Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Mỹ

[MINH HUỆ 26-04-2023] Tôi là sinh viên năm nhất chuyên ngành khoa học dữ liệu tại Đại học Phi Thiên Middletown. Hôm nay tôi muốn chia sẻ ngắn gọn kinh nghiệm của bản thân trước và sau khi vào đại học.

Đến Đại học Phi Thiên

Trước khi đến Đại học Phi Thiên, tôi là một sinh viên múa tại Học viện nghệ thuật Phương Bắc. Là sinh viên cuối cấp, tôi không cao hơn nhiều so với hồi học lớp 6. Ngoài chiều cao, tôi không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của một vũ công về kỹ thuật, sự uyển chuyển, nhảy xoay hoặc thậm chí là các động tác. Tôi đã bỏ học violon từ năm học lớp 7, do đó tôi biết cơ hội vào được Đại học Phi Thiên là rất mong manh. Cũng giống như những người khác, tôi muốn theo học một trường đại học danh tiếng trong người thường. Lý do tôi chuyển học cấp ba từ trường Phi Thiên ở Đài Loan sang Học viện Phương Bắc ở Mỹ là bởi vì tôi có kế hoạch dự phòng để theo học một trường đại học ở Mỹ.

Mặc dù tôi muốn vào một trường đại học danh tiếng, nhưng điểm số của tôi không được như mong muốn. Sau rất nhiều năm ở Đài Loan, tiếng Anh của tôi đi xuống khá nhiều. Ngoài ra, khi tôi ở Học viện Phi Thiên tại Đài Loan, tôi ít chú ý đến các môn học, vì vậy tôi không có một nền tảng tốt (để học các khóa học khó). Tôi đã nộp đơn vào sáu hay bảy trường đại học với thứ hạng và điểm kiểm tra trung bình của tôi, và chỉ được nhận vào ba trường đại học, một trong số đó là Đại học Phi Thiên. Hai trường đại học kia cấp học bổng rất hấp dẫn, và tôi chỉ cần một vài nghìn đô la để trang trải tiền học phí và thuê nhà. Một trường thậm chí còn đề nghị cấp bằng danh dự. Mặc dù những trường đại học này chỉ được đánh giá là trung bình hoặc trên trung bình một chút, nhưng so với hiểu biết của tôi về Đại học Phi Thiên, những trường đó ít nhất dường như cũng là những lựa chọn an toàn hơn.

Khi đó, tôi đang ở với một giáo sư đại học, người đã hỏi tôi từ khi tôi còn học trung học rằng liệu tôi có muốn đến học ở Đại học Phi Thiên không. Trên đường chúng tôi về nhà, ông ấy thường chia sẻ quan điểm và hiểu biết của ông với tôi. Ví dụ, ông nói: “Đại học Phi Thiên là trường do Sư phụ khởi tạo, có nghĩa là nó là một hạng mục. Nếu em học tốt trong trường, nó là một cách khác để chứng thực Pháp.” Ông ấy cũng đề cập đến việc trường học của người thường hiện nay hỗn loạn ra sao, và các sinh viên thường dính líu đến ma túy, tình dục, v.v… “Tại sao em muốn vào một trường đại học không có danh tiếng?” Ông ấy cũng lưu ý rằng Đại học Phi Thiên rất nhỏ, vì vậy các giáo viên sẽ có thể hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp cho học sinh nhiều hơn so với các trường đại học khác. Ông ấy đã đưa ra rất nhiều lý do rất thuyết phục, và tôi đồng ý với hầu hết những gì ông ấy nói. Tuy nhiên, khi phải lựa chọn, tôi vẫn do dự.

Đầu tiên, tôi tự hỏi bản thân mục đích vào đại học là gì. Theo tôi, đại học chỉ là để tìm hiểu một số thông tin, chuẩn bị cho công việc, và kết bạn-chỉ có vậy thôi. Từ quan điểm này, bởi vì tôi không có kinh nghiệm về trường đại học, tôi vẫn còn một số quan ngại về khả năng giảng dạy của Đại học Phi Thiên. Tôi lo ngại việc tôi sẽ có thể tìm được một công việc tốt hay không với mức độ danh tiếng và được công nhận của Đại học Phi Thiên trong xã hội. Và tôi đã biết nhiều sinh viên ở đó, do vậy chẳng phải điều đó có chút nhàm chán sao? Tuy nhiên dù mục đích học đại học là gì thì tôi cũng tự hỏi bản thân: “Điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình là gì?”

