Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-06-2023] Tâm oán hận là một chấp trước đặc biệt nguy hại đối với người tu luyện—một chấp trước mà người tu luyện phải tu bỏ.

Tâm oán hận có thể biểu hiện rõ ràng hoặc che dấu. Mức độ oán hận thay đổi theo thời gian và từ người này sang người khác. Nó có thể một mình bộc phát gây ra phiền phức, hoặc kết hợp các chấp trước khác khuấy đảo tâm trí chúng ta. Oán hận là điều tối kỵ đối với các đệ tử Đại Pháp, cũng là một chấp trước phổ biến và ngoan cố cần phải được nhận ra và trừ bỏ.

Tôi đã đọc các bài viết và thể ngộ của các đồng tu trên Minh Huệ Net về tâm oán hận và muốn chia sẻ một chút thể ngộ của bản thân cùng các đồng tu.

Gốc rễ của tâm oán hận

Sư phụ đã giảng:

“Nhưng sản sinh ra nhiều thể sinh mệnh rồi; thì cũng phát sinh quan hệ xã hội [trong] quần thể. Trong đó có một số người có thể tăng thêm tư tâm; tầng của họ dần dần rất chậm hạ thấp xuống” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi ngộ được rằng tâm oán hận xuất phát trực tiếp từ đặc tính “vị tư“ của cựu vũ trụ. Chủng tâm thái này thì cả người luyện công và người không luyện công đều có.

Tôi cũng ngộ rằng một khi một sinh mệnh nảy sinh tâm thái vị tư (oán hận), họ sẽ bắt đầu rớt xuống, bất luận cảnh giới của họ cao đến đâu. Họ sẽ tiếp tục rớt xuống nếu cứ để tâm vị tư (oán hận) tiếp tục tăng trưởng.

Tâm lý vị tư/oán hận này biểu hiệu mạnh mẽ ở những người sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, do ảnh hưởng của văn hoá Đảng, vốn “do hận và các loại vật chất bại hoại ở tầng thấp vũ trụ cấu thành”. “Thù hận“ là nhân tố cốt lõi trong triết học “đấu tranh” của chính quyền cộng sản.

Do tà linh cộng sản thao túng mà người Trung Quốc ngày càng nảy sinh tâm oán hận mạnh mẽ, khiến họ không ngừng tranh đấu với nhau để đạt được danh, lợi và quyền lực.

Đan xen cùng các chấp trước khác

Tâm oán hận không tồn tại một mình. Nó có quan hệ chặt chẽ với tâm đố kỵ, tật đố, trách cứ, thù hận, cảm thấy bất công, coi thường người khác, háo thắng, và “tự cao tự đại“.

Lấy bản thân tôi làm ví dụ. Khi bị người khác chọc tức, tôi thấy nhiều chấp trước như thế xuất hiện cùng lúc. Tôi không thể xác định cái nào là nguyên nhân chính hoặc nó đến từ đâu.

Phân tích sâu hơn, tôi nhận ra tâm oán hận có nhiều mức độ và cường độ. Những than phiền và cằn nhằn nhỏ nhặt là biểu hiện chính của tâm oán hận. Bất cứ điều gì tôi không thích ở người khác, có thể sẽ khiến tôi nghĩ: “Tại sao anh ấy bất cẩn và liều lĩnh như vậy?”

Đây rõ ràng là biểu hiện của tâm oán hận. Nếu tôi để nó phát triển, nó sẽ nhanh chóng trở thành tâm tranh đấu. Điều này có quan hệ chặt chẽ với triết lý đấu tranh của Đảng. Ảnh hưởng bởi triết lý này, một cá nhân sẽ không cho phép ai chỉ ra thiếu sót của họ và họ sẽ cho rằng mình đang bị đối xử bất công, dẫn đến những gián cách không thể hoá giải giữa các học viên. Tất cả điều này gây ra bất lợi cho sự hoà hợp tổng thể của cả nhóm.

Chuyển đổi tâm thái “bị hại”

Tác hại nghiêm trọng nhất của tâm oán hận là ngăn trở người ta khởi tâm từ bi. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với đệ tử Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“từ nay trở đi chư vị làm các việc thì trước hết phải nghĩ đến người khác, tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã” (Phật tính vô lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Một câu hỏi cấp thiết dành cho tất cả học viên bị bức hại ở Trung Quốc là mối quan hệ của chúng ta với những thủ phạm hành ác là gì. Một số học viên nói rằng chúng ta không nên xem bản thân mình là “người bị hại“ và cảnh sát là “kẻ bức hại”, mà chúng ta đến đây là để “cứu họ“ và họ là những người “được cứu”.

Nếu như có thể tu bỏ tâm oán hận, chúng ta mới có thể mở rộng dung lượng tâm, chuyển biến thái độ với những kẻ hành ác. Với cơ sở vững chắc được lập trong Pháp, chúng ta sẽ không có ác cảm hoặc căm ghét đối với những kẻ hành ác mà sẽ tu xuất ra tâm đại Thiện để cứu họ vì họ mới là những người gặp nguy hiểm thực sự.

Loại bỏ tâm oán hận

Làm sao để loại bỏ tâm oán hận? Chúng ta nên chú ý đến nhất tư nhất niệm của chính mình. Tâm oán hận thường theo sau quá trình có thể đoán trước được. Biểu hiện lúc đầu là mất kiên nhẫn, khó chịu, buồn phiền, vốn không phải là tâm thái đúng đắn của người luyện công. Tiếp theo, oán hận có thể xuất hiện cùng các chủng chấp trước khác. Mỗi khi nhận thấy có tâm chấp trước liên quan đến oán hận, đó là lời nhắc nhở chúng ta cần kịp thời phủ nhận, bài trừ nó.

Chúng ta cũng nên chủ động loại bỏ niệm đầu hoặc tư tưởng nào đi chệch khỏi Pháp, thường xuyên thanh lý trường không gian và tư tưởng bất hảo của bản thân trong lúc phát chính niệm.

Tiếp đến, chúng ta nên tăng cường chủ ý thức, không nên dễ dàng bị tác động bởi hành xử của những người xung quanh, quan niệm hậu thiên hoặc can nhiễu từ các không gian khác. Một khi chúng ta xử lý mọi việc dựa trên chính niệm, tâm oán hận sẽ bị loại trừ.

Điều cuối cùng và cũng là then chốt nhất chính là học Pháp cho tốt. Bởi vì:

“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ hết thảy lời dối trá, Pháp có thể kiên định chính niệm.” (Bài trừ can nhiễu, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Ghi chú của ban biên tập: Bài viết này thể hiện nhận thức cá nhân của tác giả ở trạng thái tu luyện hiện tại, xin chia sẻ cùng quý đồng tu để chúng ta “Tỉ học tỉ tu” (“Thực Tu, Hồng Ngâm”).

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/26/462223.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/16/210333.html

Đăng ngày 08-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share