tỉnh lại, họ đã đưa ông đi ngay.

Cảnh sát lái xe đưa ông thẳng tới một trại lao động, nhưng ông bị từ chối tiếp nhận vì sức khỏe không đạt. Trần Hy Long đã lợi dụng các mối quan hệ của mình để giam giữ ông Diêm thêm 37 ngày (so với mức luật định) tại một đồn cảnh sát, sau đó lại đưa ông vào một trại lao động để thụ án ba năm.

Con trai và hai con gái của ông Diêm đã đến Văn phòng An ninh Nội địa để hỏi về cha họ và đòi trả lại 30.000 Nhân dân tệ đã bị tịch thu năm 2005. Tống Vỹ và Lý Ngọc Hữu đã đánh đập và chửi rủa ba người họ. Con gái út của ông Diêm bị thương ở xương đòn, trước đó, cô đã bị cảnh sát làm bị thương khi cô bị bắt vào năm 2005.

Lý hét lên: “Chúng tôi quyết định 30.000 Nhân dân tệ sẽ thuộc về ai. Nếu các người còn ép tôi nữa, tôi sẽ không bao giờ trả lại số tiền này!” Hiện vẫn chưa rõ liệu số tiền đó đã được trả lại hay chưa.

Bị kết án 18 tháng lao động cưỡng bức vào năm 2012

Ngày 7 tháng 11 năm 2012, Tiết Hạo của Sở Cảnh sát Bắc Giao dẫn đầu một nhóm cảnh sát tới bắt giữ ông Diêm. Ông ta gào lên: “Ngay dì và chị dâu tôi mà tôi cũng đưa vào các trại lao động vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông nghĩ tôi ngại gì mà không bắt ông lao động cưỡng bức chứ?”

Bài viết có liên quan bằng tiếng Anh:

Ông Diêm và người nhà ở huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông bị bức hại thời gian dài

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/3/463753.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/11/210751.html

Đăng ngày 30-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share