Sư phụ giảng:

“Tôi có thể nói cho mọi người rằng, những việc làm để đạt mục đích cá nhân, để thỏa mãn ham mê, dục vọng, đó chính là chấp trước; còn làm những việc vị công, vì đại chúng, vì người khác, hoặc nỗ lực làm tốt công tác và bài tập lại là điều nên làm.” (Giải đáp thắc mắc tại giảng Pháp ở Quảng Châu–Chuyển Pháp Luân Pháp giải)

Tôi biết nó không phải là chấp trước khi muốn có một công việc tốt, nhưng sự thực là tôi có chút chấp trước vào các trường hàng đầu. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, tôi biết rằng không có gì quan trọng hơn là tu luyện và làm tốt ba việc. Tôi đọc các cuộc phỏng vấn trực tuyến với các sinh viên đến từ các trường hàng đầu. Một số trường đại học tổ chức cái gọi là cuộc chạy đua khỏa thân (chạy khỏa thân), và các trường khác thì tổ chức các hoạt động không phù hợp với các giá trị đạo đức truyền thống. Tôi chẳng có lý do chính đáng nào để tới những nơi đó. Tuy nhiên một lần nữa, ngay cả khi tôi tới những trường này, điều đó không có nghĩa là tôi sẽ phải tham gia vào các hoạt động của họ. Và chẳng phải việc thành lập một câu lạc bộ Pháp Luân Đại Pháp ở một trường đại học cũng là một cơ hội để chứng thực Pháp sao? Những cuộc độc thoại kiểu như vậy cứ diễn ra trong tâm trí tôi, và sự mông lung của tôi tăng lên mỗi ngày.

Mặc dù tôi cố gắng đánh giá các lý do theo Pháp, nhưng tôi vẫn không chắc chắn về quyết định này. Cuối cùng, khi đến lúc phải ra quyết định, tôi đã quyết định tới Đại học Phi Thiên, theo trực giác mách bảo và mong muốn có một môi trường tu luyện tốt trong trường đại học.

Tuy nhiên sau đó một vấn đề đã phát sinh, bởi vì mẹ tôi là người trả học phí. Ban đầu, bà không thay đổi ý định, dù tôi có nói gì. Trong vài tuần, tôi và mẹ đã có ba cuộc trò chuyện qua điện thoại mà đều kết thúc trong tranh luận, không đạt được thống nhất. Lúc đó, tôi nghĩ quan điểm và lập luận của mình khá rõ ràng, do đó tôi không hiểu tại sao mẹ lại như vậy.

Khi mọi việc đi vào bế tắc, tôi biết rằng mình nên hướng nội. Trên thực tế, tu luyện luôn là việc của bản thân tôi, và không ai khác có thể thay thế hoặc ép buộc tôi tu luyện. Mặc dù môi trường tu luyện có thể có một số ảnh hưởng đối với một người, nhưng một khối vàng vĩnh viễn là vàng dù ở nơi nào. Tôi muốn sử dụng môi trường tu luyện tại Đại học Phi Thiên để che đậy việc tu luyện kém cỏi của mình và tìm đường tắt trong tu luyện. Nếu xuất phát điểm của tôi không đúng, vậy thì dĩ nhiên sẽ có vấn đề. Sau khi nhận ra điều này, tôi đã cố gắng buông bỏ lo ngại rằng tôi sẽ không thể tu luyện tốt trong môi trường kém nghiêm khắc hơn.

Tôi biết rằng tôi không nên bị ám ảnh bởi nơi tôi sẽ đến. Thay vào đó, sau khi làm rõ quan điểm của tôi với bố mẹ, tôi nên nghe mọi an bài của Sư phụ và thuận theo tiến trình. Ngay cả khi tôi nghĩ tôi đang làm đúng, tôi vẫn nên nói chuyện một cách ôn hòa và lý trí.

Tôi biết rằng khi tôi trình bày quan điểm của mình với mẹ, tôi đã không làm vậy với sự từ bi vị tha. Tôi nhìn mọi thứ chỉ từ quan điểm của bản thân và không quan tâm tới lo lắng của mẹ tôi về chi phí. Sau khi hướng nội, tôi đã buông bỏ hầu hết những lo lắng và băn khoăn của mình. Chắc chắn rồi, mọi thứ đã thay đổi tốt hơn.

Lần thứ tư tôi nói chuyện với mẹ trên điện thoại, mẹ nói với tôi rằng bà có một giấc mơ vào đêm trước, chi tiết thì tôi không thể nhớ, nhưng sau đó mẹ đã bình tĩnh đồng ý với quyết định vào Đại học Phi Thiên của tôi.

Nhìn lại quá trình này, tôi nghĩ điều quan trọng nhất không phải là kết quả mà là quá trình.

Tôi đã học được từ sự việc này là dù quan điểm của một người dường như hoàn toàn đúng đắn, dù lý do của người đó thuyết phục đến mấy, và dù bị hiểu lầm tới mức nào, người này luôn nên thể hiện bản thân bằng sự tử tế và từ bi. Nếu người khác không lắng nghe chúng ta hoặc thậm chí hiểu sai chúng ta tới mức tranh cãi hoặc bắt đầu gây gổ, chúng ta vẫn nên trước tiên là hướng nội để xem liệu chúng ta có điều gì sai không. Nếu chúng ta không có vấn đề, vậy thì tâm chúng ta có bị động trong quá trình hay không?

Chúng ta cần buông bỏ và chú ý đến dù chỉ 0,001% chấp trước hoặc một chút ích kỷ. Chỉ khi chúng ta bất động tâm khi đối mặt với những hiểu lầm, chúng ta mới có thể đủ tiêu chuẩn để vượt qua khảo nghiệm tâm tính.

Sự phụ thuộc vào môi trường

Khi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng nghe tin đồn rằng một đồng tu trẻ nào đó đã dừng tu luyện và trở nên tệ đi. Tôi sẽ băn khoăn liệu tôi lớn lên có trở nên giống như họ và dừng tu luyện hoặc trở nên tồi tệ hơn cả người thường hay không. Trước đây, tôi có thể giữ trạng thái tu luyện ở mức tiêu chuẩn tương đối chấp nhận được. Tuy nhiên sau khi vào đại học, tôi nhận ra rằng sự tu luyện trước đây của tôi hoàn toàn không vững chắc.

Trạng thái tu luyện của một người không phải để phô trương cũng không phải để phô diễn do áp lực bên ngoài, hoàn cảnh, v.v… Tôi phát hiện ra rằng sau khi tôi rời khỏi môi trường tu luyện nhóm, trạng thái tu luyện của tôi rất tồi tệ. Mỗi giờ trong trường cấp 3 cảm thấy như được lập trình, và tôi chỉ phải làm những việc lặp đi lặp lại như các bộ phận của một cỗ máy. Bây giờ khi tôi đã vào đại học, tôi có ít thời gian trên lớp hơn, nhưng bài tập về nhà của tôi ngày càng khó hơn và thường mất nhiều thời gian hơn. Ngoài giờ học trên lớp, cách tôi thu xếp và cân bằng giữa việc học, các hạng mục Đại Pháp, tu luyện và nhiều khía cạnh khác đã trở thành một khảo nghiệm lớn với tôi.

Tôi đã làm rất tệ về mặt quản lý thời gian, và trong nhiều trường hợp tôi không đặt ba việc làm ưu tiên hàng đầu. Tôi bối rối vì tôi muốn làm tốt, nhưng tôi sẽ luôn làm sai kế hoạch và lãng phí thời gian. Tôi đã cố gắng hướng nội để tìm lý do tại sao, và tôi hiểu rằng trạng thái tu luyện mà tôi đã từng có đôi khi là kết quả của chấp trước vào thể diện. Có lẽ tôi không có ý khiến mọi người nghĩ rằng tôi vô cùng tinh tấn, nhưng tôi cũng không muốn mọi người coi tôi như một học viên không tinh tấn, bởi vì tôi sợ rằng họ sẽ nghĩ tiêu cực về tôi. Đó là ích kỷ và không thực tu; là tu luyện vì người khác.

Ngoài ra, tôi không phải theo một thời gian biểu nghiêm ngặt trong trường đại học. Kết quả là, tôi sẽ thường lãng phí thời gian ngủ hoặc lướt Internet. Chấp trước an dật ẩn sâu của tôi đã bị phơi bày, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng làm tốt ba việc của tôi và đôi khi là cả những phương diện khác của tu luyện. Ví dụ, tôi đôi khi trì hoãn việc làm bài tập về nhà cho đến ngày cuối cùng hoặc hiếm dọn dẹp không gian sống của mình.

Trước khi vào đại học, tôi không có điện thoại thông minh hay máy tính riêng và tất cả những gì tôi sử dụng là Chromebook do nhà trường quy định. Bây giờ tôi có thể xem mọi thứ trên Internet, mọi lúc, mọi nơi và không có bất kỳ hạn chế nào.

Khi tôi bắt đầu xem các video trực tuyến, tôi sẽ xem rất lâu và tôi sẽ xem mọi thứ. Đầu não tôi ngày càng chứa đầy những thứ của người thường. Điều này đã ảnh hưởng một cách tinh vi đến việc tôi phát chính niệm, học Pháp, và luyện công vì nó trở nên khó khăn hơn để thanh tỉnh. Tôi sẽ thường nhìn vào điện thoại của mình trước khi đi ngủ, cho dù hôm đó tôi bận rộn thế nào, ngay cả khi tôi chưa hoàn thành xong việc hạng mục hoặc bài tập được giao.

Tất cả những điều này là vấn đề trên bề mặt. Nếu tôi thực sự muốn giải quyết vấn đề, tôi không thể chỉ xử lý các triệu chứng mà không điều trị bệnh. Ban đầu, tôi nghĩ rằng chỉ cần học Pháp nhiều hơn và phát chính niệm nhiều hơn sẽ giải quyết được vấn đề, nhưng tôi chỉ có thể tạm thời duy trì một trạng thái tu luyện tốt hơn. Bất cứ khi nào tôi không thể dành nhiều thời gian cho việc học Pháp hoặc phát chính niệm vì nhiều lý do khác nhau, dường như tôi không thể làm gì được. Đôi khi tôi có những suy nghĩ về việc không muốn học Pháp, và thậm chí tôi muốn sử dụng chính niệm để phủ nhận chúng, nhưng không phải lúc nào nó cũng hiệu quả và và tôi không biết mình bị mắc kẹt ở đâu.

Thể ngộ cá nhân của tôi là chính niệm đến từ nền tảng học Pháp vững chắc, do đó lý do tôi không có chính niệm để đột phá là bởi vì tôi không thực sự đắc Pháp. Sau khi hướng nội, tôi kết luận rằng, ngoài việc học Pháp không đủ, còn có hai nhân tố khác. Đầu tiên là tôi có quá nhiều suy nghĩ người thường trong đầu, khiến tôi bị phân tán trong khi học Pháp.

Nguyên nhân thứ hai là động lực tu luyện của tôi. Nếu tôi có những niệm và ý định bất thuần khi tôi học Pháp, Thần Phật sẽ không triển hiện nội hàm của Pháp cho tôi.

Tất cả chúng ta có thể có những nhận thức khác nhau về lý do tại sao chúng ta nên học Pháp, chẳng hạn như: học Pháp là một phần không thể tách rời trong tu luyện, hoặc học Pháp là một trong ba việc mà Sư phụ muốn chúng ta làm, hoặc học Pháp là cách duy nhất để bảo trì trạng thái tu luyện của chúng ta để chúng ta có thể cứu người. Tuy nhiên khi tôi cố gắng chất vấn bản thân lý do tại sao tôi muốn học Pháp, tôi thấy rằng những câu trả lời tôi đưa ra đều rất hời hợt. Trên thực tế, tôi thậm chí không biết vì sao tôi học Pháp. Do đó sau đó tôi đã tự hỏi mình: “Tại sao tôi muốn tu luyện? Lý do mà tôi muốn tu luyện là gì?”

Học cách chân tu

Khi tôi còn nhỏ, tôi chỉ theo bố mẹ và làm một cách máy móc, và hầu như tôi không hiểu mình đang làm gì. Sau đó, khi tôi cảm thấy lạc lõng trong xã hội người thường và muốn thay đổi hoàn cảnh của mình, tôi trở nên quyết tâm tu luyện. Từ phương diện này, tôi đã không thay đổi những lý do căn bản cho việc muốn tu luyện. Tôi chỉ đang tu luyện để đắc lợi ích và cải thiện đạo đức của mình. Tôi chỉ muốn làm một người tốt, bỏ đi những thiếu sót của mình để người khác có thể chấp nhận tôi và không ghét tôi. Tôi chỉ muốn có mục đích để sống, và tôi đến với Đại Pháp với một tâm bất thuần, do đó tôi không đắc được gì cả.

Nếu tôi hiểu rằng mục đích tu luyện căn bản của tôi là không phù hợp, vậy thì mục đích của tôi nên là gì? Tôi có thể đưa ra cái mà tôi gọi là một câu trả lời tiêu chuẩn, chẳng hạn như mục đích của tu luyện là trở về với chân ngã của chúng ta và cứu chúng sinh đồng thời trợ Sư chính Pháp. Tuy nhiên, tôi không thể chỉ thay đổi suy nghĩ của mình bằng cách nói như vậy. Làm cách nào tôi có thể thay đổi mục đích tu luyện căn bản của mình?

Sau khi nói chuyện với một học viên trạc tuổi tôi, anh ấy cũng bày tỏ sự mơ hồ của mình về vấn đề này. Sau đó, một ngày khi tôi đang học Pháp, tôi đột nhiên hiểu ra. Tôi nhận ra rằng tu luyện không phải cưỡng ép thay đổi suy nghĩ của chúng ta, cũng không phải là chỉ thanh trừ một cách máy móc những niệm xấu, nghiệp tư tưởng, hoặc những quan niệm. Nó là việc hướng nội và tìm ra tận gốc rễ của vấn đề, động cơ ban đầu, nguyên nhân của những chấp trước khác, và sau đó buông bỏ chấp trước căn bản. Tôi không cần nghĩ đến những động lực khác để tu luyện và ép mình tin vào chúng, bởi vì điều đó là giả tạo. Hơn nữa, tôi không thể ép bản thân tin tưởng vào Sư phụ hoàn toàn trong mọi thời điểm, bởi vì điều đó không chân. Điều tôi cần không phải là một sự thay thế, cũng không phải là khiến tôi cần phải ép bất kỳ câu trả lời nào gọi là “đúng” lên bản thân. Điều tôi cần làm là buông bỏ những động cơ tu luyện không đúng, chấp trước vào bản thân, và chấp trước vào suy nghĩ và ý kiến của người khác về mình.

Thông qua hướng nội, tôi cũng đã hiểu ra lý do tôi không thể thay đổi nhiều vấn đề của mình và lý do tại sao tôi không thể buông bỏ chấp trước của mình. Tôi chỉ đang cố gắng kiểm soát bản thân một cách hời hợt, như thể tôi đang sử dụng pháp luật để kiểm soát từng suy nghĩ và hành vi không đúng, thay vì thực sự thay đổi từ bên trong và thực sự buông bỏ những thứ dơ bẩn đó. Cái gọi là tu luyện của tôi chẳng phải như một kiểu thực thi pháp luật khác mà tôi đã tự áp dụng lên bản thân mình sao? Trong tu luyện, chúng ta không nên truy cầu kết quả. Chúng ta nên là vô sở cầu nhi tự đắc.

Ngay cả sau khi tôi hiểu ra tất cả những điều này, vẫn còn rất nhiều cơ hội để đề cao trong tu luyện và trong việc làm ba việc một cách kiên trì. Đôi khi tôi có thể giữ được tâm tĩnh khi học Pháp, nhưng tôi thường không thể làm được. Tôi xấu hổ khi nói rằng tôi còn xa mới đạt được cả chất lượng lẫn số lượng trong luyện công và phát chính niệm. Đôi khi, ngay cả khi tôi làm ba việc, cũng không có kết quả bởi vì tôi chỉ đang ngủ mơ. Đôi khi, tôi cảm thấy rằng tôi có thể giữ chính niệm trong khi làm các hạng mục, nhưng hầu hết thời gian nó giống như tôi đang làm một công việc theo thói quen.

Ngoài ra, vẫn có nhiều việc nhỏ mà tôi cần chú ý, chẳng hạn như vệ sinh cá nhân, quản lý thời gian, tu khẩu, cũng như nhiều phương diện khác. Tôi cũng có nhiều chấp trước, chẳng hạn như chấp vào thể diện, sắc dục, công việc, và nhiều chấp trước khác mà tôi vẫn chưa thanh trừ được, do vậy thể ngộ của tôi là hữu hạn và chỉ để tham khảo.

Tôi hy vọng rằng trong tương lai tôi có thể loại bỏ được những chấp trước hậu thiên đó, những chấp trước đã ngăn cản chân ngã của tôi tiếp tục đề cao trong Pháp và tiếp tục đề cao trong tu luyện để tôi có thể trở thành một đệ tử Đại Pháp chân chính trong thời kỳ Chính Pháp.

Nếu tôi nói điều gì không phù hợp, xin vui lòng chỉ ra.

(Bài viết trong Pháp hội chia sẻ tâm đắc thể hội Pháp Luân Đại Pháp ở trường Đại học Phi Thiên Middletown năm 2023).

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org //). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/26/459171.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/4/208362.html

Đăng ngày 23-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share